Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2018

Căn cứ Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT ngày 19/10/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 3616/BTTTT-TTĐN ngày 06/10/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn xây dựng kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2018; Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy về công tác thông tin đối ngoại năm 2018 (tại Công văn số 193-HD/BTGTU ngày 09/02/2018); Kế hoạch số 80-KH/TU ngày 26/02/2018 của Thành ủy Hà Nội về Công tác thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 86-KH/BCĐCTTTĐN ngày 22/02/2018 của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Thành phố về tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại thành phố Hà Nội năm 2018; Quyết định số 3734/QĐ-UBND ngày 13/6/2013 của UBND Thành phố về Phê duyệt Đề án tăng cường đầu tư, quản lý và phát triển thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại năm 2018, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Thành phố trong năm 2018.

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại trên các kênh thông tin; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục... của Thủ đô và đất nước, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hội nhập, giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

- Thông tin kịp thời về cơ chế, chính sách đối ngoại của Việt Nam, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu đúng, đầy đủ về tình hình đất nước và Thủ đô; cập nhật thông tin báo chí, dư luận quốc tế đưa tin về Hà Nội để đấu tranh có hiệu quả đối với những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.

2. Yêu cầu

- Quán triệt nội dung và thực hiện tốt các nhiệm vụ được nêu trong Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 06/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”; Nghị định số 72/NĐ-CP của Chính phủ về “quản lý hoạt động thông tin đối ngoại”; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 12/6/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”; Thông tri số 14-TTr/TU ngày 20/01/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “về việc tiếp tục đổi mới và thực hiện chiến lược phát triển thông tin đối ngoại trên địa bàn Thủ đô từ nay đến năm 2020”... và các kế hoạch, chương trình hành động, đề án liên quan đến công tác thông tin đối ngoại trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

- Các hoạt động thông tin đối ngoại đảm bảo bám sát các văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của Bộ Thông tin và Truyền thông và hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

- Công tác thông tin đối ngoại Thành phố phải gắn kết chặt chẽ thông tin giữa đối nội, đối ngoại, ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời; đảm bảo tính bảo mật thông tin, bí mật quốc gia, gắn nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại với nhiệm vụ công tác hàng năm của các đơn vị.

II. MỤC TIÊU

- 100% cổng/trang thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao chất lượng thông tin về tình hình kinh tế - xã hội địa phương và thông tin quốc tế.

- 100% cán bộ phụ trách cổng/trang thông tin điện tử, cán bộ được phân công thực hiện công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố được trang bị thêm kiến thức thông tin đối ngoại, ngoại ngữ.

- Các kênh thông tin đối ngoại chủ lực của Thành phố nâng cao chất lượng thông tin hai chiều - thông tin Thủ đô ra quốc tế và thông tin từ ngoài vào Thủ đô; chủ động tuyên truyền phản bác, đấu tranh với thông tin sai trái của các thế lực thù địch.

- Bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài dễ dàng tiếp cận các thông tin Thủ đô qua các kênh thông tin đối ngoại của Thành phố. Xây dựng các ấn phẩm, quà tặng mang đặc trưng của Thủ đô.

III. NỘI DUNG

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động thông tin đối ngoại

- Kịp thời chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí Thành phố về thông tin đối ngoại. Tăng cường cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thành tựu về mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, định kỳ giao ban báo chí về các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

2. Bố trí nhân sự phụ trách công tác thông tin đối ngoại

- Tăng cường nhóm chuyên gia, tham mưu đắc lực cho Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Thành phố trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; đấu tranh chống âm mưu, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; dự báo những vấn đề cần thực hiện của công tác thông tin đối ngoại Thành phố.

- Các đơn vị bố trí, phân công nhân sự phụ trách công tác thông tin đối ngoại, tham mưu lãnh đạo tổ chức triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

3. Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ

Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ về thông tin đối ngoại cho cán bộ và các đối tượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố, tập trung các nội dung trọng tâm sau: Triển khai các văn bản quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội; tập huấn tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại với Lào trong tình hình mới; nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.

4. Xây dựng các chương trình, đề án, dự án thông tin đối ngoại

- Phát động phong trào thi đua chuyên đề “Thi đua thực hiện hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của ngành Thông tin và Truyền thông” năm 2018.

- Triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội theo Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN quốc tế giai đoạn 2017-2018.

- Xây dựng bộ dữ liệu số hóa về thông tin đối ngoại, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố.

- Xây dựng các ấn phẩm, quà tặng mang đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Tập trung xây dựng các ấn phẩm, tài liệu để tuyên truyền, quảng bá về môi trường, cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, giới thiệu tiềm năng du lịch Thủ đô và thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên phát triển ấn phẩm điện tử.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với Campuchia nhằm củng cố tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa hai nước.

5. Các hoạt động thông tin đối ngoại cụ thể

- Tổ chức theo dõi và tổng hợp dư luận báo chí trong nước và ngoài nước thông tin về Thành phố, phục vụ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thông tin đối ngoại. Chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, lập luận, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Thủ đô Hà Nội.

- Kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và năm Việt Nam là chủ tịch ASEAN vào năm 2020; thông tin tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC).

- Tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

- Thông tin, tuyên truyền về các nội dung: sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc với vai trò là thành viên của các tổ chức Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa nhiệm kỳ 2015 - 2019; Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, qua đó nâng cao hình ảnh, phát huy vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; sự tham gia của Việt Nam trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và biên giới, lãnh thổ quốc gia; tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào và Campuchia trong tình hình mới.

- Tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô; các quan điểm về hội nhập quốc tế của Đảng ta trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó thu hút sự quan tâm, chú ý của bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Tập trung tuyên truyền về “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về tình hình, quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (01/8/2008 - 01/8/2018); tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.

- Tổ chức gian hàng Hà Nội - Việt Nam tại Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức).

- Nội dung chi tiết công việc và tiến độ thời gian thực hiện theo Kế hoạch số 86-KH/BCĐCTTTĐN ngày 22/02/2018 của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Thành phố.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội thuộc nhiệm vụ chi cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và các nguồn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Tham mưu Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Thành phố chỉ đạo, định hướng công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố; chủ động cung cấp thông tin đối ngoại cho các cơ quan báo chí.

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế định kỳ giao ban báo chí về thông tin đối ngoại Thành phố.

- Chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác thông tin đối ngoại cho lãnh đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã; công chức, viên chức, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại; đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, cơ quan tuyên truyền của Thành phố; các đoàn ra nước ngoài, Ban tổ chức các lễ hội, sự kiện; biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền về công tác thông tin đối ngoại; điều tra xã hội học...

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở các địa phương, đơn vị.

- Chủ trì, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô và sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố tăng cường công tác thông tin đối ngoại Thành phố.

- Tăng cường tuyên truyền phục vụ công tác thông tin đối ngoại của Thành phố trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố (phiên bản tiếng Anh) và Cổng thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông (phiên bản tiếng Anh); Phối hợp Trung tâm phát triển truyền thông (Thông tấn xã Việt Nam) theo dõi điểm báo trong nước và quốc tế thông tin về Hà Nội.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về Thủ đô thông qua các Hội sách trong nước do Thành phố tổ chức và các hội sách quốc tế. Tham mưu tổ chức gian hàng Hà Nội - Việt Nam tại Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức).

- Tăng cường thông tin tuyên truyền về các sự kiện đối ngoại của đất nước và Thủ đô; quảng bá hình ảnh của Hà Nội đến người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế trên các kênh phát thanh - truyền hình đối ngoại quốc gia: VTV4, VTC10, VOV5, các kênh thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam và các tổ chức có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại với Lào trong tình hình mới cho các cán bộ và các đối tượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

- Tổng kết kết quả hoạt động công tác thông tin đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2018.

3. Sở Ngoại vụ

- Là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin, đề nghị hoạt động tác nghiệp báo chí trên địa bàn Thành phố của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài; phối hợp các cơ quan liên quan cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài theo Quy chế cung cấp thông tin của thành phố Hà Nội cho báo chí nước ngài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài được ban hành kèm theo Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội.

- Phối hợp Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao: quản lý, hướng dẫn phóng viên nước ngoài hoạt động tác nghiệp trên địa bàn Thành phố; cung cấp thông tin liên quan đến Hà Nội cho phóng viên nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng về hình thức và nội dung thông tin trên đặc san Đối ngoại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử của đơn vị và các ấn phẩm khác, phục vụ công tác thông tin đối ngoại của Thành phố.

- Tăng cường phối hợp Đại sứ quán các nước, đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước có đông người Việt sinh sống để triển khai tổ chức thông tin về Thủ đô, cũng như vận động người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng Thủ đô.

- Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tuyên truyền hoạt động đối ngoại của Thành phố. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hoạt động đối ngoại nhân dân về kỷ niệm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố.

4. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức thông tin đối ngoại qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao nhằm quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội với các nước.

- Thực hiện hiệu quả công tác tổ chức chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị của đất nước và Thủ đô, các sự kiện kỷ niệm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước.

- Tăng cường tổ chức thông tin và nâng cao chất lượng nội dung thông tin quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội trên Cổng thông tin điện tử của Sở phiên bản tiếng Anh.

- Tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thông tin đối ngoại cho cán bộ của ngành văn hóa, thể thao thành phố Hà Nội, gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị trực thuộc, Phòng văn hóa thông tin các quận, huyện, thị xã...

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố.

5. Sở Du lịch

- Đẩy mạnh thông tin quảng bá hình ảnh Thủ đô và thu hút phát triển du lịch Hà Nội qua các chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

- Tăng cường nội dung thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch của Thủ đô đến bạn bè quốc tế trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị phiên bản tiếng Anh.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố.

- Tiếp tục thực hiện chương trình Quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình cáp CNN. Phối hợp các đài truyền hình xây dựng các phóng sự, tọa đàm về phát triển du lịch Hà Nội.

6. Sở Tư pháp

- Phối hợp xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về thông tin đối ngoại của Thành phố.

- Rà soát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu bằng tiếng Anh các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố Hà Nội.

- Thường xuyên đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và công tác tư pháp theo quy định.

7. Sở Tài chính

- Tham mưu cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch thông tin đối ngoại của thành phố Hà Nội.

- Hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại bằng tiếng Anh, tiếng Nhật trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.

9. Sở Nội vụ

Đề xuất cơ chế khen thưởng định kỳ và đột xuất đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại.

10. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về công tác đối ngoại nhân dân trên các kênh thông tin đại chúng và các hoạt động giao lưu văn hóa, hòa bình hữu nghị với bạn bè các nước thông qua các tổ chức hữu nghị đa phương và các hội hữu nghị song phương.

- Nâng cao chất lượng thông tin trên Trang thông tin điện tử của Liên hiệp phiên bản tiếng Anh và Bản tin song ngữ “Hữu nghị và Hợp tác”.

11. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội

- Xây dựng các ấn phẩm, quà tặng mang đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Tập trung xây dựng các ấn phẩm, tài liệu để tuyên truyền, quảng bá về môi trường, cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, giới thiệu tiềm năng du lịch Thủ đô và thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên phát triển ấn phẩm điện tử.

- Tổ chức quản lý, vận hành “Cổng thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội” nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác, tiềm năng du lịch của Thủ đô cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại các chương trình, sự kiện trong nước và nước ngoài.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố.

- Phối hợp Sở Du lịch triển khai các chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh thông tin quảng bá hình ảnh Thủ đô và thu hút phát triển du lịch Hà Nội.

12. Công an thành phố Hà Nội

- Chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện các luận điệu, thông tin tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch; theo dõi, tổng hợp tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh với các hành động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

- Phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí thông tin nhanh nhạy, kịp thời đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch.

- Xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự cho các sự kiện đối ngoại diễn ra trên địa bàn Thành phố.

13. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về đường lối đối ngoại của nước ta, về lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân...

- Kịp thời định hướng thông tin đối ngoại về những vấn đề an ninh, quốc phòng, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

14. Các Sở, ban, ngành Thành phố

- Nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại và mở phiên bản tiếng Anh trên cổng/trang thông tin điện tử các sở, ngành.

- Phối hợp chặt chẽ Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác thông tin đối ngoại, nhất là trong việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

15. Các cơ quan báo chí Thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, phản ánh kịp thời, chính xác những thông tin quan trọng về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, thông tin của Thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đến với nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.

- Các kênh thông tin đối ngoại chủ lực của thành phố: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo Kinh tế đô thị, báo An ninh Thủ đô tăng cường thông tin về Thủ đô ra nước ngoài bằng các ngoại ngữ khác (bên cạnh tiếng Anh, tiếng Trung Quốc) trên báo in, báo điện tử... trong đó chú trọng thông tin đối ngoại trên báo điện tử. Báo Hà Nội mới mở Chuyên trang điện tử phiên bản tiếng Anh.

- Báo Kinh tế và Đô thị: Nâng cao chất lượng nội dung, xây dựng các chuyên mục, tăng cường thông tin bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử Hanoitimes, giới thiệu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, quảng bá văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đến đông đảo bạn bè quốc tế.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mở trang thông tin điện tử phiên bản tiếng Anh; nâng cao chất lượng tuyên truyền thông tin đối ngoại trên Bản tin tiếng Anh, tiếng Trung.

16. UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thông tin đối ngoại hàng năm; chủ động nâng cao chất lượng thông tin trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh thông tin đối ngoại, đặc biệt các hoạt động đối ngoại nhân dân, nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động hòa bình, hợp tác, đoàn kết, hữu nghị.

- Phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2018, UBND Thành phố đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình thực hiện Kế hoạch (gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chung)./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ Thông tin & Truyền thông ;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Các cơ quan báo chí Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
Các phòng: KGVX, TKBT, NC, KT;
- Lưu: VT, KGVX. (130)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 140/KH-UBND về công tác thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội năm 2018

  • Số hiệu: 140/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/06/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản