Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1522/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2539/QĐ-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, nội dung cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

Chất lượng dân số là phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ “Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số”“Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh”. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh “Nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, bao gồm giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em”.

Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tại Việt Nam, Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai thí điểm từ năm 2007 đến năm 2013. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh và mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai từ năm 2011. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ bà mẹ đang mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2022, số liệu ghi nhận, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,3%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,4%. Đạt và vượt chỉ tiêu 90% thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tham gia tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: một số cơ sở y tế tuyến quận, huyện chưa có bác sĩ sản phụ khoa để thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh, công tác quản lý, theo dõi, điều trị các đối tượng nghi ngờ, chẩn đoán xác định bệnh còn gặp khó khăn và chưa có quy trình chuẩn về công tác này.

Do vậy, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại Thành phố đến năm 2030 là cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG

1. Căn cứ pháp lý

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

- Quyết định số 1807/QĐ-BYT ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

- Quyết định số 2539/QĐ-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

- Công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

- Kế hoạch số 2347/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

2. Cơ sở thực tiễn

Hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh và mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai năm 2011, được thực hiện và duy trì ở các đơn vị y tế cấp Thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý nghĩa, tác dụng của hoạt động này và thu hút sự tham gia tích cực của Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia thực hiện phát hiện sớm, hạn chế tình trạng dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ của trẻ em, nâng cao chất lượng dân số.

Hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Khoa Chăm sóc trước sinh và Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học (Bệnh viện Từ Dũ) đào tạo bác sĩ, cử nhân hộ sinh về kỹ thuật tư vấn và sàng lọc trước sinh cho các Bệnh viện, Khoa sức khỏe sinh sản, các Trung tâm Y tế. Đào tạo về kỹ năng tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kỹ thuật lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh; kỹ thuật lấy giọt máu khô xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho nhân viên y tế; kỹ thuật sàng lọc không xâm lấn; tổ chức lớp nâng cao kiến thức cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ngoài các cơ sở y tế công lập triển khai hoạt động này còn có đóng góp của bệnh viện, phòng khám tư nhân ...trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho 283.488 bà mẹ mang thai, số trường hợp được chẩn đoán xác định bệnh sớm ngay trong giai đoạn bào thai là 11.753 chiếm tỷ lệ 4,15%. Trong đó, có 732 trường hợp mắc hội chứng Down, 743 dị tật ống thần kinh, 274 bất thường nhiễm sắc thể khác và 10.004 trường hợp mắc các dị tật khác. Thực hiện lấy máu gót chân trong vòng 48 giờ sau sinh để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho 267.160 trẻ, số trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh là 1.612 trường hợp chiếm tỷ lệ 0,44 %. Trong đó, có 63 trường hợp suy giáp bẩm sinh, 1.382 trường hợp thiếu men G6PD, 50 trường hợp tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và 117 trường hợp bất thường khác. Tất cả các trường hợp nghi ngờ bất thường đều được tư vấn, hướng dẫn quy trình để tiến hành chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp. Hoạt động can thiệp, tác động vào quá trình phát hiện và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh; giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

Các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên luôn được quan tâm chú ý, nội dung này còn hướng đến việc chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn cho vị thành niên, thanh niên nhằm các mục đích hết sức thiết thực và to lớn hơn, đó là chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Hàng năm, Thành phố luôn phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về khám sức khỏe trước khi kết hôn bằng hình thức xã hội hóa cho các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Đây là chỉ tiêu đặc thù của Thành phố, trung bình hàng năm vận động hơn 700 cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn diện xã hội hóa.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể như: ngoài các nhóm đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách Thành phố hỗ trợ, còn một bộ phận người dân có mức thu nhập thấp và trung bình chưa sẵn sàng tham gia chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh do giá một số dịch vụ còn khá cao so với khả năng tự chi trả của người dân; công tác theo dõi, tư vấn, điều trị các trường hợp có bệnh còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như danh sách các ca bệnh chưa được phối hợp quản lý chặt chẽ, việc cập nhật chia sẻ thông tin giữa các tuyến Thành phố, huyện, xã còn chậm, còn tình trạng để mất dấu các ca bệnh....; nhận thức về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn của một số nam, nữ thanh niên vẫn còn hạn chế.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số của Thành phố góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 04 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 85% năm 2025; đạt 90% năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 05 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 85% năm 2025; đạt 90% năm 2030.

- Tỷ lệ phường, xã, thị trấn cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; đạt 90% năm 2030.

- Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến quận, huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; đạt 90% năm 2030.

IV. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: toàn Thành phố.

2. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: vị thành niên; nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

- Đối tượng tác động:

+ Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn; cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn Thành phố.

+ Cán bộ y tế, dân số; cộng tác viên dân số.

+ Người quản lý, người cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh bao gồm cả khu vực ngoài công lập; người quản lý giáo dục.

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Triển khai thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị trong triển khai thực hiện chương trình.

- Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù về nâng cao chất lượng dân số.

- Triển khai các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ của Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

- Triển khai thực hiện các danh mục dịch vụ tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thực hiện quy trình chuyên môn kỹ thuật; quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ sở cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; bộ công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ và trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Tuyên truyền vận động và huy động xã hội

- Triển khai Chương trình đến chính quyền các cấp, quán triệt đến các cấp ủy đảng, chính quyền. Tuyên truyền, vận động các đoàn thể, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng và người dân ủng hộ, tham gia thực hiện Chương trình. Lồng ghép với các hoạt động, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan.

- Tăng cường phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự,... về mục đích, ý nghĩa, nội dung, thông tin về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, các bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh, vận động người dân và cộng đồng thực hiện. Đồng thời tận dụng mạng xã hội trong hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng.

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng ... cho Nhân dân và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (đặc biệt là phụ nữ có thai, sản phụ) và các cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tại khu phố, ấp, tổ dân phố; triển khai việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến những giá trị, lợi ích của việc thực hiện tư vấn, khám tầm soát phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em vào trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị.

- Đẩy mạnh tư vấn cộng đồng, vận động phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật sơ sinh.

3. Phát triển mạng lưới dịch vụ

- Mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới tại tuyến phường, xã, thị trấn trong cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, ưu tiên các địa bàn thuộc xã vùng xa, xã ven biển, đảo, huyện Cần Giờ.

- Phối hợp với Bộ Y tế thực hiện công tác nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ.

- Đào tạo liên tục cho cán bộ y tế - dân số tuyến Thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; nhân viên y tế khu phố, ấp; người cung cấp dịch vụ bao gồm cả khu vực ngoài công lập.

- Tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn cho cán bộ quận, huyện, phường, xã, thị trấn làm công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, quản lý đối tượng tham gia tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh.

- Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn theo hướng bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cơ bản tại xã; được tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng dịch vụ. Giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, bao gồm cả khu vực ngoài công lập.

- Thí điểm một số can thiệp, mô hình cung cấp dịch vụ tại khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, vận hành các cơ sở cung cấp dịch vụ. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở dữ liệu về các đối tượng của Chương trình theo hướng dẫn.

4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới

- Nghiên cứu và ứng dụng thành tựu mới về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh.

- Tham gia các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về chia sẻ các kỹ thuật hiện đại trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh định kỳ hàng năm.

5. Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, dân số tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

- Lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương để huy động nguồn lực, tăng cường hiệu lực hiệu quả đầu tư;

- Vận động các nguồn lực, tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chương trình; tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

- Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Ngân sách Trung ương (đối với các dự án đầu tư trang thiết bị tại một số đơn vị trên địa bàn Thành phố do Bộ Y tế chủ trì).

- Ngân sách Thành phố bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và từ nguồn kinh phí hợp pháp khác; lồng ghép trong các Chương trình, Dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để chỉ đạo, tổ chức triển khai, điều phối thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính đã nêu trong Kế hoạch trên phạm vi toàn Thành phố, đảm bảo gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các Kế hoạch khác có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù về nâng cao chất lượng dân số.

- Phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế thực hiện các nội dung có liên quan trong Quyết định số 2539/QĐ-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) theo quy định.

- Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Chủ trì tổ chức sơ kết đánh giá giữa giai đoạn vào năm 2025 và tổ chức tổng kết đánh giá Chương trình vào năm 2030.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ cho các dự án có liên quan đến Kế hoạch (nếu có).

3. Sở Tài chính: phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục về nâng cao chất lượng dân số; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; giới, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh, sinh viên, nhất là trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, bảo đảm hình thành kiến thức và kỹ năng đúng đắn có hệ thống cho thế hệ trẻ.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới trong việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước khi kết hôn, trước sinh, sơ sinh.

6. Sở Văn hóa và Thể thao: phối hợp tổ chức tuyên truyền và lồng ghép nội dung về dân số, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trong các hoạt động của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

7. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: căn cứ tình hình thực tế của địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh của địa phương; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án khác có liên quan trên địa bàn.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân Thành phố và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, các tổ chức xã hội: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức mình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện các nội dung có liên quan trong kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Đề nghị Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch để triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Y tế) để tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Tổng cục DS-KHHGĐ;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN TP và các đoàn thể;
- Các sở, ban ngành TP;
- Thành viên BCĐ CT DS-KHHGĐ.TP;
- UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Chi cục DS-KHHGĐ;
- VPUB: CVP, PVP/VX;
- Phòng VX;
- Lưu: VT. (VX-MĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1522/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030

  • Số hiệu: 1522/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 17/04/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Dương Anh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản