Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1527/KH-UBND

Bến Tre, ngày 20 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 10 tháng 12 năm 2018;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ chính trị;

Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng để phát triển kinh tế xanh, bền vững, là giải pháp trước mắt, lâu dài để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học là trực tiếp góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, bảo tồn đa dạng sinh học là quyền, trách nhiệm của cộng đồng.

Đối với tỉnh Bến Tre, các thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, hoa kiểng và du lịch sinh thái phát triển dựa trên các vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; tỉnh được đánh giá có đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, rừng ngập mặn,… Theo định hướng của tỉnh, phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế để xây dựng Bến Tre xanh; đồng thời tăng cường thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; và cụ thể Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả thực hiện hoàn thành dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, phù hợp với Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ, Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 ” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững, gắn với an ninh quốc phòng. Qua đó, góp phần đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; và các không gian đô thị - nông thôn, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái phát triển theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường; góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, duy trì đa dạng sinh học chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

b) Mục tiêu cụ thể

- Ưu tiên bảo vệ, duy trì, cải thiện các khu bảo tồn hiện có của tỉnh gắn với phát triển du lịch sinh thái; chú trọng công tác bảo tồn khu vực cửa sông, biển, các vùng đất ngập nước quan trọng.

- Phục hồi, cải tạo Khu bảo vệ cảnh quan Thạnh Phú, Khu bảo tồn Sân chim Vàm Hồ; đánh giá, xem xét thành lập mới các khu bảo tồn theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

- Nâng cao độ che phủ rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 02%, năm 2030 đạt từ 2,1%.

- Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

- Các nguồn gen hoang dã, các giống cây trồng có giá trị kinh tế, đặc trưng của tỉnh được đánh giá, lưu giữ, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

- Bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hoang dã trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, tài nguyên rừng: có 90%[1] người dân tỉnh Bến Tre được phổ biến, tuyên truyền.

- Hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, các khu bảo tồn, các loài nguy cấp, các nguồn gen quý của tỉnh được bảo tồn hiệu quả, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và tỉnh Bến Tre phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Bảo tồn, phục hồi sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng ven biển tỉnh Bến Tre tiến đến đề xuất Khu Ramsar.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học

a) Nâng cao hiệu quả quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên: Đầu tư nâng cấp và phát triển Khu bảo vệ cảnh quan, đất ngập nước Thạnh Phú; Đầu tư nâng cấp và phát triển Khu bảo vệ loài - sinh cảnh cho Sân chim Vàm Hồ.

b) Đánh giá và đề xuất Di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo Luật Bảo vệ môi trường: Thực hiện đánh giá, đề xuất cho khu bảo tồn Sân Chim Vàm Hồ.

c) Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái: Nghiên cứu, thành lập các khu bảo vệ cảnh quan mới theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, các khu vực như: Vùng cửa sông Hàm Luông, vùng cửa sông Ba Lai; Khu đa dạng sinh học cao rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Bảo huyện Ba Tri; Phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển phù hợp theo chỉ tiêu phân bổ đất rừng tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực các khu bảo tồn: Xây dựng mô hình đồng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng cửa sông, ven biển tỉnh Bến Tre.

đ) Phối hợp các cơ quan Trung ương, các tỉnh thực hiện hành lang bảo tồn đa dạng sinh học theo Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ): hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và hành lang Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau theo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Tăng cường bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm

a) Định kỳ 05 năm đánh giá, cập nhật, công bố Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh, năm 2023 công bố dựa trên kết quả dự án ”Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

b) Nghiên cứu, thành lập, đầu tư Điểm cứu hộ động vật hoang dã tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

c) Năm 2029 - 2030, đánh giá, cập nhật hiện trạng đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre bao gồm điều tra đánh giá các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn giai đoạn 2031 - 2040.

3. Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích, bảo vệ tri thức nguồn gen

a) Thực hiện điều tra, thu thập, lưu giữ nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế của tỉnh Bến Tre.

b) Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học bảo tồn các nguồn gen có giá trị khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử tỉnh Bến Tre: thực hiện bảo tồn nguồn gen cây Dừa, Trung tâm Dừa Đồng Gò tỉnh Bến Tre; Đầu tư phát triển Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre.

c) Thực hiện các chương trình khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn các giống cây trồng, giống vật nuôi bản địa, quý, đặc hữu và có giá trị kinh tế.

4. Đánh giá phát huy lợi ích đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu

a) Điều tra, kiểm kê, thống kê, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre kết nối cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.

b) Thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

c) Thực hiện các mô hình du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học.

d) Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm Tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mê Công.

đ) Phát triển nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, nâng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 16 - 18%[2] diện tích đất nông nghiệp.

e) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đô thị và nông thôn: Phát triển không gian xanh, cảnh quan thiên nhiên đô thị, đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị theo quy định; đảm bảo thực hiện mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trong thời gian 5 năm (2021- 2025) theo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 (ưu tiên trồng các loài cây bản địa); phát triển vườn thực vật tại các trường học.

g) Thực hiện Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý Rừng Phòng hộ và Đặc dụng năm 2022 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

h) Bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng biến đổi khí hậu: Xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực có đa dạng sinh học cao, dễ tổn thương do tác động biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái; tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn nâng cao trữ lượng cac-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng.

5. Kiểm soát các hoạt động tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học

a) Kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước và phương thức khai thác, canh tác kém bền vững, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

b) Hạn chế tối đa và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, các lưu vực sông, vùng ven biển; ngăn chặn các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

c) Kiểm soát chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực gần các khu bảo tồn, khu vực ven biển.

d) Kiểm soát nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; khai thác tận diệt các loài hoang dã, đặc biệt các loài chim trong mùa di cư, loài thủy sản trong mùa sinh sản.

đ) Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa các loài ngoại lai xâm hại; định kỳ 05 năm cập nhật công bố các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh; Đánh giá hiện trạng và đề xuất kiểm soát, diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học

a) Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ quan, đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc liên quan, Cảnh sát môi trường tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ môi trường cấp xã.

b) Thực hiện đánh giá kết quả triển khai các quy định pháp luật về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2031 - 2040.

2. Nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học

a) Xây dựng Chương trình truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tự nhiên tỉnh Bến Tre.

b) Tuyên truyền thường xuyên hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép truyền thông với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức: báo, truyền hình, loa phát thanh xã, các bài tin trên website; tài liệu, sổ tay truyền thông; hoạt động thực tế, sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh, pano, biển báo tại khu vực các khu bảo tồn, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng.

c) Thực hiện tuyên truyền không săn bắn, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm theo Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

3. Thực hiện lồng ghép yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học vào các dự án đầu tư công, chính sách phát triển

a) Đảm bảo các chỉ tiêu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (diện tích rừng, khu bảo tồn) trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.

b) Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình, dự án phù hợp của các ngành, địa phương.

c) Đảm bảo tiêu chí về đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường các dự án, đặc biệt khu vực dự án liên quan vùng cửa sông, ven biển, khu bảo tồn, vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn sử dụng bền vững đa dạng sinh học

a) Thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu về các nguồn gen có giá trị trên địa bàn tỉnh; các biện pháp kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm.

b) Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, viễn thám,... trong quản lý, điều tra, quan trắc, theo dõi đa dạng sinh học của tỉnh.

5. Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học

a) Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí địa phương cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo Điều 21, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định một số nội dung chi tiết Luật Bảo vệ môi trường; tranh thủ, huy động các nguồn hợp tác, tài trợ ODA cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

b) Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các mô hình hợp tác công - tư trong bảo tồn và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

c) Nghiên cứu thí điểm, triển khai áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên nhằm tạo nguồn lực bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên (theo Điều 138, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

6. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác vùng trong bảo tồn đa dạng sinh học

a) Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nhà tài trợ, đối tác giúp tỉnh trong thời gian qua như tổ chức IUCN, WWF,... tỉnh Tun- che-a nước Ru-ma-ni (Bản ghi nhớ hợp tác 16 tháng 10 năm 2014 trong khuôn khổ ASEM-10), Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Đồng bằng Đa Nuýp, Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Đa Nuýp Châu Âu (Thỏa thuận hợp tác ngày 01 tháng 3 năm 2019).

b) Tích cực phối hợp, tham gia các hoạt động, diễn đàn, hội thảo của các tổ chức quốc tế, Trung ương, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tỉnh khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần thực hiện các cam kết trong các Điều ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.

IV. NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030

Ban hành kèm theo Kế hoạch này Phụ lục I: Danh mục 24 nhiệm vụ, dự án ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

a) Nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

b) Nguồn kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia chương trình, kế hoạch, dự án khác có liên quan.

c) Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng, dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

d) Đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân.

đ) Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

VI. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

1. Giám sát tiến độ triển khai và thực hiện Kế hoạch hành động

Tiến độ của Kế hoạch hành động được giám sát dựa trên các kết quả theo từng giai đoạn của các nhiệm vụ, đề án, dự án, hoạt động cụ thể trong Danh mục các nhiệm vụ/dự án và Tiêu chí đánh giá kèm theo.

a) Cấp tỉnh: Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hàng năm để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

b) Cấp huyện: Phòng Tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp địa phương và cấp cộng đồng trên địa bàn; tổng hợp tình hình thực hiện gửi Sở tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Đánh giá thực hiện Kế hoạch hành động

a) Đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện 02 lần:

- Lần 01: Đánh giá giữa kỳ vào năm 2025, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 9 năm 2025.

- Lần 02: Thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của kế hoạch hành động vào năm 2030; báo cáo cuối kỳ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 9 năm 2030.

b) Kế hoạch hành động được đánh giá để xác định những kết quả đạt được và rút ra bài học cho Kế hoạch hành động của giai đoạn tiếp theo ; việc sửa đổi, đánh giá Kế hoạch hành động phải được thực hiện thông qua Hội nghị đánh giá giữa kỳ.

c) Ban hành kèm theo Kế hoạch này Phụ lục II: Chỉ tiêu giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá tình hình, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hành động; tổ chức có hiệu quả một số chương trình, đề án, dự án được giao.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong đánh giá, đề xuất di sản thiên nhiên, khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh.

c) Hỗ trợ, phối hợp chuyên môn với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông, các nhiệm vụ/dự án bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ/dự án thuộc trách nhiệm quản lý; nhiệm vụ trọng tâm về sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản; và thực hiện các biện pháp ngăn chặn, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại đối với vật nuôi, cây trồng.

b) Chủ trì xây dựng và thực hiện xây dựng quy chế và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên - Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú (kỳ quy hoạch 2021 - 2030 là Khu bảo vệ cảnh quan) theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020.

c) Tổ chức thực hiện đảm bảo chỉ tiêu trồng 10 triệu cây xanh trong thời gian 5 năm (từ 2021 - 2025) theo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025; nhân rộng các mô hình dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua.

d) Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác ngoài lâm nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân khu vực khu bảo tồn, rừng ven biển.

đ) Chủ trì cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các động vật hoang dã.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án về đa dạng sinh học theo quy định pháp luật về đầu tư công; vận động các nguồn tài trợ quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) để thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các dự án, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển bền vững du lịch.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu: bảo tồn, thu thập, lưu giữ các nguồn gen bản địa, có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Tích hợp, lồng ghép kiến thức về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh Bến Tre vào các môn học phù hợp, hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi,.. cho học sinh các cấp; phát triển mô hình vườn thực vật trong nhà trường.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 sau khi được ban hành; thực hiện cấp phép các ấn phẩm, sản phẩm thông tin, tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

9. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, ngăn chặn, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo tồn đa dạng sinh học.

10. Cục Quản lý thị trường

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã; chỉ đạo, triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trái pháp luật; xử lý hoạt động kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.

11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tham gia giám sát, phản biện và thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh; tích cực truyền thông đến quần chúng nhân dân nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên trong sinh hoạt, sản xuất.

12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị quản lý rừng và địa phương, thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm tra thực hiện các quy định bảo tồn đa dạng sinh học động vật rừng hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm ở các khu bảo tồn, rừng ven biển.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp các sở, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi quản lý; chủ động thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các vùng đất ngập nước phù hợp với mục tiêu, nội dung kế hoạch; thường xuyên thực hiện truyền thông nâng cao ý thức của Nhân dân địa phương.

Trên đây là Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ chủ động triển khai, thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH;
- TT TU (báo cáo);
- TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Đồng Khởi;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Phòng: KT, TH, KGVX, TCĐT, NgV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NKP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Cảnh

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 1527/KH-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

TT

Nhiệm vụ/dự án

Mục tiêu

Dự kiến kết quả đầu ra

Cơ quan thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Bắt đầu

Hoàn thành

Tổng

Chi thường xuyên

Đầu tư công

Khác (ODA, Trung ương,…)

I

GIAI ĐOẠN NĂM 2023 - 2025

1

Đánh giá, đề xuất Di sản thiên nhiên cho Sân Chim Vàm Hồ và khu vực lân cận

Xác định hiện trạng và khả năng thành lập di sản thiên nhiên cấp tỉnh

- Báo cáo đánh giá hiện trạng;

- Bộ hồ sơ đề xuất di sản thiên nhiên cấp tỉnh

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT; Sở KH&CN; UBND huyện Ba Tri, Bình Đại

2023

2025

600

600

0

0

2

Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nguồn gen cây dừa tỉnh Bến Tre

Xác định hiện trạng nguồn gen cây dừa tỉnh Bến Tre;

Khả năng thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học về nguồn gen trên cơ sở cải tạo, phát triển Trung tâm Dừa Đồng Gò

- Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học nguồn gen cây dừa tỉnh Bến Tre

- Dự thảo Đề án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Các Sở: Công thương, NN&PTNT; KH&CN, UBND các huyện, thành phố; Trung tâm Dừa Đồng Gò

2023

2025

800

800

0

0

3

Duy trì quan hệ hợp tác tỉnh Bến Tre với tỉnh Tun- che-a nước Ru- ma-ni (Bản ghi nhớ hợp tác 16 tháng 10 năm 2014 trong khuôn khổ ASEM-10), Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Đồng bằng Đa Nuýp, Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Đa Nuýp Châu Âu (Thỏa thuận hợp tác ngày 01/3/2019)

Thực hiện thỏa thuận và phát triển hữu nghị quan hệ quốc tế

Các chuyến trao đổi chuyên gia, cán bộ học hỏi kinh nghiệm trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, biến đổi khí hậu, đất ngập nước

Văn phòng UBND tỉnh; Sở TN&MT

Các Sở: NN&PTNT, VHTT&DL; UBND thành phố Bến Tre, UBND huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại

2023

2025

600

600

0

0

4

Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái đồng bằng sông MêKông

- Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát du lịch sinh thái; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước, rừng ven biển;

- Phát triển quan hệ hợp tác Đồng bằng Sông MêKông- đồng bằng sông Đa Nuýp trong khuôn khổ hợp tác ASEM; Việt Nam- Rumania; Bến Tre và tỉnh Tulchea Rumania

Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án

Sở TN&MT

Các Sở NN&PTNT, VHTT&DL; UBND thành phố Bến Tre, UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú

2024

2025

100

100

0

0

5

Đánh giá kết quả giữa kỳ và Tổ chức Hội nghị công tác về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre

Xác định tiến độ, mặt đặt được, khó khăn trong triển khai kế hoạch hành động; và xem xét các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2026 - 2030

Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch hành động và 01 Hội nghị cấp tỉnh được tổ chức

Sở TN&MT

Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố

 

2025

100

100

0

0

6

Đánh giá hiện trạng và đề xuất ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Xác định các loài ngoại lai xâm hại đối với nông, lâm, thủy sản

Xác định giải pháp, lộ trình thực hiện kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại

- Báo cáo kết quả đánh giá

- Kế hoạch ngăn ngừa kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại đối với nông, lâm, thủy sản

Sở NN&PTNT

Các Sở: TN&MT, KH&CN; UBND các huyện, thành phố

2023

2025

1.000

1.000

0

0

7

Nghiên cứu thành lập trạm cứu hộ động vật hoang dã tỉnh Bến Tre

Phục vụ công tác quản lý về bảo vệ động vật rừng của cơ quan quản lý rừng

Báo cáo khả thi thực hiện

Sở NN&PTNT

Sở TN&MT; Công an tỉnh; các cơ quan liên quan

2024

2025

200

200

0

0

8

Xây dựng mô hình đồng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng cửa sông ven biển tỉnh Bến Tre.

Bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về nguồn lợi thủy sản của tỉnh;

Mô hình được triển khai mang lại hiệu quả cho công tác quản lý và lợi ích người dân địa phương

Sở NN&PTNT

Các Sở: TN&MT, KH&CN; UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú

2024

2025

1.000

1.000

0

0

9

Phục hồi trồng mới rừng ngập mặn ven biển

Phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái

Diện tích rừng được cải tạo, phục hồi và trồng mới theo Kế hoạch của ngành lâm nghiệp

Sở NN&PTNT

UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú

2023

2025

2.100

2.100

0

0

10

Nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu: bảo tồn, thu thập, lưu giữ các nguồn gen bản địa, có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm

Xác định hiện trạng đa dạng sinh học các nguồn gen tỉnh Bến Tre

Giải pháp lưu giữa bảo tồn các nguồn gen có giá trị

Các đề tài, dự án khoa học được triển khai và phê duyệt kết quả

Sở KH&CN

Các Sở: TN&MT, NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố

2023

2025

800

800

0

0

 

Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi loài Ốc gạo huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Xác định hiện trạng đa dạng sinh học loài Ốc gạo

Báo cáo hiện trạng, giải pháp cho tình hình thực tế

Sở KH&CN

Các Sở: TN&MT, NN&PTNT; UBND huyện Chợ Lách

2024

2025

300

300

0

 

11

Thực hiện Chương trình, hoạt động truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên

Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên đối với cuộc sống

Kế hoạch, chương trình hoạt động truyền thông hàng năm được thực hiện

Sở TT&TT

Các Sở: TN&MT, NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố

2023

2025

150

150

0

0

12

Thực hiện các hoạt động truyền thông thường xuyên nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học ở các địa phương

Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên đối với cuộc sống

Các hoạt động truyền thông được thực hiện ở 08 huyện và thành phố Bến Tre

UBND các huyện, thành phố Bến Tre

Các Sở: TT&TT, TN&MT, NN&PTNT

2023

2025

810

30/huyện, tp

0

0

II

GIAI ĐOẠN NĂM 2026 - 2030

1

Lập luận chứng đề xuất quy hoạch Khu bảo vệ cảnh quan ven biển cù lao An Hóa, Cửa sông Hàm Luông, Cửa sông Ba Lai

- Bảo tồn được sinh thái cảnh quan ven biển.

- Phục vụ cho công tác quản lý các khu bảo tồn có hiệu quả, chất lượng.

- Kết quả điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, hiện trạng đa dạng sinh học của khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn.

- Xác định vị trí, ranh giới của khu bảo tồn.

- Báo cáo dự án thành lập các Khu vệ cảnh quan

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT; KH&CN UBND huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú

2026

2028

3.000

3.000

0

0

2

Duy trì quan hệ hợp tác tỉnh Bến Tre với tỉnh Tun- che-a nước Ru- ma-ni (Bản ghi nhớ hợp tác 16 tháng 10 năm 2014 trong khuôn khổ ASEM-10), Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Đồng bằng Đa Nuýp, Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Đa Nuýp Châu Âu (Thỏa thuận hợp tác ngày 01/3/2019)

Thực hiện thỏa thuận và phát triển hữu nghị quan hệ quốc tế

Các chuyến trao đổi chuyên gia, cán bộ học hỏi kinh nghiệm trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, biến đổi khí hậu, đất ngập nước

Văn phòng UBND tỉnh; Sở TN&MT

Các Sở: NN&PTNT, VHTT&DL; UBND thành phố Bến Tre, huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại

2026

2030

1.000

1.000

0

0

3

Đánh giá hiện trạng đang dạng sinh học tỉnh Bến Tre và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2031 - 2040

Điều tra, kiểm kê, quan trắc, định kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh và công bố Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2031 - 2040

Báo cáo đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học tỉnh

Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên cho giai đoạn 2031 - 2040

Sở TN&MT

Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố

2028

2030

3.000

3.000

0

0

4

Xây dựng hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre

Xây dựng phần mềm và nhập liệu hỗ trợ việc quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre phục vụ công tác quản lý

- Phần mềm hỗ trợ việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu phiên bản web.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu được thiết kế, xây dựng gắn liền với phần mềm quản lý.

- Ứng dụng thiết bị di động quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu.

Sở TN&MT

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2026

2028

7.500

0

4.000

0

5

Hội nghị công tác bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2021 - 2030

Tổng kết, đánh giá, đề xuất

Hội thảo được tổ chức; Những bài học kinh nghiệm thực tiễn

Sở TN&MT

Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố

2030

2030

100

100

0

0

6

Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre

Nâng cấp cơ sở sản xuất, lưu trữ, phát triển nguồn gen, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ,…

- Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình đã xuống cấp, cải tiến trang thiết bị, máy móc, công nghệ, kỹ thuật.

Sở NN&PTNT

Các Sở KH&CN, TN&MT, KH&ĐT

2026

2030

30.000

0

30.000

0

7

Đầu tư nâng cấp và phát triển Khu bảo vệ loài - sinh cảnh Di sản thiên nhiên Sân Chim Vàm Hồ

Trồng và xây dựng những công trình thiết yếu nhằm bảo tồn và phát triển rừng, đàn chim hiện có gắn với phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch sinh thái.

- Nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có đã xuống cấp.

- Trồng rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu bảo tồn.

- Xây dựng các giải pháp phát triển bền vững sân chim.

UBND huyện Ba Tri

Các Sở VHTT&DL, TN&MT, KH&ĐT NN&PTNT

2026

2028

6.000

0

6.000

0

8

Đầu tư nâng cấp và phát triển Khu bảo vệ cảnh quan rừng Thạnh Phú

Trồng và xây dựng những công trình thiết yếu nhằm bảo tồn và phát triển rừng gắn với phòng hộ môi trường, bảo tồn ĐDSH, góp phần phát triển du lịch sinh thái.

- Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng Khu bảo vệ cảnh quan rừng Thạnh Phú (cơ sở hạ tầng, nhân lực, nguồn vốn,...).

- Nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có đã xuống cấp.

- Trồng rừng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng cho khu bảo tồn.

- Đề xuất phương án hoạt động, giải pháp phát triển của khu bảo tồn.

Sở NN&PTNT

Các Sở VHTT&DL, TN&MT, KH&ĐT UBND huyện Thạnh Phú

2026

2028

6.000

0

6.000

0

9

Xây dựng Trung tâm tri thức du lịch sinh thái đồng bằng sông MêKông

Thành lập Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mê Công, đầu mối liên kết vùng phát triển du lịch, nơi học tập, giáo dục cộng đồng về phát triển bền vững, quảng bá văn hóa truyền thống

Trung tâm tri thức (tòa nhà với kiến trúc nổi bật, độc đáo) được xây dựng tại thành phố Bến Tre

Sở TN&MT, Sở VHTT&DL,

Các sở: NN&PTNT, KH&ĐT và Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre

2026

2030

50.000

0

10.000

40.000

10

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về sử dụng, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học

- Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác bảo tồn và phát triển các nguồn gen bản địa, quý, hiếm, giá trị.

- Phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

- Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

- Nghiên cứu khoa học, và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, xu hướng, diễn biến đa dạng sinh học, khắc phục, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Tập trung các nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen, các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả.

- Phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Tăng cường nghiên cứu thăm dò sinh học, phát hiện các vật liệu di truyền và dẫn xuất có giá trị ứng dụng cao cho phát triển kinh tế - xã hội

Sở KH&CN

Các sở: TN&MT, NN&PTNT

2026

2030

2.000

2.000

0

0

11

Thực hiện Chương trình, hoạt động truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên

Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên đối với cuộc sống

Kế hoạch, chương trình hoạt động truyền thông hàng năm được thực hiện

Sở TT&TT

Các Sở: TN&MT, NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố

2026

2030

300

300

0

0

12

Thực hiện các hoạt động truyền thông thường xuyên nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học ở các địa phương

Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên đối với cuộc sống

Các hoạt động truyền thông được thực hiện ở 08 huyện và thành phố Bến Tre

UBND các huyện, thành phố Bến Tre

Các Sở: TN&MT, NN&PTNT

2026

2030

1.350

50/huyện, tp/năm

0

0

 

PHỤ LỤC II

CHỈ TIÊU GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 1527/KH-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

TT

Chỉ tiêu

Cơ quan theo dõi, đánh giá

Lộ trình thực hiện

Năm 2025

Năm 2030

1

Số lượng khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập mới

Sở Tài nguyên và Môi trường

0

01

2

Số lượng khu di sản thiên nhiên được đánh giá, đề xuất thành lập mới

Sở Tài nguyên và Môi trường

01

01

3

Dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre

Sở Tài nguyên và Môi trường

01

01

4

Tỷ lệ các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án có lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học

Sở Tài nguyên và Môi trường

50%

90%

5

Đề án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học (bảo tồn nguồn gen)

Sở Tài nguyên và Môi trường

1

 

6

Số lượng di sản thiên nhiên được bảo vệ, quản lý tốt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

01

02

7

Độ che phủ rừng/diện tích tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

02%

2,1%

8

Kế hoạch ngăn chặn, kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1

1

9

Dự án, đề tài nghiên cứu, đánh giá, thu thập các nguồn gen được thực hiện

Sở Khoa học và Công nghệ

01

02

10

Số lượng kế hoạch, hoạt động truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên

Sở Thông tin và Truyền thông

02

05

11

Trung tâm tri thức phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái được đầu tư xây dựng

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

01

 



[1] Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

[2] Quyết định số 1236/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1527/KH-UBND năm 2023 về hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1527/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Minh Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản