Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Cà Mau, ngày 16 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ 2026 - 2030

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh Cà Mau; phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

Đảm bảo thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và kinh tế số tại địa phương nhằm góp phần mang lại nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, đưa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

2. Mục tiêu đến năm 2025

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 10 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó, ít nhất có 03 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh được đưa vào ứng dụng thực tế tại một số cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.

3. Mục tiêu đến năm 2030

Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 20 doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, ứng dụng thành tựu công nghệ số phục vụ chuyển đổi số cho một vài lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương trên cơ sở các chính sách phát triển doanh nghiệp số của Trung ương.

2. Triển khai Đề án của Trung ương (nếu có) tại địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tập trung cho doanh nghiệp công nghệ số như: đẩy mạnh hoạt động vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo; hỗ trợ pháp lý, vốn, mặt bằng,... cho doanh nghiệp công nghệ số được hoạt động thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, gia nhập thị trường, tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ theo Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh hàng năm.

3. Phát triển hạ tầng số gồm: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và thực hiện theo lộ trình triển khai mạng 5G trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

4. Phát triển một số sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cũng như đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.

5. Phát triển nhân lực công nghệ số như đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao bằng việc nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm làm việc của cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức , tư duy về phát triển doanh nghiệp công nghệ số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh và tăng cường ưu tiên ứng dụng, mua sắm, thuê các dịch vụ và phát triển các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam trong phát triển kinh tế - xã hội.

7. Ưu tiên xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công, dự toán kinh phí ngân sách hàng năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến phát triển doanh nghiệp công nghệ số, có thể huy động từ các nguồn tài chính của các tổ chức, cá nhân và hỗ trợ của nhà nước theo quy định của pháp luật để phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, làm đầu mối hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số theo Kế hoạch này.

- Tổng hợp các công nghệ số của doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh nhằm sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu; tổng hợp nhu cầu ứng dụng sản phẩm công nghệ số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và công bố công khai trên cổng/trang thông tin điện tử.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nội dung kế hoạch này đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân.

- Chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng viễn thông 5G khi đủ điều kiện thực hiện theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp.

- Cập nhật, phổ biến các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng công nghệ số.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Xây dựng Chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ số, mô hình kinh doanh mới.

- Đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số.

- Triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn.

4. Các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nhà nước nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, ứng dụng.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cùng tham gia thực hiện Kế hoạch này khi có yêu cầu; các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau xây dựng chương trình, kế hoạch, định hướng đào tạo nhân lực công nghệ số, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2021 phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030

  • Số hiệu: 118/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 16/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản