Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỒ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 801/QĐ - CP ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3750/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đồ án Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (sau đây gọi tắt là VLXD) tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh An Giang phải đảm bảo tính bền vững, gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái;

- Quy hoạch phát triển VLXD phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được duyệt cũng như phải phù hợp với các quy hoạch phát triển sản phẩm VLXD chủ yếu, quy hoạch tổng thể phát triển VLXD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Phát triển sản xuất các loại VLXD phù hợp với điều kiện tài nguyên và tập quán xây dựng trong tỉnh, với quy mô hợp lý, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

- Khuyến khích phát triển công nghệ sạch, công nghệ sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để giảm ô nhiễm môi trường. Từng bước loại bỏ công nghệ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường;

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào phát triển sản xuất VLXD; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và kinh doanh VLXD, nhất là vật liệu xây không nung.

2. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển VLXD nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành VLXD, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

- Phát triển sản xuất VLXD cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, đáp ứng được nhu cầu VLXD của thị trường nội tỉnh như: Vật liệu xây, lợp, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông,..., đồng thời giúp cho công tác quản lý ngành trên địa bàn trong thời gian tới.

- Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

b. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đạt sản lượng VLXD theo nhu cầu đã được dự báo đối với các chủng loại VLXD có điều kiện phát triển.

- Nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 10 - 15%/năm.

- Thu hút khoảng gần 1000 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD, trong đó có trên 10% là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành từ trung cấp trở lên.

II. Định hướng phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 và đến năm 2030

Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội; định hướng phát triển của địa phương, xây dựng định hướng phát triển sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020 và đến năm 2030 cụ thể như sau:

1. Định hướng phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020

TT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

Nhu cầu nội tỉnh

Quy mô sản xuất theo quy hoạch

Ghi chú

1

Xi măng

Triệu tấn

1,80 - 1,90

1,5 - 1,8

Đầu tư thêm

2

Vật liệu xây

 

 

 

 

 

Gạch xây dựng

Triệu viên

680 - 700

1.423

Dừng lò thủ công

 

Gạch không nung

Triệu viên

203,5

Đầu tư thêm

3

Vật liệu lợp

 

 

 

 

 

Ngói nung

Triệu viên

3,70 - 4,00

2,50

Duy trì

 

Tấm lợp kim loại

Triệu m2

10,0

Duy trì

 

Tấm lợp tôn 3 lớp

Triệu m2

0,3

Đầu tư mới

 

Ngói xi măng màu

Triệu m2

0,2

Đầu tư mới

4

Đá xây dựng

Triệu m3

3,50 - 4,20

4,04

Đầu tư thêm

5

Cát xây dựng

Triệu m3

2,20 - 2,50

2,40

Đầu tư thêm

6

Vật liệu ốp lát

Triệu m2

7,90 - 8,20

7,90 - 8,90

Đầu tư thêm

7

Sứ vệ sinh

Triệu SP

0,35 - 0,37

-

Nhập 100%

8

Kính xây dựng

Triệu m2

2,00 - 2,20

-

Nhập 100%

9

Vật liệu san lấp

Triệu m3

7,00 - 8,00

8,00

Đầu tư thêm

Ngoài ra đối với một số chủng loại VLXD mà An Giang có lợi thế trong cạnh tranh cần được tập trung đầu tư phát triển để tham gia vào thị trường trong vùng, thị trường cả nước, thậm chí cả xuất khẩu như: xi măng, gạch ốp lát, vật liệu xây không nung và một số khoáng sản khác sẽ được tính toán bổ sung về nhu cầu ngoại tỉnh và được trình bày trong phần phương án quy hoạch đối với từng chủng loại VLXD.

2. Định hướng phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị tính

Năm 2025

Năm 2030

Ghi chú

1

Xi măng

Triệu tấn

2,19 - 2,31

2,66 - 2,81

Đầu tư thêm

2

Vật liệu xây

Tỷ viên

0,83 - 0,85

1,00 - 1,04

Đầu tư thêm gạch không nung

3

Vật liệu lợp

Triệu m2

4,50 - 4,87

5,48 - 5,92

Đầu tư mới

4

Đá xây dựng

Triệu m3

3,77 - 4,26

4,59 - 5,18

Đầu tư thêm

5

Cát xây dựng

Triệu m3

2,67 - 3,04

3,25 - 3,7

Đầu tư thêm

6

Vật liệu ốp lát

Triệu m2

9,61 - 9,98

11,69 - 12,14

Đầu tư thêm

7

Sứ vệ sinh

1000 SP

0,43 - 0,45

0,52 - 0,55

Nhập 100%

8

Kính xây dựng

1000 m2

2,43 - 2,67

2,96 - 3,25

Nhập 100%

9

Vật liệu san lấp

Triệu m3

8,00

8,00

Duy trì

3. Phương án phát triển cụ thể

3.1. Xi măng

- Đầu tư chiều sâu, mở rộng, nâng cao năng suất và chất lượng xi măng ở Nhà máy xi măng An Giang thuộc Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang lên công suất 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm. Nguồn clanhke sẽ nhập về từ các nhà máy liên doanh, liên kết ở miền Bắc, miền Trung, nguồn phụ gia khoáng hoạt tính và phụ gia đầy sẽ khai thác trong vùng.

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cơ sở kinh doanh, phân phối xi măng trên toàn địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, hạn chế các điểm kinh doanh xi măng ở khu vực trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư và khu du lịch sinh thái.

Như vậy, đến năm 2020, năng lực nghiền xi măng trên địa bàn tỉnh An Giang là 1,5 - 1,8 triệu tấn; đáp ứng cơ bản nhu cầu nội tỉnh, lượng còn thiếu sẽ được cung ứng từ các địa phương khác.

3.2. Vật liệu xây

a. Gạch nung

- Phát huy năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch nung lò Hoffman cải tiến và lò tuynel hiện có, công suất đến năm 2020 là 1.423 triệu viên QTC/năm, cụ thể:

+ Công suất lò tuynel hiện có: 115 triệu viên QTC/năm;

+ Công suất lò hoffman cải tiến: 1.208 triệu viên QTC/năm;

+ Đầu tư mở rộng sản xuất gạch nung tuynel với công suất 100 triệu viên QTC/năm tại Nhà máy Gạch ngói tuynel An Giang (huyện Tri Tôn) và Nhà Máy gạch ngói tuynel Long Xuyên 2 (huyện An Phú) - thuộc Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang.

- Sản xuất các loại gạch có chất lượng cao, giá trị cao như: gạch cotto, gạch trang trí, gạch xây không trát...

- Chấm dứt hoạt động các lò thủ công trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2017. Chấm dứt tình trạng tự phát chuyển đổi của các hộ sản xuất gạch từ lò thủ công sang lò hoffman cải tiến.

- Chuyển dần các lò hoffman đang nằm rải rác, xen lẫn trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp tập trung.

b. Gạch không nung

- Duy trì sản xuất ổn định, phát huy hết công suất tại các cơ sở sản xuất gạch không nung hiện có; đạt sản lượng 53,5 triệu viên/năm.

- Tiếp tục đầu tư, nâng công suất gạch xi măng cốt liệu thêm 40 triệu viên/năm (dây chuyền 2) tại Xí nghiệp sản xuất Bê tông và gạch không nung của Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang (thành phố Long Xuyên).

- Phục hồi sản xuất dây chuyền sản xuất gạch nhẹ (gạch bê tông bọt) công suất 40 m³/ngày - tương đương 10 triệu viên QTC/năm của Công ty cổ phần địa ốc An Giang (huyện Châu Phú).

- Đầu tư mới 1 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất 100 triệu viên/năm.

- Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất tại các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.

Năng lực sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 203,5 triệu viên/năm; đáp ứng trên 30% nhu cầu gạch xây của địa phương và chiếm tỷ lệ 35% so với gạch nung.

Tóm lại, đến năm 2020, năng lực sản xuất vật liệu xây của An Giang là 1.626,5 triệu viên; trong đó gạch không nung là 203,5 triệu viên; gạch nung là 1.423 triệu viên.

3.3. Vật liệu lợp

- Tiếp tục duy trì sản xuất ngói nung tại 2 cơ sở hiện có và đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm (công suất 2,5 triệu viên/năm).

- Duy trì sản xuất tại các cơ sở cán tôn hiện có, có thể nâng công suất 10 triệu m2/năm khi thị trường có nhu cầu tăng.

- Đầu tư mới 1 cơ sở sản xuất tấm lợp tôn 3 lớp công suất 300 ngàn m2/năm.

- Đầu tư mới 1 cơ sở sản xuất ngói màu xi măng - cát, kích thước 10 viên/m2, công suất 200 ngàn m2/năm.

- Tổng năng lực gia công, sản xuất tấm lợp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 10,61 triệu m2.

3.4. Đá xây dựng

- Duy trì khai thác tại 6 mỏ đã cấp phép đang còn thời hạn, đầu tư chiều sâu công nghệ chế biến và bảo vệ môi trường, nâng công suất khai thác tại các khu vực còn tiềm năng.

+ Đầu tư chiều sâu, nâng công suất khai thác, chế biến mỏ đá núi Bà Đội huyện Tịnh Biên của Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Bà Đội - Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang tăng thêm 490.000 m3/năm.

+ Đầu tư chiều sâu, nâng công suất khai thác, chế biến mỏ đá núi Cô Tô, huyện Tri Tôn của Xí nghiệp khai thác đá Quyết Thắng tăng thêm 100.000 m3/năm; Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Cô Tô tăng thêm 150.000 m3/năm.

+ Cấp phép mới mỏ đá Sóc Triết thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn cho Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, công suất 450.000 m3/năm.

Năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 3,46 triệu m3/năm.

3.5. Cát xây dựng

- Duy trì khai thác cát tại các khu vực đã được cấp phép, mở rộng khu vực và công suất khai thác.

- Dừng khai thác cát tại các cơ sở đã hết hạn khai thác, tạo điều kiện cấp phép bổ sung cho các cơ sở này tại vị trí mới trong quy hoạch.

- Mở rộng, nâng công suất khai thác cát trên sông Tiền khu vực xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu thêm 200.000 m3/năm.

- Mở rộng, nâng công suất khai thác cát trên sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu thêm 100.000 m3/năm.

- Cấp phép mới dự án khai thác cát núi tại xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên với công suất 200.000 m3/năm.

- Cấp phép mới dự án khai thác cát núi tại khu vực Bắc Núi Cấm xã An Cư, huyện Tịnh Biên với công suất 300.000 m3/năm.

Như vậy, tính cả các cơ sở đã cấp phép khai thác và các dự án mới; năng lực khai thác, chế biến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 2.400.000 m3, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

3.6. Vật liệu ốp lát

a. Gạch gốm ốp lát

- Đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch ốp lát mới cao), công suất từ 5,0 triệu - 6,0 triệu m²/năm.

- Năng lực sản xuất gạch gốm ốp lát trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 6,8 - 7,8 triệu m2/năm.

b. Đá ốp lát, đá chẻ

- Khoanh định khu vực có khoáng sản đá ốp lát phân tán, nhỏ lẻ trình cấp có thẩm quyền khoanh định và công bố.

- Đầu tư chế biến các sản phẩm có giá trị cao từ đá ốp lát như đá chẻ, đá sân vườn, đá mỹ nghệ,... đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

c. Gạch lát bê tông

- Đầu tư chiều sâu để tiếp tục phát triển sản xuất gạch lát bê tông màu ở 5 cơ sở hiện có, phát huy hết công suất đạt 700 ngàn m2/năm.

- Đầu tư thêm 2 cơ sở sản xuất gạch terrazzo kết hợp tại các cơ sở gạch không nung, quy mô công suất mỗi cơ sở 200 ngàn m2/năm.

- Năng lực sản xuất gạch ốp lát bê tông trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 1,1 triệu m2/năm.

3.7. Bê tông

- Duy trì sản xuất 2 trạm trộn ở cơ sở bê tông tươi hiện có với tổng công suất 90 m3/h.

- Từ nay đến năm 2020 đầu tư thêm 2 - 3 trạm trộn bê tông tươi với công suất mỗi trạm 60 ÷ 90 m3/h.

- Đầu tư thêm 1 cơ sở sản xuất bê tông tươi, bê tông cấu kiện, công suất trạm trộn 60 m3/h tại khu vực Châu Đốc, sản xuất bê tông tươi và bê tông cấu kiện các loại phục vụ phát triển đô thị thành phố Châu Đốc.

- Duy trì sản xuất bê tông cấu kiện của Công ty CP Bê tông ly tâm An Giang, công suất 120 m3/h, Nhà máy cấu kiện bê tông An Giang (Công ty CP Địa ốc An Giang); tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông nhỏ bán cơ giới kết hợp thủ công, máy trộn 250 ÷ 500 lít, sản xuất các loại cọc móng, cột nhà, dầm giằng, tấm đan, ống cống nhỏ, tấm bó vỉa hè phục vụ xây dựng dân dụng và giao thông nông thôn tại các huyện, thị xã; mỗi huyện, thị xã có từ 3 ÷ 5 cơ sở.

3.8. Sứ vệ sinh và kính xây dựng

Căn cứ vào tình hình thực tế là hiện nay năng lực sản xuất sứ vệ sinh và kính xây dựng của cả nước đã vượt nhu cầu, một phần sản phẩm đã tìm kiếm được thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm cùng loại có chất lượng cao cấp hơn vẫn được nhập về Việt Nam. Mặt khác, tỉnh An Giang không có nguồn nguyên, nhiên liệu phù hợp nên cũng không có thế mạnh để sản xuất. Vì vậy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng sẽ không nên đầu tư phát triển các loại sản phẩm này. Nguồn sứ vệ sinh và kính xây dựng cung ứng cho thành phố sẽ chủ yếu được nhập về từ các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh... và một số loại cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài. Việc vận chuyển các loại nói trên về An Giang có thể theo đường bộ, đường sông rất thuận lợi.

3.9. Một số VLXD khác

a. Vật liệu nhựa

Dự kiến đầu tư 1 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa với công suất 20 ngàn tấn/năm, dây chuyền và thiết bị nhập ngoại. Sản phẩm gồm cửa nhựa, tấm nhựa ốp tường, ốp trần, v.v...

b. Tấm xi măng không sử dụng sợi Amiăng

Dự kiến đầu tư 1 cơ sở sản xuất tấm xi măng cốt sợi với công suất 60 m3/ca (54 ngàn m3/năm). Sản phẩm của nhà máy là các tấm xi măng cốt sợi kích thước dài 2 - 3 m, rộng 0,6 - 1 m, dày 20 - 50 mm tùy theo nhu cầu sử dụng. Nguyên liệu chủ yếu là xi măng, cát mịn và cốt sợi các loại (có thể sử dụng cốt sợi gỗ, bột giấy, sợi thực vật, sợi nhân tạo PVA v.v...).

c. Tấm tường panel vật liệu nhẹ

Dự kiến đầu tư 1 cơ sở sản xuất tấm tường panel vật liệu nhẹ với công suất 20 ngàn m2 tường/năm. Sản phẩm của nhà máy là các tấm panel nhẹ kích thước dài 3 - 3,5 m, rộng 0,6 - 1 m, dày 100 - 150 mm tùy theo nhu cầu sử dụng. Nguyên liệu chủ yếu là xi măng, cát mịn, tro bay, hạt nhựa xốp và cốt sợi các loại (có thể sử dụng cốt sợi gỗ, bột giấy, amiăng, sợi thực vật, sợi nhân tạo PVA v.v...).

d. Vật liệu polyme composite

Dự kiến đầu tư 1 cơ sở sản xuất vật liệu polyme composite với công suất 30 ngàn m2/năm. Nguyên liệu sử dụng sợi thủy tinh, nhựa polyeste, chất xúc tác, dung môi.

e. Vật liệu san lấp

- Duy trì khai thác cát san lấp tại các cơ sở đã được cấp phép, mở rộng khu vực và tăng công suất khai thác tại các khu vực còn tiềm năng.

- Dừng khai thác tại các cơ sở đã hết hạn khai thác, tạo điều kiện cấp phép bổ sung cho các cơ sở này tại vị trí mới trong quy hoạch.

- Cấp phép mở rộng, tăng công suất khai thác cát trên sông Hậu khu vực xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) đến xã Tân Hòa (huyện Phú Tân) thêm 400.000 m3/năm; tổng công suất cấp phép khai thác cát trên đoạn sông này là 600.000 m3/năm.

- Cấp phép mở rộng, tăng công suất khai thác cát trên sông Hậu, khu vực xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) đến xã Nhơn Mỹ thêm 700.000 m3/năm; tổng công suất cấp phép khai thác cát trên đoạn sông này là 800.000 m3/năm.

- Cấp phép mở rộng, tăng công suất khai thác cát trên sông Tiền, khu vực xã Tấn Mỹ - Mỹ Hiệp huyện Chợ Mới thêm 800.000 m3/năm; tổng công suất cấp phép khai thác cát khu vực này là 1.100.000 m3/năm.

- Cấp phép mở rộng, tăng công suất khai thác cát trên sông Tiền, khu vực xã Mỹ Hiệp - Bình Phước Xuân thêm 200.000 m3/năm; tổng công suất cấp phép khai thác cát khu vực này là 500.000 m3/năm.

- Cấp phép mở rộng, tăng công suất khai thác cát trên sông Hậu khu vực xã Vĩnh Trường, huyện An Phú thêm 200.000 m3/năm; tổng công suất cấp phép khu vực này là 300.000 m3/năm.

- Cấp phép mới khai thác cát san lấp trên sông Hậu, khu vực xã Bình Long (huyện Châu Phú) - Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), công suất 100.000 m3/năm.

- Cấp phép mới khai thác cát san lấp trên sông Hậu, khu vực xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) - Phú Hiệp (huyện Phú Tân), công suất 500.000 m3/năm.

- Cấp phép mới khai thác cát núi làm vật liệu san lấp tại khu vực Bắc Núi Cấm (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) với công suất khai thác 800.000 m3/năm.

- Cấp phép mới khai thác cát núi làm vật liệu san lấp tại khu vực xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên với công suất khai thác 700.000 m3/năm.

- Cấp phép mới khai thác cát san lấp trên sông Hậu, khu vực hạ lưu phà An Hòa thuộc thành phố Long Xuyên và huyện Chợ Mới.

- Cấp phép mới các dự án khai thác nạo vét cát sông tại các khu vực trên sông Hậu trong giai đoạn từ 2016 - 2020 (mỗi khu vực khoảng 800.000 m3/năm):

+ Khu vực I: xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và xã Nhơn Mỹ, xã An Thạnh Trung huyện Chợ Mới; trữ lượng 5.485.778 m3.

+ Khu vực II: xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và xã Long Giang, xã An Thạnh Trung huyện Chợ Mới; trữ lượng 7.851.480 m3.

+ Khu vực III: xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và xã Hòa Bình, xã An Thạnh Trung huyện Chợ Mới; trữ lượng 4.935.645 m3.

Với phương án như trên, năng lực khai thác cát san lấp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 là 8.000.000 m3/năm; đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

4. Các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020 (theo phụ lục đính kèm)

III. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển sản xuất VLXD

- Nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển sản xuất VLXD ở An Giang giai đoạn 2016 - 2020 là 1.055 tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề vốn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế trên địa bàn, cộng với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về cơ chế, chính sách.

- Cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi đối với những doanh nghiệp tham gia vào dự án đầu tư phát triển sản xuất VLXD để khuyến khích chuyển đổi công nghệ sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường sang các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

2. Giải pháp về thị trường

- Giữ vững và mở rộng mối quan hệ với thị trường trong nước thông qua các hợp đồng mua bán và liên kết sản xuất, chú trọng vào các mặt hàng VLXD mà tỉnh có khả năng xuất ra ngoài.

- Tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tạo mối quan hệ để thâm nhập vào thị trường trong nước giúp, đồng thời cùng với các tỉnh bạn, các công ty lớn của Nhà nước xây dựng kế hoạch vận chuyển hàng hóa VLXD giao lưu giữa các vùng trong nước.

- Đối với thị trường trong tỉnh cần quan tâm đến các khu vực xây dựng khu đô thị, KCN, CCN tập trung, các vùng nông thôn có điều kiện giao thông chưa thuận lợi, một mặt đẩy mạnh sản xuất VLXD tại chỗ đối với các sản phẩm VLXD thông dụng, mặt khác tổ chức tốt việc cung ứng các sản phẩm VLXD mà các vùng này chưa sản xuất được để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân.

- Các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần tăng cường công tác tiếp thị, thuyết phục người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nông thôn hiện còn xa lạ với một số chủng loại VLXD cao cấp. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì và hình thức, các doanh nghiệp sản xuất VLXD cũng hỗ trợ nhau sản xuất và kinh doanh chống chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh để cùng nhau tồn tại và phát triển.

3. Phát triển nguồn nhân lực kết hợp với phát triển khoa học công nghệ

- Đội ngũ cán bộ KHKT, công nhân lành nghề có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề, làm chủ và vận hành được các dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến.

- Trong giai đoạn tới việc đào tạo nghề phải tăng nhanh về quy mô và chất lượng. Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề trong đó chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Mặt khác các doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ cho cán bộ KHKT và công nhân có tay nghề cao.

- Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất VLXD cần tập trung vào giải quyết những khó khăn trong sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiến bộ để kịp thời hòa nhập với trình độ khoa học kỹ thuật cao trên thế giới.

4. Giải pháp về tổ chức và quản lý

- Tăng cường quản lý Nhà nước về sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn. Chuyển đổi cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động hướng vào việc đánh giá thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp, giúp cho công tác quản lý Nhà nước theo ngành trên tầm vĩ mô được thông suốt và hiệu quả.

- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn theo đúng quy định của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra của các sở chuyên ngành đối với tất cả các cơ sở khai thác, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Các giải pháp về phục hồi môi trường, phát triển bền vững: Trong quá trình lập các dự án đầu tư phát triển sản xuất VLXD, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD cần phải có đánh giá tác động môi trường, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường. Một số giải pháp cụ thể như sau:

a. Đối với tài nguyên đất

- Việc khai thác khoáng sản cần hạn chế việc sử dụng đất đai với mức thấp nhất.

- Trước khi khai thác phải nghiên cứu toàn diện thành phần lớp đất trồng (khai thác sét gạch ngói), chọn vị trí lưu đất trồng và biện pháp bảo vệ để hoàn trả lại sau khi khai thác; đồng thời nghiên cứu chọn loại cây, phương pháp trồng cây, chăm sóc cây đã trồng để phục hồi môi trường. Hoặc nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng đất làm hồ chứa nước, công viên cây xanh cho khu vực dân cư lân cận.

b. Đối với môi trường nước: Để giảm nhẹ và khắc phục tác động tiêu cực tới môi trường nước cần phải sử dụng công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến; đồng thời lắp đặt hệ thống xử lý nước thải bằng các biện pháp đơn giản như: Xây bể lắng, hồ chứa, đập chắn … để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước thải khu công nghiệp theo quy định của QCVN 40:2012.

c. Đối với môi trường khí

- Trong khai thác đá xây dựng cần áp dụng phương pháp phun dập bụi bằng nước - khí nén tại nơi đặt dây chuyền chế biến đá, xây dựng đường nội bộ kiên cố, phun nước trên mặt đường về mùa nắng, mùa hanh khô để giảm bụi bốc lên khi xe chạy trên đường.

- Trong sản xuất gạch ngói cần đầu tư các dây chuyền sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với nhà máy gạch tuynel cần đầu tư thêm cho xử lý bụi, xây dựng các kho chứa nguyên liệu, thành phẩm.

Ngoài các biện pháp trên, trong các cơ sở sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD cần chú ý cải thiện yếu tố vi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như: Tiếng ồn, độ rung, gia tăng nhiệt độ...

Tóm lại giải pháp bảo vệ môi trường cần phải được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ, và việc thực hiện tự giác, nghiêm chỉnh của các cơ sở sản xuất về các quy định bảo vệ môi trường, khi đó ngành công nghiệp VLXD An Giang sẽ phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội.

6. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư và điều tra cơ bản để phục vụ cho yêu cầu phát triển VLXD trên địa bàn bằng các dự án cụ thể

Các doanh nghiệp sản xuất VLXD của trung ương và địa phương trên địa bàn cần tập trung tiền vốn và nhân lực, tiến hành khảo sát địa chất, khảo sát cơ sở hạ tầng kỹ thuật để lựa chọn địa điểm cho các dự án sản xuất đã có quy hoạch. Xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy cao, làm căn cứ cho việc tuyên truyền, quảng cáo, tổ chức các hội nghị, hội thảo để kêu gọi các đối tác thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất VLXD ở tỉnh.

Hoàn thiện, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác các loại khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc đầu tư điều tra, thăm dò xác định trữ lượng, chất lượng các mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nguyên vật liệu đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất VLXD trong giai đoạn tới.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì công khai và phổ biến quy hoạch VLXD cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng các cá nhân có liên quan biết để thực hiện.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn cho các cơ sở đầu tư mới, nâng công suất, đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến theo hướng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng của quy hoạch.

- Thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD trên tất cả các địa bàn, kiểm soát chất lượng sản phẩm đưa vào các công trình xây dựng, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm VLXD không đạt chất lượng, vi phạm luật đất đai, luật tài nguyên khoáng sản và các quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và giữ gìn di tích lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng...

- Xây dựng quy chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất VLXD đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội.

- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD và khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn các chủ đầu tư lập đề án thăm dò khoáng sản làm VLXD, xây dựng chính sách ưu tiên thăm dò mở rộng, xuống sâu đối với một số mỏ có khả năng mang lại hiệu quả cao. Sớm hoàn thành quy hoạch các mỏ khoáng sản làm VLXD như cát sông, khoáng sét gạch ngói...

- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc quản lý, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản, xây dựng và ban hành Quy chế quản lý khai thác, tuyển rửa cát sông.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD theo giấy phép.

3. Sở Công Thương

- Phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm hàng hóa, hội chợ về VLXD nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm.

- Phối hợp sở ngành có liên quan trong quản lý khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản làm VLXD.

4. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp cùng các sở, ngành hữu quan của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch giao thông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống đường bộ, đường sông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đối với các khu vực có khối lượng sản phẩm VLXD lớn.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật nói chung và lĩnh vực sản xuất VLXD nói riêng để giới thiệu và phổ biến những công nghệ hiện đại trong nước và thế giới.

- Nghiên cứu đề xuất quy trình, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; trong đó ưu tiên tái sử dụng các vật liệu thải tại địa phương để phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.

- Tổ chức thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

- Phối hợp với Sở Xây dựng mở rộng việc quảng cáo, tuyên truyền về hiệu quả kinh tế kỹ thuật và sử dụng các sản phẩm mới, đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung cho các công trình xây dựng.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư về VLXD trên địa bàn thành phố phát triển, đảm bảo đúng tiến độ xây dựng công trình.

- Cấp phép đầu tư và là đầu mối tổ chức thẩm định các dự án về sản xuất VLXD. Không cấp phép đầu tư cho các dự án sản xuất VLXD sử dụng công nghệ lạc hậu, không tiết kiệm nguyên nhiên liệu và không có phương án bảo vệ môi trường.

7. Sở Tài Chính

Phối hợp với các cơ quan có liên quan theo chức năng trong việc quản lý nhà nước đối với việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLXD trong các công trình xây dựng, đặc biệt đối với các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp cùng Sở Xây dựng quản lý các cơ sở sản xuất VLXD, các mỏ khoáng sản làm VLXD và thực hiện quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn.

- Có trách nhiệm quản lý, thống kê tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác và sản xuất VLXD trên địa bàn, định kỳ 6 tháng/lần báo cáo về Sở Xây dựng.

9. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản

- Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành; phải thường xuyên quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Tuân thủ triệt để quy định theo luật khoáng sản.

- Báo cáo bằng văn bản tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị về Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Sở Xây dựng định kỳ 6 tháng/lần.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị thông tin bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương tháo gỡ khó khăn./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực: HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp; nhà đầu tư sản xuất VLXD;
- Lưu: VT, KTN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Nưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2017 thực hiện đồ án Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 148/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản