Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN ỦY QUYỀN GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019); Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch rà soát, đề xuất phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Đẩy mạnh việc ủy quyền giải quyết TTHC đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi nhằm rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết TTHC. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

b) Phấn đấu việc ủy quyền trong giải quyết TTHC đối với ít nhất 10% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố, Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ viết tắt là các Sở), Ủy ban nhân dân quận, huyện (trừ các TTHC không thuộc đối tượng rà soát, các TTHC đã được ủy quyền trước đó). Tỷ lệ 10% TTHC đề xuất ủy quyền tính trong tổng số TTHC thực hiện rà soát.

c) Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Từ đó có sự phân công triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.

2. Yêu cầu

a) Các TTHC đề xuất ủy quyền phải phù hợp, khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho đơn vị được ủy quyền, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố; từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Việc đề xuất ủy quyền giải quyết TTHC cần bảo đảm nguyên tắc cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết; không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho Nhân dân. Từ đó việc ủy quyền giải quyết TTHC cho người dân được nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn, giảm được chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

c) Việc ủy quyền giải quyết TTHC phải phù hợp với khả năng thực hiện của từng cấp, từng cơ quan được ủy quyền (về tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị...); đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Từ đó, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các Sở và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI RÀ SOÁT, CƠ QUAN ỦY QUYỀN

1. Đối tượng

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ [1].

b) Ủy ban nhân dân quận, huyện.

2. Phạm vi rà soát

Các TTHC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC[2].

Căn cứ xác định phạm vi rà soát là Danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Sở đã được công bố, công khai theo quy định hiện hành[3]. Theo đó:

a) Các Sở rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, gồm:

- TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;

- TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

b) Các Sở chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tiến hành rà soát đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

3. Cơ quan ủy quyền

Thực hiện theo đúng nội dung quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019.

III. NỘI DUNG

1. Ban hành Kế hoạch rà soát, đề xuất phương án ủy quyền giải quyết TTHC

a) Cơ quan chủ trì: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Cơ quan phối hợp: Các Sở có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trong tháng 7 năm 2024.

d) Sản phẩm: Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Tổ chức tập huấn

a) Cơ quan chủ trì: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Cơ quan phối hợp: Các Sở có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trong tháng 7 năm 2024 (trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 7 năm 2024).

d) Sản phẩm: Hội nghị tập huấn.

3. Tiến hành rà soát, đề xuất phương án ủy quyền giải quyết TTHC

a) Cơ quan chủ trì: Các Sở có liên quan.

b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 20 tháng 8 năm 2024.

d) Sản phẩm: Báo cáo kết quả rà soát (theo Mẫu đính kèm).

4. Gửi lấy ý kiến kết quả rà soát và phương án ủy quyền giải quyết TTHC

a) Cơ quan chủ trì: Các Sở có liên quan.

b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố[4], Sở Tư pháp, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.

d) Sản phẩm: Công văn góp ý.

5. Hoàn chỉnh Báo cáo và phương án ủy quyền giải quyết TTHC theo ý kiến góp ý, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố

a) Cơ quan chủ trì: Các Sở có liên quan.

b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố[5], Sở Tư pháp, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 16 tháng 9 năm 2024.

d) Sản phẩm: Báo cáo kết quả rà soát.

6. Tổng hợp kết quả rà soát và trình ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền giải quyết TTHC

a) Cơ quan chủ trì: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Cơ quan phối hợp: Các Sở có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 11 tháng 10 năm 2024.

d) Sản phẩm: Quyết định phê duyệt phương án.

7. Tham mưu ban hành Quyết định ủy quyền giải quyết TTHC theo thẩm quyền

a) Đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở có liên quan:

- Cơ quan chủ trì: Các Sở có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ủy quyền đối với các TTHC thuộc thẩm quyền; các phòng chuyên môn tham mưu lãnh đạo Sở quyết định ủy quyền đối với các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở;

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố[6];

- Thời gian hoàn thành: Theo thời hạn quy định tại Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Sản phẩm: Quyết định ủy quyền giải quyết TTHC.

b) Đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Cơ quan chủ trì: Các phòng, ban chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định ủy quyền đối với các TTHC thuộc thẩm quyền của quận, huyện;

- Cơ quan phối hợp: Các Sở có liên quan, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố;

- Thời gian hoàn thành: Theo thời hạn quy định tại Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Sản phẩm: Quyết định ủy quyền giải quyết TTHC.

8. Tham mưu trình ban hành Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC đối với các TTHC được ủy quyền

a) Cơ quan chủ trì: Các Sở có liên quan.

b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Thời gian hoàn thành: Theo thời hạn quy định tại Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

d) Sản phẩm: Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai đến các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện; chủ động tham mưu các nội dung công việc được giao tại Kế hoạch này; phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ thời gian đối với các nhiệm vụ được giao.

b) Căn cứ quy định của pháp luật, tổ chức nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ ủy quyền giải quyết TTHC đảm bảo tinh thần cải cách TTHC.

c) Thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo thẩm quyền quản lý khi có yêu cầu.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này theo đúng quy định.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố

a) Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; kịp thời có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đối với các nội dung chưa thống nhất tại Kế hoạch này.

b) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thực hiện đúng nội dung, tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

c) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ đưa nội dung ủy quyền vào Chỉ số cải cách hành chính thành phố là tiêu chí để xem xét đánh giá trong năm 2024.

đ) Tổng hợp các Sở, địa phương có đề xuất phương án ủy quyền đối với những TTHC phù hợp, khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực để tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng (nếu có).

Trên đây là Kế hoạch rà soát, đề xuất phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị và địa phương phản ánh về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- TT TU, TT HĐND TP;
- TT UBND TP;
- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP;
- Ban Quản lý CKCX và CN CT;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Báo Cần Thơ;
- VP UBND TP (2,3,4,5,6,7);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, ĐTS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 



[1] Không thực hiện rà soát đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố, Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ.

[2] Không thực hiện rà soát đối với TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã.

[3] Không rà soát đối với các TTHC đã được ủy quyền trước đó.

[4] Các Phòng: Kinh tế, Khoa giáo - Văn xã, Xây dựng - Đô thị và Nội chính theo lĩnh vực phụ trách chủ trì, phối hợp với Phòng Kiểm soát TTHC nghiên cứu độc lập, có ý kiến đối với phương án ủy quyền giải quyết TTHC.

[5] Các Phòng: Kinh tế, Khoa giáo - Văn xã, Xây dựng - Đô thị, Nội chính, Kiểm soát TTHC.

[6] Các Phòng: Kinh tế, Khoa giáo - Văn xã, Xây dựng - Đô thị và Nội chính theo lĩnh vực phụ trách chủ trì thẩm tra và trình Quyết định ủy quyền theo thẩm quyền (quá trình thực hiện phối hợp với Phòng Kiểm soát TTHC có ý kiến).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2024 về rà soát, đề xuất phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 129/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 28/06/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản