Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1694/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 07 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 23/2018/TT-BTTTT ngày 28/12/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Công văn số 2092/BTTTT-KHTC ngày 28/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin (CNTT) năm 2020, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

Thực hiện Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước trong tỉnh; Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 23/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo về ứng dụng CNTT của tỉnh và nhiều nội dung đã được thực hiện trong khung Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh tại Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 22/05/2017, bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh quan tâm đầu tư cho CNTT, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Việc ứng dụng CNTT tại tỉnh đang có chiều hướng phát triển. Đến nay, 100% các cơ quan đơn vị đã sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và liên thông văn bản từ tỉnh xuống huyện xuống xã. Tỷ lệ văn bản đi/đến được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 95%, ứng dụng chữ ký số trên môi trường mạng đạt trên 70%. 100% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 2 (1.884 thủ tục), 1.216 thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 108 thủ tục được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Tổng số hồ sơ tiếp nhận qua phần mềm Một cửa điện tử đến tháng 06/2019 đã tiếp nhận và giải quyết 20.143 hồ sơ DVC mức độ 3 và 44.221 hồ sơ DVC mức độ 2, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn trên 96% trên toàn địa phương, số lượng chữ ký số do Ban cơ yếu Chính phủ cấp là 2286 chứng thư số. Thư điện tử công vụ đã cấp cho hơn 7.290 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình đã triển khai đến cấp huyện từ năm 2014 và đang thí điểm đến cấp xã. Tỉnh đã xây dựng 02 Trung tâm tích hợp dữ liệu và thuê vị trí đặt chỗ tại VNPT Tây Ninh và Viettel Tây Ninh. Tỉnh cũng đã thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tại Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 11/08/2017. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) từ tỉnh đến xã đã triển khai xong trong năm 2018, hệ thống phòng chống mã độc tập trung đã triển khai đến cấp huyện và đang triển khai cho cấp xã. Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://tayninh.gov.vn) và Trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh được cập nhật thường xuyên nhằm tăng cường công tác phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đến mọi tầng lớp người dân và doanh nghiệp trên cả nước.

Một số cơ sở dữ liệu quốc gia và của tỉnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, từng bước kết nối, chia sẻ với các hệ thống khác. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CNTT; tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được cơ quan nhà nước các cấp quan tâm thực hiện cùng với tổ chức khai thác các hệ thống thông tin.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương còn chậm, chưa đáp ứng theo mong đợi và thực tế phát triển xã hội tại địa phương. Một số nội dung quan trọng, là nền tảng Chính quyền điện tử cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được tổ chức, thực hiện như xây dựng nền tảng chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh; các hướng dẫn để kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp còn thấp; Hạ tầng CNTT cấp xã được quan tâm hơn nhưng chưa như mong đợi do ngân sách bố trí hàng năm ít so với nhu cầu; Chưa giám sát được tình hình an toàn an ninh mạng tại các đơn vị, virus lây nhiễm...

Việc triển khai CNTT tại các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế do nhân sự phụ trách CNTT chưa đủ mạnh một số đơn vị lãnh đạo ít quan tâm về triển khai ứng dụng CNTT, ngân sách tỉnh bố trí cho phát triển CNTT còn hạn hẹp so với nhu cầu.

Vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, phục vụ tốt hơn trong ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng tốt hơn. UBND tỉnh xác định ứng dụng và triển khai CNTT là nhiệm vụ cấp thiết, là nền tảng quan trọng trong việc cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn 2020.

II. CĂN CỨ ĐỀ XUẤT CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ Thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực, phòng chống phần mềm độc hại;

Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm thuê dịch vụ Công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020;

Công văn số 2092/BTTTT-KHTC ngày 28/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2020;

Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 22/05/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt khung Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh,

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Quan đim

Các nội dung của Kế hoạch phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong tổ chức thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử các cấp tại địa phương và phù hợp với Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Đảm bảo hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử phải mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể

- Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng trục liên thông cho phép kết nối các phần mềm của tỉnh Tây Ninh có khả năng mở rộng để nối kết cổng thông tin quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; hỗ trợ đắc lực cho công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Các chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch như sau:

- Hoàn thành xây dựng và từng bước triển khai có hiệu quả nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh, cho phép các cơ sở dữ liệu dùng riêng tại các cơ quan, đơn vị kết nối chia sẻ dữ liệu.

- Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quốc gia khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về kỹ thuật.

- Đảm bảo trên 30% hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung.

- Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng.

3. Quy mô, phạm vi đầu tư

- Danh sách chi tiết nhiệm vụ thực hiện năm 2020 (tại Phụ lục 01 và các tài liệu kèm theo Kế hoạch)

Nội dung, nhiệm vụ thực hiện từ vốn sự nghiệp của chương trình:

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Tên dự án

Năm thực hiện

Địa điểm triển khai

Cơ quan chủ trì

Tổng mức đầu tư

Nguồn vốn

1

Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh.

2020

Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện/TP

Sở Thông tin và Truyền thông

25.000

Vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương

Tổng cộng

25.000

 

4. Kinh phí: Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch: 25 tỷ đồng.

5. Các giải pháp (phương án kỹ thuật công nghệ, tài chính...)

5.1. Phương án kỹ thuật công nghệ

- Xây dựng Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản như sau:

+ Công nghệ áp dụng phải đáp ứng nhu cầu hiện tại và dễ dàng mở rộng trong tương lai.

+ Công nghệ phải tính đến kinh tế khi đầu tư và vận hành cho chủ đầu tư bao gồm: chi phí về hạ tầng, bản quyền phần mềm thương mại, chi phí đào tạo nhân lực, chi phí duy trì cho nhân sự quản trị, chi phí đầu tư phát triển sản phẩm và các chi phí khác.

+ Công nghệ không lệ thuộc vào nguồn cơ sở dữ liệu, chủ đầu tư có thể mở rộng, nâng cấp và dễ dàng chuyển giao công nghệ khi hệ thống được bàn giao.

+ Công nghệ phải tính đến yếu tố tương lai không bị lạc hậu trong vòng 4 đến 5 năm tới.

+ Công nghệ phải tuân thủ các tiêu chuẩn hiện tại của Việt Nam và Quốc tế.

+ Xây dựng hệ thống/nền tảng kết nối của tỉnh Tây Ninh (Local Government Service Platform - LGSP) nhằm kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài.

5.2. Giải pháp tài chính

Ngoài việc sử dụng vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, tỉnh sẽ bố trí vốn sự nghiệp trong Kế hoạch CNTT hàng năm.

6. Kết quả và hiệu quả

Việc xây dựng Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh khi hoàn thành sẽ đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính quyền điện tử đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giúp chính quyền tỉnh Tây Ninh phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

7. Tổ chức thc hin

Trên cơ sở vốn được phân bổ từ Trung ương và vốn phân bổ từ Kế hoạch CNTT hàng năm của tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, các Sở ban ngành liên quan và UBND huyện, thành phố tổ chức xây dựng nhiệm vụ, dự án của Chương trình theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, về đấu thầu.

8. Kiến nghị, đề xuất

- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ các nguồn lực cho các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.

- Trong điều kiện cụ thể, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín đã triển khai hệ thống này thành công tại tỉnh bạn cho UBND tỉnh Tây Ninh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, mọi phát sinh, vướng mắc, khó khăn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- TT: TU, HĐND UBND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ XD CQĐT;
- CVP;
- Phòng: VHXH, HCC;
- Lưu: VT. VP tỉnh.
Xvx

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Ngọc

 

THUYẾT MINH XÂY DỰNG TRỤC LIÊN THÔNG CƠ SỞ DỮ LIỆU CẤP TỈNH (NĂM 2020)

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 1694/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)

1. Căn cứ lập kế hoạch

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/06/2006;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính Phủ về việc đầu tư ứng dụng Công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/06/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh Ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

2. Thực trạng

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 20 sở, ban, ngành, 9 UBND huyện, thành phố và 95 xã/phường/thị trấn đã ứng dụng Công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm dùng chung như: Cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa điện tử, phần mềm Họp không giấy...Ngoài ra tại các Sở ban ngành còn sử dụng các phần mềm chuyên ngành riêng phục vụ nghiệp vụ như: phần mềm cấp giấy phép lái xe, phần mềm quan trắc môi trường, phần mềm quản lý địa bàn dân cư, phần mềm hộ tịch và nhiều phần mềm khác. Qua đó mỗi phần mềm đều sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhưng việc nhập liệu, quản lý dữ liệu thì môi đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu riêng, không liên thông, cơ sở dữ liệu ngành này không lấy được cơ sở dữ liệu của ngành. Nếu chia sẻ được cơ sở dữ liệu sẽ giảm thiểu thời gian nhập liệu, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu, tra cứu dữ liệu dễ dàng và nhiều ngành có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành khác để tra cứu và phục vụ nhiệm vụ của ngành mình tốt hơn.

3. Nhim v

Nhằm giúp cho các cơ quan ban ngành tỉnh có thể sử dụng, trích xuất được các cơ sở dữ liệu của ngành khác phục vụ công việc thì cần thiết phải có một trục liên thông Cơ sở dữ liệu để liên kết các cơ sở dữ liệu lại với nhau. Vì vậy nhất thiết phải xây dựng “Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh” để phục vụ nhiệm vụ đã đề ra.

Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh khi xây dựng hoàn thành sẽ được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

4. Kinh phí

a) Căn cứ lập dự toán

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Thông tư liên tịch 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

Thông tư 06/2011/TT-BTTTT ngày 28/02/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;

Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ;

Quyết định số 2378/BTTTT-ƯDCNTT ngày 30/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính: Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

b) Kinh phí: 25.000.000.000 đồng (hai mươi lăm tỷ đồng)

Kinh phí Trung ương hỗ trợ: 20.000.000.000 đồng (hai mươi tỷ đồng)

Kinh phí của tỉnh: 5.000.000.000.000 (năm tỷ đồng)

c) Kinh phí đối ứng của tỉnh: bố trí trong Kế hoạch CNTT năm 2020.

5. Thời gian thực hiện: 2020

6. Giải pháp thực hiện

Dễ dàng triển khai, cài đặt, giao diện tiếng việt, thân thiện.

Hiệu năng sử dụng cao, ổn định, có tính đến khả năng mở rộng đối với nhiều loại Cơ sở dữ liệu khác nhau.

Dễ dàng nâng cấp, quản trị và mở rộng.

Dữ liệu được liên thông qua nhiều cấp, qua nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau.

Dữ liệu trong hệ thống được phân loại theo khung phân loại đề mục được phân loại theo tiêu chuẩn quốc gia.

Hệ thống phải hỗ trợ chuẩn truyền thông bảo mật SSL v3.0.

Có nhật ký, sao lưu và phục hồi dữ liệu

7. L trình và tổ chức thc hin

Triển khai hệ thống tập trung Cơ sở dữ liệu tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh từ đó liên thông dữ liệu đến các dữ liệu của các ngành tỉnh.

8. Dự kiến hiệu quả mang lại

Tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các ngành, giảm thiểu thời gian nhập liệu, dữ liệu được tập trung thống nhất.

Lưu trữ dữ liệu tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu đảm bảo dữ liệu được an toàn, lưu trữ lâu dài.

Việc xây dựng và đưa hệ thống đi vào hoạt động góp phần hình thành Chính phủ điện tử tại địa phương./

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1694/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin năm 2020 do tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 1694/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/08/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thanh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản