Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Lạng Sơn ngày 04 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế. UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện các quy định về công tác quản lý chất thải y tế nguy hại tại địa phương.

- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại; công trình xử lý chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Các cơ sở y tế phải bố trí nguồn lực nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý chất thải y tế nguy hại của cơ sở.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

2.1. Tổng quan về các cơ sở y tế, chất thải y tế và công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

2.1.1. Tổng quan về các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Mạng lưới y tế của tỉnh ngày càng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có 6 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh; 10 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Ngoài ra còn có 25 phòng khám đa khoa khu vực; 9 Trung tâm y tế hệ dự phòng; 226 trạm y tế xã phường; 01 cơ sở nghiên cứu y dược.

(Phụ lục kèm theo Kế hoạch)

2.2. Số lượng, loại chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

2.2.1. Số lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo thống kê, tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 334,29 kg/ngày, trong đó: Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, trung tâm y tế dự phòng, phòng khám đa khoa khu vực khoảng 261,44 kg/ngày; lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn khoảng 72,85 kg. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và sự tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.

2.2.2. Loại chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế.

a. Phân định chất thải y tế:

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.

- Chất thải lây nhiễm gồm:

Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác.

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm: Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên theo quy định tại Nghị định số 92/2010/ NĐ-CP ngày 30/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm.

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm gồm: Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại; Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng;Chất hàn răng amalgam thải bỏ.

Chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

b. Loại chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

Qua rà soát, thống kê, chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ yếu là:

+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn chiếm khoảng 80%;

+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn chiếm khoảng 16%;

+ Chất thải giải phẫu chiếm khoảng 2%;

+ Chất thải y tế hóa học, dược phẩm thải chiếm khoảng 1%;

+ Các loại chất thải nguy hại khác chiếm khoảng 1%;

2.3. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.

2.3.1. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế.

Nhìn chung việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải quyết được một phần, một số cơ sở được trang bị lò đốt nhưng có một số lò đốt đã bị hỏng, xuống cấp hoặc đang ngừng hoạt động; một số cơ sở chưa được trang bị lò đốt phải xử lý bằng hố đốt thủ công hoặc chôn lấp không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cụ thể:

- Tại tuyến tỉnh:

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn (Địa chỉ Phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại mã số quản lý CTNH 20.001.VX, cấp ngày 31/12/2014, được phép xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP Lạng Sơn. Một số Bệnh viện tuyến tỉnh và một số cơ sở y tế đóng trên địa bàn Thành phố Lạng Sơn thực hiện ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn quy mô 700 giường đang được đầu tư xây dựng mới tại địa bàn huyện Cao Lộc, trong đó sẽ được đầu tư đồng bộ các công trình xử lý chất thải.

- Các cơ sy tế tuyến huyện:

Các cơ sở y tế tuyến huyện đã được đầu tư trang bị lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại, cụ thể: 03 Trung tâm được trang bị lò đốt đưa vào sử dụng từ năm 2000 (Trung tâm y tế các huyện: Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình); 03 Trung tâm y tế được trang bị lò đốt và đi vào hoạt động từ năm 2009 (Trung tâm y tế các huyện: Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng), 02 Trung tâm y tế được trang bị lò đốt và đi vào hoạt động năm 2010 (Trung tâm y tế các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, trong đó lò đốt của Trung tâm y tế huyện Cao Lộc đang dừng hoạt động); 01 Trung tâm y tế được trang bị lò đốt và đi vào hoạt động năm 2011 (Trung tâm y tế huyện Văn Lãng); 01 Trung tâm y tế được trang bị lò đốt và đi vào hoạt động năm 2012 (Trung tâm y tế huyện Bình Gia). Trong đó, lò đốt của Trung tâm y tế huyện Lộc Bình bị hỏng; lò đốt của Trung tâm y tế huyện Cao Lộc đang ngừng hoạt động; một số lò đốt bị xuống cấp như lò đốt của Trung tâm y tế huyện Đình Lập, huyện Hữu Lũng. Trong thời gian tới, mười (10) bệnh viện đa khoa tuyến huyện gồm: Đình Lập, Văn Lãng, Văn Quan, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Tràng Định, Bình Gia, Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng sẽ được đầu tư xây dựng và lắp đặt lò hấp rác thải.

- Các Trung tâm y tế dự phòng; phòng khám đa khoa khu vực; trạm y tế xã, phường và cơ sở nghiên cứu y dược: Hầu hết xử lý chất thải y tế bằng hố đốt hoặc chôn lấp.

Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều do các đơn vị khám chữa bệnh không ngừng phát triển, các dịch vụ kỹ thuật y tế mới, nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Chất thải y tế nguy hại phát sinh, nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế và cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.

2.3.2. Cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 02 tổ chức có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại:

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn: Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại mã số quản lý CTNH 20.001.VX do UBND tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 31/12/2014, được phép xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP Lạng Sơn

- Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc bộ: Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại Mã số QLCTNH: 1-2-3-4.015.VX do Tổng cục Môi trường cấp ngày ngày 07/4/2014; CTNH được phép vận chuyển, xử lý là: Bùn thải từ thủy luyện kim (Mã CTNH: 051001), phương pháp xử lý là Đồng xử lý, thu hồi chì. Tuy nhiên, Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ không có chức năng thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại.

III. Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

3.1. Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế.

a. Đối với các cơ sở xử lý theo cụm:

Chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm. Các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế (Chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm).

Thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại của cơ sở xử lý phải được đầu tư đáp ứng quy chuẩn về bảo vệ môi trường và vận hành thường xuyên, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký vận hành thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định.

Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở xử lý theo cụm thì phải ký hợp đồng để xử lý chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.

Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, gồm 10 cụm:

- Cụm 01: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường và các cơ sở y tế khác trên địa bàn TP Lạng Sơn và trên địa bàn huyện Cao Lộc.

- Cụm 2: Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Bắc Sơn.

- Cụm 3: Bệnh viện đa khoa huyện Bình Gia (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Bình Gia.

- Cụm 4: Bệnh viện đa khoa huyện Văn Quan (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Văn Quan.

- Cụm 5: Bệnh viện đa khoa huyện Tràng Định (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Tràng Định.

- Cụm 6: Bệnh viện đa khoa huyện Văn Lãng (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Văn Lãng.

- Cụm 7: Bệnh viện đa khoa huyện Hữu Lũng (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Hữu Lũng.

- Cụm 8: Bệnh viện đa khoa huyện Chi Lăng (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện huyện Chi Lăng.

- Cụm 9: Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Bình (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Lộc Bình.

- Cụm 10: Bệnh viện đa khoa huyện Đình Lập (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ sở y tế khác thuộc huyện Đình Lập.

b. Đối với các cơ sở xử lý tại chỗ:

Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại cơ sở không vận chuyển về đơn vị xử lý theo cụm như nêu trên và được thu gom và xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế. Cơ sở thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại tại cơ sở: Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

3.2. Kế hoạch thực hiện phương thức thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại.

a. Kế hoạch thu gom chất thải y tế nguy hại:

- Chất thải lây nhiễm: Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế; Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom; Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế; tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 01 (một) lần/ngày; đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 0,5kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm: Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế; Thu gom chất hàn răng amalgam thải và thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng có chứa thủy ngân: Chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.

b. Kế hoạch vận chuyển chất thải y tế nguy hại:

Vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố, có sổ giao nhận.

Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở xử lý phải thực hiện bằng các hình thức sau:

- Cơ sở y tế trong cụm thuê đơn vị bên ngoài có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm. Đối với chủ xử lý chất thải nguy hại, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại tham gia vận chuyển chất thải y tế trong cụm nhưng nằm ngoài phạm vi của giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép trước khi thực hiện.

- Cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị khác không thuộc đối tượng như trên để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh và đáp ứng các quy định sau:

+ Phương tiện vận chuyển: Cơ sở y tế, đơn vị được thuê vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải sử dụng xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng để vận chuyển hoặc sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm nhưng phải đáp ứng yêu cầu theo quy định.

+ Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu: Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải.

+ Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển.

Trong quá trình vận chuyển chất thải y tế từ cơ sở y tế về cơ sở xử lý chất thải y tế cho cụm, khi xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

3.3. Về cơ chế tài chính: Nguồn vốn thực hiện bao gồm:

- Nguồn ngân sách giao.

- Vốn tự có của các đơn vị: Từ nguồn thu phí, viện phí và các nguồn thu hợp pháp khác.

3.4. Tổng hợp Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

TT

Nội dung

Địa điểm thực hiện

Công nghệ xử lý

Phạm vi thực hiện

Đơn vị vận chuyển

I

Các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh

1

Cụm 1. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn

TP Lạng Sơn; huyện Cao Lộc

Đốt hoặc hấp

TP Lạng Sơn; huyện Cao Lộc

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn

2

Cụm 2. Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn

Thị Trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn

Đốt hoặc hấp

Huyện Bắc Sơn

Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn

3

Cụm 3. Trung tâm y tế huyện Bình Gia

Thị Trấn Bình Gia huyện Bình Gia

Đốt hoặc hấp

Huyện Bình Gia

Trung tâm y tế huyện Bình Gia

4

Cụm 4. Trung tâm y tế huyện Văn Quan

Thị Trấn Tu Đồn, huyện Văn Quan

Đốt hoặc hấp

Huyện Văn Quan

Trung tâm y tế huyện Văn Quan

5

Cụm 5. Trung tâm y tế huyện Tràng Định

Thị Trấn Thất Khê, huyện Tràng Định

Đốt hoặc hấp

Huyện Tràng Định

Trung tâm y tế huyện Tràng Định

6

Cụm 6. Trung tâm y tế huyện Văn Lãng

Thị trấn Văn Lãng, huyện Văn Lãng

Đốt hoặc hấp

Huyện Văn Lãng

Trung tâm y tế huyện Văn Lãng

7

Cụm 7. Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng

Thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng

Đốt hoặc hấp

Huyện Hữu Lũng

Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng

8

Cụm 8. Trung tâm y tế huyện Chi Lăng

Thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng

Đốt hoặc hấp

Huyện Chi Lăng

Trung tâm y tế huyện Chi Lăng

9

Cụm 9. Trung tâm y tế huyện Lộc Bình

Thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình

Đốt hoặc hấp

Huyện Lộc Bình

Trung tâm y tế huyện Lộc Bình

10

Cụm 10. Trung tâm y tế huyện Đình Lập

Thị trấn Đình Lập huyện Đình Lập

Đốt hoặc hấp

Huyện Đình Lập

Trung tâm y tế huyện Đình Lập

II

Đơn vị tự xử lý

1

Bệnh viện Lao và bệnh phổi

Xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Đốt hoặc hấp

Tại cơ sở

Bệnh viện Lao và bệnh phổi

2

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Đốt hoặc hấp

Tại cơ sở

BV Phục hồi chức năng tỉnh

3

Bệnh viện Y học cổ truyền

Xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Đốt hoặc hấp

Tại cơ sở

Bệnh viện Y học cổ truyền

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh: Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định; cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí và nhân lực để thực hiện quản lý chất thải y tế nguy hại theo quy định.

Hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế theo thẩm quyền.

Là đầu mối tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16 Thông tư số 58/2015/TT-BYT-BTNMT.

4.2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT .

4.3. Sở Kế hoạch và đầu tư

Tham mưu cho UBND tỉnh phương án cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4. Sở Tài chính

Ban hành hướng dẫn thực hiện công tác thanh toán chi phí về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phương án cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.5. Sở Xây dựng

Thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng các công trình y tế phải đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải y tế.

4.6. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định, lựa chọn về công nghệ, thiết bị xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu theo quy định.

4.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn.

Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

4.8. Trách nhiệm của các cơ sở y tế

Thực hiện quản lý chất thải y tế nguy hại theo nội dung Kế hoạch này và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Phân công lãnh đạo, khoa, phòng, cán bộ phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở.

Lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định.

Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, nhân viên và các đối tượng liên quan.

Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16 Thông tư số 58/2015/TT-BYT-BTNMT.

Đối với các cơ sở thực hiện xử lý chất thải y tế cho cụm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và thiết bị lưu chứa chất thải trên phương tiện vận chuyển theo quy định.

Trên đây, là kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Vinh Quang

 

PHỤ LỤC

TỔNG QUAN VỀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số ....../KH-UBND ngày .../11/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

1. Cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh: Gồm 6 bệnh viện

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

+ Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh

+ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

+ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh

+ Bệnh viện quân y 50 Lạng Sơn

+ Bệnh xá công an tỉnh Lạng Sơn.

2. Cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện: Gồm 10 Trung tâm y tế

+ Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn;

+ Trung tâm y tế huyện Bình Gia;

+ Trung tâm y tế huyện Văn Quan.

+ Trung tâm y tế huyện Tràng Định;

+ Trung tâm y tế huyện Văn Lãng;

+ Trung tâm y tế huyện Cao Lộc;

+ Trung tâm y tế huyện Đình Lập;

+ Trung tâm y tế huyện Lộc Bình;

+ Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng;

+ Trung tâm y tế huyện Chi Lăng;

3. Trung tâm y tế dự phòng: Gồm 9 Trung tâm

+ Trung tâm y tế dự Phòng

+ Trung tâm phòng chống Sốt rét - ký sinh trùng côn trùng

+ Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản

+ Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế

+ Trung tâm phòng chống Bệnh xã hội

+ Trung tâm KN Dược phẩm - mỹ phẩm

+ Trung tâm Giám định pháp y

+ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS

+ Trung tâm Giám định y khoa

4. Phòng khám đa khoa khu vực: Gồm 25 phòng khám

+ Phòng khám đa khoa khu vực Ngả Hai, huyện Bắc Sơn.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Mỏ Nhài, huyện Bắc Sơn.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Văn Mịch, huyện Bình Gia.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Pác Khuông, huyện Bình Gia.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Điềm He, huyện Văn Quan.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Ba Xã, huyện Văn Quan.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Chợ Bãi, huyện Văn Quan.

+ Phòng khám đa khoa khu vực TT Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Xuân Tình, huyện Đình Lập.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Bình Độ, huyện Tràng Định.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Áng Mò, huyện Tràng Định.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Hội Hoan, huyện Văn Lãng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thanh, huyện Văn Lãng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thành, huyện Cao Lộc.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Ba Sơn, huyện Cao Lộc.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Bằng Mạc, huyện Chi Lăng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Chiến Thắng, huyện Chi Lăng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Bành, huyện Chi Lăng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Thành phố Lạng Sơn

+ Phòng khám đa khoa khu vực Vân Nham, huyện Hữu Lũng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Yên Bình, huyện Hữu Lũng.

+ Phòng khám đa khoa khu vực Yên Vượng, huyện Hữu Lũng.

5. Trạm y tế, xã phường, trị trấn: 226 Trạm y tế xã, phường, thị trấn.

6. Cơ sở nghiên cứu y dược: Trường Cao đẳng y tế Lạng Sơn.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2016 thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 126/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lý Vinh Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản