Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013-2020

Thực hiện Quyết định số 1556/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2012 về việc phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”;

Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về việc ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình số 77/CTr-UBND ngày 06/6/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 24/12/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015;

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013-2020 như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm:

- Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở công nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Hà Nội trước sức ép hội nhập.

- Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy tối đa nguồn nhân lực và các nguồn lực tự có, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội về cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

2. Định hướng:

- Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên các khu vực tập trung của doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghiệp hỗ trợ ở một số địa bàn theo quy hoạch.

- Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp    hỗ trợ trên cơ sở triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội cần tập trung vào các ngành được Thành phố khuyến khích phát triển: cơ khí chế tạo, thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp phương tiện vận tải, điện tử - tin học, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao...

3. Mục tiêu:

Đến năm 2020, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần đạt được một số mục tiêu như sau:

- Xây dựng Hà Nội trở thành một Trung tâm công nghệ cao của cả nước. Tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Bảo đảm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nội địa hóa trên địa bàn Hà Nội ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế tạo.

- Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập.

- Nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý, cải tiến năng suất chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong các lĩnh vực sản xuất.

- Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến cuối năm 2015 đạt khoảng 300 doanh nghiệp và đến năm 2020 đạt khoảng 700 doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

- Tuyên truyền phổ biến và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cả về số lượng và chất lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Phát huy các nguồn lực tự có, thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tranh thủ trình độ khoa học kỹ thuật của các nước, đặc biệt là các nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển.

- Xây dựng hệ thống chất lượng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xem xét các tiêu chuẩn quy định quốc tế để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia.

- Triển khai các chương trình, hoạt động trợ giúp tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua các Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, và vốn cho sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư cho phát triển.

2. Các giải pháp thực hiện

2.1. Nhóm giải pháp liên quan đến chính sách, thể chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ:

- Tuyên truyền phổ biến các chính sách liên quan đến trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các cơ quan nghiên cứu triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án gắn với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu quảng bá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và vùng Thủ đô.

- Xây dựng các quy định, trình tự, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào địa bàn Hà Nội hoạt động và phát triển. Xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội theo đúng tiến độ, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các dự án trong khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

- Thể chế hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ: Đưa toàn bộ các lĩnh vực hoạt động về công nghiệp hỗ trợ vào phân ngành kinh tế kỹ thuật theo các cấp, ngành đăng ký kinh doanh, Hải quan, Thuế, phân loại thống kê của Cục thống kê.

- Xây dựng hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trên cơ sở xem xét đến các tiêu chuẩn quy định trong nước, quốc tế cũng như các tiêu chuẩn sẵn có của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt trên thị trường Hà Nội trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Nhóm giải pháp liên quan đến ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình số 77/CTr-UBND ngày 06/6/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 24/12/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và các văn bản pháp luật liên quan trong đó đặc biệt quan tâm đến việc ưu đãi, khuyến khích các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ đầu tư.

- Giải pháp về tài chính:

Xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động trợ giúp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thông qua các nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư tài chính từ các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đầu tư phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đẩy nhanh việc gia hạn, miễn và giảm thuế là hình thức hỗ trợ nguồn nhân lực tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Các Ngân hàng cần thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay để doanh nghiệp duy trì hoạt động và trả nợ thay vì phá sản; Các Quỹ tín dụng cần nới lỏng tiêu chí và hình thức bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận và có thể vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh... Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy các doanh nghiệp hồi sinh phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận...

Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn tăng mức dư nợ tín dụng và ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính cho vay vốn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay. Đồng thời hỗ trợ về lãi suất sau đầu tư, vốn cho sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội.

2.2. Nhóm giải pháp hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ:

- Phổ biến công nghệ kỹ thuật sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chế tạo ở Việt Nam;

- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

(Chi tiết các chương trình theo Phụ lục 2 kèm theo).

2.3. Về nguồn: vốn thực hiện Kế hoạch:

- Sở Kế hoạch & Đầu tư; Sở Tài chính bố trí nguồn ngân sách từ nguồn trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Sở Khoa học và Công nghệ bố trí nguồn ngân sách từ chương trình đổi mới công nghệ.

- Nguồn khác: Vốn của các doanh nghiệp, vốn vay, tài trợ...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Là cơ quan thường trực triển khai thực hiện Kế hoạch. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến các chính sách liên quan đến trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Là đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận và thụ lý hồ sơ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Hằng năm tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ báo cáo UBND Thành phố.

- Chủ trì chương trình phổ biến công nghệ kỹ thuật sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Chủ trì chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ; trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chế tạo.

- Chủ trì xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp và các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (Đào tạo công nhân kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ).

5. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành thẩm định dự toán kinh phí xây dựng các cơ chế, chính sách và kinh phí chương trình, dự án trình UBND Thành phố.

6. Các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và truyền thông căn cứ vào nhiệm vụ được phân công xây dựng dự toán kinh phí cho từng giai đoạn và từng năm gửi Sở Tài chính thẩm định để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

7. Các sở, ban, ngành, và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.

8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo đề án 30 của Chính phủ.

9. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề Hà Nội có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020. Các Sở, Ngành, Quận, Huyện, Thị xã căn cứ vào kế hoạch phối hợp thực hiện, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo UBND Thành phố Hà Nội (qua Sở Công thương để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết)./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã của TP;
- Lưu VT, TH, CT, Sở KH&ĐT (5b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

PHỤ LỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Tên chương trình, dự án

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Mục tiêu

Nội dung chính

Thời gian

Dự kiến ngân sách (triệu đồng)

1

Chương trình phổ biến công nghệ kỹ thuật sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ

Kêu gọi lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất quan tâm và có các hiểu biết nhất định về công nghệ kỹ thuật để có thể tham gia vào công nghiệp hỗ trợ

Số lượng doanh nghiệp được tiếp cận: Khoảng 1000 doanh nghiệp

- Khảo sát, đánh giá thực trạng công nghệ Doanh nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa Hà Nội

- Phổ biến nhận thức về sản xuất công nghiệp hỗ trợ

- Đào tạo các kiến thức liên quan đến quy trình sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cơ chế hợp đồng, cách tiếp cận khách hàng, tiêu chuẩn hàng hóa công nghiệp hỗ trợ

- Giới thiệu và phổ biến về một số quy trình công nghệ và yêu cầu kỹ thuật về sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

- Tọa đàm với các nhà lắp ráp, các nhà cung ứng đã sản xuất công nghiệp hỗ trợ

GĐ1: 2013-2015;

 

 

 

GĐ2: 2016-2020

2.000

 

 

 

 

3.000

2

Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế tạo

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương

- Tạo ra các liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn lớn

- 200 doanh nghiệp tham gia vào chương trình, 100 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng

- Đánh giá năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Tạo kết nối với khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia hoặc các nhà cung ứng ở các lớp trên

- Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra

- Các tư vấn khác

GĐ1: 2013-2015;

 

GĐ2: 2016-2020

5.000

 

 

11.000

3

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất

Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương

Hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực liên quan đến sản xuất Công nghiệp hỗ trợ thực hiện một số hệ thống quản lý trong sản xuất

200 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thực hiện thành công

- Đánh giá sơ lược doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất sản phẩm phụ trợ

- Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện một số hệ thống quản lý trong sản xuất; các tư vấn khác

- Tổ chức đánh giá công nhận chất lượng

GĐ1: 2013-2015;

 

 

 

GĐ2: 2016-2020

5.000

 

 

 

 

11.000

4

Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

Các Sở, ngành liên quan

Xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Đào tạo 20.000 công nhân kỹ thuật chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ

- Hỗ trợ kinh phí hàng năm để đào tạo 20.000 công nhân kỹ thuật chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ

- Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ tại một số trường

- Xây dựng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu về nhân lực kỹ thuật trong khu vực

GĐ1: 2013-2015;

 

 

GĐ2: 2016-2020

5.000

 

 

 

11.000

5

Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ

Sở Công Thương; Sở Thông tin và truyền thông

Xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Cập nhật liên tục hàng năm đến năm 2020

- Kinh phí khảo sát doanh nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu

- Kinh phí thiết lập và duy trì website hàng năm

- Kinh phí cập nhật thông tin hàng năm

GĐ1: 2013-2015;

 

GĐ2: 2016-2020

3.000

 

 

4.000

6

Chương trình xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp và các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương

Tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ trong ngành Công nghiệp hỗ trợ:

- Hỗ trợ về nhà xưởng và trang thiết bị cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong những năm đầu kinh doanh

- Hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, tạo mạng lưới và dịch vụ văn phòng

- Hỗ trợ về đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị văn phòng và cán bộ kỹ thuật chất lượng cao

- Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo:

+ Ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ trong ngành cơ khí chế tạo

+ Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp ươm tạo

- Xây dựng các Vườn ươm doanh nghiệp khác và các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

GĐ1: 2013-2015;

 

 

 

 

 

GĐ2: 2016-2020

100.000

 

 

 

 

 

 

100.000

 

Tổng cộng

 

 

 

 

260.000