Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/CT-TTG NGÀY 20/10/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm; đánh giá những ưu điểm, kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo, vướng mắc, bất cập hoặc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo bước chuyển mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực thi công vụ.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg phải đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, chính xác, khách quan và trung thực; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra.

II. NỘI DUNG

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[1], của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính[2] đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc quyền quản lý bằng các hình thức phù hợp.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Quy chế làm việc của UBND tỉnh. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp.

2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, TTHC cho người dân, doanh nghiệp và thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Hằng năm khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ (Kế hoạch thanh tra năm 2024 đã thực hiện nội dung này).

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm túc công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và công tác cán bộ

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ, nhất là đánh giá, nhận xét việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong thực thi công vụ.

4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động công vụ và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ

Các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động công vụ và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; trong đó, quan tâm tuyên truyền biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, có tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phê bình các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp hoặc có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

5. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác giám sát hoạt động công vụ

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về thực thi công vụ, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chuyển đến.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện trong tháng 7/2024. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

2. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

Tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; khảo sát, đề xuất nội dung thanh tra hoạt động công vụ trong kế hoạch thanh tra hằng năm.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo quy định pháp luật về thanh tra; công tác xử lý sau thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Tổng hợp, xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

3. Sở Nội vụ

Tổ chức rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng tiêu chí, sản phẩm, kết quả cụ thể, có thể định lượng; gắn việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; tham mưu sử dụng kết quả đánh giá làm căn cứ bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong thi hành công vụ. Tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động công vụ và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh.

5. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa tin các nội dung liên quan đến hoạt động công vụ, nêu gương “Người tốt, việc tốt”, những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

6. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

7. Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

8. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này; định kỳ, đột xuất tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh); trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBKT, Ban Nội chính Tỉnh uỷ;
- UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức TC-XH tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn; Đài PTTH tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- C, PCVP UBND tỉnh, các Phòng CV, TTTT;
- Lưu: VT, NC (NTT).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 



[1] Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương, Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Chỉ thị số 26/CT-TTg.

[2] Nghị quyết số 60-NQ/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; Công văn số 43/UBND-NC ngày 12/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”; Công văn số 478/UBND-TH ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 1546/UBND-NC ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp…

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 160/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Hồ Tiến Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản