Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/KH-UBND | Long Xuyên, ngày 16 tháng 7 năm 2008 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC
Ngày 19 tháng 5 năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 30-CT/TU về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Để triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động học sinh đến trường để tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học; tích cực phòng chống học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là cấp trung học sơ sở, trung học phổ thông, nhằm thực hiện bền vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tăng hiệu quả đào tạo.
2. Nâng cao chất lượng dạy và học, đặc hiệt là ở bậc tiểu học và các khối lớp đầu cấp, để phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:
1. Tích cực huy động học sinh đến trường để nâng cao tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học.
Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học ở các cấp, bậc học trong tỉnh hiện còn rất thấp so với cả nước và khu vực; do đó, cần có kế hoạch, biện pháp tích cực hơn để huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, phấn đấu đến năm 2010 bằng mức trung bình của cả nước. Thực hiện “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” bằng nhiều việc làm thiết thực, không phô trương hình thức, nắm chắc số trẻ trong độ tuổi đi học để có kế hoạch huy động từ thời gian tựu trường (tháng 8 hàng năm).
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, xem đây là biện pháp căn cơ và lâu dài để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Chỉ thị 30-CT/TU đã xác định “…học sinh không đi học và bỏ học giữa chừng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do học lực yếu, kém đi đến chán, bỏ học là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thuộc trách nhiệm ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cần được khắc phục sớm; các nguyên nhân khác thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội”. Do đó, trách nhiệm của ngành GD&ĐT trong thời gian tới là tiếp tục lấy nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua đổi mới phương pháp dạy và học; cải tiến công tác kiểm tra, thi cử làm nhiệm vụ trung tâm.
a. Đối với Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo:
- Nghiên cứu vận dụng nội dung chương trình và phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, nhất là đối tượng học sinh thiểu năng, chậm tiến bộ, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…; có kế hoạch tổ chức lớp học linh hoạt, phù hợp với vùng có tập quán làm ăn theo mùa vụ. Nghiên cứu áp dụng việc giảm tải chương trình, nội dung sách giáo khoa theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc Khmer, Chăm.
Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng “ngồi nhầm lớp” trong 2 năm học tới, từng bước thu hẹp tỷ lệ học sinh học tập yếu, kém. Nâng chất lượng giáo dục là một quá trình, nhưng cần có sự tập trung quyết liệt hơn, phải bắt đầu từ nền tảng là bậc tiểu học và chú ý các lớp đầu cấp.
Thực hiện tốt nguyên lý “học đi đôi với hành”; khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị dạy học đã được trang bị, phát huy tự làm đồ dùng dạy học, để làm cho tiết học sinh động và hấp dẫn người học.
Có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng các phòng chức năng, phòng học bộ môn cho các trường phổ thông, đặc biệt quan tâm bậc tiểu học. Tích cực hơn nữa xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường ra trường, tạo cảnh quan sư phạm, môi trường thân thiện để thu hút người học. Kết hợp học tập với các hoạt động phong trào, vui chơi, giải trí trong nhà trường, tạo môi trường giáo dục hấp dẫn đối với học sinh.
- Phấn đấu hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo tiến độ; không chạy theo thành tích, gian dối trong trong thi cử, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp. Chú trọng thực hiện công tác hướng nghiệp, triển khai phân luồng sau cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giúp học sinh định hướng con đường học tập phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Phân luồng phải chú ý đến tạo điều kiện cho học sinh vào học các loại hình trường, lớp tiếp theo phù hợp; đảm bảo việc học tập ngoài con đường phổ thông chính quy vẫn mang lại tri thức, kỹ năng nghề nghiệp để có công ăn, việc làm sau này, thực hiện được mục tiêu “nâng cao dân trí”.
- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, người thầy đóng vai trò quyết định đối với kết quả học tập của học sinh; do đó, phải được thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra, cần xây dựng đạo đức nghề nghiệp, tận tụy với công việc; xây dựng lòng yêu thương học sinh, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh học tập yếu, kém và có nguy cơ bỏ học.
Thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy; nâng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm chuẩn mực, đạo đức nhà giáo.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục phát huy thanh tra liên ngành giữa thanh tra nhà nước và thanh tra GD&ĐT về huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, UBND các cấp có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác này. Ngành GD&ĐT cần tổ chức thanh tra sâu sát hơn chất lượng học tập của học sinh; đánh giá, xếp loại giáo viên đúng thực chất, không nể nang; thanh tra thực hiện cuộc vận động “2 không”; tăng cường công tác tự kiểm tra ở trường học.
- Làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp để thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học.
b. Đối với các đơn vị trường học:
- Trong các trường học phổ thông, phải tích cực hưởng ứng cuộc vận động “2 không” và cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai cuộc vận động nầy, phải làm thông suốt trong tập thể sư phạm và cùng quyết tâm thực hiện.
Trong quá trình giáo dục, cần quan tâm đối tượng học sinh yếu, kém, tránh tình trạng để học sinh “ngồi bên lề lớp học”, làm tăng nguy cơ bỏ học. Từng trường có biện pháp tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém phù hợp, chú ý hiệu quả. Về lâu dài, phải xem đây là nhiệm vụ bắt buộc của thầy, cô giáo theo quy định của điều lệ nhà trường phổ thông.
- Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, sớm phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, xác định nguyên nhân để theo dõi, giúp đỡ kịp thời bằng nhiều biện pháp từ phía Ban đại diện Cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp. Giới thiệu để hội khuyến học, các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các đối tượng nầy.
- Chủ động phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm; tạo điều kiện để cha mẹ học sinh biết tình hình học tập, đạo đức của con em mình, biết tình hình hoạt động của nhà trường và những chủ trương, chính sách về công tác giáo dục và đào tạo.
- Đặc biệt quan tâm giữ gìn, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất nhà trường, tạo cảnh quan sư phạm; triển khai tốt các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục thể thao để tạo môi trường thân thiện, thu hút học sinh.
c. Đối với các sở, ngành liên quan:
- Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hội khuyến học các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, tùy theo chức năng và nhiệm vụ của ngành mình, phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT thực hiện tốt việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TU.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp với ngành GD&ĐT tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị để cải thiện điều kiện học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
- Ngành tài chính, ngành GD&ĐT đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên nhà trường; bảo đảm kinh phí chi hoạt động tại trường. Dành nguồn kinh phí chi sự nghiệp tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để tổ chức các hoạt động tập trung cấp huyện, tỉnh. Kiên quyết không để tình trạng nợ lương, thực hiện không đầy đủ chế độ chính sách đối với giáo viên.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục – 2005, Luật Phổ cập giáo dục, chủ trương xây dựng xã hội học tập:
a. Về nội dung: Tiếp tục quán triệt Luật Giáo dục, Luật Phổ cập giáo dục trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và đào tạo và ngoài xã hội; trong đó cần nhấn mạnh chủ trương xây dựng xã hội học tập. Chú ý nêu gương những gia đình vượt khó cho con em học tập thành đạt; cổ vũ phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… Bên cạnh đó cũng phê phán những người cố tình, thiếu trách nhiệm, cản trở thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của trẻ em, bắt trẻ em đi lao động sớm, trước tuổi. Áp dụng các biện pháp chế tài đối với những người thiếu ý thức hoặc cản trở việc học tập của trẻ em.
Động viên, hướng dẫn cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học tập của con em. Cải tiến hoạt động Ban đại diện Cha mẹ học sinh trong các trường học, trong đó cần phát huy vai trò của Ban đại diện lớp. Hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh không nên quá chú trọng vào việc vận động đóng góp mà phải tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và thực hiện yêu cầu “3 biết”: biết tình hình học tập, đạo đức của con em mình để phối hợp giáo dục; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ; biết những chủ trương, chính sách về công tác giáo dục và đào tạo để cùng thực hiện.
b. Về hình thức: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường phối hợp tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Ngoài chuyên mục GD&ĐT thực hiện thường kỳ trên báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang; trong các đợt cao điểm như “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, tựu trường, sau nghỉ Tết Nguyên đán…cần tăng cường thời lượng tin, bài, phát sóng, đưa những khẩu hiệu cổ động xen kẽ giữa các chương trình để nhắc nhở học sinh đến trường. Ngành thông tin và truyền thông thực hiện các cụm panô, áp phích cổ động việc học tập của mọi người, vận động học sinh đến trường trong thời điểm tựu trường; ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ cổ động phong trào xã hội học tập, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng có tỉ lệ học sinh bỏ học cao để tuyên truyền.
Ủy ban mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở phân công từng thành viên phụ trách các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cụ thể, nhất là trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, tựu trường hàng năm. Trong công tác vận động, tránh xu hướng hành chính hóa, làm qua loa, báo cáo cho xong trách nhiệm, mà phải quan tâm tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của gia đình và học sinh để có biện pháp vận động, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng.
Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Sở GD&ĐT duy trì hình thức biểu dương học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm, tuyên dương các nhà tài trợ, mạnh thường quân hỗ trợ tích cực cho công tác GD&ĐT (2 năm một lần).
4. Triển khai đồng bộ các chính sách xã hội để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh không được đến trường do hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, Chương trình xóa đói giảm nghèo - giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất, giúp người dân ổn định, nâng cao cuộc sống. Gắn nghĩa vụ học tập với quyền lợi của người dân, khi thực hiện các chính sách xã hội có xem xét đến việc thực hiện nghĩa vụ học tập của từng gia đình.
5. Tăng cường các biện pháp để hạn chế học sinh bỏ học.
Việc vận động học sinh đã bỏ học trở lại trường là rất khó, nên phải kiên trì, thường xuyên theo dõi, không thỏa mãn khi thấy học sinh đã trở lại học ngay sau vận động, trong năm cần tập trung vào đợt cao điểm “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”. Thực hiện phương châm phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa học sinh bỏ học là chính. Cần theo dõi chặt chẽ đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được tiếp tục đi học, đồng thời vận động ngay khi học sinh mới nghỉ học bằng các hình thức thích hợp.
Một số biện pháp đã triển khai thực hiện có hiệu quả cần phát huy là :
- Các cấp chính quyền, đoàn thể không tổ chức vận động học sinh bỏ học như phát động phong trào một cách chung chung; cần có kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chức năng của ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đối tượng cụ thể; nắm chặt tình hình, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên. Thực hiện khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, sáng tạo, đạt hiệu quả trong các đợt huy động học sinh đến trường, vận động học sinh bỏ học trở lại trường; đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt, kém hiệu quả.
- Phát huy việc tổ chức các cuộc vận động hỗ trợ gia đình khắc phục hoàn cảnh khó khăn, biểu dương gương vượt khó. Vận động phong trào hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống ở cộng đồng dân cư.
- Phối hợp chặt chẽ giữa đoàn vận động và nhà trường, theo dõi học sinh đã bỏ học trở lại trường, hạn chế tình trạng “tái bỏ học”, làm lãng phí công sức.
- Kết hợp giữa hình thức biểu dương gương điển hình tiên tiến với phê phán người cố tình cản trở việc học tập của người khác, xử phạt hành chính theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU và Kế hoạch này từ năm học 2008-2009. Những ngành có yêu cầu phối hợp thì xây dựng kế hoạch liên ngành, liên tịch, phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể, thực hiện sơ, tổng kết kịp thời.
Sở GD&ĐT chịu trách nhiểm tổ chức triển khai Kế hoạch này đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên trong ngành từ đầu năm học 2008-2009; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan và UBND các chuyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này; lồng ghép việc sơ, tổng kết thực hiện Kế hoạch trong sơ kết học kỳ I, tổng kết năm học với yêu cầu chung là tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc huy động học sinh đến trường và giảm dần tình trạng học sinh bỏ học./.
Nơi nhận: - Bộ GD-ĐT (VP1, VP2); | KT.CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 về tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2Chỉ thị 912/CT-UBND năm 2017 khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 1Nghị định 49/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
- 2Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 về tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 3Chỉ thị 912/CT-UBND năm 2017 khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Kế hoạch 15/KH-UBND năm 2008 về triển khai thực hiện chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 15/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/07/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Minh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/07/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra