Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH THANH HÓA NĂM 2019

Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 4982/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thanh Hóa năm 2019 với các nội dung chính như sau;

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng, năng lực quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, tiến tới xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

- Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu:

- Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn các ngạch, chức danh công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các cơ quan đơn vị; đào tạo, bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

- Tổ chức có hiệu quả, đảm bảo tiến độ các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt tại kế hoạch này; cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; người làm công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo ở cơ quan công an, quân sự và các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh.

2. Cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố.

III. NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

1.1. Đối với cán bộ, công chức:

a) Đào tạo ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số:

- Tổ chức 01 lớp tiếng Anh cơ bản cho cán bộ, công chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.

- Tổ chức đào tạo 03 lớp tiếng, chữ dân tộc Thái cho cán bộ, công chức công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; 01 lớp tiếng Lào cho cán bộ, công chức, cán bộ bộ đội biên phòng đang công tác tại các huyện có đường biên giới với Lào; 04 lớp học chữ Nôm Dao cho cán bộ, công chức.

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý:

- Tổ chức bồi dưỡng 01 lớp chuyên viên và tương đương, 02 lớp chuyên viên chính và tương đương cho đội ngũ cán bộ, công chức khối đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện.

- Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

b) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ:

- Tổ chức 84 lớp bồi dưỡng kiến thức: Quản lý nhà nước về du lịch; quản lý văn hóa; hội nhập quốc tế; cải cách hành chính, xác định chỉ số cải cách hành chính; pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và kỷ luật, kỷ cương hành chính; biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý đất đai, quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; văn hóa công sở, đạo đức công vụ; kiến thức về bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức cấp xã; quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản và thanh, quyết toán vốn trong xây dựng cơ bản; quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc; hội nhập quốc tế; quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới; quốc phòng - an ninh; kiến thức chuyên ngành về thông tin truyền thông; phòng, chống thiên tai; xử lý đê; cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững; phát triển chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở và kỹ năng xây dựng hương ước, quy ước; xây dựng; quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường cho cán bộ công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, xã có liên quan.

- Tổ chức 37 lớp bồi dưỡng kỹ năng: Văn hóa công sở, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử; tổ chức thi hành pháp luật, thực thi công vụ; soạn thảo văn bản; tuyên truyền, quảng bá về du lịch; tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; giao tiếp trong thực thi công vụ cho cán bộ, công chức cấp xã; kỹ năng xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng; lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo tội phạm và khởi tố vụ án hình sự; tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật... cho cán bộ công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có liên quan.

- Tổ chức 51 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: Công tác văn thư lưu trữ ở các cơ quan hành chính; công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính; quản lý xây dựng đô thị; tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác thi đua khen thưởng; quản lý tài chính ngân sách theo Luật ngân sách nhà nước; quản lý tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp; công tác xây dựng và quản lý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng và quản lý kế hoạch đầu tư công, đầu tư phát triển; quản lý hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh; chỉnh lý tài liệu, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ; công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn tỉnh... cho cán bộ công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có liên quan.

c) Tổ chức 08 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, công chức là trưởng, phó phòng cấp tỉnh, cấp huyện khối đảng, đoàn thể và 12 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức với cho cán bộ là Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

1.2. Đối với viên chức:

a) Bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

b) Bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, pháp luật; năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; các nguyên tắc về hoạt động nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp.

c) Bồi dưỡng kiến thức bổ trợ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

d) Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế.

Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của viên chức căn cứ hướng dẫn của các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bồi dưỡng bắt buộc cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành hàng năm cho viên chức.

2. Kinh phí thực hiện:

2.1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: Từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (thuộc chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh) được bố trí trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 (phê duyệt theo Quyết định số 5068/QĐ-UBND ngày 17/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh).

2.2. Kinh phí bồi dưỡng viên chức: Từ các nguồn kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập, của viên chức, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở đào tạo trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo đúng các quy định hiện hành, đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

- Hướng dẫn, đôn đốc, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo nội dung kế hoạch được phê duyệt.

- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nội vụ về kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

2. Sở Tài chính:

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thông báo bổ sung dự toán cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được phê duyệt tại Kế hoạch này.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ của các cơ quan, tổ chức theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Nội vụ cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo nội dung Kế hoạch.

3. Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Hồng Đức và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh:

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giảng viên và các điều kiện khác để triển khai mở lớp đảm bảo có chất lượng và đúng thời gian theo kế hoạch.

- Cử giảng viên phù hợp để đảm bảo chất lượng của các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo nhiệm vụ được giao và hợp đồng đã ký kết, chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

- Tổ chức lớp học, quản lý học viên, tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ; báo cáo kết quả các khóa học về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Chọn cử đúng đối tượng tham gia, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

- Bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động về kinh phí để bồi dưỡng cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố.

- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc lập danh sách, cử học viên tham dự, tổ chức quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được giao. Thông báo Sở Nội vụ về thời gian khai giảng, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất.

- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả; thanh, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

- Lập kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện trước ngày 31/3/2019, hoàn thành việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trước ngày 20/11/2019; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) kết quả thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thanh Hóa năm 2019; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, THKH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Thị Thìn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 12/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thanh Hóa năm 2019

  • Số hiệu: 12/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/01/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Thị Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản