Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 19 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021 - 2022 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (NĂNG LỰC ĐÁP ỨNG ĐẾN 100.000 LIỀU/NGÀY)

I. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Luật Dược ngày 06/4/2016;

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về việc quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01 /7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Y tế số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022; số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

Căn cứ Công văn số 165/DP-TC ngày 02/3/2021 của Cục Y tế Dự phòng về việc rà soát, thống kê đối tượng tiêm vắc xin COVID-19;

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung: Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021.

- Trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I/2022.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

2. Yêu cầu

Công khai, minh bạch danh sách đối tượng tiêm theo đúng hướng dẫn trong các văn bản của Chính phủ và của Bộ Y tế, tạo được sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong quá trình triển khai.

Danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải được Ban Chỉ đạo cấp quận/huyện, cấp xã/phường/thị trấn, đơn vị phê duyệt.

Đảm bảo đáp ứng năng lực tiêm vắc xin đến 100.000 liều/ngày.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Nguyên tắc

- Triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên địa bàn thành phố.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Đối tượng tiêm

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân).

b) Người tham gia phòng, chống dịch (thành viên BCĐ phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên,...).

c) Lực lượng quân đội.

d) Lực lượng công an.

đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.

h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

i) Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi.

k) Người sinh sống tại các vùng có dịch.

l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.

o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.

p) Người lao động tự do.

q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

Tổng số đối tượng trên địa bàn thành phố khoảng 1,58 triệu người trưởng thành trên 18 tuổi.

IV. THỜI GIAN, PHƯƠNG THỨC, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC TIÊM

1. Thời gian triển khai

Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

2. Hình thức triển khai

- Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

- Triển khai đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn của 15 quận, huyện.

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có (bao gồm cả các cơ sở tiêm chủng tại các bệnh viện trong ngành, bệnh viện tư nhân, bệnh viện Bộ ngành).

- Huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tham gia tổ chức tiêm chủng.

- Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện là đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn.

Bảng 1. Năng lực đáp ứng tiêm vắc xin COVID-19

STT

Đơn vị
(UBND quận/huyện)

Số điểm tiêm chủng mở rộng hiện có

Số bàn tiêm đáp ứng hiện nay

Đảm bảo số liều/ngày

Số bàn tiêm (giao thực hiện)

Đảm bảo số liều/ngày

1

Hồng Bàng

10

10

2.000

15

3.000

2

Ngô Quyền

14

14

2.800

20

4.000

3

Lê Chân

16

16

3.200

20

4.000

4

Hải An

9

9

1.800

13

2.600

5

Kiến An

11

11

2.200

15

3.000

6

Đồ Sơn

7

7

1.400

9

1.800

7

Dương Kinh

6

6

1.200

8

1.600

8

Thủy Nguyên

38

38

7.600

45

9.000

9

An Dương

16

16

3.200

20

4.000

10

An Lão

18

18

3.600

23

4.600

11

Kiến Thụy

19

19

3.800

22

4.400

12

Tiên Lãng

22

22

4.400

25

5.000

13

Vĩnh Bảo

31

31

6.200

36

7.200

14

Cát Hải

14

14

2.800

14

2.800

15

Bạch Long Vĩ

1

1

200

1

200

16

Các BV tuyến thành phố, BV tư nhân, Bv Bộ, ngành và đơn vị tiêm chủng khác khác

40

40

8.000

214

42.800

Tổng

272

272

54.400

500

100.000

3. Địa điểm tiêm

Tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng tại các bệnh viện, tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng lưu động.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Tập huấn chuyên môn

Tiếp tục tổ chức tập huấn đào tạo chuyên môn hướng dẫn tiêm vắc xin COVID-19, cập nhật chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế cho toàn bộ cán bộ y tế các đơn vị y tế đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng triển khai tiêm chủng diện rộng, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đấy.

2. Rà soát đối tượng

Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện chỉ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể; các tổ dân phố trên địa bàn chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cam kết đối tượng tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP và những đối tượng theo kế hoạch này.

3. Tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố sẵn sàng cơ sở, vật chất để tiếp nhận, theo dõi, bảo quản và phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho các đơn vị triển khai Chiến dịch theo đúng quy định.

4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Các điểm tiêm chủng thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng thực hiện theo Điều 14, 15, 16 Chương IV của Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động của tiêm chủng. Kiểm tra giám sát, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo Công văn số 1873/BYT ngày 20/3/2021 của Bộ Y tế.

- Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan, đồng thời nghiêm túc thực hiện theo Công văn số 102/MT-YT ngày 4/3/2021 của Cục Quản lý môi trường Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVD-19.

5. Công tác truyền thông

- Tuyên truyền Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 16/02/2021 của Chính Phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước.

- Cung cấp chính xác, kịp thời thông tin đến người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp, các cơ quan y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch về diễn biến tình hình dịch, quá trình nghiên cứu, phát triển và sử dụng vắc xin COVID-19 trên thế giới, tại Việt Nam.

- Tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của nhân viên y tế trong việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Huy động sự ủng hộ, tham gia, hỗ trợ nguồn lực của người dân và cộng đồng xã hội trong quá trình triển khai tiêm vắc xin, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch tiêm.

6. Công tác kiểm tra, giám sát

- Công tác giám sát được thực hiện ở tất cả các tuyến, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hỗ trợ tại địa phương, kể cả trước, trong và sau buổi tiêm chủng.

- Tổ chức giám sát thường xuyên các hoạt động chuyên môn: công tác phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai; tuyên truyền; tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng; đảm bảo an toàn tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin...

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí Trung ương.

- Kinh phí địa phương:

Nguồn dự phòng ngân sách địa phương.

Quỹ dự trữ tài chính cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Y tế

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến về việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo.

- Lập dự toán kinh phí tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID- 19 đảm bảo hiệu quả, an toàn.

- Chuẩn bị các phương án sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.

- Tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố kết quả triển khai.

2. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.

3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố

Phối hợp cùng Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, điều phối, phân bổ vắc xin; tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Huy động lực lượng tham gia hỗ trợ các điểm tiêm khi được yêu cầu.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan

- Phổ biến, quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19.

- Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên trong ngành, đoàn thể hiểu biết về lợi ích, hiệu quả của chiến dịch để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho cộng đồng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố, Báo Hải Phòng

Thực hiện công tác truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19. Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác truyền thông.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của quận, huyện.

- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với địa phương, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng yêu cầu tại Bảng 1. Năng lực đáp ứng tiêm vắc xin COVID-19 được Ủy ban nhân dân thành phố giao thực hiện và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai khai các hoạt động tập huấn, điều tra đối tượng, khám sàng lọc xong trước ngày 25/7/2021 và tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn khi được Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ vắc xin.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19, theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm.

- Bảo đảm nguồn kinh phí triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo phân cấp ngân sách.

- Đối với các quận, huyện có Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy Ban Quản lý khu kinh tế phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương, điều tra đối tượng, khám sàng lọc xong trước ngày 25/7/2021.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID- 19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Năng lực đáp ứng đến 100.000 liều/ngày); yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- VPUB: CVP, PCVP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của TP;
- UBND quận, huyện;
- TTKSBT TP;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 172/KH-UBND năm 2021 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn thành phố Hải Phòng (năng lực đáp ứng đến 100.000 liều/ngày)

  • Số hiệu: 172/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/07/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản