Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1334/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 12 tháng 04 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36a/NQ-CP NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2015-2016;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Chương trình hành động số 322-CTr/TU ngày 24/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử với các nội dung như sau:

I. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

1. Hiện trạng về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT)

Hầu hết các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố có mạng nội bộ (LAN); có 25 đơn vị kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước với tốc độ từ 2Mbps đến 4 Mbps phục vụ công việc trong nội bộ cơ quan. Tuyến cáp quang kết nối Internet kết nối 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã trên toàn tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Trung tâm tích hợp dữ liệu được trang bị 02 đường truyền Internet trực tiếp tốc độ cao (40Mbps trong nước, 02Mbps đi quốc tế).

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh: Hệ thống mạng, máy chủ và thiết bị lưu trữ đang được đầu tư theo hướng tập trung cơ bản đủ cung cấp tất cả dịch vụ cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; hệ thống bảo mật, an ninh đã được đầu tư mới với các thiết bị tường lửa; hệ thống phòng chống thư rác; hệ thống phòng chống tấn công Web; hệ thống quản trị, giám sát và các phần mềm phòng chống virus.

2. Hiện trạng về ứng dụng CNTT

- Thư điện tử: Tỉnh đã triển khai hệ thống thư điện tử trong toàn tỉnh với 40 hộp thư đơn vị và 2.954 hộp thư cá nhân. Trong đó, số CBCC cấp tỉnh, cấp huyện được cấp thư điện tử chiếm tỷ lệ 100%. Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 80%. Toàn bộ giấy mời họp, tài liệu họp và lịch công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh đều được gửi thông qua hệ thống thư điện tử. Các đơn vị, CBCC đã từng bước tăng cường việc trao đổi, gửi nhận qua thư điện tử các loại văn bản dự thảo, báo cáo, góp ý dự thảo... góp phần tiết kiệm giấy tờ, trao đổi thông tin được nhanh chóng, kịp thời.

- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành: Đến nay đã triển khai cho 103 đơn vị gồm: 38 đơn vị Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; 14 đơn vị trực thuộc các Sở, ban ngành và 51 xã, phường, thị trấn. Đã kết nối liên thông với tất cả các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 05/1/2016 của UBND tỉnh về việc phát hành văn bản qua phần mềm “Hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc”.

- Triển khai Phần mềm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh (phần mềm ý kiến chỉ đạo điều hành) đến một số Sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố theo Quyết định 75/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

- Công báo tỉnh: Công báo của tỉnh đã đăng 1.847 số công báo.

- Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận: Đến nay đã có 18 Trang thông tin điện tử thành phần cho các Sở, ban, ngành và 7 trang tin điện tử cho UBND các huyện, thành phố. Trung bình hàng năm đăng 1.200 tin trên Cổng và 3.500 tin trên các Trang thông tin điện tử các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố. Ngoài ra, văn bản chỉ đạo điều hành đã đăng trên 3.996 văn bản và 69 số công báo điện tử. Tạo môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị với người dân và doanh nghiệp.

- Các dịch vụ hành chính công: Nhằm thống nhất quy trình tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ, giảm chi phí đi lại của công dân và các tổ chức và giảm công văn, giấy tờ, tiết kiệm chi phí. Năm 2013, tỉnh đã đưa vào khai thác và sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông tại Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) bao gồm 19 thủ tục một cửa liên; năm 2014, tỉnh triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống một cửa điện tử hiện đại tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm” và mở rộng phần mềm một cửa điện tử tại Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) đến các đơn vị: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng. Tổng số dịch vụ công mức độ 3 và 4 của tỉnh là 95: 27 thủ tục tại Sở Tài nguyên và Môi trường, 4 thủ tục tại Sở Thông tin và Truyền thông, 19 thủ tục tại EDO, 6 thủ tục tại Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, 15 thủ tục tại Sở Khoa học và Công nghệ; 5 dịch vụ công về 5 lĩnh vực tại Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; 6 thủ tục tại Sở Y tế; 6 thủ tục tại Ủy ban nhân dân huyện Thuận Nam; 6 thủ tục tại Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải và 1 dịch vụ công về quản lý khách lưu trú tại Công An tỉnh.

3. Hiện trạng về nguồn nhân lực CNTT

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh có 80 CBCCVC trong đó: Trên Đại học: 01, Đại học: 41, Cao đẳng: 24, Trung cấp: 14. Cán bộ công nghệ thông tin tại các xã, phường, thị trấn chưa có.

4. Kết quả đạt được

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đã xây dựng mạng diện rộng của Tỉnh ủy với sự tham gia có trách nhiệm, cơ bản đạt chất lượng và yêu cầu đề ra của các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, Báo Ninh Thuận, 50% cấp ủy xã, phường, thị trấn; mạng diện rộng của UBND tỉnh với sự tham gia của nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã giúp cho lãnh đạo và các cơ quan quản lý truy cập, khai thác, trao đổi thông tin nhanh chóng và kịp thời. Đội ngũ cán bộ, công chức được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo và nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đã góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành tại các cơ quan Đảng và Sở, Ban ngành trọng điểm. Hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh phát triển tương đối tốt, các mạng nội bộ đã được xây dựng ở một số sở ngành, tạo điều kiện thuận lợi bước đầu đáp ứng các yêu cầu về phát triển công nghệ thông tin của tỉnh.

An toàn, an ninh thông tin đảm bảo cho Cổng và các Trang tin điện tử thành phần, hệ thống thư điện tử của tỉnh, các ứng dụng dùng chung, hệ thống mạng diện rộng của tỉnh hoạt động ổn định, bảo mật thông tin chống sự tấn công từ bên ngoài, thiết lập hệ thống sao lưu dữ liệu theo cơ chế tự động... Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Dịch vụ công mức độ 3, 4 bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực; thực sự góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc, từng bước tạo sự đổi mới về phương thức, phong cách, lề lối làm việc ở cơ quan quản lý hành chính nhà nước và tăng cường tính minh bạch thông tin trong các cơ quan nhà nước.

5. Những khó khăn, hạn chế

- Kinh phí chi cho ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm không đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án CNTT của tỉnh. Chưa có cơ chế, chủ trương huy động các nguồn vốn khác (vốn chương trình mục tiêu và sự nghiệp các ngành khác);

- Hạ tầng mạng và thiết bị CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước cấp Sở và cấp huyện đã trang bị từ lâu, không đáp ứng về cấu hình và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh;

- Các Sở, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo cập nhật thông tin, bổ sung thêm các chuyên mục lên Trang thông tin điện tử thành phần theo quy định, tạo ra kênh giao tiếp trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động hành chính công;

- Ứng dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế;

- Nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng và chất lượng, vai trò nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách về CNTT cấp Sở, ban, ngành và cấp huyện, thành phố chưa rõ ràng. Cán bộ CNTT tại xã, phường, thị trấn chưa có, gây khó khăn trong việc thực hiện một số kế hoạch, dự án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2017

- Xây dựng, phê duyệt và triển khai giai đoạn đầu Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận;

- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, an toàn, đáp ứng nhu cầu hoạt động ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan nhà nước;

- Thực hiện kết nối, liên thông phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đến Văn phòng Chính phủ và tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị cấp huyện, cấp xã;

- Tập trung triển khai nhanh các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 được ưu tiên cung cấp theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử tỉnh;

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT.

III. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

- Đến hết năm 2017, khoảng 200 dịch vụ hành chính công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4;

- 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Đến Quý I năm 2017, phải thực hiện kết nối liên thông phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tất cả các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã;

- 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố sử dụng Hệ thống Văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao;

- 50% các Sở, ngành cấp tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm Một cửa điện tử liên thông; 50% các thủ tục hành chính (thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông) ứng dụng trên phần mềm một cửa điện tử liên thông trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh;

- Rút ngắn thời gian, các bước xử lý đối với các thủ tục hành chính

IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Về hạ tầng

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để đảm bảo an toàn an ninh thông tin đối với các ứng dụng và dữ liệu trong hệ thống;

- Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng mạng LAN cho UBND các xã, phường, thị trấn;

- Bổ sung thiết bị công nghệ thông tin thiết yếu cho một số cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh;

- Hoàn thành mạng truyền số liệu chuyên dùng cáp quang đến cấp xã, đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định để triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh.

2. Về ứng dụng

- Trang bị các lớp phần mềm nền tảng của chính quyền điện tử theo định hướng tập trung và kiến trúc hướng dịch vụ;

- Phát triển, triển khai nhân rộng phần mềm số hóa đến các cơ quan đơn vị;

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu của mô hình chính quyền điện tử;

- Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được triển khai;

- Xây dựng và triển khai tất cả các dịch vụ công lên dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 cho các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho 14 xã còn lại;

- Xây dựng Đề án Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh để xem xét, phê duyệt theo quy định;

- Áp dụng ISO điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Rà soát, giảm thời gian xử lý, rút ngắn quy trình xử lý thủ tục hành chính.

3. Về nguồn nhân lực

- Phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp cả về số lượng và chất lượng đảm bảo đáp ứng các chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin quốc gia. Ưu tiên tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về Chính quyền điện tử cấp tỉnh;

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đào tạo nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng tình hình cấp bách về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin nhất là nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng an ninh;

- Đào tạo phổ cập kỹ năng sử dụng CNTT cho CBCCVC.

4. Hợp tác và hội nhập về công nghệ thông tin

- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin của Chính phủ, bộ, ngành, các Viện nghiên cứu để đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng các chương trình, dự án công nghệ thông tin để đề xuất tài trợ, hỗ trợ thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của Trung ương;

- Chủ động tham gia các chương trình hợp tác về công nghệ thông tin với các tỉnh lân cận và các địa phương phát triển mạnh về công nghệ thông tin như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...; tổ chức học tập kinh nghiệm, kết nối chia sẻ thông tin công nghệ thông tin với các tỉnh thành khác;

- Có cơ chế, chính sách thu hút các nhà làm công nghệ thông tin, chuyên gia trình độ cao, các đơn vị công nghệ thông tin có uy tín trong nước tham gia, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công nghệ thông tin của tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức quán triệt Nghị quyết 36a /NQ-CP và nội dung Kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức tại đơn vị, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan khi triển khai các ứng dụng dùng chung trong quy mô cả nước;

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này tại đơn vị mình;

- Tích cực và chủ động trong việc chỉ đạo và trực tiếp sử dụng các phần mềm đã được đầu tư làm công cụ điều hành, tiến tới làm việc trên môi trường mạng, cải tiến qui trình xử lý nghiệp vụ, chỉ đạo rà soát để rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính;

- Định kỳ hàng quý báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT nói chung và các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Văn phòng UBND tỉnh

- Triển khai hiệu quả việc kết nối liên thông phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Văn phòng Chính phủ;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị gửi nhận văn bản qua mạng và thực hiện nhiệm vụ đầu mối việc sử dụng phần mềm chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quyết định 75/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, lập Đề án “Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh” phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, trình phê duyệt theo quy định trong năm 2016;

- Xây dựng hệ thống phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh tích hợp lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia;

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đủ kinh phí cho việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh hàng năm;

- Chủ trì rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan, đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT, an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm CNTT để thu hút, ổn định nguồn nhân lực CNTT phục vụ cơ quan nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc sử dụng kinh phí khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh chi cho công tác ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất Kế hoạch triển khai ISO điện tử trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.

5. Sở Nội vụ

- Phối hợp Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về rút ngắn thời gian xử lý, giảm các công đoạn, các bước xử lý thủ tục hành chính phù hợp với tình hình của địa phương và quy định của trung ương;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông tại các cơ quan hành chính của tỉnh;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

6. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận hàng năm.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a-NQ/CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện, định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thành viên BCĐ CNTT tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng TTĐT của tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- VPUB: CVP, các PVP, Chuyên viên Khối NC-TH;
- Lưu: VT, KTN (TB).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36a/NQ-CP NGÀY 14/10/2015 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 1334/KH-UBND ngày 12/04/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

TÊN NHIỆM VỤ, DỰ ÁN

CƠ QUAN; CHỦ TRÌ

THỜI GIAN

KINH PHÍ

Tổng cộng

2016

2017

 

TỔNG CỘNG

 

 

32.760

19.860

12.900

I

Xây dựng các hệ thống thông tin

 

2016-2017

6.500

4.000

2.500

1

Trang bị lớp các phần mềm nền tảng của chính quyền điện tử theo định hướng tập trung và kiến trúc hướng dịch vụ

Sở TT và TT

2016-2017

5.000

3.000

2.000

2

Phát triển, triển khai nhân rộng phần mềm số hóa đến các cơ quan đơn vị

Sở Nội vụ

2016-2017

1.500

1.000

500

II

Xây dựng các cơ sở dữ liệu của mô hình chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận

 

 

7.400

3.700

3.700

1

Phần mềm và CSDL quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng GIS.

Sở Xây dựng

2016-2017

1.000

500

500

2

Hệ thống thông tin và CSDL một cửa

Sở Nội vụ

2016

1.500

1.500

 

3

Hệ thống thông tin và CSDL quản lý điều hành cấp huyện

Sở TT và TT

2016

1.000

1.000

 

4

Hệ thống thông tin và CSDL quản lý hộ tịch

Sở Tư pháp

2016

700

700

 

5

Hệ thống thông tin và CSDL quản lý cấp phép các hoạt động du lịch

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

2017

500

 

500

6

Hệ thống thông tin phục vụ các đại biểu và các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh

2017

800

 

800

7

Hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý ngành văn hóa thể thao và du lịch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

2017

500

 

500

8

Hệ thống thông tin và CSDL quản lý Khiếu nại tố cáo

Thanh tra tỉnh

2017

500

 

500

9

Hệ thống thông tin và CSDL quản lý cấp phép các hoạt động truyền thông

Sở TT và TT

2017

300

 

300

10

Xây dựng hệ thống ISO điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ

2017

600

 

600

III

Ứng dụng CNTT trong nội bộ CQNN

 

 

210

210

 

1

Triển khai phần mềm quản lý văn bản tại 14 xã (14 đơn vị x 15 triệu)

Sở TT và TT

2016

210

210

 

IV

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

 

 

300

200

100

1

Nâng cấp, duy trì Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Sở TT và TT

2016-2017

300

200

100

V

Đầu tư hạ tầng thiết bị CNTT

 

 

12.050

8.050

4.000

1

Nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh.

Sở TT và TT

2016-2017

2.500

1.500

1.000

2

Triển khai nâng cấp mở rộng mạng diện rộng của tỉnh và mạng cục bộ tại một số đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh

Sở TT và TT

2016-2017

6.000

4.000

2.000

3

Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng mạng LAN (mạng, thiết bị CNTT, quản trị...) ở UBND phường, xã, thị trấn.(65 đơn vị x 70 triệu

Sở TT và TT

2016-2017

3.550

2.550

1.000

VI

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

 

 

4.500

2.500

2.000

1

Xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng và dịch vụ công của mô hình chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở TT và TT

2016-2017

4.500

2.500

2.000

VII

Đào tạo nguồn nhân lực CNTT

 

 

1.800

1.200

600

1

Đào tạo chuyên sâu CNTT cho CBCC chuyên trách CNTT các Sở Ban Ngành, UBND huyện, thành phố.

Sở TT và TT

2016-2017

900

600

300

2

Đào tạo phổ cập kỹ năng sử dụng CNTT cho CBCC.

Sở Nội vụ

2016-2017

900

600

300

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1334/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử do tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 1334/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản