Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO THỦ ĐÔ ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 09/7/2012 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao Thủ đô đến năm 2020, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác phát triển thể dục thể thao Thủ đô đến năm 2020, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu:

- Xây dựng thành công sự nghiệp Thể dục thể thao Thủ đô phát triển, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc người Thủ đô, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước, đạt được vị thế ngày càng cao hơn trong các hoạt động Thể dục thể thao Quốc gia và Quốc tế.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao quần chúng, hình thành nề nếp rèn luyện thân thể thường xuyên cho mọi người dân; Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho thanh thiêu niên, học sinh; Quan tâm phát triển phong trào TDTT cán bộ, CNVC các cơ quan hành chính sự nghiệp, người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp và trong lực lượng vũ trang; đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

- Tập trung phát triển thể thao thành tích cao chất lượng, hiệu quả, lấy đấu trường ASIAD, OLIMPIC làm mục tiêu chính. Nâng cao trình độ vận động viên một số môn thể thao trọng điểm đạt ngang tầm Châu Á và Thế giới; đồng thời giữ vững vị trí hàng đầu ở các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

2. Chỉ tiêu:

2.1. Thể dục, thể thao quần chúng

- Số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ: 32% dân số; đến năm 2020 đạt tỷ lệ: 36% dân số.

- Số gia đình luyện tập thể dục thể thao đến năm 2015 đạt tỷ lệ: 24% số hộ dân; đến năm 2020 đạt tỷ lệ: 28% số hộ dân.    

- Đến năm 2020 100% xã phường thị trấn đạt các tiêu chuẩn tại quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã tại Thông tư số: 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010.

2.2. Thể thao thành tích cao

- Hoàn thành các hạng mục phục vụ đang cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 (ASIAD 18 năm 2019) tại Hà Nội với làng Á vận hội đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Các vận động viên Hà Nội là nòng cốt của các đội tuyển Quốc gia tại các kỳ đại hội thể dục thể thao khu vực, châu lục và thế giới; đóng góp thành tích chủ yếu để đưa Việt Nam trở thành một trong 15 nước dẫn đầu về thể dục thể thao tại Châu Á.

- Vận động viên Hà Nội phấn đấu: Giữ vững thành tích hàng đầu tại các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc; nâng cao thành tích tại các kỳ SEA Games; đạt huy chương vàng tại các kỳ ASIAD; nhiều Vận động viên được tham dự và đạt huy chương tại các kỳ OLYMPIC.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ:

1. Xây dựng và phát triển thể dục, thể thao cho mọi người:

1.1. Xây dựng và phát triển thể dục, thể thao quần chúng:

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh.

- Mở rộng, phát triển đa dạng các nội dung, hình thức tập luyện thể dục, thể thao, giúp người dân tự lựa chọn cho mình một môn thể thao yêu thích hoặc nội dung, hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện hàng ngày.

- Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm địa bàn trọng điểm để làm nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào.

- Khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; Từng bước đưa các môn này vào nội dung hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao, đại hội thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn nhằm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

- Phát triển các môn thể thao quốc tế mới du nhập vào Việt Nam; Phát triển thể thao giải trí, thể thao đường phố và kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao.

- Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, huấn luyện viên, giáo viên thể dục thể thao; Từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao. Thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao đơn môn, đa môn phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của các đối tượng cư trú trên địa bàn. Kiện toàn hệ thống các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp.

- Triển khai và tổ chức tốt các giải thể thao theo hệ thống của Thành phố hàng năm, tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, lần thứ VIII năm 2018.

- Đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; Tiếp tục rà soát, đánh giá và kiện toàn mô hình tổ chức ngành TDTT từ Thành phố đến cơ sở. Thống nhất mô hình tổ chức TDTT ở cấp quận, huyện, thị xã; bố trí cán bộ chuyên trách về TDTT cho các xã, phường, thị trấn.

1.2. Phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học

- Tăng cường chất lượng dạy và học thể dục chính khóa:

+ Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp thể dục, thể thao với hoạt động vui chơi giải trí, chú trọng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao tự chọn của học sinh.

+ Đến năm 2020: 100% trường học các cấp có đủ giáo viên chuyên trách TDTT giảng dạy nội khóa và hoạt động ngoại khóa TDTT.

+ Đến năm 2020: Số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo độ tuổi quy định đạt tỷ lệ 98% học sinh.

+ Các trường học xây mới phải đảm bảo có khu giáo dục thể chất cho học sinh đúng tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.

- Phát triển hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa:

+ 100% trường học phổ thông các cấp tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường trong từng năm học. Thành phố và cấp quận, huyện, thị xã tổ phức Hội khỏe Phù Đổng theo chu kỳ 04 năm/lần (theo Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc).

+ Xây dựng hệ thống Câu lạc bộ TDTT trong các trường học.

+ Xây dựng hệ thống các lớp năng khiếu thể thao trong trường học, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp vận động viên kế cận cho đội tuyển Hà Nội.

+ Hoàn thiện hệ thống thi đấu TDTT hàng năm cho các đối tượng học sinh, sinh viên.

+ Tổ chức dạy học bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh hệ phổ thông và mầm non; Phấn đấu đến năm 2020: 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình hoạt động TDTT ngoại khóa, tiến tới xóa mù bơi cho trẻ em.

- Kiện toàn và phát triển trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao, đảm bảo cho VĐV được học tập văn hóa và tập luyện thể dục thể thao phát triển thành tích cao.

1.3. Nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

- Thực hiện công tác rèn luyện thân thể và hoạt động TDTT bắt buộc trong lực lượng vũ trang.

- Kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong độ tuổi quy định cho 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và phấn đấu số chiến sỹ đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe 99% cán bộ chiến sỹ trong độ tuổi quy định.

2. Xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp

2.1. Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo VĐV tài năng thể thao thành tích cao: Khuyến khích huấn luyện viên, trọng tài tự học tập nâng cao trình độ đạt đẳng cấp quốc tế; kết hợp với việc sử dụng hợp lý chuyên gia nước ngoài.

2.2. Đổi mới cơ chế tổ chức nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng; tham gia nòng cốt và đóng góp nhiều thành tích cho đội tuyển Quốc gia. Đào tạo và phát triển các lớp vận động viên kế cận, có trình độ chuyên môn và thành tích cao, có phẩm chất đạo đức tốt. Phấn đấu để Thủ đô Hà Nội giữ vững vị trí hàng đầu trong cả nước về số lượng huy chương tại các giải thi đấu Quốc gia và Quốc tế.

2.3. Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao cho công tác huấn luyện; ứng dụng công nghệ cao trong công tác huấn luyện kỹ thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về vận động viên thể thao thành tích cao và vận động viên trẻ kế cận; tăng cường năng lực chữa trị chấn thương và phòng chống Doping; thực hiện giám định khoa học đối với quá trình huấn luyện các vận động viên trọng điểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thông tin, khoa học, công nghệ và huấn luyện thể thao các môn thể thao trọng điểm.

2.4. Tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, trọng tài, huấn luyện viên, giáo viên TDTT có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ tham gia các tổ chức thể thao quốc tế.

2.5. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, mời chuyên gia giỏi huấn luyện các VĐV tài năng, cử VĐV đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài để nâng cao trình độ VĐV đạt tầm châu lục và thế giới.

2.6. Đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống đối với đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên.

3. Xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở vật chất thể dục thể thao

Đến năm 2020 Hà Nội phải đạt được chỉ tiêu đất dành cho hoạt động thể dục thể thao, bình quân là 5m2/người.

- Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn theo quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, xã tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011.

- Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể dục thể thao xã phường thị trấn theo quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010. Trường hợp các phường không còn quỹ đất xây dựng các công trình TDTT có thể dùng phương án xây dựng công trình liên phường.

- Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các công trình thể dục thể thao cấp quận huyện, thị trấn theo quy định tiêu chí của Trung tâm Thể thao quận, huyện, thị xã tại Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010.

- Tiếp tục nâng cấp và xây mới các công trình TDTT của Hà Nội đạt tầm cấp khu vực theo hướng hiện đại; quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu đào tạo vận động viên đỉnh cao và săn sàng phục vụ cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội.

- Thành phố đầu tư có trọng điểm các dự án nhà tập luyện các môn thể thao thành tích cao, hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Mỹ Đình. Phấn đấu đến năm 2014 hoàn thiện Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Mỹ Đình. Chuẩn bị đề án và xây dựng Làng ASIAD tiến tới đăng cai thành công ASIAD 18 năm 2019.

4. Thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao

- Khuyến khích phát triển các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, các tổ chức xã hội về thể dục thể thao. Khuyến khích chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao trong những lĩnh vực, môn thể thao thích hợp.

- Mở rộng và phát huy hiệu quả các mô hình thể thao quần chúng truyền thống của Thủ đô Hà Nội.

- Từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao trên địa bàn Thành phố sang mô hình cung ứng dịch vụ công và đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo kinh phí.

- Thành phố ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân thành lập các CLB TDTT chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích hoạt động tài trợ, kinh doanh dịch vụ và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp. Duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

- Phát triển hệ thống Liên đoàn, Hiệp hội TDTT; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT; Chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực TDTT cho các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT. Trên cơ sở Liên đoàn Các môn Thể thao Thành phố Hà Nội thành lập các liên đoàn, hiệp hội và Ban vận động thành lập Liên đoàn, tối thiểu 50% các môn thể thao của Thành phố Hà Nội có Liên đoàn và Hiệp hội cấp Thành phố. Tiến tới triển khai mô hình đào tạo VĐV thể thao thành tích cao theo mô hình cung ứng dịch vụ tại các cơ sở đào tạo công lập cũng như ngoài công lập. Tiến tới năm 2030 các môn thể thao của Hà Nội đảm bảo đặt dưới sự điều hành về mặt chuyên môn của các Liên đoàn Thể thao theo kế hoạch và điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao địa phương.

- Từng bước chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao ở một số môn có tiềm năng như: Bóng đá, Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn, Khiêu vũ thể thao, Bóng chuyền, Bowling. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về thể dục thể thao, tranh thủ sự giúp đỡ và nguồn lực đầu tư của các quốc gia và tổ chức Quốc tế

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền sự chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với công tác phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 08 NQ/TW, Chỉ thị 10 CT /TU ngày 09/7/2012 của Thành ủy Hà Nội; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chỉ thị số 48/CT-BVHTTDL ngày 5/4/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt nam đến năm 2020”.

2. Giải pháp đổi mới phương pháp quản lý hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy thể dục thể thao, thống nhất mô hình tổ chức ngành trên toàn thành phố.

3. Giải pháp về thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động TDTT: Từng bước chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, Dance Sport, Golf, Billiad snooker, Bowling....; Phát triển các tổ chức xã hội về thể thao, vừa đảm bảo sự chỉ đạo quản lý có hiệu quả của nhà nước vừa đảm bảo tính độc lập tự chủ trong hoạt động, phát huy tính năng động sáng tạo để góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển TDTT Thủ đô trên tinh thần vừa đảm bảo thu chi vừa đúng pháp luật.

4. Giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật:

- Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp TDTT: Đào tạo cán bộ lãnh đạo Ngành các cấp, cán bộ đủ sức tham gia các tổ chức quốc tế, HLV cao cấp, HLV chính..., trọng tài quốc tế, trọng tài quốc gia... thông qua các lớp Đại học tại chức: TDTT, ngoại ngữ, chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, các lớp do chuyên gia nước ngoài giảng, các cuộc tham quan học tập chuyên đề, tập huấn dài hạn, tham gia các lớp học có bằng cấp, chứng chỉ do cấp trên tổ chức; Đào tạo giáo viên thể thao cho các trường, cán bộ TDTT cho các phường, xã, thị trấn, CLB cơ sở; tập huấn chuyên đề ngắn hạn hàng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì.

- Hoàn thành việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế TDTT xã, phường, thị trấn; Trung tâm TDTT các quận, huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.

- Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thể thao thành tích cao: Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Mỹ Đình, xây dựng các công trình phục vụ tổ chức thi đấu chuẩn bị cho ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội Việt Nam

- Đổi mới và đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao.

- Nghiên cứu việc thành lập các Ban quản lý các cơ sở tập luyện và thi đấu TDTT thành đơn vị sự nghiệp độc lập để khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình TDTT đã được thành phố trang bị. Thành lập thêm các đơn vị kinh doanh cổ phần và thương mại hàng hóa TDTT, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị TDTT...

5. Giải pháp về kinh phí thực hiện:

- Ngân sách thành phố: Đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT được thành phố phê duyệt theo quy định.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các vận động viên có tài năng đặc biệt, huấn luyện viên và chuyên gia giỏi được đào tạo chuyên nghiệp với công nghệ cao để chuẩn bị giành huy chương tại ASIAD và Olympic.

- Ngân sách quận, huyện, thị xã bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển TDTT của địa phương.

- Kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác phát triển Thể dục thể thao Thủ đô đến năm 2020 được bố trí hàng năm trong dự toán ngân sách chi hoạt động thường xuyên của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đối với cấp thành phố; của UBND quận huyện thị xã đối với cấp huyện, và UBND xã phường, thị trấn đối với cấp xã.

- Kinh phí xây dựng hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí vận hành các công trình thực hiện xã hội hóa hoạt động.

- Kinh phí xã hội hóa do tổ chức cá nhân, và doanh nghiệp tài trợ hoặc phối hợp xây dựng các công trình TDTT, tổ chức thi đấu TDTT.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các giai đoạn thực hiện kế hoạch

1.1. Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016.

- Phát triển thể dục, thể thao quần chúng có nề nếp, chú trọng phát triển thể dục thể thao giải trí, xây dựng nếp sống góp phần tăng cường sức khỏe thể chất cho nhân dân; Chú trọng phát triển thể dục thể thao trường học và lực lượng vũ trang.

- Phát triển thể thao thành tích cao theo hướng bền vững. Xây dựng và thực hiện quy trình phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng.

- Xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm của Hà Nội.

- Cải thiện các điều kiện và nguồn lực phát triển thể dục thể thao. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thể dục thể thao.

- Cải thiện chất lượng quản lý nhà nước về thể dục thể thao; tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội về thể dục thể thao

- Tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao.

- Thực hiện các đề án trọng điểm:

+ Xây dựng Đề án phát triển thể dục thể thao Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

+ Xây dựng Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

1.2. Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020

- Tiếp tục phát triển thể dục, thể thao quần chúng có nề nếp, chú trọng phát triển thể dục thể thao giải trí; hoàn thiện hệ thống thi đấu thể dục thể thao phù hợp với các đối tượng quần chúng.

- Triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch phát triển TDTT đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Hoàn thiện quy trình phát hiện, tuyển chọn, đào tạo khoa học VĐV tài năng làm cơ sở cho việc nâng cao thành tích của VĐV;

- Chuẩn bị lực lượng, điều kiện đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội - Việt Nam.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước về thể dục thể thao; tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội về thể dục thể thao

- Tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao.

2. Phân công thực hiện:

2.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Là đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm toàn diện chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển Thể dục thể thao Thủ đô đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thực hiện kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã lập quy hoạch bố trí quỹ đất phục vụ các hoạt động Thể dục thể thao thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2050; tăng cường quản lý và sử dụng đất các công trình thể thao của xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã và Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo hướng dẫn Phòng Văn hóa và thông tin và Trung tâm Thể dục thể thao (Trung tâm Văn hóa - Thể dục thế thao) các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020” phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế ở địa phương.

- Ban hành và hướng dẫn thực hiện Quy chế hoạt động của Trung tâm Thể dục thể thao, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao xã phường thị trấn, các Câu lạc bộ thể dục thể thao, Thôn làng Văn hóa - Thể thao, Gia đình Văn hóa - Thể thao. Biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên môn thể thao cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thống nhất việc cân đối kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp và hỗ trợ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng các kế hoạch cụ thể thuộc đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án bố trí đủ kinh phí thực hiện hàng năm.     

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất trình UBND Thành phố phê duyệt cơ chế xã hội hóa xây dựng, quản lý và xây dựng các công trình thể dục thể thao.

2.3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai việc bố trí kinh phí và hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan trình UBND Thành phố ban hành quyết định hệ thống chính sách cho cán bộ, huấn luyện viên, trọng tải, vận động viên, cộng tác viên, giáo viên thể dục thể thao, cán bộ làm công tác thể dục thể thao của Thành phố, quận, huyện và xã, phường, thị trấn... (bao gồm cả việc nghiên cứu áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô nhằm thu hút đào tạo nhân tài theo xu hướng chuyên nghiệp hóa lâu dài)

2.4. Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận huyện rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đất dành cho các công trình thể dục thể thao cấp Thành phố, cấp quận, huyện; cấp xã, phường, thị trấn và thiết lập các chế tài thực hiện các quy định này.

- Bố trí quỹ đất dành cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao thời kỳ 2011-­2020 và định hướng đến năm 2030 theo quy hoạch Thành phố phê duyệt cho Ngành Thể dục thể thao; Kiên quyết thu hồi đất của những công trình dành cho thể dục thể thao đã bị lấn chiếm, không sử dụng đất thể dục thể thao để xây dựng các công trình khác.

2.5. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan đề xuất văn bản quy định xây dựng các công trình thể dục thể thao, các dự án công viên cây xanh song song với việc xây dựng và phát triển các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố.

2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Triển khai chương trình giáo dục thể chất từ bậc mẫu giáo, tiểu học, Trung học cơ sở đến bậc Trung học Phổ thông.

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ rà soát đội ngũ cán bộ giáo viên thể dục thể thao ở các trường học các cấp học, bố trí đủ giáo viên thể dục thể thao cho các trường, đảm bảo số giờ học nội khóa, ngoại khóa thể dục thể thao theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp; tổ chức các giải thi đấu thể thao học sinh cấp thành phố.

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giám sát việc thực hiện kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho học sinh trong các nhà trường.

- Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với giáo viên thể dục thể thao.

- Chỉ đạo công tác xây dựng, cải tạo trường học đảm bảo yêu cầu có khu giáo dục thể chất theo quy định.

2.7. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện xây dựng mô hình quản lý nhà nước về thể dục thể thao cấp xã phường, thị trấn trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất trình bố trí biên chế giáo viên thể dục thể thao ở các trường học các cấp học trình UBND Thành phố.

2.8. UBND quận, huyện, thị xã.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển thể dục thể thao trên địa bàn; Thực hiện quy hoạch ổn định đất cho hoạt động TDTT; Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ luyện tập, thi đấu thể dục thể thao; Đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT trong nhân dân Thủ đô, tổ chức tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan công tác TDTT, góp phần tích cực cho công tác đào tạo vận động viên và thi đấu đỉnh cao của Hà Nội

- Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở địa phương từ cấp xã phường thị trấn tới cấp quận huyện, trên cơ sở mô hình Trung tâm Thể dục thể thao quận huyện. Bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm công tác thể dục thể thao tại mỗi xã, phường, thị trấn.

UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành UBND các quận, huyện trên toàn thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch này. Định kỳ 01 năm báo cáo kết quả thực hiện với UBND Thành phố (qua sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp).

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL;
- Tổng cục TDTT;
- TT TU; HĐNDTP;
- Đ/c CT UBND thành phố; (Để báo cáo)
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các sở, ngành, đoàn thể;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Đ/c CVP UBND TP;
- Các đ/c PVP UBND TP;
- Các phòng Chuyên viên;
- Lưu VX, VT;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc