Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 102/NQ-CP NGÀY 03/8/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ GIAO CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ. Xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm tăng nhanh và bền vững số người tham gia BHXH; ổn định chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Nắm vững quan điểm, mục tiêu, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần thực hiện thành công Đề án cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH mà Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ đã đề ra.

2. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Căn cứ các nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu của Nghị quyết số 102/NQ-CP để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho từng loại đối tượng, theo từng thời gian, từ đó xác định các giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHTN; duy trì số lượng đã tham gia; phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ đối tượng tham gia; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tham gia BHXH, BHTN; quản lý quỹ BHXH, BHTN an toàn, hiệu quả và bảo đảm cân đối được nguồn quỹ.

2. Mục tiêu cụ thể

Chỉ tiêu

Năm 2018

Kế hoạch năm 2019

Kế hoạch năm 2020

2.1. BHXH bắt buộc

 

 

 

- Số người thuộc đối tượng tham gia

76.005

77.359

78.594

- Số người tham gia

53.087

55.648

58.432

- Tỷ lệ trên số người thuộc diện tham gia (%)

69,85

71,93

74,35

- Tốc độ phát triển (%)

3,71

4,82

5,00

2.2. BHTN

 

 

 

- Số người thuộc đối tượng tham gia

53.482

54.247

55.282

- Số người tham gia

41.038

43.089

45.329

- Tỷ lệ trên số người thuộc diện tham gia (%)

76,73

79,43

82,00

- Tốc độ phát triển (%)

4,96

5,00

5,20

2.3. BHXH tự nguyện

 

 

 

- Số người thuộc đối tượng tham gia

220.339

221.967

224.203

- Số người tham gia

2.454

2.945

3.534

- Tỷ lệ trên số người thuộc diện tham gia (%)

1,11

1,33

1,58

- Tốc độ phát triển (%)

15,32

20,00

20,00

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và Nhân dân trên địa bàn về chủ trương, chính sách lao động, việc làm, BHXH, BHTN. Tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 theo Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh. Trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung về ký kết hợp đồng lao động, tiền lương và chính sách BHXH.

Tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng của lực lượng tuyên truyền viên cơ sở, các đại lý thu của hệ thống BHXH, đặc biệt phát huy vai trò của trưởng thôn, tổ trưởng, khối trưởng khu dân cư, các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là đối với những cá nhân đã tham gia BHXH tự nguyện hiện đang được hưởng lương hưu sẽ là những tuyên truyền viên đắc lực cho việc tăng số người tham gia tại địa bàn. Tập trung tuyên truyền đối với chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ một phần tiền đóng của Nhà nước từ ngày 01/01/2018.

2. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến BHXH, BHTN

Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động; xác định rõ lao động của doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định.

3. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH

Cơ quan BHXH cần nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và hưởng BHXH, BHTN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tham gia và thụ hưởng chế độ, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện. Triển khai và áp dụng thông suốt quy trình thực hiện BHXH điện tử theo quy định của Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

4. Thực hiện các giải pháp để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu sửa đổi, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh, từ đó hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để thu hút lao động, tạo việc làm, tăng số người tham gia BHXH. Tăng cường đối thoại doanh nghiệp, tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

5. Phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể

Phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách, quy định của pháp luật, vận động, thuyết phục hội viên, đoàn viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó chú trọng về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

6. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, tập trung nội dung về ký kết HĐLĐ và tham gia BHXH. Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH.

Quá trình thực hiện trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ, có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN; doanh nghiệp chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

7. Đảm bảo về tài chính

Kinh phí để thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước bảo đảm và từ nguồn vận động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Sở Tài chính cân đối ngân sách và báo cáo UBND tỉnh, trình Hội đồng nhân dân bố trí ngân sách để thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH hàng năm trên cơ sở dự toán và đề nghị của của các đơn vị; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế vận động, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt đối với các thành viên hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xác định đối tượng tham gia BHXH tiềm năng, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; báo cáo kết quả việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đóng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm người lao động đang làm việc thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN được tham gia đầy đủ.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, người lao động và các tầng lớp Nhân dân; giúp các doanh nghiệp, người lao động, Nhân dân hiểu đúng về chính sách BHXH, từ đó có trách nhiệm và tích cực tham gia, góp phần phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BHXH; tham mưu, đề xuất xử lý những vi phạm về trốn đóng, nợ đọng BHXH nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng đến mức thấp nhất và phát triển đối tượng tham gia BHXH đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; phối hợp với các ngành có liên quan trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu về số doanh nghiệp, người lao động để theo dõi, quản lý, từ đó có căn cứ yêu cầu người sử dụng lao động, người lao động tham gia đầy đủ theo quy định của pháp luật về BHXH.

Chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về đối tượng đang tham gia BHXH trên địa bàn; đồng thời phân tích, tính toán số đối tượng tham gia tiềm năng cần khai thác cho các năm sau. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích và hỗ trợ một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

3. Sở Tài chính

Đảm bảo cân đối ngân sách hàng năm đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích và hỗ trợ một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Định kỳ hàng quý cung cấp thông tin về số lượng, danh sách doanh nghiệp được thành lập và hoạt động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh để có phương án quản lý và phát triển đối tượng tham gia BHXH. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu về số doanh nghiệp, người lao động để theo dõi, quản lý đối tượng tham gia BHXH.

Tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.

5. Sở Nội vụ

Hàng năm cung cấp thông tin về số lượng cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã theo từng huyện, thành phố (bao gồm cả người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Theo dõi, kiểm tra, đánh giá để kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

6. Cục Thuế tỉnh

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu về số doanh nghiệp, người lao động để theo dõi, quản lý đối tượng tham gia BHXH.

Phối hợp, cung cấp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về số lao động, mức tiền lương, tiền công của người lao động trong các doanh nghiệp có liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

7. UBND các huyện, thành phố

Tăng cường triển khai thực hiện và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo chính sách, pháp luật về BHXH đến được với mọi người dân trên địa bàn; phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 102/NQ-CP nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và tầng lớp nhân dân về chính sách BHXH.

Căn cứ mục tiêu, tiêu chí phát triển đối tượng tham gia BHXH của tỉnh, xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn và trình HĐND cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra.

8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

Phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về BHXH, chú trọng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Tích cực phối hợp triển khai, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn; vận động hội viên, đoàn viên cùng Nhân dân tham gia BHXH theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu, phát triển đối tượng tham gia BHXH.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm với chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể, đảm bảo mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đã đề ra. Định kỳ báo cáo kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 20/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTB&XH;
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- MTTQ VN tỉnh;
- Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng: KG-VX, TH, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KG-VX (NTH).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hồ Tiến Thiệu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 152/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Hồ Tiến Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản