Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/KH-UBND

Sơn La, ngày 31 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2259/QĐ-TTg, ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030, như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

Thực hiện quản lý nhà nước về dân số, từ năm 1994 đến nay, ngành dân số đã từng bước tổ chức, quản lý công tác thu thập, xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin, số liệu về dân số thống nhất và đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Thông tin đầu vào do đội ngũ cộng tác viên dân số tại thôn, bản, tổ dân phố thu thập; cán bộ dân số cấp xã làm nhiệm vụ giám sát hỗ trợ, xử lý, lưu trữ dữ liệu tập trung tại kho dữ liệu chuyên ngành dân số cấp huyện và thiết lập mạng điện tử để kết nối, đồng bộ thông tin số liệu giữa kho dữ liệu chuyên ngành dân số cấp huyện với cấp tỉnh, trung ương.

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của cả nước đã cung cấp kịp thời các thông tin số liệu về dân số[1] theo từng địa bàn dân cư; tạo bằng chứng phục vụ quản lý, điều hành công tác dân số từ trung ương đến cơ sở và đã chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, đơn vị liên quan. Đến năm 2019, hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số lưu trữ thông tin của hơn 24 triệu hộ gia đình và hơn 96,3 triệu người dân Việt Nam. So sánh, đối chiếu với số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức độ chênh lệch về chỉ tiêu dân số chia theo nam, nữ sai số chỉ ở mức dưới 0,2%.

Tại tỉnh Sơn La, công tác xây dựng Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số cũng đã được chú trọng tập trung xây dựng từ khâu tuyển chọn, bố trí cán bộ (100% cán bộ phụ trách hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của cấp tỉnh, huyện đều có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin) đến việc đầu tư về hạ tầng cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn quy định theo hướng dẫn của trung ương. Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thành phố phân công cán bộ quản lý kho dữ liệu điện tử cấp huyện thực hiện cài đặt phần mềm MIS2018H thay thế phần mềm MIS2016H theo đúng tiến độ việc chuyển đổi phần mềm cấp huyện để đồng bộ dữ liệu, báo cáo thống kê theo phần mềm mới cài đặt.

Hoạt động thu thập dữ liệu thông tin đầu vào cho hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã được kiên trì tổ chức triển khai thực hiện liên tục trong những năm qua. Hàng tháng cập nhật một khối lượng rất lớn các thông tin biến động như: Sinh, chết, kết hôn, ly hôn, chuyển đến, chuyển đi và các thông tin chuyên ngành khác vào hệ thống sổ ghi chép ban đầu, phiếu thu tin và nhập tin vào kho dữ liệu điện tử tuyến huyện. Đến nay, hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của tỉnh đã cập nhật, lưu trữ thông tin của hơn 1.320.046 nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ và 283.468 hộ dân cư (bao gồm hộ gia đình và hộ tập thể theo khái niệm của ngành dân số).

Tuy nhiên đến nay, hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của tỉnh còn nhiều tồn tại và hạn chế như:

(1) Việc thu thập, cập nhật thông tin của mạng lưới cộng tác viên dân số vào hệ thống sổ ghi chép ban đầu (sổ A0) thường không kịp thời, không đầy đủ và còn nhiều sai sót về thông tin, dẫn đến chất lượng kho dữ liệu chuyên ngành dân sô tại tuyến huyện, tỉnh không đảm bảo[2].

(2) Mô hình tổ chức kho dữ liệu chuyên ngành dân số phân tán tại cấp huyện chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Mới có dữ liệu di dân trong phạm vi cấp xã; việc tổng hợp) số liệu của tỉnh, huyện theo phương thức cộng số liệu của các xã chưa xử lý đầy đủ việc di dân giữa các huyện, tỉnh trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác còn hạn chế.

(3) Thiếu chủ động cung cấp thông tin, phân tích chuyên sâu về động thái dân số trong quá khứ, hiện tại và tương lai phục vụ cho các cấp, các ngành hoặc theo nhu cầu.

(4) Chưa thực hiện được việc số hóa, cập nhật trực tuyến tại cấp xã; lưu trữ quản lý dữ liệu tập trung tại cấp tỉnh.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do:

- Đội ngũ cán bộ làm công tác Dân Số-KHHGĐ các cấp còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi. Sau khi sáp nhập vào Trung tâm Y tế thành Phòng Dân số - Truyền thông, cán bộ luân chuyển phòng ban khác, phòng kiêm nhiệm thêm mảng truyền thông của Trung tâm có quá nhiều việc nên không có thời gian chuyên tâm vào công tác Dân số được như trước.

- Hệ thống cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ thường xuyên biến động, đặc biệt là tuyến xã và thôn bản, do mức thu lao của đội ngũ này chưa hợp lý nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng thông tin thu thập; yếu tố văn hóa - tâm lý - thói quen của một bộ phận người dân vùng cao[3];

- Phần lớn cán bộ phụ trách hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trong tỉnh còn thiếu các kỹ năng về phân tích, khai thác, sử dụng số liệu thống kê chuyên ngành; thiếu cơ chế chia sẻ phổ biến thông tin dữ liệu dân số;

- Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, lạc hậu, xuống cấp, không còn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thu thập thông tin dữ liệu đầu vào của hệ thống rất hạn chế.

Để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời nhằm cụ thể hóa Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 cần thiết phải ban hành Kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao thành mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh để từng bước phát triển hệ thống thông tin số liệu dân số theo hướng hiện đại và đồng bộ đảm bảo cung cấp đầy đủ tình hình, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TV/ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 2259/QĐ-TTg, ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

- Công văn số 1544/BYT-TCDS, ngày 11/03/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển hệ thống thông tin số liệu dân số theo hướng hiện đại và đồng bộ bảo đảm cung cấp đầy đủ tình hình, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số góp phần xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của mọi cơ quan, tổ chức, nhằm thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã đạt 70% năm 2025, đạt 100% năm 2030; cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin số liệu trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh đạt 60% năm 2030.

- 100% kho dữ liệu chuyên ngành dân số các huyện, thành phố được hiện đại hóa, hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số và phát triển vào năm 2025, tiếp tục duy trì và mở rộng sau năm 2025.

- 100% cấp huyện xử lý, khai thác trực tuyến trên môi trường mạng các chỉ tiêu dân số và phát triển phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về dân số vào năm 2025; đến cấp xã đạt 100% năm 2030.

- 80% ngành, lĩnh vực, đơn vị và các huyện, thành phố sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2025; đạt 100% năm 2030.

- Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số của các cơ quan, tổ chức trong xã hội đạt ít nhất 3 ứng dụng năm 2025; ít nhất 6 ứng dụng năm 2030.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian thực hiện

Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân so trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai từ năm 2021 đến năm 2030 chia làm 2 giai đoạn:

1.1. Giai đoạn 1 (từ năm 2021 đến 2025): Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, trong đó tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tổ chức triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu dân số và phát triển. Điều chỉnh các biểu, mẫu thu thập thông tin, báo cáo định kỳ.

- Thí điểm, triển khai việc cập nhật thông tin số liệu chuyên ngành dân số trực tiếp vào kho dữ liệu chuyên ngành dân số tại cấp xã.

- Bổ sung, nâng cấp, hiện đại hóa kho dữ liệu chuyên ngành dân số và kết nối liên thông đến cấp xã.

1.2. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Trên cơ sở sơ kết giai đoạn 2021 - 2025, triển khai mở rộng các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Thí điểm và triển khai mô hình cộng tác viên dân số thực hiện thu thập, cập nhật thông tin dân số tại hộ gia đình trên thiết bị di động thông minh.

- Thí điểm mô hình xử lý các bài toán lớn về động thái dân số (thông tin 18 biến động về lịch sử sinh sản, di chuyển của người dân).

2. Phạm vi: Triển khai trong phạm vi toàn tỉnh.

3. Đối tượng

- Đối tượng chịu sự tác động: Cơ quan, đơn vị dân số, y tế các cấp; công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp; cộng tác viên dân số.

- Đối tượng thụ hưởng: Cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp

- Nâng cao vai trò của thông tin số liệu dân số và phát triển trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt các mục tiêu về dân số; lồng ghép yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;

- Tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm nguồn lực thực hiện kế hoạch củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số;

- Ban hành kế hoạch để bảo đảm nguồn lực; đầu tư kinh phí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Kế hoạch.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế phối hợp, chia sẻ, khai thác thông tin số liệu dân số và phát triển giữa các cơ quan, đơn vị; chính sách hỗ trợ việc thu thập, cập nhật thông tin số liệu đầu vào, quản trị và vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số; tổ chức sắp xếp lại hệ thống làm công tác dân số tuyến huyện, xã cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

- Rà soát, bổ sung các quy định về kỹ thuật, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu, vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số. Hỗ trợ cộng tác viên dân số thu thập thông tin tại hộ gia đình; giám sát, đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin số liệu dân số.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin số liệu dân số và phát triển

- Coi trọng công tác tư vấn, vận động, cung cấp thông tin cho lãnh đạo chính quyền các cấp về những nội dung: Các thông tin đang được thu thập; những điểm khác biệt của thông tin chuyên ngành dân số với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác; vai trò của hệ thống thông tin chuyên ngành dân số;...

- Đổi mới phương thức cung cấp thông tin số liệu dân số và phát triển theo các hình thức khác nhau. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin truyền thông hiện đại, trực tuyến đến cơ quan, tổ chức và mọi người dân.

- Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, ấn phẩm thông tin số liệu dân số, các báo cáo chiết xuất thông tin số liệu từ hệ thống thông tin chuyên ngành dân số. Phát triển bản đồ dân số điện tử; xây dựng các báo cáo chuyên sâu, phân tích, dự báo động thái, vấn đề dân số mới nảy sinh ở cấp tỉnh. Cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu chuyên ngành dân số thuận tiện, liên tục và theo thời gian.

4. Nâng cao chất lượng thông tin số liệu, hiện đại hóa kho dữ liệu chuyên ngành dân số

4.1. Đổi mới phương pháp thu thập thông tin đầu vào của các cộng tác viên dân số với lộ trình phù hợp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi và giảm sai sót, giảm độ chễ của thông tin.

- Nâng cao chất lượng thông tin số liệu đầu vào của mạng lưới dân số các cấp, cộng tác viên dân số; tổ chức tốt các khâu rà soát, thẩm định thông tin số liệu để nâng cao chất lượng, độ tin cậy của cả hệ thống thông tin chuyên ngành dân số.

- Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả ba hình thức thu thập thông tin: báo cáo định kỳ, điều tra thống kê, hồ sơ đăng ký hành chính trên cơ sở nhu cầu thông tin số liệu phục vụ quản lý điều hành.

4.2. Nâng cấp hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số

- Phối hợp với Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin số liệu trực tuyến tại cấp xã; lưu trữ, quản lý dữ liệu tập trung tại kho dữ liệu chuyên ngành dân số cấp tỉnh.

Nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý thông tin chuyên ngành dân số hiện tại ở cấp tỉnh, huyện; phát triển, mở rộng hệ thống phần mềm này đến cấp xã theo mô hình cập nhật thông tin số liệu trực tuyến;

Triển khai thí điểm mô hình cập nhật trực tuyến tại cấp xã đủ điều kiện (tất cả các xã đều có máy tính và kết nối mạng Internet) khi có hướng dẫn của Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình);

Đào tạo hướng dẫn cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ nhập tin cấp xã sử dụng phần mềm và quản trị kho dữ liệu tại cấp quản lý;

Tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của mô hình cập nhật thông tin số liệu tại cấp xã; chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống phần mềm; Rà soát, nâng cấp, bổ sung kho dữ liệu các cấp trước khi triển khai mô hình cập nhật thông tin số liệu tại cấp xã cho tất cả 204 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

- Nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị của kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp trên cơ sở kế thừa tối đa hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, bao gồm:

Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho phòng máy chủ; đầu tư, trang bị máy chủ lưu trữ, quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu; nâng cấp dung lượng đường truyền internet; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tường lửa bảo vệ kết nối vào, ra; bổ sung, thay thế các thiết bị ngoại vi để bảo đảm chuyển đổi mô hình từ cập nhật, lưu trữ, quản lý phân tán tại cấp huyện sang mô hình cập nhật trực tuyến tại cấp xã lưu trữ, quản lý tập trung tại cấp tỉnh và trung ương, trên cơ sở kế thừa tối đa hạ tầng sẵn có;

Tham gia phát triển hệ thống bảo đảm an ninh thông tin, an toàn dữ liệu của hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp, nâng cấp trang bị các hệ thống bảo vệ truy cập kết nối mạng, hệ thống lưu trữ thông tin dữ liệu khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình);

Xây dựng, chuẩn bị hạ tầng phù hợp, hoàn thiện các chuẩn kết nối theo quy định hiện hành để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành dân số với ngành thống kê, bảo hiểm xã hội, lao động, công an, tư pháp khi có hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới, phát triển các ứng dụng khai thác dữ liệu, dự báo dân số phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin số liệu dân số:

Vận hành hệ thống phần mềm dùng chung, thống nhất tại các cấp bảo đảm khả năng cập nhật, xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin số liệu dân số khi các hệ thống này được phát triển hoàn thiện và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành chức năng liên quan;

Tổ chức triển khai sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh khi có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: ứng dụng cung cấp thông tin, dịch vụ về BPTT; ứng dụng cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ứng dụng cung cấp thông tin và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, thai sản; ứng dụng tư vấn, hỗ trợ về KHHGĐ; ứng dụng cung cấp thông tin số liệu về dân số, ứng dụng cung cấp thông tin cho lãnh đạo quản lý điều hành; ... nhằm mở rộng các hình thức cung cấp dữ liệu chuyên ngành dân số cho các cơ quan, tổ chức.

- Triển khai các giải pháp kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; hình thành cổng dữ liệu dân số; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin của các hệ thống thông tin trong phạm vi Chương trình.

4.3. Tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về dân số và phát triển; nhân khẩu học và sức khỏe.

- Phối hợp, lồng ghép và triển khai các đoàn công tác thường xuyên rà soát, thẩm định thông tin số liệu đầu vào bảo đảm nguồn số liệu luôn đầy đủ, chính xác;

- Tổ chức các cuộc điều tra thống kê chuyên ngành dân số, điều tra nhân khẩu học và sức khỏe để phản ánh hiện trạng, phát hiện những vấn đề dân số mới nảy sinh.

4.4. Nghiên cứu, thí điểm mô hình nâng cao chất lượng thu thập, cập nhật thông tin.

- Nghiên cứu, thí điểm các mô hình về nâng cao chất lượng thu thập, cập nhật thông tin; khai thác, xử lý, lưu trữ thông tin số liệu; phân tích và dự báo dân số.

- Xây dựng báo cáo, phân tích đánh giá kết quả thực hiện mô hình mới tiến tới triển khai mô hình cập nhật trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh do cộng tác viên dân số thực hiện.

5. Nâng cao năng lực cán bộ, cộng tác viên

- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phụ trách hệ thống thông tin chuyên ngành dân số cấp tỉnh, huyện theo yêu cầu vừa có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, vừa được đào tạo căn bản về chương trình dân số cơ bản hoặc thống kê dân số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Hàng năm tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số về kiến thức và kỹ năng thu thập thông tin; xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin số liệu dân số; quản trị, vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số.

6. Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế

- Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế.

- Tham gia các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm để vận động tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực song phương và đa phương, của các tổ chức phi chính phủ, vay ưu đãi để thực hiện Chương trình.

- Đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài, nâng cao chất lượng thông tin trên toàn hệ thống.

7. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin số liệu.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hỗ trợ của tuyến trên đối với tuyến dưới trong suốt quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, có những điều chỉnh, tháo gỡ giải quyết khó khăn vướng mắc để góp phần đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2030: 9.000.000.000đ (chín tỷ đồng).

- Giai đoạn 1 (Từ năm 2022 đến 2025): 4.000.000.000 đồng;

- Giai đoạn 2 (Từ năm 2026 đến 2030): 5.000.000.000 triệu đồng.

(chi tiết tại phụ lục kèm theo)

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu ban hành cơ chế, phối hợp, chia sẻ, khai thác thông tin số liệu dân số và phát triển của các sở, ngành, đơn vị; chính sách hỗ trợ việc thu thập, cập nhật thông tin số liệu đâu vào, quản trị và vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số; lồng ghép Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số vào trong các hoạt động khác liên quan của ngành.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân sổ trên địa bàn tỉnh Sơn La. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư cho các hoạt động củng cố và phát triển hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế, tổng hợp chỉ tiêu số trường đạt chuẩn quốc gia và các chỉ tiêu về phát triển sự nghiệp dân số trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và hàng năm của tỉnh.

4. Các Sở, Ngành, lĩnh vực, đơn vị: Thông tin và Truyền thông; Thống kê; Công an; Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn Hóa, Thể thao và Du lịch

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chia sẻ, kết nối với kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số hoặc hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên môn về chia sẻ, kết nối kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số với cơ sở dữ liệu của các ngành liên quan.

5. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng Kế hoạch Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số phù hợp với tình hình của địa phương; hàng năm bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo điều kiện đặc thù của từng huyện, thành phố.

- Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch với các đề án, dự án khác trên địa bàn.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch của địa phương; tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030, báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

6. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức thành viên khác

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, tham gia triển khai và giám sát các hoạt động của Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của UBND tỉnh Sơn La./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- TT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Dân Số-KHHGĐ;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Sơn La;
- Lưu: VT, KGVX_S.Hùng, (35b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thủy

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ

THỰC HIỆN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh Sơn La)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Tổng kinh phí giai đoạn

Kinh phí thực hiện hằng năm

2022-2025

2026-2030

2022

2023

2024

2025

2026

2027

2028

2029

2030

 

Tổng kinh phí

4.000

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

I

Hiện đại hóa hệ thống thông tin thống kê chuyên ngành. Củng cố kho dữ liệu và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số các ngành, các cấp. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác dân số

3.271

4.173

845

845

845

735

855

872

841

896

710

1

Đổi sổ hộ A0 (2021-2030)

2.055

2.568

845

845

151

214

334

391

441

814

588

1.1

Tập huấn đào tạo đội ngũ cán bộ cấp huyện và xã về đổi sổ A0 (do tỉnh triển khai)

1.498

1.872

732

732

17

17

17

391

341

714

408

 

Tập huấn cán bộ cấp huyện nhập tin về chuyển đổi phần mềm (2ng/huyện x 12 huyện x 2 ngày)

69

52

17.34

17.34

17.34

17.34

17.34

-

17.34

-

17.34

 

Tập huấn cán bộ cấp xã về nghiệp vụ thống kê thu tin và nhập tin xã về đổi sổ: (8 lớp x 2 ngày/lớp x 2 người/xã (trưởng trạm và cán bộ dân sổ) x 204 xã)

782

1,173

390.96

390.96

-

-

-

390.96

-

390.96

390.96

 

Tập huấn cho khoảng 2509 CTV dân số về thu thập và cập nhật thông tin vào sổ A0 (7 lớp/năm x 1 ngày/lớp)

647

647

323.4

.323.4

-

-

-

-

323.4

323.4

-

1.2

Rà soát phiếu A0 tại hộ (283,833 hộ)

-

60

 

 

 

 

60

 

 

 

 

1.3

Rà soát dữ liệu, Cập nhật thông tin và In sổ A0 2020 mới

-

206

 

 

 

 

206

 

 

 

 

1.4

In bổ sung phiếu thông tin hộ có biến động (phiếu A0) khi có thay đổi thông tin hàng tháng

557

431

114

114

134

197

51

 

100

100

180

2

Đầu tư về hạ tầng CNTT. Số hóa thông tin tại tuyến xã và lưu trữ, quản lý tập trung tại tỉnh (Triển khai phần mềm eMIS)

1.215

1.605

-

-

694.24

521.24

521.24

481.24

400.00

81.24

121.24

2.1

Mua sắm trang thiết bị kho cấp tỉnh, huyện, xã (máy chủ eMIS) ( 204 xã 12 huyện) x 1 máy tính tỉnh x 1 máy chủ

1.053

1.280

 

 

613

440

440

400

400

-

40

2.2

Tập huấn cán bộ xã về nhập tin phần mềm (1ng/xã x 204 xã x 1 ngày x 1,5tr/ngày)

162

325

 

 

81.24

81.24

81.24

81.24

-

81.24

81.24

II

Duy trì vận hành hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở

470

503

90

90

90

200

80

63

94.46

39.6

225.66

1

Duy trì, vận hành hỗ trợ kho dữ liệu tại tỉnh, huyện (Duy trì đường truyền internet; các thiết bị đảm bảo hoạt động (điều hòa, hút ẩm, camera giám sát, hệ thống điện, UPS, báo cháy...); bảo trì thiết bị định kỳ)

250

247

50

50

50

100

40

38

49

20

100

2

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hệ thống thống kê chuyên ngành dân số tại tỉnh (Mua sắm bổ sung, nâng cấp hệ thống máy chủ phục vụ xử lý, lưu trữ dữ liệu dân số)

220

256

40

40

40

100

40

25

45.46

19.6

125.66

III

Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, thẩm định số liệu, đánh giá chất lượng việc triển khai Thực hiện Chương trình trên địa bàn

259

324

64.8

64.8

64.8

64.8

64.8

64.8

64.8

64.8

64.8

1

Giám sát, thẩm định, đánh giá chất lượng (12 huyện, thành phố)

127

158

31.68

31.68

31.68

31.68

31.68

31.68

31.68

31.68

31.68

2

Giám sát, hỗ trợ của huyện đối với xã

132

166

33.12

33.12

33.12

33.12

33.12

33.12

33.12

33.12

33.12

u

 



[1] Tổng nhân khẩu; dân số chia theo từng nhóm tuổi, giới tính, trình độ văn hóa,...; tổng số hộ, số sinh con thứ ba trở lên, số phụ nữ đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại;...).

[2] Tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2019, ở chỉ số “tổng số nhân khẩu” trong hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của tỉnh có mức sai số 2,8% , với mức sai số của toàn quốc chỉ là 0,2%; các thông tin biến động trong tháng như: sinh, chết, chuyển đi, chuyển đến,... cập nhật chưa kịp thời.

[3] Đăng ký khai sinh muộn. Trẻ mới sinh rất hay thay đổi tên mỗi khi trẻ bị ốm, quấy khóc dẫn đến khó khăn trong việc xác minh, chuẩn hóa thông tin.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2021 thực hiện Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030

  • Số hiệu: 133/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Phạm Văn Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản