Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154/KH-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 24 tháng 6 năm 2024 |
THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV ngày 15/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt và trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 111/TTr-SNN ngày 29/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:
1. Mục đích
Nhằm bảo vệ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về năng suất, chất lượng cây trồng và nông sản do chuột gây ra.
2. Yêu cầu
- Phát động và tổ chức các đợt diệt chuột tập trung trên toàn địa bàn tỉnh đúng thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản, giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ sản xuất trong năm và các giai đoạn theo khuyến cáo của ngành chức năng.
- Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, toàn dân tham gia diệt chuột đồng loạt, hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh.
- Diệt trừ chuột phải đúng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và thời gian, an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người, vật nuôi và môi trường; ngăn chặn sự gây hại của chuột gây ra đối với sản xuất nông nghiệp tới mức thấp nhất.
- Phòng chuột: Thường xuyên tuyên truyền trong các lớp tập huấn của cơ quan chuyên môn và các buổi họp dân cư tại địa phương.
- Diệt chuột: Khi có chuột xảy ra theo các đợt tập trung như ở mục 2.
2. Xác định thời điểm tổ chức các đợt diệt chuột
a) Tập trung vào những đợt:
- Vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất;
- Từ đầu đến giữa vụ sản xuất, đối với cây lúa sử dụng các biện pháp phòng chống vào trước thời kỳ làm đòng, ở thời kỳ này biện pháp đào hang bắt chuột, đặt bẫy, bả có hiệu quả cao vì chuột cái đẻ - nuôi con;
b) Suốt cả vụ: Thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột.
3.1. Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng chống chuột
a. Tổ chức tập huấn triển khai công tác phòng chống chuột cấp tỉnh
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ phụ trách nông nghiệp các huyện/thị xã/thành phố, các xã/phường/thị trấn có diện tích bị chuột gây hại, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông.
- Số lượng: 01 lớp.
b. Tổ chức hội nghị
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương chủ động tổ chức hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai, tổng kết kế hoạch diệt chuột diện rộng.
c. Thông tin tuyên truyền
Trước các giai đoạn thực hiện diệt chuột tập trung, tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng chống chuột cho các cơ sở sản xuất bằng các hình thức:
- Chính quyền địa phương các cấp thông tin tuyên truyền rộng rãi cho các cơ sở sản xuất: Qua hệ thống phát thanh của địa phương, qua các cuộc họp của tổ dân cư, lồng ghép nội dung tuyên truyền để tuyên truyền cho nhiều người dân biết về tình hình và biện pháp phòng trừ chuột.
- Phối hợp báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người dân: Phối hợp với cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình thường xuyên đưa tin, bài, tuyên truyền và vận động nhân dân biết về tình hình chuột gây hại cây trồng, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi, kịp thời phản ánh những điển hình trong công tác diệt chuột để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện 01 phóng sự tài liệu nêu rõ tác hại và cách phòng, chống hiệu quả.
- Tuyên truyền qua tờ rơi: Chủ động nguồn kinh phí của địa phương để in ấn tờ rơi hướng dẫn người dân biết tình hình chuột gây hại và biện pháp phòng chống chuột. Số lượng in: 01 tờ/hộ (cơ sở).
d. Tập huấn hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn người sản xuất về quy trình phòng chống chuột.
- Số lượng lớp tập huấn các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức tại các xã, phường trọng điểm chuột gây hại. Số lượng: 01 lớp/xã/phường/thị trấn.
3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
a. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
b. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất và kết quả thực hiện kế hoạch diệt chuột
- Cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương tăng cường công tác thăm đồng, điều tra phát hiện kịp thời diện tích nhiễm, khoanh vùng diện tích nhiễm, đề xuất biện pháp xử lý để hạn chế thấp nhất chuột gây hại lây lan trên diện rộng.
- Định kỳ, tổ chức đoàn kiểm tra thực tế đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.
- Nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo phân cấp ngân sách hiện hành.
- Các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện/thị xã/thành phố chủ động lồng ghép, sử dụng các nguồn kinh phí thường xuyên đã được giao để thực hiện Kế hoạch phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt theo quy định.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với địa phương tổ chức điều tra tình hình phát sinh, gây hại của chuột; triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản xuất trồng trọt áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống chuột hại cây trồng theo điều kiện của từng địa phương (theo Văn bản số 2475/BVTV-TV ngày 11/12/2014 của Cục Bảo vệ thực vật về Quy trình kỹ thuật phòng chống chuột hại cây trồng).
- Tổ chức hội nghị cấp tỉnh triển khai, tổng kết kế hoạch diệt chuột diện rộng.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức chiến dịch của các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên đưa tin, bài, tuyên truyền và vận động nhân dân tích cực thực hiện chiến dịch diệt chuột theo đúng kế hoạch để đạt kết quả tốt nhất, kịp thời phản ánh những điển hình trong công tác diệt chuột để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
- Khi có chuột hại xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tùy tình hình cụ thể, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính có trách nhiệm rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước .
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo thực hiện Kế hoạch theo quy định.
4. UBND các huyện/thị xã/thành phố
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã/phường/thị trấn căn cứ Kế hoạch của tỉnh, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch diệt chuột của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan thông tin truyền thông chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác diệt chuột, để nhân dân biết chủ động tham gia thực hiện.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị trên địa bàn, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Tổ chức hội nghị cấp huyện triển khai kế hoạch diệt chuột diện rộng (nếu có dịch xảy ra).
- Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân ở các huyện/thị xã/thành phố đảm bảo đúng thời gian hiệu quả.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và chỉ đạo Đài phát thanh cấp huyện, xã, … thường xuyên phản ánh thông tin việc thực hiện kế hoạch của đơn vị mình.
- Chỉ đạo các xã/phường/thị trấn:
+ Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng; phương tiện và đặt bẫy, thu gom vệ sinh, đảm bảo thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
+ Quản lý chặt chẽ việc chăn thả gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi, tuyệt đối nghiêm cấm việc chăn thả tự do trong thời gian đặt bả và khi chưa thu gom, vệ sinh hết bả thừa.
- Chủ động, đảm bảo nguồn lực, kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.
(Đính kèm Tờ trình số 111/TTr-SNN ngày 29/5/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 2475/BVTV-TV ngày 11/12/2014 của Cục Bảo vệ thực vật ).
| KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2024 thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Số hiệu: 154/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 24/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Nguyễn Công Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra