Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1629/KH-UBND

Điện Biên, ngày 21 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 308/QĐ-TTG NGÀY 13/3/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020”; UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phát triển hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện trên cơ sở hiện trạng, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung hiện đại hóa trang thiết bị, xây dựng nội dung chương trình phù hợp đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân địa phương; đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, ứng dụng số hóa trong sản xuất, lưu trữ và truyền dẫn các chương trình phát thanh của hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện.

4. Việc tổ chức Kế hoạch phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

1. Phấn đấu 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh.

2. Phấn đấu 100% người làm việc tại cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm.

3. 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện duy trì tốt hệ thống truyền thanh không dây.

4. Phấn đấu trên 40% cơ sở truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện.

5. Nâng cấp các trạm phát sóng truyền thanh - truyền hình cấp huyện và trạm phát lại truyền thanh, truyền hình tại các xã theo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 (Nội dung số 8 - Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Nội dung: Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức của các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

c) Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

d) Thời gian thực hiện: Hằng năm.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng

a) Nội dung:

- Đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh số của truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đồng bộ với các thiết bị sản xuất chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

- Đầu tư thiết bị lưu trữ số để phục vụ công tác thống kê, khai thác lại tin, bài, chương trình đã phát; tập trung đầu tư, nâng cấp Đài Truyền thanh - Truyền hình cho các huyện vùng cao, vùng xa, biên giới.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào truyền dẫn phát thanh. Các trạm phát lại truyền hình thực hiện duy trì hoạt động tiếp sóng phát lại chương trình truyền hình của các đài Trung ương và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho đến khi tỉnh hoàn thành lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất theo quy định.

b) Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

d) Thời gian thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án, trình các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trong Quý IV năm 2018.

3. Nâng cao chất lượng nội dung chương trình

a) Nội dung:

- Bảo đảm cung cấp thông tin thời sự phản ánh kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, cơ sở với nội dung phong phú, hình thức thể hiện hấp dẫn.

- Bảo đảm cung cấp các thông tin thiết yếu, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân có kiến thức áp dụng vào tình hình thực tế tại địa phương với nội dung ngắn gọn và dễ hiểu.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, truyền dẫn các chương trình phát thanh; xây dựng cơ chế thu nhận và xử lý thông tin phản hồi từ người dân một cách nhanh chóng, chính xác.

b) Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

d) Thời gian thực hiện: Hằng năm.

4. Sắp xếp, sáp nhập cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện với các đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn

a) Nội dung: Rà soát chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện với các đơn vị khác trên địa bàn để thu gọn đầu mối, nâng cao năng lực hoạt động các đơn vị sự nghiệp công.

b) Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án trình UBND tỉnh.

c) Đơn vị phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan.

d) Thời gian thực hiện: Thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong Quý IV năm 2019.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch được sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương giao trong dự toán hằng năm của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp quản lý hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Hằng năm các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cùng với nhiệm vụ chi thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp báo cáo trình UBND các cấp theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Là cơ quan chủ trì hướng dẫn các cơ quan đơn vị thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tham mưu báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông theo định kỳ hoặc đột xuất.

- Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của Kế hoạch, tổ chức tuyên truyền chủ trương của Trung ương, của tỉnh về việc sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện với đơn vị sự nghiệp khác.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án sáp nhập sau khi có hướng dẫn, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sau sáp nhập.

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho viên chức Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.

2. Sở Nội vụ

Chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, thẩm định trình UBND tỉnh phương án sắp xếp, tổ chức lại các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; phương án tinh giản biên chế và hướng dẫn, kiểm tra việc bố trí, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách cho công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức lại theo quy định.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức sắp xếp, sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện với các đơn vị sự nghiệp khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh về nguồn kinh phí cho các đơn vị liên quan để thực hiện Kế hoạch này.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chương trình sản xuất ở địa phương của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan triển khai việc sáp nhập các đơn vị theo lộ trình, kế hoạch được duyệt.

- Bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch, xây dựng phương án đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng đảm bảo hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

- Hằng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15/12 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh;
- L/đ UBND tỉnh;
- Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT);
- Các Sở, ngành: TT&TT, NV, KH&ĐT, TC, VHTT&DL;
- Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, KT(LTA), KGVX(NĐH).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Quý

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1629/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 308/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 1629/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lê Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản