Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔNG THỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT DỰA TRÊN NỀN TẢNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, NĂM 2021

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khẳng định khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

b) Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở, cấp trường,...); hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm.

b) Hỗ trợ 02 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.

c) Triển khai chương trình đào tạo cho khoảng 30 thành viên làm “Chuyên viên năng suất chất lượng” tại các doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ 02 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành (năng suất dịch vụ công, năng suất xanh, năng suất bền vững) và 01 lớp tập huấn về ISO 56000.

đ) Hỗ trợ ít nhất 01-02 doanh nghiệp xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ

e) Hỗ trợ ít nhất 01 doanh nghiệp nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ.

g) Hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mô hình kinh doanh mới (thông qua chính sách của tỉnh hoặc nhiệm vụ khoa học - công nghệ).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Tham gia phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu, đào tạo có năng lực để xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp.

- Tham gia phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu, đào tạo có năng lực để xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chia sẻ thông tin, dữ liệu về ứng dụng các tiến bộ công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, chuyên gia năng suất, năng suất của tỉnh, năng suất doanh nghiệp.

- Triển khai, thực hiện, áp dụng lồng ghép các chính sách, các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2021 trên địa bàn tỉnh (các Nghị quyết của HĐND tỉnh, đề án Cố đô Khởi nghiệp, Chương trình sở hữu trí tuệ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc,...).

2. Phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất

a) Xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu và tư vấn về năng suất

- Đánh giá thực trạng năng suất chất lượng của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp hỗ trợ (bao gồm một số nội dung chính như: thuê chuyên gia khảo sát, tập huấn đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp,...).

- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất nhằm phát triển các sản phẩm, cụ thể:

Dự án: Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol (UBND tỉnh đã phê duyệt theo nhiệm vụ khoa học - công nghệ đợt 1, năm 2020).

Dự án: Ứng dụng chế phẩm vi sinh Quế Lâm để xử lý rơm, rạ ngay sau vụ thu hoạch tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ cho vùng trồng lúa tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn vị chủ trì: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm (UBND tỉnh đã phê duyệt theo nhiệm vụ khoa học - công nghệ, năm 2019) .

Dự án: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất một số cây đặc sản thương hiệu Nam Đông tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi Thác Mơ. Đơn vị chủ trì: Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco (UBND tỉnh đã phê duyệt theo nhiệm vụ khoa học - công nghệ đợt 1, năm 2020) .

Dự án: Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây sen tại Thừa Thiên Huế theo chuỗi liên kết. Đơn vị chủ trì: Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (UBND tỉnh đã phê duyệt theo nhiệm vụ khoa học - công nghệ đợt 1, năm 2020).

Dự án NTMN do Trung ương quản lý “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) tại tỉnh Thừa Thiên Huế” Công ty TNHH MTV Nông Lâm Nghiệp Hương Cát (Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt trong kế hoạch năm 2020).

Một số nhiệm vụ KHCN xem xét đề xuất trong kế hoạch năm 2021:

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cà gai leo (Solanum hainanense Hance) và sa nhân tím (Amomum longgiligulare T.L.Wu) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đơn vị chủ trì: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công Thành (đề xuất dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý bắt đầu thực hiện từ năm 2021).

Dự án “Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật sản xuất một số giống dược liệu (cây ba kích tím, cây tràm gió,...) phục vụ mô hình trồng và phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đơn vị chủ trì: Công ty TNHH Nông nghiệp MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (đề xuất nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh năm 2021).

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (đề xuất dự án với Tổng cục Đo lường chất lượng- Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào nhiệm vụ 2022).

Dự án: Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất của thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ (theo đề xuất của doanh nghiệp).

- Tổ chức triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành (năng suất dịch vụ công, năng suất xanh, năng suất bền vững): Lựa chọn 02 doanh nghiệp để triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 (hỗ trợ thông qua hình thức triển khai Đề án)

b) Triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất

- Tổ chức đào tạo, tập huấn “Chuyên viên năng suất chất lượng’’ cho mỗi doanh nghiệp, phấn đấu mỗi doanh nghiệp có nhu cầu, được đào tạo tối thiểu 02 thành viên nắm kiến thức về năng suất chất lượng để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học thuộc Đại học Huế.

- Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất ở địa phương, gắn kết với viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo thực hành, mô phỏng về cải tiến năng suất.

3. Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp

a) Gắn kết chặt chẽ nội dung của kế hoạch với các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh nhằm góp phần cắt giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó ưu tiên lồng ghép các đề án, chương trình, kế hoạch để triển khai các nội dung sau:

- Tổ chức tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000.

- Xây dựng Dự án điểm hỗ trợ doanh nghiệp về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản (HACCP, GMP;...) (lồng ghép với Chương trình năng suất chất lượng).

- Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp tốt và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế (lồng ghép với Chương trình năng suất chất lượng).

- Hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng mới (lồng ghép với Chương trình phát triển tài sản trí tuệ).

- Hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương (lồng ghép với Chương trình phát triển tài sản trí tuệ).

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển vùng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm dược liệu,... (lồng ghép với đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu).

- Nghiên cứu đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, cấp tỉnh,...với các sản phẩm có khả năng thương mại hóa để góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (lồng ghép với đề án Cố đô Khởi nghiệp).

- Lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, hướng dẫn truy xuất nguồn gốc bằng công cụ điện tử từ cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến ở những vùng, hợp tác xã sản xuất tập trung, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm chủ lực (lồng ghép với đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc).

- Triển khai áp dụng cấp mã QR-code (thông qua hệ thống tem điện tử) cho các sản phẩm, đảm bảo thông qua tem gắn trên sản phẩm sau khi đã được kích hoạt thông tin và đưa ra phân phối trên thị trường thì người tiêu dùng có thể kiểm tra truy xuất thông tin của sản phẩm qua tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu - thu hoạch vận chuyển - chế biến và phân phối đến khi sản phẩm chính thức đến tay người tiêu dùng (lồng ghép với đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc).

- Xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao năng suất tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện Kế hoạch, có tính đến khả năng hấp thụ công nghệ và trình độ, quy mô sản xuất của doanh nghiệp; tổ chức nghiên cứu, đánh giá về vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp này trong việc phát triển phong trào năng suất của tỉnh (lồng ghép với đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường).

4. Tuyên truyền, phổ biến về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

a) Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, giải pháp về năng suất, cải tiến năng suất, các kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất trong nước, trong tỉnh của doanh nghiệp và cộng đồng, …, gồm:

- Tuyên truyền trên sóng truyền trình TRT Huế hoặc VTV8: 02 số

- Trên Báo Thừa Thiên Huế, Bản tin KH&CN: 02 chuyên mục.

b) Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động năng suất chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”

5. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế

a) Tăng cường hợp tác với cơ quan năng suất trong và ngoài nước.

b) Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất với các tổ chức quốc tế (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế Giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức năng suất châu Á (APO) và các tổ chức quốc tế khác.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2021 và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

- Lập dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Khoa học và Công nghệ để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Đại học Huế;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- CVP, PCVP H.V Cường;
- Lưu: VT, CN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TỔNG THỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT DỰA TRÊN NỀN TẢNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, NĂM 2021)
(Kèm theo Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

STT

Nội dung

Số lượng dự kiến

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

I

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

 

 

 

 

Triển khai, thực hiện, áp dụng lồng ghép các chính sách, các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2021 trên địa bàn tỉnh

 

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

II

Phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất

 

 

 

1

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cà gai leo (Solanum hainanense Hance) và sa nhân tím (Amomum longgiligulare T.L.Wu) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đơn vị chủ trì: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công Thành (đề xuất dự án thuộc Chương trình NTMN do Trung ương quản lý bắt đầu thực hiện từ năm 2021).

01 dự án

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

2

Dự án “Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật sản xuất một số giống dược liệu (cây ba kích tím, cây tràm gió,...) phục vụ mô hình trồng và phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đơn vị chủ trì: Công ty TNHH Nông nghiệp MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh năm 2021)

01 dự án

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

3

Đánh giá thực trạng năng suất chất lượng của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp hỗ trợ (bao gồm một số nội dung chính như: thuê chuyên gia khảo sát, tập huấn đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp,...).

01 nhiệm vụ

Sở Khoa học và Công nghệ

Viện Năng suất Việt Nam

4

Dự án: Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất của thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN (theo đề xuất của doanh nghiệp)

02 dự án

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

5

Dự án: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (đề xuất dự án điểm với Tổng cục Đo lường chất lượng- Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào nhiệm vụ 2022 triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế)

01-02 dự án

Sở Khoa học và Công nghệ

Viện Năng suất Việt Nam

6

Triển khai Đề án “Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000” (bao gồm hoạt động đào tạo)

02 doanh nghiệp

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn

7

Tổ chức 02 lớp đào tạo, tập huấn “Chuyên viên năng suất chất lượng” cho mỗi doanh nghiệp, phấn đấu mỗi doanh nghiệp có nhu cầu, được đào tạo tối thiểu 02 thành viên nắm kiến thức về năng suất chất lượng để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả

02 lớp

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn

8

Tổ chức 01 lớp tập huấn về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

01 lớp

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn

9

Xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học thuộc Đại học Huế

 

Nhiệm vụ đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì

Đại học Huế, các trường đại học liên quan

III

Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp

 

 

 

1

Tổ chức tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000

01 lớp

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

2

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp

 

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan, đơn vị liên quan

IV

Tuyên truyền, phổ biến về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

 

 

 

1

Tuyên truyền trên sóng truyền trình TRT Huế hoặc VTV8

02 số

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hoặc VTV 8

2

Trên Báo Thừa Thiên Huế, Bản tin KH&CN

02 chuyên mục

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế

3

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động năng suất chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”

01 Hội thảo

Sở Khoa học và Công nghệ

Viện Năng suất Việt Nam, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp

V

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế

 

 

 

 

 

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất với các tổ chức quốc tế

04

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành liên quan

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 149/KH-UBND về tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021

  • Số hiệu: 149/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản