Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC THUỘC UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025.

UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố giai đoạn 2022-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022. Thành phố chỉ tập trung nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp có vai trò quan trọng, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu đảm bảo an sinh, xã hội, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh.

- Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN, tạo điều kiện để DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, có vai trò dẫn dắt, mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ lớn, quan trọng của Thủ đô; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Việc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thực chất và hiệu quả. DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và năng lực cạnh tranh của các DNNN; cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp được xây dựng theo hướng tinh gọn, thu nhập của người lao động được đảm bảo; các DNNN yếu kém, thua lỗ, những dự án, công trình của doanh nghiệp chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả được xử lý dứt điểm.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

II.1 - Số lượng doanh nghiệp sắp xếp lại giai đoạn 2022-2025

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố giai đoạn 2022-2025 như sau:

1. Duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: 18 doanh nghiệp (mục I phần A Phụ lục đính kèm).

2. Cổ phần hóa: 02 doanh nghiệp (mục II phần A Phụ lục đính kèm).

3. Sáp nhập: 01 doanh nghiệp (mục III phần A Phụ lục đính kèm).

4. Thoái toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại 23 doanh nghiệp (mục IV phần A Phụ lục đính kèm).

5. Giữ nguyên phần vốn nhà nước đầu tư tại 04 doanh nghiệp (mục V phần A Phụ lục đính kèm).

6. Rà soát, xây dựng phương án riêng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: 04 doanh nghiệp (phần B Phụ lục đính kèm).

II.2 - Phân công nhiệm vụ các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

a) Nhiệm vụ chung

Các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Thành phố có trách nhiệm:

- Chủ động liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn và hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai theo quy định (Quyết định giao đất/cho thuê đất; Hợp đồng thuê đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

- Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021) báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính) phê duyệt theo quy định.

- Chủ động rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; định kỳ báo cáo Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện (nếu có), trong đó nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý.

b) Nhiệm vụ cụ thể

(1) Hội đồng thành viên/Chủ tịch, Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (mục I phần A Phụ lục đính kèm) và Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp giữ nguyên phần vốn nhà nước đầu tư (mục V phần A Phụ lục đính kèm) phối hợp với Hội đồng quản trị các doanh nghiệp:

- Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định, mục đích, yêu cầu và định hướng phát triển Thủ đô, báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 1330/UBND-KT ngày 04/5/2022 và hướng dẫn của Sở Tài chính tại Văn bản số 3285/STC-TCDN ngày 20/6/2022 để Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố xem xét, phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ.

- Các doanh nghiệp tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 rà soát, tổng hợp, chủ động xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa, thoái vốn đã phát sinh theo quy định; trường hợp khó khăn vướng mắc báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) để xem xét, chỉ đạo thực hiện.

(2) Hội đồng thành viên/Chủ tịch, Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (mục II phần A Phụ lục đính kèm):

Căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa (phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cổ phần hóa tới người lao động trong doanh nghiệp; lựa chọn đơn vị kiểm toán; xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; lựa chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa; lựa chọn đơn vị bán đấu giá cổ phần;...) báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) xem xét, phê duyệt.

(3) Chủ tịch/Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (mục III phần A Phụ lục đính kèm): thực hiện các bước trong quy trình sáp nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và các quy định hiện hành.

(4) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện thoái vốn (mục IV phần A Phụ lục đính kèm) phối hợp với Hội đồng quản trị doanh nghiệp: Căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện thoái vốn nhà nước (phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thoái vốn tới người lao động trong doanh nghiệp; lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lựa chọn đơn vị bán đấu giá phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;...) báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) xem xét, phê duyệt.

(5) Đối với 04 doanh nghiệp tại phần B Phụ lục đính kèm (Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Công ty cổ phần Hanel; Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long): Rà soát, đề xuất phương án sắp xếp đối với doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định và thẩm quyền; làm căn cứ tổ chức thực hiện.

2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành

Các Sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và Quyết định số 6874/QĐ-ĐMDN ngày 29/11/2019 của Trưởng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội và các văn bản bổ sung, thay thế (nếu có) chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trong đó:

(1) Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp được duyệt; tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại các công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn các DNNN lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021) trình UBND Thành phố phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính) phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định; ban hành, sửa đổi Quy chế tài chính đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định pháp luật và ủy quyền của UBND Thành phố tại Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 01/7/2022.

- Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét, quyết định đối với công tác sắp xếp lại doanh nghiệp theo các hình thức: cổ phần hóa, thoái vốn.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố tham mưu UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 đối với 04 doanh nghiệp tại phần B Phụ lục đính kèm (Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Công ty cổ phần Hanel; Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long) đảm bảo tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg và các văn bản liên quan; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp.

(2) Sở Nội vụ:

- Rà soát, tham mưu UBND Thành phố phương án quy hoạch, sắp xếp, bố trí sử dụng, kiện toàn, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý DNNN, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đảm bảo tinh gọn; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN, Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

- Đề xuất, tham mưu UBND Thành phố thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại đối với Người quản lý doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan.

- Chủ trì, hướng dẫn Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội xây dựng Đề án sáp nhập doanh nghiệp; phối hợp với Liên ngành thẩm định, trình Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

- Chủ trì, hướng dẫn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi (cổ phần hóa, sáp nhập...) xây dựng dự thảo và sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động theo quy định; phối hợp với Liên ngành thẩm định báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp Sở Tài chính thẩm định Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp phê duyệt theo thẩm quyền.

(3) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Rà soát, tham mưu UBND Thành phố xử lý theo thẩm quyền đối với các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Thành phố có các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp Sở Tài chính thẩm định Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp phê duyệt theo thẩm quyền.

(4) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cho người lao động; chủ trì phối hợp với Liên ngành thẩm định phương án lao động của doanh nghiệp chuyển đổi (cổ phần hóa, sáp nhập...) theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết quyền lợi của người lao động trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp theo đúng chính sách, chế độ quy định.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp Sở Tài chính thẩm định Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp phê duyệt theo thẩm quyền.

(5) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố đối với việc quản lý, sử dụng đất của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định; đồng thời tham mưu UBND Thành phố phương án xử lý, thu hồi đối với các địa điểm đất doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp Sở Tài chính thẩm định Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp phê duyệt theo thẩm quyền.

(6) Các sở, ngành, đơn vị có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị được giao chủ trì hướng dẫn DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện các nội dung về sắp xếp lại doanh nghiệp đảm bảo thời gian, chất lượng theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (mục II phần A Phụ lục đính kèm), thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (mục IV phần A Phụ lục đính kèm):

- Tập trung triển khai xử lý tồn tại về tài chính, tài sản trong năm 2023.

- Hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2024-2025 theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt.

- Hoàn thành thoái vốn đối với 07 doanh nghiệp trong năm 2024 (tỷ lệ 30%) và 16 doanh nghiệp trong năm 2025 (tỷ lệ 70%).

Căn cứ tình hình thực tế của các doanh nghiệp, UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu danh sách doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo từng năm, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

1.2. Đối với các doanh nghiệp duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (mục I phần A Phụ lục đính kèm) và các doanh nghiệp giữ nguyên phần vốn nhà nước đầu tư (mục V phần A Phụ lục đính kèm): Sở Tài chính chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt hoặc có ý kiến để Đại hội cổ đông phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, hoàn thành trước ngày 30/9/2023.

2. DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố có trách nhiệm rà soát, xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết triển khai việc sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.

Đối với các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố phê duyệt thực hiện theo hình thức phá sản doanh nghiệp (Công ty Kỹ thuật điện thông, Công ty Ăn uống dịch vụ du lịch Sóc Sơn), bán doanh nghiệp (Cửa hàng Lương thực 60 Ngô Thì Nhậm) và sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội) thực hiện theo văn bản chỉ đạo riêng của UBND Thành phố và cấp có thẩm quyền.

3. Doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/7) và hằng năm (trước ngày 15/12) báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tài chính) tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các Sở, ban, ngành, đơn vị, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do UBND Thành phố là đại diện chủ sở hữu định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7) và hằng năm (trước ngày 31/12).

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, doanh nghiệp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp kịp thời báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tài chính) để chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để b/c);
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng chuyên môn;
- Thành viên Ban ĐM&PTDN Thành phố;
- Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
- Người đại diện phần VNN tại các doanh nghiệp;
- Lưu: VT, KTTH(Nam).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Minh Hải

 

PHỤ LỤC

HÌNH THỨC THỰC HIỆN SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC THUỘC NƯỚC UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 06/6/2023 của UBND Thành phố)

STT

Hình thức thực hiện sắp xếp/Tên doanh nghiệp

A

Sắp xếp, cơ cấu lại theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

I

Duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1.

Tổng công ty Du lịch Hà Nội

2.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội

3.

Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội

4.

Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội

5.

Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Thủ đô

6.

Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội

7.

Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất

8.

Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội

9.

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội

10.

Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích

11.

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy

12.

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ

13.

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông

14.

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội

15.

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội

16.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội

17.

Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Hà Nội

18.

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu, du lịch và đầu tư Hồ Gươm

II

Cổ phần hóa

19.

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa: từ 50% trở xuống)

20.

Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa: trên 50% đến dưới 65%)

III

Sáp nhập

21.

Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội

IV

Thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước đầu tư

22.

Công ty cổ phần Bao bì 277 Hà Nội

23.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Haneco

24.

Công ty cổ phần 18-4 Hà Nội

25.

Công ty cổ phần Sách Hà Nội

26.

Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú

27.

Công ty cổ phần Truyền hình cáp Hà Nội

28.

Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà

29.

Công ty cổ phần Địa chính Hà Nội

30.

Công ty cổ phần Cơ điện công trình

31.

Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình

32.

Công ty cổ phần Điện tử Giảng Võ

33.

Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế

34.

Công ty cổ phần Khảo sát đo đạc HCGC Hà Nội

35.

Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Hồ Tây

36.

Công ty cổ phần Giầy Thụy Khuê

37.

Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông

38.

Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội

39.

Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội

40.

Công ty cổ phần Mai Động

41.

Công ty cổ phần Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội

42.

Công ty cổ phần Sản xuất Dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm

43.

Công ty Liên danh Norfolk Hatexco

44.

Công ty TNHH Tập đoàn sản xuất hàng dệt may 19/5 Hà Nội

V

Giữ nguyên phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

45.

Công ty cổ phần cấp nước Sơn Tây (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giừ 95,6%)

46.

Công ty cổ phần Đồng Xuân (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 71%)

47.

Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 60,3%)

48.

Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 73,85%)

B

Rà soát, xây dựng phương án riêng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

49.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC

50.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội

51.

Công ty cổ phần Hanel

52.

Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2023 về sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 166/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 06/06/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hà Minh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản