Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/KH-UBND | Bình Định, ngày 25 tháng 10 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Thực hiện Quyết định số 1120/QĐ-BXD ngày 08/10/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch triển khai định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 262/TTr-SXD ngày 17/10/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả “Quyết định số 1120/QĐ-BXD ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng, phát triển các công trình kiến trúc hiện đại, có bản sắc văn hóa địa phương; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc kiến trúc, kỹ thuật tiên tiến của thế giới đáp ứng với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Yêu cầu
- Thực hiện các nhiệm vụ của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo tình hình thực tế địa phương, đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
II. NỘI DUNG CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Nội dung các nhiệm vụ
a) Hoàn thành việc đánh giá và triển khai xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh;
b) Hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh;
c) Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2030.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc và công tác lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị; thẩm định quy chế quản lý kiến trúc (theo phân cấp). Kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ở các địa phương theo quy định.
- Triển khai theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng. Thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc theo quy định.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc.
- Tuyên truyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.
2. Sở Văn hóa và Thể thao
Phối hợp tham gia đánh giá danh mục công trình kiến trúc có giá trị và rà soát các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ để kịp thời phát hiện các nội dung chưa phù hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương.
3. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số vào trong quản lý và phát triển hoạt động kiến trúc đảm bảo phát triển kiến trúc bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Các sở, ngành liên quan khác
Chủ động phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; tham gia kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tổ chức triển khai kế hoạch và thực hiện Định hướng phù hợp với điều kiện địa phương;
b) Lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quản lý, phấn đấu hoàn thành trước năm 2025;
c) Tổ chức lập, điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn quản lý (bao gồm Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị và Quy chế quản lý điểm dân cư nông thôn);
d) Tổ chức rà soát đánh giá quy chế quản lý kiến trúc, định kỳ 05 năm hoặc đột xuất để xem xét điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc;
đ) Xây dựng kế hoạch thực hiện lập các quy chế quản lý kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có giá trị; chủ động bố trí kinh phí địa phương theo phân cấp để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ của Kế hoạch được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
e) Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý, tổng hợp.
6. Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Hội Kiến trúc sư Bình Định; Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh
a) Tổ chức, phối hợp với Sở Xây dựng để triển khai thực hiện Kế hoạch;
b) Cử hội viên tham gia các hội thảo chuyên đề về kiến trúc, nhằm nâng cao năng lực hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc.
c) Tham gia phản biện về kiến trúc các công trình có quy mô lớn, có vị trí quan trọng, các đồ án thiết kế đô thị để nâng cao chất lượng công trình kiến trúc và không gian kiến trúc cảnh quan đô thị.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2022 triển khai định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 144/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 25/10/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Tự Công Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/10/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra