Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Lào Cai, ngày 07 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU CHỈNH MỨC SINH PHÙ HỢP VỚI CÁC VÙNG, ĐỐI TƯỢNG CỦA TỈNH LÀO CAI NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 2415/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án 7- Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài Chính về việc Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Đề án số 07-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng của tỉnh Lào Cai năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung thực hiện giảm sinh tại các huyện, thị xã vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đạt và duy trì bền vững mức sinh thay thế tại các huyện vùng thấp và thành phố Lào Cai, tiến tới đưa Lào Cai ra khỏi nhóm các tỉnh có mức sinh cao, bảo đảm thực hiện hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ suất sinh thô (CBR) 0,3‰ so với năm 2023 (từ 18,41‰ xuống còn 18,11‰);

- Số con trung bình/bà mẹ (TFR) là 2,33 con/bà mẹ (năm 2023 chưa có số liệu; năm 2022 là 2,48 con/ bà mẹ, theo Niên giám thống kê năm 2022).

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông, vận động, giáo dục; thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về nội dung cuộc vận động thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 02 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

- Giao chỉ tiêu năm 2024 cụ thể về quy mô dân số, tỷ lệ giảm sinh từng huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.

- Thống nhất chỉ đạo thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân số, Luật hôn nhân và gia đình nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

2. Đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi

a) Nội dung

- Tập trung tuyên truyền Nghị quyết, chính sách, định hướng, nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới: Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 25/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền, giới thiệu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình để người dân biết và tiếp cận các dịch vụ.

- Chú trọng tuyên truyền về thực trạng, hệ lụy mức sinh cao và mục tiêu giảm sinh của tỉnh theo mục tiêu kế hoạch đề ra; tư vấn về lợi ích, ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS); đẩy mạnh truyền thông về hậu quả của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, của việc trẻ em nữ dưới 18 tuổi sinh con; vận động người dân không sinh con dầy, không sinh nhiều con và không sinh con sớm.

- Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số (Tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; sàng lọc Thalassemia; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe người cao tuổi...).

- Tuyên truyền các thông điệp về kế hoạch hóa gia đình.

b) Hình thức

- Xây dựng, nhân bản các sản phẩm truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, lứa tuổi. Tập trung tuyên truyền vào đối tượng là phụ nữ, thanh, thiếu niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã, thôn có tình trạng sinh con nhiều, tảo hôn nhiều, trẻ em nữ dưới 18 tuổi sinh con còn cao. Chuyển tải thông điệp “dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt” tới các tầng lớp Nhân dân.

- Lồng ghép trong các hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công tác dân số nói chung và thực trạng mức sinh của tỉnh trong những năm gần đây và một số giải pháp thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

- Phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền về công tác dân số trong đó có nội dung điều chỉnh mức sinh cho các nhóm đối tượng là cán bộ, đảng viên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, công nhân lao động, học sinh, sinh viên....Từ đó tạo sự lan tỏa và dư luận xã hội đồng tình thực hiện chính sách dân số.

- Phối hợp tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu về kiến thức dân số, bình đẳng giới, chăm sóc SKSS cho VTN/TN tại các trường trong tỉnh.

- Phối hợp xây dựng các phóng sự, tin bài tuyên truyền về hậu quả, hệ lụy mức sinh cao, sinh nhiều con đối với gia đình và xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin các hoạt động của kế hoạch được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, intenet (Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ)....

- Tuyên truyền, tư vấn về chính sách dân số trực tiếp tại hộ gia đình có nguy cơ sinh con lần thứ 3 trở lên thông qua đội ngũ cán bộ dân số và lãnh đạo chính quyền cơ sở. Tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, loa truyền thanh cấp xã.

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền về điều chỉnh mức sinh trong hoạt động truyền thông của các chương trình, kế hoạch có liên quan của ngành, địa phương.

c) Đối tượng

Truyền thông, tư vấn đến toàn thể người dân sinh sống trên địa bàn, trong đó tập trung tuyên truyền, tư vấn đến đến các nhóm đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ người dân tộc thiểu số, công nhân lao động, học sinh, sinh viên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 02 con một bề là gái.

3. Điều chỉnh, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện chính sách khen thưởng thường xuyên của tỉnh nhằm kịp thời động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số ở địa phương, cơ sở.

- Rà soát, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của địa phương để thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày

27/4/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định

39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số ở các địa bàn triển khai thực hiện; Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN, Chương trình giảm nghèo bền vững....

- Đảm bảo các chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ theo chế độ quy định hiện hành.

4. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ liên quan

- Tổ chức tốt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh năm 2024.

- Cung cấp đầy đủ dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS tới mọi người dân theo nhu cầu, cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao theo quy định cho đối tượng thuộc diện miễn phí; hỗ trợ thanh toán xử lý tai biến do sử dụng BPTT lâm sàng miễn phí thất bại theo đúng quy định.

- Đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa trong cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu về dịch vụ KHHGĐ năm 2024.

- Tổ chức tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn cho thanh niên/vị thành niên theo đúng quy định.

5. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình

- Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp về kiến thức dân số, kỹ năng lồng ghép các nội dung điều chỉnh mức sinh vào nhiệm vụ, hoạt động công tác dân số của địa phương, ngành, đơn vị.

- Củng cố, hoàn thiện, duy trì hệ thống thông tin chuyên ngành dân số. Cung cấp thông tin biến động dân số, thực trạng mức sinh cho các cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý làm cơ sở hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

- Thực hiện tổng hợp, đánh giá, phân tích số liệu về mức sinh của từng địa phương, dân tộc để làm cơ sở tham mưu tổ chức các hoạt động can thiệp phù hợp với thực tế của tỉnh.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình, đạt mục tiêu đề ra; kịp thời điều chỉnh, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được của các vùng, địa phương trong tỉnh để rút ra bài học kinh nghiệm, nâng cao kết quả, hiệu quả triển khai Chương trình trong những năm tiếp theo.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Dự kiến kinh phí hoạt động: Tổng kinh phí: 3.320 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương: 1.260 triệu đồng;

+ Ngân sách trung ương: 2.060 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)

- Ngân sách tỉnh: Các cơ quan, đơn vị tuyến tỉnh thực hiện nhiệm vụ đã được bố trí kinh phí tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh.

- Ngân sách huyện bố trí kinh phí cho các cơ quan đơn vị ở cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch, bao gồm cả kinh phí mua phương tiện tránh thai cấp miễn phí cho người dân thực hiện trong Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình tại các xã đặc biệt tại các xã khó khăn trên địa bàn năm 2024 (ngoài phương tiện tránh thai do nguồn Trung ương cấp).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện điều chỉnh mức sinh theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể (Tiểu Ban Chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ tỉnh), UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các hoạt động của Kế hoạch trong các đơn vị trực thuộc và xuống đến cộng đồng khu dân cư.

- Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số nhằm đạt được mục tiêu mà Kế hoạch đề ra.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan đưa các mục tiêu về dân số và phát triển, trong đó có Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách, đảm bảo chi cho các nội dung hoạt động của Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn các đơn vị việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội (thành viên Tiểu Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ tỉnh)

- Căn cứ vị trí, chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức triển khai đưa các nội dung hoạt động của Kế hoạch vào chương trình, kế hoạch công tác năm của ngành, lĩnh vực được phụ trách.

- Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động thực hiện Kế hoạch xuống đến các đơn vị trực thuộc, các nhóm đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực được quản lý, theo dõi.

- Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024 về Sở Y tế (qua Chi cục Dân số - KHHGĐ) trước ngày 15/12/2024, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch của tỉnh và đặc điểm tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp với kế hoạch của Sở Y tế, các sở, ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Kế hoạch trên địa bàn; báo cáo kết quả trước ngày 15/12/2024 về Sở Y tế (qua Chi cục Dân số- KHHGĐ) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

- Bố trí kinh phí cho các cơ quan đơn vị ở cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch, bao gồm cả kinh phí mua phương tiện tránh thai cấp miễn phí cho người dân thực hiện trong Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình tại các xã đặc biệt tại các xã khó khăn trên địa bàn năm 2024 (ngoài phương tiện tránh thai do nguồn Trung ương cấp).

- Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu công tác dân số và phát triển năm 2023, trong đó có chỉ tiêu điều chỉnh mức giảm sinh tại địa phương.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường phối kết hợp để thực hiện tốt chính sách dân số tại địa phương. Coi công tác dân số là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số theo đúng quy định hiện hành.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để chỉ đạo phối hợp giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

PHỤ LỤC I

MỤC TIÊU GIẢM SINH CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ CỦA TỈNH LÀO CAI NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số: 148/KH-UBND ngày 07/03/2024 của UBND tỉnh Lào Cai)

Stt

Đơn vị

Kết quả thực hiện đến năm 2023

Kế hoạch thực hiện năm 2024

Ghi chú

Dân số trung bình (Người)

Tỷ suất sinh thô (‰)

Dân số trung bình (Người)

Chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô (‰)

Tỷ suất sinh thô (‰)

Toàn tỉnh

779.919

18,41

797.792

0,30

18,11

 

1

Bắc Hà

68.552

21,18

71.614

0,60

20,58

 

2

Bảo Thắng

112.957

16,50

114.227

0,10

16,40

 

3

Bát Xát

82.342

21,91

85.200

0,50

21,41

 

4

Bảo Yên

91.100

18,58

91.105

0,30

18,28

 

5

Mường Khương

67.260

21,84

69.943

0,60

21,24

 

6

Si Ma Cai

39.312

20,27

40.266

0,50

19,77

 

7

Văn Bàn

95.672

17,88

97.297

0,10

17,78

 

8

Sa Pa

72.070

20,60

74.085

0,50

20,10

 

9

Lào Cai

150.654

13,82

154.055

0,10

13,72

 

Ghi chú: Kết quả thực hiện năm 2023 theo nguồn số liệu Cục Thống kê tỉnh (Văn bản số 188/CTK-TKXH ngày 20/11/2023)

 


PHỤ LỤC II

BIỂU NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số: 148/KH-UBND ngày 07/03/2024 của UBND tỉnh Lào Cai)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Nội dung hỗ trợ

Tổng kinh phí

Trong đó

Ghi chú

Kinh phí địa phương

Kinh phí

CTMTQG

 

TỔNG CỘNG

3.320

1.260

2.060

Đã được cấp kinh phí theo Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh Lào Cai

1

Tổ chức hội thi "Tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên"

30

30

 

2

Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số (Tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết...)

24

 

24

3

Tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn

2.036

 

2.036

4

Triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ

333

333

 

5

Hỗ trợ cung cấp dịch vụ KHHGĐ

882

882

 

6

Trợ cấp tai biến do sử dụng các BPTT lâm sàng thất bại

15

15

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 148/KH-UBND thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng của tỉnh Lào Cai năm 2024

  • Số hiệu: 148/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 07/03/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản