Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Thái Bình, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025.

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2017-2020

1. Kết quả thực hiện

Giai đoạn 2017-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 04 Quyết định thực hiện nhiệm vụ Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí 1.999.630 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với đơn vị quan trắc lấy 6.005 mẫu nước, hàng năm phân tích từ 15-20 thông số môi trường tại 12 vùng nuôi thủy sản tập trung có quy mô lớn (> 50 ha/vùng) trên địa bàn 06 huyện (Thái Thụy, Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Hưng Hà). Đối tượng quan trắc gồm môi trường nước cấp chung và ao nuôi đại diện các vùng nuôi đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế (tôm sú, tôm thẻ, rô phi) theo phương pháp quan trắc trực tiếp tại thực địa (pH, nhiệt độ, độ trong, DO, tốc độ dòng chảy) và phân tích trong phòng thí nghiệm (độ mặn, NH3/ NH4 , NO2, TSS, H2S, độ kiểm, BOD, COD, thực vật phù du, vibrio tổng số, coliforms, PO4-, dầu mỡ, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng); cụ thể các năm như sau:

Năm 2017, lấy 1.167 mẫu quan trắc 20 thông số môi trường tại 16 điểm thuộc 04 huyện, trong đó 05 thông số quan trắc tại hiện trường (nhiệt độ, pH, DO, tốc độ dòng chảy, độ trong) và 15 thông số phân tích tại phòng thí nghiệm (độ mặn, NH3/ NH4 , NO2, TSS, H2S, độ kiểm, BOD, COD, thực vật và phù du, vibrio tổng số, coliforms, PO4-, dầu mỡ, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng).

Năm 2018, lấy 4.838 mẫu quan trắc 17 thông số tại 33 điểm thuộc 05 huyện, trong đó 05 thông số quan trắc tại hiện trường (pH, nhiệt độ, độ trong, DO, tốc độ dòng chảy) và 12 thông số phân tích tại phòng thí nghiệm (độ mặn, độ kiềm, NH3, NO2-, H2S, PO43-, TSS, COD, coliform, vibrio tổng số, dieldrin, Cd).     

Năm 2019, lấy 2.622 mẫu quan trắc 17 thông số tại 26 điểm thuộc 05 huyện, trong đó 05 thông số quan trắc tại hiện trường (pH, nhiệt độ, độ trong, DO, tốc độ dòng chảy) và 12 thông số phân tích tại phòng thí nghiệm (độ mặn, độ kiềm, NH3, NO2-, H2S, PO43-, TSS, COD, vibrio tổng số, dieldrin, Cd).

Năm 2020, lấy 2.574 mẫu quan trắc 16 thông số tại 35 vị trí thuộc 05 huyện, trong đó 05 thông số quan trắc tại hiện trường (pH, nhiệt độ, độ trong, DO, tốc độ dòng chảy) và 11 thông số phân tích tại phòng thí nghiệm (độ mặn, độ kiềm, NH3, NO2-, H2S, PO43-, TSS, COD, vibrio tổng số, dieldrin, Cd).

Kết quả kiểm tra, phân tích đối chiếu với các Quy chuẩn về chất lượng nước mặt, nước nuôi trồng thủy sản (QCVN 08-MT:2015/BTNMT; QCVN 02-20: 2014/BNNPTNT; QCVN 02-22:2015/BNNPTNT; QCVN 02-26:2017/BNNPTNT; QCVN 02-19:2014/BNNPTNT; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT) cho thấy, về cơ bản các thông số được quan trắc từ năm 2017-2020 trong ngưỡng phù hợp với điều kiện môi trường của từng đối tượng thủy sản nuôi; cá biệt tại một số thời điểm, đối tượng và hình thức nuôi cụ thể còn có một số chỉ tiêu vượt ngưỡng, như: Mùa mưa lũ từ tháng 7 - 9 chỉ số TSS, tốc độ đòng chảy khu vực nuôi cá lồng trên sông cao gấp 1,05 - 8,25 lần; mùa nắng nóng kết hợp mưa dông tháng 7 - 8 chỉ số NO2 tại các ao nuôi tôm nước lợ tăng (cao nhất 7,26 mg/l gấp 20,74 lần so với tiêu chuẩn); cuối vụ nuôi xuân Hè (tháng 7 - 8) tại vùng cấp nước chung, ao nuôi đại diện vùng nuôi cá rô phi và vùng nuôi tôm nước lợ chỉ số COD, vibrio tổng số thường tăng cao vượt ngưỡng; đặc biệt từ 2017-2020 tại khu vực cấp nước chung xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ ghi nhận qua các đợt quan trắc cho thấy chỉ số COD có xu hướng tăng dần theo đợt và theo năm (năm 2018 là 14-22 mg/l; năm 2020 là 15-26 mg/l).

Trên cơ sở kết quả thông báo của đơn vị quan trắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản ban hành 50 văn bản cảnh báo, gửi Ủy ban nhân dân các huyện, xã có điểm quan trắc yêu cầu thông báo, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn biết và thực hiện các biện pháp phòng, tránh hạn chế tối đa thiệt hại do môi trường gây ra. Kết quả giai đoạn 2017-2020, môi trường vùng nuôi trồng thủy sản thực hiện quan trắc không có thiệt hại lớn do môi trường gây ra ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân.

2. Thuận lợi và khó khăn

2.2. Thuận lợi

- Công tác chỉ đạo triển khai nhiệm vụ quan trắc đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi thủy sản có ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng môi trường cơ sở, vùng nuôi an toàn.

- Kết quả quan trắc được thông báo kịp thời để cảnh báo sớm theo quy định.

2.2. Khó khăn

- Một số thông số môi trường chưa có tiêu chuẩn cụ thể áp dụng cho từng đối tượng, gây khó khăn trong so sánh, đối chiếu kết quả quan trắc.

- Thời gian phê duyệt, lựa chọn nhà thầu kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường vùng nuôi trông thủy sản.

- Kinh phí thực hiện còn hạn chế, chưa quan trắc hết các vùng nuôi thủy sản tập trung trong tỉnh.

II. KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Sự cần thiết

Thái Bình có trên 52 km chiều dài bờ biển, 4 cửa sông lớn và nhiều hệ thống sông ngòi tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã không ngừng học hỏi, ứng dụng, chuyển giao nhiều đối tượng, hình thức, công nghệ mới áp dụng vào phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản trên cả ba loại hình mặt nước: mặn, lợ, ngọt. Kết quả đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 15.746,82 ha, trong đó: Nước mặn 3.169 ha; Nước lợ 3.638,21 ha tăng 222,43 ha (tôm sú 2.521,83 ha, tôm thẻ chân trắng 278 ha, trong đó 141,57 ha nuôi thâm canh, công nghệ cao); cá nước lợ các loại 838,38 ha; nước ngọt 8.939,61 ha, trong đó 2.682 ha nuôi thâm canh chủ yếu là cá Rô phi và 611 lồng nuôi cá trên sông, tăng 09 lồng so với cuối năm 2019. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 168.400 tấn, tăng 6%, trong đó: Sản lượng nước mặn (ngao) 115.610 tấn; sản lượng nước lợ 11.290 tấn, sản lượng nước ngọt 41.500 tấn. Giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.944,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2019. Đạt được kết quả trên một phần là do môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã được quan trắc và cảnh báo sớm diễn biến chất lượng nước, thời tiết, dịch bệnh, từ đó cảnh báo người nuôi chủ động quản lý chất lượng nước cơ sở, vùng nuôi, kịp thời phòng tránh hạn chế thấp nhất thiệt hại do môi trường, thời tiết, dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới dự báo có nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, tình trạng mưa lũ, nắng nóng, xâm nhập mặn, nguy cơ bệnh dịch phát sinh, bệnh mới gia tăng khó kiểm soát trên tất cả các đối tượng, hình thức nuôi; chất lượng nguồn nước mặt ngày một ô nhiễm do ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động nuôi trồng thủy sản... Để kịp thời cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, làm cơ sở xây dựng dữ liệu môi trường, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025.

2. Căn cứ pháp lý

- Luật Thủy sản số 18/2017/QH14;

- Thông tư số 32/2014/TT-BNNPTNT ngày 10/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

- Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường;

- Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

- Công văn số 8625/BNN-TY ngày 18/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản;

- Công văn số 7262/BNN-TCTS ngày 20/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo, xây dựng và phê duyệt kinh phí quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2021;

- Công văn số 1453/TCTS-NTTS ngày 27/4/2018 của Tổng cục Thủy sản về việc hướng dẫn, quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững.

3. Mục tiêu

- Quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất tại các vùng nuôi thủy sản tập trung.

- Cảnh báo kịp thời các thông tin về diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phát triển thủy sản bền vững đi đối với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

4. Nội dung thực hiện

4.1. Đối tượng quan trắc

- Môi trường vùng nuôi ngao bãi triều: Quan trắc 2 vùng nuôi thuộc huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy.

- Môi trường vùng nuôi hàu treo trên bè nổi: Quan trắc 01 khu vực nuôi.

- Môi trường vùng nuôi tôm nước lợ: Quan trắc 06 vùng nuôi tập trung có quy mô lớn.

- Môi trường vùng nuôi tôm nhiễm mặn: Quan trắc 01 vùng nuôi.

- Môi trường khu vực nuôi cá lồng trên sông: Quan trắc tại 02 khu vực phân bố lồng/bè mật độ cao thuộc huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà.

- Môi trường vùng nuôi cá rô phi tập trung: Quan trắc tại 02 vùng nuôi chuyên canh cá rô phi thuộc huyện Thái Thụy và huyện Quỳnh Phụ.

4.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 - 2025.

4.3. Địa điểm quan trắc

4.3.1. Vùng nuôi ngao bãi triều:

- Huyện Tiền Hải: Vùng nuôi ngao giáp xã Đông Minh, xã Nam Thịnh; tổng diện tích 1.580,9 ha; lấy mẫu tại 03 vị trí (01 vị trí cửa sông Lân, 01 vị trí xã Đông Minh, 01 vị trí xã Nam Thịnh).

- Huyện Thái Thụy: Vùng nuôi ngao xã Thái Đô, xã Thái Thượng; tổng diện tích 605,2 ha; lấy mẫu tại 03 vị trí (01 vị trí giáp cửa sông Trà Lý, 01 vị trí giáp sông Diêm Hộ, 01 vị trí giữa hai xã Thái Đô, xã Thái Thượng).

4.3.2. Khu vực nuôi hàu: Khu vực nuôi hàu treo trên bè nổi tại Cầu I xã Nam Phú; tổng số 500 bè; lấy mẫu tại 02 vị trí (vị trí đầu và cuối khu vực nuôi).

4.3.3. Vùng nuôi tôm nước lợ:

- Huyện Thái Thụy:

Vùng chuyển đổi tập trung xã Thái Đô, xã Thái Thượng; tổng diện tích 275 ha, lấy mẫu tại 03 vị trí: 01 vị trí cấp nước chung và 02 vị trí ao nuôi đại diện.

Vùng đầm ngoài đê xã Thái Thượng, tổng diện tích 240 ha, lấy mẫu tại 03 vị trí: 01 vị trí cấp nước chung và 02 vị trí ao nuôi đại diện.

Vùng chuyển đổi tập trung Xuân Trường (xã Thụy Xuân, xã Thụy Trường), tổng diện tích 86 ha, lấy mẫu tại 03 vị trí: 01 vị trí cấp nước chung, 02 vị trí ao nuôi đại diện hai xã.

- Huyện Tiền Hải:

Vùng chuyển đổi tập trung xã Đông Minh, tổng diện tích 175,85ha, lấy mẫu tại 03 vị trí: 01 vị trí cấp nước chung và 02 vị trí ao nuôi đại diện.

Vùng nuôi tập trung xã Nam Cường, xã Nam Thắng, tổng diện tích 110,46 ha, lấy mẫu tại 05 vị trí: 01 vị trí (cửa Lân) cấp nước chung cho các vùng nuôi xã Nam Cường, xã Nam Thịnh, xã Nam Thắng và 02 vị trí ao nuôi đại diện xã Nam Cường, 2 vị trí ao nuôi đại diện xã Nam Thắng.

4.3.4. Vùng nuôi tôm nhiễm mặn:

Vùng nuôi tôm nhiễm mặn xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tổng diện tích 30 ha, lấy mẫu tại 3 vị trí: 01 vị trí cấp nước chung và 02 vị trí ao nuôi đại diện.

4.3.5. Khu vực nuôi cá lồng trên sông (vị trí đầu và cuối khu vực nuôi):

- Khu vực nuôi cá lồng xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, 202 lồng, tổng thể tích là 21.816 m3, lấy mẫu tại 02 vị trí.

- Khu vực nuôi cá lồng xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, 55 lồng, tổng thể tích là 5.990 m3, lấy mẫu tại 02 vị trí.

4.3.6. Vùng chuyển đổi tập trung nuôi chuyên canh cá rô phi;

- Vùng nuôi xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tổng diện tích 41,5 ha, lấy mẫu tại: 01 vị trí cấp nước chung, 03 vị trí ao nuôi đại diện.

- Vùng nuôi tập trung xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy, tổng diện tích 62 ha, lấy mẫu tại: 01 vị trí cấp nước chung, 03 vị trí ao nuôi đại diện.

4.4. Thông số và tần suất quan trắc

Vùng, khu vực nuôi

Vị trí quan trắc

Thông số quan trắc

Thời gian quan trắc

Tần suất quan trắc

Ghi chú

Vùng nuôi ngao bãi triều

Các điểm đại diện cho khu vực nuôi

Nhiệt độ nước, pH, độ mặn

Tháng 4,5,6,7,8,9

2 lần/tháng

Quan trắc con nước lớn của kỳ nước cường

NH3, H2S, COD

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd)

Tháng 4, 8

01 lần/tháng

Khu vực nuôi hàu

Điểm đầu và cuối khu vực nuôi

Nhiệt độ nước, pH, độ mặn

Tháng 4, 5,6,7,8,9,10

2 lần/tháng

Quan trắc con nước lớn của kỳ nước cường

NH3, H2S, COD

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd)

Tháng 4, 8

01 lần/tháng

Vùng nuôi tôm nước lợ

Vị trí nước cấp chung

pH, nhiệt độ nước, ôxy hòa tan (DO), độ mặn, COD, Vibrio tổng số

Tháng 3

02 lần/tháng

Quan trắc vào tuần 3, 4 thời điểm đầu con nước cường

Độ mặn, Vibrio tổng số.

Tháng 4,5,6,7,8

02 lần/tháng

Kỳ nước cường

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd)

Tháng 4, 8

01 lần/tháng

Cao điểm phun thuốc bảo vệ thực vật

Đại diện ao nuôi

pH, nhiệt độ nước, ôxy hòa tan (DO), độ trong

Tháng 4,5, 6,7,8

01 lần/tuần

Định kỳ

Độ mặn, độ kiềm (KH), NO2-, NH3, H2S, COD, Vibrio tổng số

Tháng 4,5,6,7,8

02 lần/tháng

Vùng nuôi tôm nhiễm mặn xã Hồng Tiến

Khu vực nước cấp chung

Độ mặn, COD, Nhiệt độ nước, pH, ôxy hòa tan (DO), Vibrio tổng số

Tháng 4,5,6,7,8

2 lần/tháng

Định kỳ

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd)

Tháng 4, 8

01 lần/ tháng

Ao nuôi đại diện

pH, nhiệt độ nước, ôxy hòa tan (DO), độ trong

Tháng 4,5,6,7,8

01 lần/tuần

Độ mặn, độ kiềm (KH), NH3, NO2, H2S, COD, Vibrio tổng số

Tháng 4,5,6,7,8

02 lần/tháng

Khu vực nuôi cá lồng trên sông

Điểm đầu và cuối khu vực nuôi

Tốc độ dòng chảy

Tháng 7,8,9,10

01 lần/tuần

Cao điểm mùa mưa, lũ

pH, Nhiệt độ nước, ôxy hòa tan (DO), NH3, PO43-,H2S, TSS.

Tháng 6,7,8,9,10

02 lần/tháng

Định kỳ

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd)

Tháng 4,8

01 lần/tháng

Cao điểm phun thuốc bảo vệ thực vật

Khu vực nuôi cá rô phi

Khu vực nước cấp chung

pH, nhiệt độ nước, ôxy hòa tan (DO), COD, TSS

Tháng 4,5,6,7,8

02 lần/tháng

Định kỳ

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Clo (Diendrin), kim loại nặng (Cd).

Tháng 4, 8

01 lần/tháng

Cao điểm phun thuốc bảo vệ thực vật

Ao nuôi đại diện

pH, nhiệt độ nước, độ trong, ôxy hòa tan (DO).

Tháng 4,5,6,7,8

01 lần/tuần

Định kỳ

NH3, NO2, PO43-, H2S, COD

Tháng 4,5,6,7,8

02 lần/tháng

Định kỳ

(Ghi chú: Đối tượng và vùng nuôi trồng thủy sản được lập dựa trên sự ổn định về diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ trong thời gian tới có biến động do chuyển sang phát triển khu công nghiệp, đô thị theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều chỉnh kế hoạch hàng năm phù hợp với tình hình thực tế).

4.5. Dự kiến kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025

- Kinh phí thực hiện 1 năm dự kiến: 1.290.139.000 đồng.

- Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến: 6.450.695.000 đồng.

- Nguồn kinh phí: Từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

4.6. Đơn vị quan trắc: Đơn vị quan trắc đủ năng lực, đáp ứng điều kiện của tổ chức hoạt động quan trắc môi trường quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP của Chính phủ; việc lựa chọn đơn vị quan trắc theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch quan trắc triển khai hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát đơn vị quan trắc thực hiện kế hoạch. Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phù hợp tình hình thực tế, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Thực hiện cảnh báo, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, xử lý, phòng ngừa về môi trường, dịch bệnh khi nhận được kết quả quan trắc, khi có vấn đề gây mất an toàn về môi trường nuôi thủy sản phát sinh.

- Tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ đến các đơn vị có liên quan.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp thẩm định kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản hàng năm. Trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến môi trường cho đơn vị quan trắc và các cơ quan quản lý khi thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu có liên quan nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản.

- Tổng hợp cơ sở dữ liệu môi trường nuôi trồng thủy sản, đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành của nhà nước.

4. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành của nhà nước.

5. Ủy ban nhân dân các huyện trong vùng quan trắc

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị quan trắc môi trường triển khai Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Phối hợp tổ chức hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường nuôi thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn khi nhận được bản tin quan trắc, cảnh báo môi trường.

6. Đơn vị quan trắc môi trường

- Lấy mẫu, phân tích, xử lý số liệu, tổng hợp kết quả quan trắc và biên soạn bản tin quan trắc theo kế hoạch quan trắc môi trường được phê duyệt.

- Trong vòng 03 ngày kể từ khi thu mẫu, đơn vị quan trắc phải gửi báo cáo và bản tin quan trắc môi trường đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổng hợp cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường và các thông tin khác có liên quan cung cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT);
- Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- UBND các huyện; Tiền Hải, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Kiến Xương;
- Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình;
- Cổng thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Thận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2020 về quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 124/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Nguyễn Khắc Thận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản