Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Nam Định, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NỀN TẢNG ĐỊA CHỈ SỐ QUỐC GIA GẮN VỚI BẢN ĐỒ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Quyết định số 392/QĐ- BTTTT ngày 02/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Nam Định (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chính sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai hiệu quả nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số (sau đây gọi tắt là ‘‘Nền tảng địa chỉ số’’ trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Nam Định.

- Hình thành cơ sở dữ liệu địa chỉ số của tỉnh, của quốc gia để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế xã hội.

- Hoàn thành chỉ tiêu về địa chỉ số trong tiêu chí thông tin và truyền thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

2. Yêu cầu

- Triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh Nam Định với cấu trúc và các trường thông tin đúng theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Kế hoạch này, nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Nam Định.

- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị triển khai, phát triển Nền tảng địa chỉ số, bản đồ số.

- Thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin về Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Nam Định trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở, nền tảng số, mạng xã hội.

II. NỘI DUNG

1. Tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chỉ số của tỉnh

1.1. Thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số cho các đối tượng tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch này vào CSDL địa chỉ số của tỉnh. Một địa chỉ số khi thu thập, cập nhật dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu có đủ các trường thông tin cơ bản.

1.2. Khuyến khích thu thập, cập nhật các trường thông tin nâng cao để phục vụ công tác thông báo địa chỉ số và phát triển nền tảng, cơ sở dữ liệu địa chỉ số đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.

2. Thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số

2.1. Tổ chức thông báo thông tin Mã địa chỉ số đến chủ sở hữu và người quản lý đối tượng được gán địa chỉ, bao gồm:

- Chủ sở hữu đối tượng/công trình được gán địa chỉ số (đối với địa chỉ nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình của cá nhân, hộ gia đình);

- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức sở hữu đối tượng/công trình được gán địa chỉ số (đối với địa chỉ trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc công trình thuộc sở hữu tập thể);

- Người đang sử dụng/quản lý đối tượng/công trình được gán địa chỉ số.

2.2. Hình thức thông báo: qua chính quyền xã, thôn, xóm; gặp trực tiếp hoặc gửi qua tin nhắn SMS.

2.3. Gắn biển địa chỉ số:

- Biển địa chỉ số chứa thông tin Mã địa chỉ số được gắn vào đối tượng/công trình được gán địa chỉ để nhận biết địa chỉ số của đối tượng.

- Biển địa chỉ số được làm theo mẫu thống nhất trong toàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Khuyến khích UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ việc gắn biển địa chỉ số với nguồn kinh phí xã hội hoá hoặc được hỗ trợ từ ngân sách phù hợp quy định pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương.

3. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về Nền tảng địa chỉ số quốc gia.

3.1. Nội dung thông tin, tuyên truyền: Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số của Bộ Thông tin và Truyền thông, của tỉnh; Giới thiệu chức năng, tính năng chính, lợi ích khi sử dụng, hiệu quả hoạt động của nền tảng địa chỉ số, hướng dẫn sử dụng; Các nội dung khác liên quan đến phát triển và sử dụng nền tảng địa chỉ số.

3.2. Phương thức tuyên truyền: xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình và qua mạng Internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

3.3. Triển khai tập huấn, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn doanh nghiệp sử dụng, khai thác Nền tảng địa chỉ số quốc gia.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn kinh phí của doanh nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật. Khuyến khích nguồn kinh phí xã hội hóa.

2. Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ liên quan, chủ động bố trí kinh phí để thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Kinh phí doanh nghiệp: Bưu điện tỉnh, các doanh nghiệp liên quan chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực của đơn vị để thực hiện Kế hoạch này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông khi có yêu cầu.

- Chủ trì tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt mẫu Biển địa chỉ số tỉnh Nam Định theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh thông báo Danh sách mã địa chỉ số tới UBND các huyện và thành phố, các sở, ban, ngành để tổ chức thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, Bưu điện tỉnh tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về Nền tảng địa chỉ số quốc gia.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh cung cấp thông tin dữ liệu đất đai để phát triển nền tảng địa chỉ số của tỉnh và dữ liệu bản đồ số nếu có nhu cầu tích hợp nền tảng địa chỉ số với bản đồ số do đơn vị quản lý.

3. Sở Tài chính

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện hành.

4. Bưu điện tỉnh Nam Định

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để thu thập, cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu cho các đối tượng trong Phụ lục II, đảm bảo các trường thông tin cơ bản; phối hợp thu thập, cập nhật bổ sung các trường thông tin nâng cao theo chỉ đạo của Tỉnh và của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cung cấp Danh sách mã địa chỉ số phân loại theo địa giới hành chính và phân loại theo đối tượng gán địa chỉ số, gửi Sở Thông tin và Truyền thông để thông báo cho UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có đối tượng được phân loại gán địa chỉ số triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông. Cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp sử dụng, khai thác Nền tảng địa chỉ số quốc gia; hướng dẫn sử dụng web/app thu thập cập nhật các trường thông tin nâng cao của địa chỉ số.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh do UBND tỉnh giao.

- Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 tháng sau kỳ báo cáo) báo cáo tổng hợp chỉ tiêu triển khai theo Mẫu tại Phụ lục IV gửi UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Báo Nam Định

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền nội dung Kế hoạch.

- Dành thời lượng thích hợp đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc triển khai Kế hoạch.

6. Các Sở, Ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu sử dụng, khai thác Nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số

- Các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương căn cứ nhu cầu quản lý, khai thác của mình chủ trì, phối hợp Bưu điện tỉnh Nam Định, doanh nghiệp phát triển nền tảng bản đồ số thực hiện thu thập các trường thông tin nâng, các đối tượng địa chỉ khác cao theo nhu cầu cung cấp cho Bưu điện tỉnh để cập nhật vào cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia, phục vụ xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, khai thác của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh thực hiện thông báo thông tin Mã địa chỉ số đến chủ sở hữu và người quản lý đối tượng được gán địa chỉ trên lĩnh vực quản lý.

- Phối hợp cung cấp thông tin; ứng dụng khai thác Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Nam Định, báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông về việc ứng dụng, khai thác của cơ quan, đơn vị.

7. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với Bưu điện tỉnh và các đơn vị có liên quan để thu thập, cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu cho các đối tượng trong Phụ lục II, đảm bảo các trường thông tin cơ bản và nâng cao theo chỉ đạo của Tỉnh và của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh thực hiện thông báo thông tin Mã địa chỉ số đến chủ sở hữu và người quản lý đối tượng được gán địa chỉ trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức triển khai gắn biển địa chỉ số với nguồn kinh phí xã hội hoá hoặc được hỗ trợ từ ngân sách phù hợp quy định pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương.

- Tổ chức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử về việc triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số của tỉnh, của địa phương.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp sử dụng, khai thác Nền tảng địa chỉ số quốc gia.

- Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 tháng sau kỳ báo cáo) báo cáo tổng hợp chỉ tiêu triển khai theo mẫu tại Phụ lục III gửi UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết, hướng dẫn thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH Nam Định, Báo Nam Định;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Bưu điện tỉnh Nam Định;
- Lưu: VP1, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lê Đoài

 

PHỤ LỤC I

CẤU TRÚC NỀN TẢNG ĐỊA CHỈ SỐ VÀ NGUYÊN TẮC GÁN ĐỊA CHỈ SỐ
(Kèm theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nam Định)

1. Các khái niệm

1.1. Địa chỉ số là tập hợp thông tin nhằm xác định vị trí, tọa độ của một địa danh hoặc một đối tượng bất kỳ gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Đối tượng được gán địa chỉ số)

1.2. Đối tượng được gán địa chỉ số (gọi tắt là đối tượng) là nhà ở, trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng, địa danh hoặc bất cứ cấu trúc vật lý gắn liền với đất nào cần xác định vị trí để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, doanh nghiệp, nhà nước và toàn xã hội. Đối tượng gán địa chỉ số được phân loại trong phụ lục II kèm theo.

1.3. Mã địa chỉ số được biểu diễn dưới dạng ký tự số, dễ nhớ, dễ sử dụng, đảm bảo tính duy nhất và có thể thay thế địa chỉ hành chính (nếu cần).

2. Cấu trúc địa chỉ số

Địa chỉ số bao gồm Mã địa chỉ số và các trường thông tin địa chỉ số

2.1. Mã địa chỉ số: gồm tập hợp 10 (mười) ký tự số, xác định đối tượng được gán địa chỉ số, cụ thể:

- Năm (05) ký tự số đầu gọi là Mã khu vực, xác định đơn vị hành chính cấp phường, xã và đơn vị hành chính tương đương.

- Năm (05) ký tự số tiếp theo gọi là Mã mở rộng, được gán ngẫu nhiên đến từng Đối tượng cụ thể.

Cấu trúc Mã địa chỉ số thể hiện trong hình sau:

Cấu trúc địa chỉ số

Mã khu vực

(tổ hợp 0-9, gán đến đơn vị hành chính cấp xã)

Được gán đến từng đơn vị hành chính cấp phường/xã.

Mã mở rộng

(tổ hợp 0-9, gắn ngẫu nhiên tới từng địa chỉ vật lý cụ thể trong phạm vi khu vực)

Được gán đến từng nhà ở, trụ sở, công trình, địa điểm cần gán địa chỉ. Duy nhất cho mỗi khu vực

2.2. Các trường thông tin địa chỉ số

a) Các trường thông tin cơ bản

(1) Tên hoặc dấu hiệu nhận biết Đối tượng: là tên, mã số (nếu có) hoặc miêu tả đặc điểm, dấu hiệu nhận biết của đối tượng được gán địa chỉ số.

(2) Địa chỉ hành chính hoặc khu vực hành chính của Đối tượng: là địa chỉ hành chính (nếu có) như số nhà, tên đường, ..., hoặc thông tin khu vực hành chính của Đối tượng (như thôn/xóm, xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố).

(3) Loại đối tượng: thông tin về loại của Đối tượng được gán địa chỉ số theo quy định phân loại tại Phụ lục I Kế hoạch này.

(4) Tọa độ địa chỉ: là kinh độ, vĩ độ của vị trí cho phép tiếp cận Đối tượng được gán địa chỉ số từ đường giao thông (cổng vào, lối vào của Đối tượng); Trường hợp Đối tượng có cổng/cửa vào lớn thì lấy tọa độ vị trí trung tâm của cổng/cửa vào của Đối tượng làm tọa độ của địa chỉ.

b) Các trường thông tin nâng cao:

(1) Tên, số điện thoại di động, email của chủ sở hữu đối tượng được gán địa chỉ số (đối với địa chỉ nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình của cá nhân, hộ gia đình).

(2) Tên, số điện thoại di động, email của người đại diện theo pháp luật của tổ chức sở hữu đối tượng được gán địa chỉ số (đối với địa chỉ trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc công trình thuộc sở hữu tập thể).

(3) Tên, số điện thoại di động, email của người đang sử dụng/quản lý đối tượng được gán địa chỉ số.

(4) Khuyến khích UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với doanh nghiệp phát triển nền tảng địa chỉ số nghiên cứu, bổ sung các trường thông tin nâng cao để tăng giá trị sử dụng Nền tảng địa chỉ số phù hợp nhu cầu khai thác, sử dụng và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

3. Nguyên tắc gán địa chỉ số

3.1. Một Đối tượng nếu có nhiều lối tiếp cận (lối vào) khác nhau từ đường giao thông (ví dụ cổng trước, cổng sau của 1 ngôi nhà) thì có thể được gán nhiều địa chỉ số; mỗi địa chỉ tương ứng với một lối tiếp cận Đối tượng.

3.2. Đối với Đối tượng có nhiều địa chỉ số (có nhiều lối tiếp cận/lối vào) thì trường thông tin về “Tên hoặc dấu hiệu nhận biết đối tượng” của mỗi địa chỉ số của Đối tượng đó cần ghi rõ thông tin phân biệt (ví dụ: cổng trước hoặc cổng sau của Tòa nhà xxx).

3.3. Đối với loại Đối tượng có kết cấu theo chiều dài tiếp giáp dọc đường giao thông và có thể tiếp cận đối tượng từ bất cứ chỗ nào dọc đoạn đường giao thông đó (ví dụ 1 quả đồi, công viên có đường vòng quanh và không có hàng rào) thì cách gán địa chỉ số cho Đối tượng áp dụng như đối với đường giao thông (đường phố, ngõ, ngách, ...), theo đó địa chỉ số của Đối tượng sẽ gồm địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và địa chỉ các nút giao, cắt của con đường.

 

PHỤ LỤC II

PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG GÁN ĐỊA CHỈ SỐ
(Kèm theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nam Định)

Đối tượng gán địa chỉ số được phân thành các loại như sau:

I. NHÀ Ở CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH

1. Nhà ở cá nhân, hộ gia đình; nhà ở tập thể, khu nhà trọ; căn hộ (trong các tòa nhà, chung cư); nơi cư trú khác.

II. TRỤ SỞ CƠ QUAN, TỔ CHỨC

2. Trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: (i) trụ sở Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và đơn vị trực thuộc; (ii) Trụ sở Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan sở, ban, ngành và đơn vị trực thuộc, đơn vị chuyên môn cấp tỉnh; (iii) Trụ sở Huyện ủy, UBND, HĐND quận, huyện và đơn vị trực thuộc, đơn vị chuyên môn cấp huyện; (iv) Trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND phường, xã và đơn vị trực thuộc, đơn vị chuyên môn cấp xã; (v) Trụ sở tòa án, viện kiểm sát và đơn vị trực thuộc, đơn vị chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; (vi) Nhà tù, trại giam, trại giáo dưỡng; (vii) Trụ sở các cơ quan đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn; (vii) Trụ sở các hội, hiệp hội, liên hiệp hội và tổ chức chính trị - xã hội khác; (ĩ) Trụ sở các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp khác. , cơ quan chuyên môn của nhà nước,

3. Trụ sở cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài.

III. CÁC CƠ SỞ DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI

4. Cơ sở giáo dục, đào tạo: (i) Cơ sở giáo dục mầm non (nhà trẻ, trường/cơ sở mẫu giáo, mầm non); (ii) Cơ sở giáo dục/trường tiểu học; (iii) Cơ sở giáo dục/trường trung học cơ sở; (iv) Cơ sở giáo dục/trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp; (v) Cơ sở/trung tâm giáo dục thường xuyên; (vi) Cơ sở đào tạo/trường cao đẳng, đại học; (vii) Cơ sở đào tạo/trường dạy nghề, công nhân kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp; (viii) Cơ sở/trung tâm đào tạo (ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ chuyên ngành, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống, kỹ năng chuyên môn, ...); (ix) Cơ sở/trung tâm tư vấn giáo dục, đào tạo, du học; (x) Cơ sở giáo dục đào tạo khác.

5. Cơ sở y tế, dược phẩm: (i) Cơ sở y tế, khám chữa bệnh: bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, trạm y tế, trung tâm y tế, điểm/phòng khám chữa bệnh, trung tâm xét nghiệm, trung tâm thí nghiệm y tế, sinh học, khu cách ly y tế, bệnh viện/trại tâm thần, cơ sở y tế khác; (ii) Cơ sở chăm sóc sức khỏe: cơ sở/trung tâm chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ viện, spa, massage, tatoo, cơ sở dưỡng lão, cơ sở chăm sóc sức khỏe khác; (iii) Cơ sở thú y: bệnh viện thú y, trạm thú y, cơ sở thú y khác; (iv) Cơ sở dược phẩm, thiết bị y tế: nhà thuốc, cửa hàng dược, cửa hàng thiết bị y tế, công ty/cơ sở sản xuất chế biến dược phẩm, công ty/cơ sở sản xuất thiết bị y tế; cơ sở dược phẩm, thiết bị y tế khác.

6. Cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tư vấn, môi giới, sửa chữa, cho thuê: (i) chợ, siêu thị: chợ, chợ đầu mối, siêu thị, tòa nhà thương mại, trung tâm mua sắm; (ii) cửa hàng bán lẻ, bán buôn: cửa hàng, cửa hiệu, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ, show room, cơ sở bán buôn, bán lẻ khác; (iii) Cơ sở dịch vụ công chứng, môi giới, quảng cáo: phòng công chứng, trung tâm tư vấn, trung tâm môi giới bất động sản, trung tâm quảng cáo, cơ sở môi giới khác; (iv) Cơ sở dịch vụ xe - máy, sửa chữa: đại lý xe - máy, cơ sở kinh doanh buôn bán xe - máy, đại lý cho thuê, trung tâm bảo hành, gara sửa chữa, cửa hàng sửa chữa, cơ sở dịch vụ xe - máy, dịch vụ sửa chữa khác; (v) Cơ sở dịch vụ studio, ảnh viện, dịch vụ cưới hỏi, ...

7. Cơ sở văn hóa: Trung tâm hội nghị, hội thảo, nhà văn hóa, câu lạc bộ; Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; Nhà hát, trung tâm ca nhạc, điểm biểu diễn, rạp chiếu phim, rạp xiếc, rạp múa rối, cơ sở biểu diễn nghệ thuật khác; Di tích lịch sử, nhà/khu bảo tồn văn hóa; Cơ sở văn hóa khác;

8. Cơ sở thể dục, thể thao: Sân vận động, sân bóng đá, sân thi đấu, nhà thi đấu, sân tenis, sân thể thao ngoài trời, sân gôn, sân thể thao khác; Khu tập luyện thể thao, bể bơi, phòng tập gym, yoga, điểm tập luyện thể dục thể thao khác; Cửa hàng, cơ sở bán trang thiết bị, công cụ, dụng cụ thể thao; Cơ sở sản xuất trang thiết bị, công cụ, dụng cụ thể thao; Các cơ sở thể thao khác.

9. Cơ sở, địa danh du lịch, giải trí, ăn uống, lưu trú, đi lại: (i) Điểm du lịch, đi lại: điểm du lịch, danh lam, thắng cảnh, công viên cây xanh, vườn bách thảo, sở thú, khu bảo tồn, khu sinh thái, bãi biển, điểm checkin; bến xe, bến tàu, sân bay, điểm đón trả khách; ... (ii) Cơ sở dịch vụ du lịch, đi lại: đại lý du lịch, trung tâm thông tin du lịch, điểm đặt tour du lịch, trung tâm điều hành tour du lịch, đại lý vé máy bay, tàu, thuyền, cơ sở dịch vụ du lịch, đi lại khác (ii) Cơ sở giải trí: điểm vui chơi giải trí, vũ trường, karaoke, quán bi-a, quán game, cơ sở vui chơi giải trí khác,...; (iii) Cơ sở ẩm thực, ăn uống: khu ẩm thực, nhà hàng, quán ăn, hàng ăn, quán bia, quán rượu, quán bar, pub, quán cà phê, quán giải khát,... (iv) Cơ sở lưu trú: khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, homestay, ký túc xá, nhà trọ; (v) Cơ sở du lịch, ăn uống, lưu trú, đi lại khác.

10. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, miếu thờ, nhà thờ, tượng phật, tượng thánh, nhà tưởng niệm, nhà tang lễ, lăng mộ, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, cửa hàng đồ ma chay hiếu hỉ thờ cúng, công trình tôn giáo khác.

11. Cơ sở bưu chính, viễn thông: (i) Bưu chính, chuyển phát: bưu cục, điểm giao nhận hàng chuyển phát, trung tâm chia chọn, trụ sở doanh nghiệp bưu chính chuyển phát, điểm văn hóa xã, cơ sở bưu chính khác; (ii) Viễn thông - Internet: điểm giao dịch viễn thông - internet, đại lý internet, trụ sở doanh nghiệp viễn thông - internet, cơ sở viễn thông, công trình viễn thông, cột ăng ten viễn thông, trạm chuyển phát, cột/đường cáp tín hiệu, các cơ sở công trình viễn thông khác.

12. Cơ sở, công trình báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình: trụ sở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, nhà trạm phát sóng, cột ăng ten phát thanh truyền hình, trạm chuyển phát, các cơ sở, công trình báo chí, phát thanh, truyền hình khác.

13. Các cơ sở, doanh nghiệp công nghệ số: trụ sở các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp điện tử, doanh nghiệp nền tảng số, trung tâm phần mềm, phòng thí nghiệm, thử nghiệm công nghệ (test lab), cơ sở nghiên cứu công nghệ, các cơ sở công nghệ số khác.

14. Các cơ sở ngân hàng, tài chính, bảo hiểm: (i) Cơ sở ngân hàng: trụ sở ngân hàng, điểm giao dịch tín dụng, cây ATM, điểm đổi tiền, trung tâm trung gian tiền tệ, cơ sở dịch vụ ngân hàng khác; (ii) Cơ sở tài chính: trụ sở các tổ chức tài chính, cơ sở dịch vụ tài chính, quỹ đầu tư; (iii) Cơ sở chứng khoán: trụ sở các tổ chức chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán; (iv) Cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý và đồ trang sức; (v) trụ sở các tổ chức bảo hiểm, cơ sở dịch vụ bảo hiểm; (vi) Các cơ sở dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm khác.

15. Cơ sở vận tải, logistic: bến xe, bến tàu thuyền, bến cảng, nhà ga, sân bay, bến hành khách, bến hàng hóa, âu tàu, khu chuyển tải; khu neo đậu; khu tránh, trú bão, bến phà, bến đò, bến sông, kho bãi, trạm thu phí, điểm dừng chân, điểm đón trả khách, trạm chờ xe buýt, bãi đỗ xe, đại lý vận tải, đại lý giao nhận, đại lý dịch vụ logistic, cửa hàng/Trạm bán lẻ xăng, dầu, khí hóa lỏng; trạm cấp/sạc điện, pin điện, thay ắc quy, các cơ sở vận tải, logistic khác.

16. Nhà máy, công xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ: nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp thực phẩm (bánh, kẹo, sữa, mỳ ăn liền, rượu, bia, nước giải khát; nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến nông, thủy, hải sản; nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu dùng (dệt, sợi, in, nhuộm, may mặc, da, giày, nhựa, thủy tinh, giấy, thuốc lá, vi tính, điện tử); các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ khác.

17. Nhà máy, công xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp nặng: nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng; nhà máy, cơ sở luyện kim và cơ khí chế tạo; cơ sở khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; cơ sở khai thác, chế biến, lưu trữ dầu khí; nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình điện (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhật, điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện khí, đường dây và trạm biến áp); nhà máy, cơ sở sản xuất hóa chất (sản xuất phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, hóa mỹ phẩm và hóa chất khác; sản xuất sản phẩm nguồn điện hóa học; sản xuất, kho trạm chiết nạp khí công nghiệp; sản xuất sản phẩm cao su; sản xuất, chứa vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các cơ sở sản xuất công nghiệp nặng khác.

IV. CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG, XÂY DỰNG

18. Đường giao thông: đường cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn, đường chuyên dùng, đường xe đạp, đường đi bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, cầu, nút giao thông (ngã ba, ngã tư, ...), hầm đi bộ sang đường, cầu đi bộ sang đường, các cơ sở hạ tầng giao thông khác;

19. Công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật: Công trình cấp nước (nhà máy nước, trạm bơm cung cấp nước); Công trình thoát nước (hồ điều hòa, trạm bơm thoát nước, trạm xử lý nước thải, trạm bơm nước thải, trạm xử lý bùn); Cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR); các cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật khác.

20. Công trình xây dựng khác: gồm các loại công trình xây dựng theo quy định về phân loại, phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng[1] không nằm trong các loại nêu trên.

21. Cấu trúc xây dựng, cấu trúc vật lý gắn liền với đất (nhưng chưa được xếp loại công trình liệt kê ở trên) như cột cấp nước cứu hỏa, cột đèn đường, cột biển báo giao thông, cây ATM, ...

V. CÁC KHU, PHÂN KHU, LÔ ĐẤT, THỬA ĐẤT

22. Các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp đặc thù, các loại khu, phân khu khác.

23. Các thửa đất, lô đất, khu đất: đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất xây dựng trụ sở; Đất xây dựng công trình sự nghiệp; Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, và đất nông nghiệp khác.

VI. CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC

24. Cấu trúc tự nhiên gắn liền với đất (như mỏm đá, ao, hồ, gò, đồi, núi,...).

25. Các loại địa điểm, công trình, cấu trúc vật lý, đối tượng gắn liền với đất khác cần xác định vị trí./.

 

PHỤ LỤC III

BÁO CÁO TỔNG HỢP CHỈ TIÊU VỀ THU THẬP, CẬP NHẬT, BỔ SUNG THÔNG TIN ĐỊA CHỈ SỐ
(Kèm theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nam Định)

Kỳ báo cáo: Tháng…..năm 202….

STT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Số lượng đạt được trong kỳ báo cáo

Lũy kế đến kỳ báo cáo

Tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu lũy kế đến kỳ báo cáo (%)

I

Số lượng đối tượng đã được thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin cơ bản địa chỉ số

 

 

 

 

1

Nhà ở cá nhân, hộ gia đình

Hộ gia đình

 

 

 

2

Trụ sở cơ quan, tổ chức

Cơ quan

 

 

 

3

Các cơ sở dân sinh, kinh tế xã hội

Cơ sở

 

 

 

4

Các công trình giao thông, xây dựng

Công trình

 

 

 

5

Các khu, phân khu, lô đất, thửa đất

Khu đất

 

 

 

6

Các đối tượng khác

 

 

 

 

II

Số lượng đối tượng đã được thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin nâng cao địa chỉ số

 

 

 

 

1

Nhà ở cá nhân, hộ gia đình

Hộ gia đình

 

 

 

2

Trụ sở cơ quan, tổ chức

Cơ quan

 

 

 

3

Các cơ sở dân sinh, kinh tế xã hội

Cơ sở

 

 

 

4

Các công trình giao thông, xây dựng

Công trình

 

 

 

5

Các khu, phân khu, lô đất, thửa đất

Khu đất

 

 

 

6

Các đối tượng khác

 

 

 

 

III

Số ứng dụng bản đồ số được đưa và sử dụng

Ứng dụng

 

 

 

 

PHỤ LỤC IV

BÁO CÁO TỔNG HỢP CHỈ TIÊU VỀ THÔNG BÁO ĐỊA CHỈ SỐ VÀ GẮN BIỂN ĐỊA CHỈ
(Kèm theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nam Định)

Kỳ báo cáo: Tháng…..năm 202….

STT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Số lượng đạt được trong kỳ báo cáo

Lũy kế đến kỳ báo cáo

Tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu lũy kế đến kỳ báo cáo (%)

I

Số lượng chủ sở hữu được thông báo thông tin Mã địa chỉ số

 

 

 

 

1

Nhà ở cá nhân, hộ gia đình

Hộ gia đình

 

 

 

2

Trụ sở cơ quan, tổ chức

Cơ quan

 

 

 

3

Các cơ sở dân sinh, kinh tế xã hội

Cơ sở

 

 

 

4

Các công trình giao thông, xây dựng

Công trình

 

 

 

5

Các khu, phân khu, lô đất, thửa đất

Khu đất

 

 

 

6

Các đối tượng khác

 

 

 

 

II

Số lượng đối tượng, công trình được gắn biển địa chỉ số

Biển

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2022 triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Nam Định

  • Số hiệu: 121/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/09/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Trần Lê Đoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản