Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 20 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỢ 4.0 - CHỢ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 10/02/2022 của UBND tỉnh về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022 - 2025; xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 68/TTr-STTTT ngày 13/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (sau đây gọi tắt là Chợ 4.0), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0 hình thành thói quen và góp phần xây dựng các công dân số, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.

- Đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến với người dân từ thành thị đến nông thôn, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày.

- Phấn đấu hết năm 2022, 100% tiểu thương được trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các Chợ đăng ký mô hình Chợ 4.0.

2. Yêu cầu

- Các địa phương cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số. Các hoạt động chuyển đổi số tại Chợ 4.0 tập trung các nội dung: Thanh toán không dùng tiền mặt; đưa các sản phẩm địa phương tại Chợ lên sàn thương mại điện tử; sử dụng các loại hóa đơn, biên lai tại Chợ 4.0 bằng phương thức điện tử. Từ mô hình Chợ 4.0 tại trung tâm huyện Đại Từ, các địa phương chủ động thực hiện lựa chọn đơn vị cung cấp đảm bảo tiến độ yêu cầu. Quan tâm, đảm bảo công cụ, cơ sở vật chất, công nghệ và các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Chợ 4.0.

- Các sở, ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

II. NỘI DUNG

1. Lựa chọn danh sách Chợ 4.0 tại các huyện, thành phố

Trên cơ sở đăng ký danh sách Chợ 4.0 ưu tiên triển khai trong năm 2022 do UBND các huyện, thành phố lựa chọn và đề xuất, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lựa chọn các chợ đủ điều kiện để triển khai.

2. Tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các tổ chức, công ty quản lý Chợ, tiểu thương kinh doanh tại Chợ và người dân về việc thực hiện xây dựng mô hình Chợ 4.0 tại địa phương.

- Thông qua các Tổ Công nghệ số cộng đồng tổ chức các ngày hội tuyên truyền tại địa phương, ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ.

- Thực hiện tuyên truyền bằng hình thức trang bị băng rôn, biển hiệu có gắn khẩu hiệu thanh toán số tại Chợ dưới hình thức lâu dài.

- Thực hiện tuyên truyền qua các bảng tin, tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng: Loa truyền thanh, báo, đài, truyền hình...

3. Lộ trình triển khai thực hiện

- Đến hết tháng 10/2022, tối thiểu có 50% các tiểu thương/ hộ kinh doanh tại Chợ được trang bị quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các Chợ trong danh sách đăng ký thực hiện sử dụng các loại hóa đơn, biên lai tại Chợ bằng hình thức điện tử. Mỗi Chợ đưa tối thiểu 01 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.

- Đến tháng 11/2022, đạt 80% các Chợ theo danh sách đăng ký thực hiện thu các khoản thu (phí điện, thuê vị trí...) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại Chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tháng 12/2022, đạt 100%.

- Đến hết tháng 11/2022, tối thiểu có 90% các tiểu thương/ hộ kinh doanh tại Chợ được trang bị quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai mô hình Chợ 4.0 đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Thực hiện vai trò đơn vị đầu mối, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai nhân rộng Chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh.

- Thống nhất với các địa phương về việc giao chỉ tiêu đảm bảo triển khai có hiệu quả đối với các Chợ 4.0 được lựa chọn đủ điều kiện để triển khai.

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ 4.0.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức đánh giá kết quả triển khai, tham mưu, đề xuất kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các chợ trên địa bàn theo phân cấp quản lý triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

3. Các sở, ban, ngành liên quan: Tham gia, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ triển khai Chợ 4.0 tại các địa phương.

4. Đề nghị Tỉnh Đoàn Thái Nguyên

- Phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, lực lượng đoàn viên thanh niên cơ sở tham gia theo kế hoạch.

- Phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tiếp cận thanh toán số tại Chợ 4.0. Thực hiện vai trò nòng cốt trong triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

- Lồng ghép triển khai chương trình, nhiệm vụ vào trong các hoạt động của tổ chức.

5. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

- Chỉ đạo, huy động lực lượng hội viên các cấp là lực lượng thường xuyên tham gia vào quá trình thông thương, mua bán tại Chợ thực hiện và tuyên truyền đến toàn thể hội viên cùng thực hiện.

- Lồng ghép triển khai chương trình, nhiệm vụ vào trong các hoạt động của tổ chức.

6. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích như mở tài khoản trực tuyến, mã QR, mã OPT đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thanh toán không tiền mặt giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đảm bảo chính xác, an toàn trong thanh toán.

7. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện chỉ tiêu được giao đạt tiến độ và yêu cầu kế hoạch.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo, triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu thực tiễn của người dân.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết, xử lý phù hợp, hoặc đề xuất phương án giải quyết với cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo mục tiêu. Việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng, duy trì hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại  Chợ hiệu quả của địa phương là một trong những nội dung đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng đối với các địa phương, người đứng đầu các địa phương năm 2022.

- Chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng làm đơn vị tiên phong trong việc hướng dẫn và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các Chợ 4.0.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

8. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số cung cấp nền tảng thanh toán số trên địa bàn tỉnh

- Cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương, nhân rộng mô hình đã triển khai thành công tại Chợ Trung tâm Đại Từ.

- Phối hợp với địa phương bố trí nguồn lực hỗ trợ triển khai thanh toán số tại Chợ; chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng các nền tảng thanh toán số cho các đầu mối và thực hiện trực tiếp tại địa bàn.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai các hoạt động tập huấn, xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng, tạo video clip, bố trí nhân lực hỗ trợ kịp thời tại địa phương thực hiện đảm bảo kế hoạch mục tiêu, tiến độ đặt ra.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ thực hiện NQ số 01-NQ/TU ngày 31/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Doanh nghiệp BCVT, CNTT trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NC, KGVX

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2022 triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 156/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Lê Quang Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản