Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1473/KH-UBND | Phú Thọ, ngày 27 tháng 4 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 12/3/2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA TRONG HAI NĂM 2015 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ.
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016; để tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH:
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch hành động số 2399/KH-UBND ngày 16/6/2014 về thực hiện “Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Phú Thọ, với mục tiêu: Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Phú Thọ trong nhận thức và hành động về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, UBND các huyện, thành thị và các đơn vị có liên quan trong toàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch; cụ thể hóa mục tiêu theo lộ trình cải cách các quy định về thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thực thi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra năm 2014 đã được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt kết quả tích cực. Môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã tăng 15 bậc, xếp vị trí thứ 37 trên toàn quốc, thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc.
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015 – 2016 và thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau:
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ:
1. Mục tiêu:
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) một cách bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, các lĩnh vực; bảo đảm công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong nhận thức và hành động về cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
2. Nhiệm vụ:
- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm với một số công trình có mức độ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành lĩnh vực, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý bảo hộ trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ.
- Trong giai đoạn 2015 – 2016 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể:
(1) Đơn giản, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận đầu tư để doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp và chấm dứt dự án thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư;
(2) Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục trong các lĩnh vực: thuế, xuất nhập khẩu, hải quan và thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp;
(3) Tạo thuận lợi, đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; Công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trong quản lý điều hành và thực thi công vụ; Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng.
- Công khai, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp tại trụ sở, nơi làm việc hoặc trên trang thông tin điện tử của đơn vị; Lĩnh vực cấp giấy chứng nhận/giấy phép kinh doanh trong một số lĩnh vực có điều kiện phải xây dựng hệ thống quy trình thực hiện, các thủ tục liên quan và hướng dẫn cụ thể, niêm yết công khai. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ.
- Thủ trưởng các đơn vị đảm bảo và chịu trách nhiệm việc xử lý nhiệm vụ, công việc đúng thời gian quy định, đúng quy trình đã được quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tập trung cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”. Phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát diều chỉnh Quyết định 14/QĐ-UBND cho phù hợp với các quy định hiện hành và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Xem xét kiến nghị giảm thời gian thực hiện bộ thủ tục hành chính, để cùng một thời điểm thực hiện đồng thời bộ thủ tục hành chính trong 1 dự án đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập, thay đổi, bổ sung: Đăng ký kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, … theo hướng cơ chế một cửa liên thông hiện đại.
- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành danh mục những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh để các nhà đầu tư chủ động trong việc tiếp cận thông tin và lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp.
- Tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật mới và công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp trên Website của sở; mở các lớp nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ doanh nhân trên địa bàn.
- Chỉ trì, phối hợp với các sở ban ngành, các huyện thành thị tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp hàng năm, trọng tâm là khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm động viên các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Rà soát, cải tiến các thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường Công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngành lên Website của sở để các tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện.
- Nghiên cứu, đề xuất phân loại dự án; xây dựng quy trình, hồ sơ đánh giá tác động môi trường mẫu đối với các dự án tương tự nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
- Hàng năm nghiên cứu bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh theo hướng sát với giá thực tế thị trường. Phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến việc xác định tiền thuê đất và xác định thu tiền sử dụng đất.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn được thuận tiện, giảm chi phí cho nhà đầu tư.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường đi đôi với giảm thời gian thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.
4. Sở Xây dựng:
- Rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực xây dựng theo các quy định hiện hành.
- Rà soát, điều chỉnh, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng hướng đến thực hiện một cửa liên thông, tham gia ý kiến thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng, đồ án quy hoạch… thuộc phạm vi ngành xây dựng.
- Nâng cao chất lượng ý kiến tham gia thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình.
5. Cục Thuế tỉnh:
- Ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và rút ngắn thời gian trong công tác quản lý thuế và nộp thuế. Nghiên cứu, triển khai các đề án quản lý thuế điện tử.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người nộp thuế. Nâng cao năng lực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đồng thời giảm thời gian thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn thời gian cấp mã số doanh nghiệp.
6. Sở Tài chính:
- Phối hợp các sở, ngành trong cân đối nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ; nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp theo các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, triển khai các giải pháp đẩy nhanh công tác giải ngân; thực hiện thanh, quyết toán đúng thời gian quy định nhằm nhanh chóng phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
7. Sở Giao thông vận tải:
- Thực hiện nhiệm vụ thuộc ngành trong xây dựng hạ tầng giao thông xã, huyện, tỉnh, các quốc lộ; công tác bảo trì đường bộ.
- Phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải.
- Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Công thương:
- Tham mưu, xây dựng chính cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp và xây dựng các Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích tạo điều kiện phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đổi mới thiết bị, công nghệ, sản phẩm mới…
- Thúc đẩy thực hiện đồng bộ có hiệu quả các cam kết thương mại quốc tế, phối hợp với các ngành triển khai các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết đến các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các thuận lợi, cơ hội cũng như thách thức để thực hiện có hiệu quả.
9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Rà soát, đánh giá và thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động và sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
- Thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc phát triển các cơ sở đào tạo nghề theo quy hoạch, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề.
10. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của việc đổi mới kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn về các loại hình, trình độ công nghệ, kiểm định công nghệ.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xây dựng hệ thống quản lý quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký chất lượng; nhãn mác, in mã số, mã vạch sản phẩm.
11. Sở Thông tin và truyền thông:
- Rà soát, kiến nghị cơ chế chính sách quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.
- Tăng cường nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các biện pháp điều hành và các giải pháp của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư.
12. Sở Ngoại vụ:
- Phối hợp vận động, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thu thập thông tin, thẩm tra các đối tác nước ngoài đầu tư vào tỉnh.
- Tuyên truyền về hình ảnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thông qua các chương trình hợp tác quốc tế; làm cầu nối thông tin giữa tỉnh với các đối tác nước ngoài, giữa các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh; cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu về tỉnh.
13. Sở Tư pháp:
- Rà soát, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật nói chung, các quy định liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với nội dung, tinh thần Hiến pháp năm 2013. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Hiến pháp năm 2013 trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc tuân thủ các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình thực thi.
14. Sở Nội vụ:
- Là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp nhận, giải quyết phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, công tác giải quyết thủ tục theo mô hình một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.
15. Công an tỉnh
- Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Phối hợp sở Giao thông vận tải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải.
16. Cục Hải quan:
- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình thủ tục hải quan, trong quản lý điều hành nhằm giảm thời gian thực hiện các thủ tục thông quan.
17. Ban quản lý các khu công nghiệp:
- Phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp. Thực hiện cải cách, công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép quy hoạch xây dựng, lao động, xuất nhập khẩu…Rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong việc hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp.
- Tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý, tuyển dụng, đào tạo lao động… cho các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.
18. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Phú Thọ:
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá tình hình kinh tế và diễn biến thị trường tiền tệ trên địa bàn để báo cáo, đề xuất các giải pháp, phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng.
- Khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới chi nhánh, huy động vốn để phục vụ kịp thời nguồn vốn, dịch vụ tín dụng đảm bảo ổn định lãi suất hết vòng đời sản phẩm, chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thực hiện các chính sách của Ngân hành Nhà nước về giãn, hoãn nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tăng cường đầu tư mở rộng.
19. Cục thi hành án tỉnh:
- Tăng cường các giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thi hành án, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.
20. Các hiệp hội, hội doanh nghiệp của tỉnh:
- Chủ động, tích cực nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp - chính quyền, tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp; đồng thời là một kênh thông tin để chính quyền các cấp nắm bắt tình hình hoạt động, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đề nghị của các doanh nghiệp.
- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào các giải pháp và nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị xây dựng và triển khai Kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc.
2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch của ngành mình, cấp mình, báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ được phân công cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ theo quy định.
3. Các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hợp tác, tăng cường đối thoại với các cấp chính quyền, tạo cơ chế thông tin hiệu quả, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Phú Thọ thành chính quyền thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 2Kế hoạch 285/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020; gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang
- 3Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 1Hiến pháp 2013
- 2Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 2399/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Phú Thọ
- 4Quyết định 14/2014/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 5Luật Đầu tư 2014
- 6Luật Doanh nghiệp 2014
- 7Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 do Chính phủ ban hành
- 8Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 9Kế hoạch 285/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020; gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang
- 10Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Kế hoạch 1473/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu: 1473/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/04/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Nguyễn Đình Cúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/04/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra