Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1699/KH-UBND

Bình Dương, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG, NGÀY 01/11/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TRONG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC, TIẾP CẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CHO THIẾU NHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh về vai trò của sách, việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi. Đảm bảo điều kiện được tiếp cận và hưởng thụ thông tin, tri thức, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

2. Yêu cầu

Các cấp, các ngành bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 và tình hình thực tế của ngành, địa phương để xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình, kế hoạch cụ thể về đảm bảo đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh; Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Tiếp tục xây dựng nhiều hình thức đổi mới trong tổ chức và hoạt động, triển khai các mô hình phù hợp, có hiệu quả trong việc tạo lập thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho người dùng tin, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi.

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện; Đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thực hiện, đưa nội dung về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi vào chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa trong cộng đồng tại địa phương và các đơn vị.

Rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi đồng bộ, thống nhất các văn bản pháp quy và các giải pháp chuyên môn trong triển khai thực hiện.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Tiếp tục tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi qua nhiều nội dung và hình thức.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, hội, đội, câu lạc bộ và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội... trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tại gia đình, nơi học tập, nơi làm việc và cộng đồng; vận dụng các hình thức thông tin, tuyên truyền một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế từng thời kỳ, từng nơi và đạt hiệu quả cao.

Duy trì các hoạt động hiệu quả, tổ chức các hoạt động mới, hình thức mới, các hội thi, hội diễn, các sự kiện về văn hóa đọc, phát triển kỹ năng đọc sách, báo cho thiếu nhi, học sinh trong địa bàn tỉnh.

3. Về cơ chế, chính sách

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; triển khai và áp dụng các văn bản pháp quy, Luật Thư viện từ đó tạo môi trường thuận lợi để tăng cường công tác tổ chức các hoạt động về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi qua nhiều nội dung và hình thức; xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phù hợp, chú trọng đầu tư về nguồn tài nguyên thông tin dành cho thiếu nhi.

Bảo đảm tài chính cho mọi hoạt động; nâng mức đầu tư ngân sách địa phương cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, các hội thi, cuộc thi về sách... thực hiện chính sách xã hội hóa, tăng cường vận động, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay tham gia phát triển văn hóa đọc trong toàn dân, đặc biệt ưu tiên đối tượng thiếu nhi.

Chú trọng đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng môi trường đọc cho thiếu nhi ở những địa phương vùng xa trong tỉnh, nơi có thiếu nhi người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên thông tin, tài liệu dành cho thiếu nhi.

Tăng cường đầu tư và đầu tư đúng mức cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, nguồn tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi.

4. Thực hiện giải pháp về chuyên môn thư viện nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp chuyên môn về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách mọi nơi dành cho thiếu nhi.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng và tạo môi trường đọc thân thiện, không gian thoải mái, sinh động phù hợp với đặc thù, tâm lý và lứa tuổi. Tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè; bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi.

Tăng cường đầu tư nguồn tài nguyên thông tin dành cho thiếu nhi, xây dựng chính sách bổ sung, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện, chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống. Các loại hình tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Bình Dương phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thư viện, linh hoạt, sáng tạo ra các dịch vụ mới; đẩy mạnh công tác hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, kỹ năng và phương pháp chọn sách, đọc sách, báo phục vụ cho việc học tập và giải trí của thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

Đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm bạn đọc theo chủ đề, các buổi giao lưu, sinh hoạt, giới thiệu sách; duy trì và tăng cường tổ chức các cuộc thi, hội thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách, viết cảm nhận về sách, chọn và biểu dương gương đọc sách, đại sứ văn hóa đọc hàng năm dưới mọi hình thức tổ chức.

Tăng cường công tác tổ chức hoạt động luân chuyển sách, phục vụ xe sách lưu động để đem sách, báo đến các trường học, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng tới đối tượng trẻ em không có điều kiện đến trường, nơi có thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số, các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, lớp học tình thương và những nơi có điều kiện vật chất còn khó khăn, thiếu thốn.

Huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi. Mở rộng sự liên kết, phối hợp với cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội khai thác có hiệu quả các thiết chế cơ sở như: Tủ sách cơ sở, thư viện trong các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách gia đình, dòng họ để phục vụ thiếu nhi, xây dựng mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

5. Đẩy mạnh công tác phối kết hợp

Tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi như:

Sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai hiệu quả hoạt động của thư viện trong nhà trường phù hợp với việc xây dựng và hình thành thói quen, kỹ năng đọc; Tổ chức các mô hình mới như: Thư viện thân thiện, xây dựng tủ sách lớp học, tiết đọc sách, trao đổi sách liên thư viện giữa các trường học với nhau và với thư viện cộng cộng trên địa bàn; triển khai xây dựng các chương trình, tiết học ngoại khóa tại thư viện tỉnh; tổ chức các cuộc thi, hội thi đọc sách. Định kỳ phối hợp tổ chức tập huấn về nghiệp vụ thư viện và các hoạt động phục vụ đọc sách cho nhân viên phụ trách thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh.

Sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách qua đài phát thanh, truyền hình; luân chuyển sách, báo và tổ chức phục vụ tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa của thiếu nhi vùng nông thôn, vùng xa trong tỉnh.

Phối hợp giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh và các sở, ban, ngành khác tổ chức các buổi sinh hoạt đội, nhóm; sinh hoạt hè, tổ chức các sân chơi kết hợp tạo không gian đọc, các hoạt động đọc sách cho hội viên, đội viên, thiếu niên đang sinh hoạt và học tập tại các liên đội trường học, nhà thiếu nhi tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn; chủ trì hoặc phối hợp triển khai các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi.

b) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên cũng như hình thành xu hướng đọc trong thiếu nhi, trọng tâm là nâng cao kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin.

c) Xây dựng khung tài liệu hướng dẫn phù hợp với đặc thù của đối tượng thiếu nhi; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu của thư viện hiện đại và đặc thù của thiếu nhi.

d) Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

đ) Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu việc đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp cho người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là tại vùng nông thôn.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tiếp tục chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng là đối tượng thiếu nhi; bố trí đủ người làm công tác thư viện đạt chuẩn theo quy định.

b) Hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý và khung chương trình giáo dục bao gồm các giờ học ngoại khóa tại thư viện công cộng; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó tập trung nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu và xử lý thông tin cho thiếu nhi, đồng thời đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh việc gắn giáo dục năng lực ngôn ngữ với các năng lực cơ bản như năng lực đọc, năng lực viết; hướng dẫn xây dựng và phát triển các nguồn học liệu mở cho trường học.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan xuất bản, phát hành sách tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi; phối hợp với thư viện trong thực hiện lưu chiểu và trao đổi xuất bản phẩm điện tử, ấn phẩm phục vụ thiếu nhi; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh truyền thông về văn hóa đọc, tăng cường ứng dụng và triển khai nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số trong thư viện.

b) Đề xuất và chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, sàng lọc thông tin, sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ em, nhất là trên nền tảng công nghệ số; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường tuyên truyền và triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em.

4. Các sở, ngành, cơ quan khác

Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, trách nhiệm các nội dung tại mục 5 (phần II) của kế hoạch này; trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp, liên kết, hợp tác để tập trung phát triển văn hóa đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Chỉ đạo cơ sở trực thuộc phát huy văn hóa đọc trong sinh hoạt các chi, tổ hội, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, khuyến khích thành lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng,..

5. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Website tỉnh

Tiếp tục triển khai xây dựng, đổi mới và phổ biến các chương trình, sản phẩm truyền thông về phát triển văn hóa đọc, chuyên mục về sách, trang bị kiến thức, kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin cho thiếu nhi.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Ban hành chương trình, kế hoạch và chỉ đạo để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa đọc, trong đó tập trung phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

b) Kiện toàn, củng cố và phát huy tối đa chức năng, hiệu quả hoạt động của thư viện huyện, xã, trường học; nhất là việc xây dựng thư viện, môi trường văn hóa đọc thân thiện và đạt chuẩn, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; đẩy mạnh thư viện phục vụ lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ thiếu nhi vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

c) Bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định; tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở.

d) Đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

đ) Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

e) Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; từng bước xây dựng và phát triển thư viện, mô hình văn hóa đọc phù hợp với thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc diện hộ nghèo...).

g) Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông thư viện, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, cơ sở dữ liệu số, sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ việc đọc và khai thác thông tin của thiếu nhi trong thư viện.

h) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu của thư viện hiện đại và tính chất đặc thù đối với đối tượng thiếu nhi.

7. Đề nghị

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tham gia thực hiện chính sách, tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng môi trường đọc và phát triển năng lực đọc cho thiếu nhi; chỉ đạo các tổ chức thành viên tham gia hỗ trợ quản lý, vận hành các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở phục vụ thiếu nhi.

b) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các tổ chức đoàn theo thẩm quyền tổ chức các hoạt động hướng dẫn, thực hành kỹ năng tiếp cận thư viện, thư viện số, nguồn tri thức trên các nền tảng công nghệ số cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các không gian đọc, mô hình phát triển văn hóa đọc theo chủ đề trong hệ thống Đoàn, Hội, Đội và trong các thiết chế của hệ thống Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đọc cho thiếu nhi.

8. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển phòng đọc cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng phục vụ thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc và xây dựng xã hội học tập.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện đạt hiệu quả; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo BD, Đài PTTH BD, Website tỉnh;
- LĐVP, Tùng, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1699/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 1699/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 11/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Võ Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản