Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1697/KH-UBND | Phú Thọ, ngày 03 tháng 5 năm 2024 |
Thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành Dược Phú Thọ đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu trong tỉnh; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.
- Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/ năm:
+ Tại tuyến tỉnh đạt thấp nhất là 50%.
+ Tại tuyến huyện đạt thấp nhất là 75%.
- Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP); 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP).
- Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP).
- 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện và tương đương phải tuân thủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định.
- 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/ 100 giường bệnh nội trú và 02 người/ 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày.
- 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Đạt tỷ lệ 5,0 dược sĩ/01 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.
- Khuyến khích phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; ưu tiên, hỗ trợ phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
3. Định hướng đến năm 2045
Hoàn thành xây dựng các nền tảng phát triển ngành Dược tỉnh Phú Thọ tại tỉnh về kiểm nghiệm thuốc, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đảm bảo đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu đặt ra tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
1. Tham mưu hoàn thiện về thể chế, pháp luật
- Rà soát, góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dược liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng, phân phối, sử dụng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Tham gia, đóng góp ý kiến cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành Dược Việt Nam là ngành công nghiệp mũi nhọn.
- Rà soát, xem xét các điều kiện tham mưu, ban hành chính sách ưu tiên liên quan phát triển lĩnh vực Dược tại tỉnh.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền về phát triển ngành Dược tại địa phương; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín của địa phương tham gia các hội nghị, hội thảo, các chương trình tọa đàm, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước về phát triển công nghiệp dược, dược liệu.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các quy định pháp luật về Dược, chính sách khuyến khích phát triển ngành Dược.
- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dược về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dược, hoạt động khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập trong lĩnh vực dược.
- Vận động các nguồn lực nhằm tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức của người hành nghề trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược và nhận thức của người bệnh trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, rõ nguồn gốc và chất lượng.
- Truyền thông về chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý của thuốc sản xuất trong nước, các thông tin về nguồn gốc, tác dụng của dược liệu, nhất là các dược liệu đặc hữu của Việt Nam.
- Tăng cường thông tin, quảng bá về tiềm năng phát triển của tỉnh liên quan tới các hoạt động về dược là cơ sở thu hút đầu tư phát triển ngành dược, dược liệu tại tỉnh.
- Quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Rà soát, khuyến khích việc tổ chức, hoàn thiện hệ thống cung ứng thuốc đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; chú trọng phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ cung ứng thuốc, nhất là các thuốc thiết yếu, thông thường.
- Nâng cấp hệ thống kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm tỉnh, song song với việc đào tạo nhân lực, đảm bảo đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP).
- Quy hoạch vùng phát triển dược liệu và các loài dược liệu phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên từng vùng của tỉnh. Ưu tiên phát triển các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, các loại dược liệu có tiềm năng phát triển.
- Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
4. Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả
- Triển khai có hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
- Triển khai các hoạt động giám sát hiệu quả, an toàn và quản lý nguy cơ liên quan đến thuốc trong quá trình lưu hành sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao công tác giáo dục nhận thức và kiến thức về sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho người bệnh và cộng đồng.
5. Khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh. Chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn về dược, dược liệu (bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và nhập nội, kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao; trong sơ chế, chiết xuất, bào chế và tiêu chuẩn hóa dược liệu và thuốc từ dược liệu. Sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong tỉnh).
- Chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành dược tại tỉnh, ưu tiên lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển, gia công, chuyển giao công nghệ thuốc.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong ngành dược. Ưu tiên một số nhiệm vụ như: Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu, thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát để tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo lộ trình quy định.
- Khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược tại tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả về ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực về dược.
6. Nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực dược
- Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về dược tại địa phương.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
- Tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường, nhất là dược liệu nhập khẩu.
- Tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược.
- Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược liệu). Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu; ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài.
(Dự kiến nhiệm vụ cụ thể tương ứng với các nội dung tại Phụ lục đính kèm).
Đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược gồm: Kinh phí huy động từ nguồn thu sự nghiệp của các cơ quan đơn vị; Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình triển khai, thực hiện kế hoạch.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tổ chức triển khai các công tác tuyên truyền các nội dung và phối hợp cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền các nội dung liên quan Kế hoạch này.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của kế hoạch và phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đề xuất phương án giải quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan tham mưu, bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo quy định.
3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị chủ động phối hợp với Sở Y tế để triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh
Phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện Kế hoạch. Hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, doanh nghiệp chủ động tham gia công tác phát triển công nghiệp dược, dược liệu và hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc trên địa bàn; tham gia cùng Sở Y tế trong việc tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá nhu cầu phát triển ngành Dược trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia đầu tư về dược, dược liệu để góp phần đảm bảo tính chủ động trong cung ứng thuốc tại tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DỰ KIẾN NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TẠI TỈNH PHÚ THỌ
(Kèm theo Kế hoạch số 1697/KH-UBND ngày 03/5/2024 của UBND tỉnh Phú Thọ)
STT | Nội dung | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Dự kiến sản phẩm đạt được | Thời gian hoàn thành | |||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | |||
1 | Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật | |||||||
1.1 | Rà soát, góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dược | Sở Y tế | Các đơn vị có liên quan | Các văn bản góp ý | Theo yêu cầu của cơ quan chủ trì soạn thảo | |||
2 | Thông tin, truyền thông | |||||||
2.1 | Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định pháp luật về Dược, chính sách khuyến khích phát triển ngành dược | Sở Y tế | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; các cơ quan thông tấn, báo chí. | Các hội nghị lồng ghép nội dung tuyên truyền, các bản tin, phóng sự, báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng | Hàng năm | |||
3 | Duy trì và từng bước phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, phát triển dược liệu | |||||||
3.1 | Đề xuất phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu | Sở Y tế | Các sở, ngành có liên quan | Đề xuất phát triển vùng nuôi trồng được phê duyệt | Năm 2024-2030 | |||
3.2 | Khuyến khích nghiên cứu, mở rộng nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Xác định các giống cây dược liệu có tiềm năng phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Thọ. Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO) | Sở Y tế | Các sở, ngành có liên quan; các cơ sở kinh doanh dược | - Các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO). - Danh mục dược liệu có tiềm năng phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh được phê duyệt. | Năm 2024-2030 | |||
4 | Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả | |||||||
4.1 | Triển khai có hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình quy định, cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc | Sở Y tế | Các sở, ngành, đơn vị có liên quan | Báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động dược lâm sàng, cảnh giác dược | Năm 2024 - 2030 | |||
4.2 | Nâng cao công tác giáo dục nhận thức và kiến thức về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý cho người bệnh và cộng đồng | Sở Y tế | Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cơ sở kinh doanh dược, các đơn vị có liên quan | Các hội nghị lồng ghép nội dung tuyên truyền, các bảng tin, phóng sự, báo cáo… | Hàng năm | |||
5 | Khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo | |||||||
5.1 | Triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh | Sở Y tế | Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan đơn vị có liên quan | Các nhiệm vụ khoa học các cấp được phê duyệt triển khai và nghiệm thu | Hàng năm | |||
5.2 | Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành dược tại tỉnh, ưu tiên lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển, gia công, chuyển giao công nghệ thuốc | Sở Y tế | Các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ sở đào tạo | Tỷ lệ dược sĩ được đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành dược | Hàng năm | |||
5.3 | Ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo lộ trình quy định. | Sở Y tế | Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan | Các thủ tục hành chính lĩnh vược dược được thực hiện ở mức độ 4 theo đúng lộ trình quy định. | Năm 2025-2026 | |||
6 | Nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực dược | |||||||
6.1 | Tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường | Sở Y tế | Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, các đơn vị có liên quan | Đánh giá chỉ tiêu lấy mẫu theo quyết định do Sở Y tế giao | Hàng năm | |||
6.2 | Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và phòng chống chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, nguyên liệu làm thuốc | Sở Y tế | Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, các sở ngành, đơn vị có liên quan | Báo cáo kết quả thanh, kiểm tra | Hàng năm | |||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Kế hoạch 1697/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu: 1697/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 03/05/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Hồ Đại Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/05/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra