Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/KH-UBND | Hải Phòng, ngày 16 tháng 8 năm 2017 |
Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020", Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" trên địa bàn thành phố Hải Phòng như sau:
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TCTD GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
- Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
- Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức dụng có liên quan.
- Phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại; các Quỹ tín dụng nhân dân đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 01 tỷ đồng.
- Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
- Thứ nhất, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là xu thế khách quan, cần thiết và là một quá trình thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa của quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2011-2015.
- Thứ hai, việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cần được thực hiện thận trọng, từng bước, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tận dụng tối đa các nguồn lực tự xử lý của tổ chức tín dụng.
- Thứ ba, thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng theo hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp; hình thức và biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng được áp dụng phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
- Thứ tư, xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu; huy động và sử dụng mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực xã hội và nguồn lực Nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong nền kinh tế căn bản và toàn diện.
- Thứ năm, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, ưu tiên bảo vệ quyền chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự, hành chính trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự; trong xác định trách nhiệm gây ra tổn thất, cần làm rõ những tổn thất phát sinh do nguyên nhân khách quan và tổn thất do cố ý làm trái quy định pháp luật; có cơ chế phù hợp bảo vệ cán bộ, công chức được giao xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
- Thứ sáu, củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay;
- Thứ bảy, phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn.
- Thứ tám, điều hành chủ động, linh hoạt, có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
1. Đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn
Một số giải pháp cần tập trung nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2016 - 2020.
1.1. Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng
a) Kiểm soát, nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC..trong đó cần tập trung một số giải pháp sau:
- Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ; bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm; khởi kiện khách hàng vay; sử dụng dự phòng rủi ro; có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ vốn, tín dụng, miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật;
- Cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng theo hướng thuận tiện cho khách hàng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là với VAMC; xây dựng và triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng;
- Thực hiện nghiêm túc giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép; nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về cấp tín dụng, bảo đảm tiền vay, các quy định an toàn trong hoạt động tín dụng; nghiêm cấm che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh;
- Phân bổ số lãi dự thu của các khoản nợ xấu chưa thoái theo quy định ghi nhận đến thời điểm 31/12/2016 theo quy định của pháp luật;
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng sản dịch vụ và phương thức phục vụ;
- Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng, nhất là năng lực về phân tích dự án, đề xuất vay theo dòng tiền;
- Thực hiện quản lý rủi ro tín dụng theo quy trình cho vay theo 3 khâu: Đề xuất tín dụng, thẩm định và giải ngân; đổi mới hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ (doanh nghiệp và cá nhân);
- Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp;
- Rà soát, đánh giá lại các khoản nợ hiện đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro;
- Tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro, thực hiện tiết kiệm triệt để chi phí quản lý; đồng thời kiểm soát, hạn chế rủi ro tập trung tín dụng, tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn phù hợp với khả năng huy động vốn trung dài hạn, nhất là cấp tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, dự án đầu tư phát triển hạ tầng;
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động tín dụng;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro tín dụng.
b) Xây dựng giải pháp, lộ trình khắc phục dứt điểm các tồn tại, vi phạm giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản có liên quan khác.
1.2. Giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh của tổ chức tín dụng từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ
- Kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ việc gia tăng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, BOT; từng bước có sự phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm dần tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng;
- Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng;
- Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ngành Ngân hàng, trong đó đặc biệt chú ý giải pháp về an ninh, bảo mật hiện đại để giảm chi phí giao dịch, phòng ngừa rủi ro, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử;
- Mở rộng quan hệ đại lý với các tổ chức tài chính nước ngoài, đẩy mạnh tiếp cận thị trường tài chính quốc tế.
1.3. Giải pháp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng
- Áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam.
- Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế;
- Phải công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị công ty theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao trách nhiệm giải trình của các tổ chức tín dụng với công chúng;
- Chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh trong dài hạn; hoạt động kinh doanh một cách thận trọng, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành;
- Hiện đại hóa hệ thống công nghệ; phát triển hệ thống thông tin quản lý nội bộ, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ của các tổ chức tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; đồng thời đầu tư và có giải pháp phù hợp đảm bảo an ninh công nghệ thông tin;
- Nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh chủ chốt; lựa chọn, bố trí cán bộ hợp lý dựa trên năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; tập trung phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt.
1.4. Các giải pháp xử lý các tồn tại, yếu kém và sai phạm nêu tại kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết quả của tổ chức định giá độc lập (nếu có)...
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
2. Đối với các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn
2.1. Mục tiêu, định hướng cơ cấu lại đến 2020
Xử lý về cơ bản các tồn tại, yếu kém trong hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Tiếp tục chấn chỉnh, cũng cố và nâng cao mức an toàn, hiệu quả của quỹ tín dụng nhân dân hiện có đi đôi với mở rộng vững chắc các quỹ tín dụng nhân dân mới ở khu vực nông thôn; phạm vi hoạt động chủ yếu của quỹ tín dụng nhân dân là huy động vốn và cho vay các thành viên trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi; bảo đảm quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên; quỹ tín dụng nhân dân phải hoạt động và tuân thủ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã.
2.2. Giải pháp cơ cấu lại
a) Về địa bàn hoạt động: Giải pháp xử lý đối với quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động liên xã, phường, thị trấn để đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
b) Về thành viên: Giải pháp xử lý thành viên không đáp ứng điều kiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
c) Về tài chính: Nâng cao năng lực tài chính của quỹ tín dụng nhân dân theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho thành viên.
d) Về hoạt động:
- Phát triển các dịch vụ ngân hàng của quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với năng lực quản trị và mô hình hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
- Tập trung cho vay vốn đối với các thành viên của quỹ tín dụng nhân dân; mở rộng tín dụng đi đối với việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng;
- Tập trung mọi biện pháp để xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ đến hạn, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất;
- Đa dạng hóa các phương thức huy động vốn của quỹ tín dụng nhân dân ở trong và ngoài thành viên, nhất là các khoản tiền nhỏ;
- Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin của các quỹ tín dụng nhân dân. Bảo đảm 100% quỹ tín dụng nhân dân có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu an toàn hoạt động và được kết nối internet;
- Đảm bảo hiệu quả sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn;
- Các giải pháp khác.
e) Về cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành, kiểm soát:
- Nâng cao năng lực quản trị, điều hành của quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa hệ thống các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm người quản lý điều hành của quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện về năng lực, trình độ theo quy định pháp luật;
- Tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản trị, tài chính và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (bộ máy quản trị điều hành, kiểm soát các cấp và nhân viên nghiệp vụ);
- Thực hiện nghiêm túc quy định phạm vi hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân trong địa bàn xã/phường/thị trấn.
f) Các giải pháp xử lý các tồn tại, yếu kém và sai phạm nêu tại kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết quả của tổ chức định giá độc lập (nếu có)...
g) Các giải pháp khác.
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH THÀNH PHỐ
1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hải Phòng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp theo kế hoạch hành động đảm bảo để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Chủ trì, phối hợp và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, truyền thông, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường thông tin, phổ biến, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, diễn biến về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong xã hội.
- Tăng cường công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; giám sát việc cơ cấu lại nợ; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu và mục tiêu, giải pháp nêu tại Đề án; nâng cao khả năng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
- Chỉ đạo hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại của tổ chức tín dụng (bao gồm cả các tổ chức tín dụng yếu kém); chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
- Đôn đốc phối hợp với các Sở, ngành định kỳ xây dựng báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tăng cường quản lý hiệu quả hoạt động tiền tệ, ngoại hối, kinh doanh an toàn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
- Thanh tra, kiểm tra, quản lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động kinh doanh gây tác động bất lợi và rủi ro cho tổ chức tín dụng.
- Phối hợp với các Sở, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước xây dựng kế hoạch và thực hiện lộ trình thoái vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng (nếu có).
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên: Từ năm 2017 - 2020.
2. Trách nhiệm của Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, các Sở, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.
- Tham gia nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.
- Tham gia nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp; về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án chỉ định của Ủy ban nhân dân thành phố, khoản nợ được Ủy ban nhân dân thành phố bảo lãnh.
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên: Từ năm 2017 - 2020.
3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng lộ trình báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố bố trí vốn ngân sách địa phương xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án theo chỉ định của Ủy ban nhân dân thành phố, khoản nợ được Ủy ban nhân dân thành phố bảo lãnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên: Từ năm 2017 - 2020.
4. Trách nhiệm của Cục Thi hành án thành phố
Chỉ đạo hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ VAMC và các tổ chức tín dụng trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản đảm bảo; chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp trên địa bàn phối hợp với các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng.
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
5. Trách nhiệm của Công an thành phố
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, các Sở, ngành và các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
- Cơ quan công an các cấp trên địa bàn tăng cường phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, VAMC đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ.
- Chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy nhanh việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của cổ đông lớn và người có liên quan để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng và người gửi tiền.
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên: Từ năm 2017 - 2020.
6. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, các Sở, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, truyền thông các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
7. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tham gia nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
- Tham gia nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến đăng ký điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất; xây dựng quy trình và chỉ đạo thực hiện lộ trình cập nhật và công khai thông tin các giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan tài nguyên môi trường để các bên nắm bắt.
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên: Từ năm 2017 - 2020.
1. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng cùng các Sở, ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch này.
2. Các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung sau:
- Trước ngày 20/8/2017 ban hành kế hoạch hành động cụ thể; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì; đưa vào chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này của đơn vị mình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng).
- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước có sở hữu cổ phần, vốn góp tại tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các tổ chức tín dụng theo đúng lộ trình và chịu trách nhiệm xử lý các hậu quả liên quan đến tổ chức tín dụng thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định pháp luật.
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
- Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố.
Thời gian hoàn thành: Từ năm 2017 - 2020.
3. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn:
- Các quỹ tín dụng nhân dân xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân.
- Bảo đảm an toàn hoạt động, an toàn tài sản Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của cá nhân trong quá trình cơ cấu lại.
- Nghiên cứu chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ về cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
- Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng đầy đủ, kịp thời trung thực kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân và biện pháp xử lý (nếu có).
4. Thực hiện báo cáo đinh kỳ:
- Các Sở, ngành và đơn vị liên quan định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng) trước ngày 15/5 và 15/11 hàng năm về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đề án và đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng tổng hợp báo cáo của các Sở, ngành và đơn vị liên quan trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trước ngày 01/6 và ngày 30/11 hàng năm về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đề án và đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng để báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Kế hoạch 8202/KH-UBND năm 2017 triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 2377/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 3Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 1Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 2Luật hợp tác xã 2012
- 3Luật đất đai 2013
- 4Quyết định 1058/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 8202/KH-UBND năm 2017 triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 6Quyết định 2377/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 7Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2017 về hành động thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- Số hiệu: 162/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/08/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Nguyễn Văn Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra