Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Phát triển ngành Dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2045, với định hướng phát triển như sau: Ưu tiên tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung; phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công), đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang. Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ngành Dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10% - 12%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11% - 12,5%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 đạt 9,5% - 11%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10% - 12%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11% - 12%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10% - 11%/năm.

- Về năng lực sản xuất sản phẩm đến năm 2030:

Sản phẩm may mặc: 800 triệu sản phẩm

Sản phẩm sợi: 200.000 tấn sợi/năm

Về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng trên 60% nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ tích cực triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp phát triển cho ngành Dệt may tỉnh đến năm 2030; xử lý và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển mạnh ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ trọng tâm

a) Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sản xuất sợi, may mặc theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm

- Đối với lĩnh vực may mặc: Tập trung phát triển các khâu cắt vải, thiết kế mẫu mã và hoàn thiện sản phẩm để tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm và chuyển dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng của phẩm phẩm may mặc; Đối với lĩnh vực sản xuất sợi: Phát triển theo hướng chuyên môn hóa và sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Đẩy mạnh phát triển các dự án dệt may theo hướng sản xuất xanh, bền vững và tuần hoàn (sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm; tăng sử dụng nguyên liệu tái chế, xử lý nước thải tuần hoàn…) để tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất sản phẩm dệt may của các thị trường xuất khẩu và đối tác lớn trên thế giới.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đôn đốc, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng dự án để sớm đưa vào hoạt động.

- Tập trung nguồn lực để đầu tư mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường kết nối và hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của ngành dệt may trong thời gian tới.

- Tiếp tục phát triển, mở rộng tuyến vận tải container qua cảng Chân Mây để phục vụ nhu cầu xuất, nhập khẩu và giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Dệt may trên địa bàn tỉnh.

b) Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh

- Đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. Ban hành Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh về Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tỉnh.

- Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh; các dự án sản xuất phụ liệu ngành may (như: cúc, mex, khóa kéo, băng chun,...), dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như lược, lamen, dây go (cho ngành dệt), khuyên, nồi, suốt sắt,… (cho ngành kéo sợi), chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải,... (cho ngành may), hệ thống thông gió làm mát, các loại xe vận chuyển trong nhà máy..., các phụ tùng thay thế, các thiết bị phụ trợ, các thiết bị dụng cụ lẻ phục vụ ngành dệt may.

- Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời cần ưu tiên tập trung nguồn lực ngân sách tỉnh và tranh thủ nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương trong giai đoạn đến 2030 để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu phục vụ thu hút các dự án đầu tư sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may.

- Tăng cường và đẩy mạnh triển khai Tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế để giới thiệu tiềm năng thế mạnh và kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vào KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng đến khâu kết nối và điều phối của các Tập đoàn dệt may lớn trong nước và trên thế giới để thu hút đầu tư.

c) Thúc đẩy phát triển thiết kế mẫu và hình thành, phát triển ngành công nghiệp thời trang

Tập trung phát triển và hình thành ngành công nghiệp thời trang và đa dạng hoá sản phẩm thời trang:

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang. Trong giai đoạn đến 2030 cần hình thành phát triển một số đơn vị/trung tâm thiết kế mẫu tại một số doanh nghiệp phục vụ nhu cầu thiết kế mẫu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp kết hợp với các trường Đại học, cao đẳng trong việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ thiết kế cho ngành; Chương trình đào tạo cần kết hợp trang bị kiến thức, khả năng tư duy sáng tạo với nâng cao năng lực thực hành các kỹ năng trong quá trình học tập cho sinh viên phù hợp với nhu cầu thiết kế sản phẩm may mặc của doanh nghiệpThực hiện các kỹ năng sáng tạo trong thiết kế và vận dụng kiến thức thể hiện ý tưởng thiết kế mẫu thời trang trên máy tính với các phần mềm chuyên dùng hiện đại.

d) Tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng nhằm đáp ứng cho chu cầu phát triển của ngành Dệt may

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp đến năm 2030, trong đó ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chủ lực dệt may, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, công nghiệp thời trang, phụ trợ.

- Có chính sách thu hút các tổ chức đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, chú trọng chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho lao động kỹ thuật cao (chuyên gia kỹ thuật).

- Đối với các các cơ sở nghề như Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh,..: Xúc tiến mở thêm các ngành nghề đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành dệt sợi, may công nghiệp và may thời trang; Hoặc liên kết với các trường Đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo chuyên ngành dệt may nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển của ngành Dệt may tỉnh trong thời gian tới.

- Chuyển đổi dần cơ cấu lao động phổ thông, lao động gia công trong ngành dệt may hiện nay sang lao động chất lượng cao; đảm bảo cơ cấu lao động phù hợp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Giải pháp phát triển ngành dệt may tỉnh giai đoạn đến năm 2030

a) Giải pháp về cơ chế chính sách

- Đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực dệt may, các dự án công nghiệp hỗ trợ dệt may, công nghiệp công nghệ cao, khu nhà ở công nhân,...

- Có chính sách hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, thiết kế và phát triển sản phẩm, đổi mới tư duy thiết kế và tham gia sâu hơn vào các khâu có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của dệt may.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, từng bước ứng dụng công nghệ tự động hoá và áp dụng các phần mềm thiết kế mẫu.

- Rà soát, bổ sung các tuyến xe buýt từ các huyện đến các KCN để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân

b) Giải pháp liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may để phát triển chuỗi dệt may khu vực miền trung

- Đẩy mạnh sự hợp tác có phân công giữa các địa phương, nhằm phát huy những mặt mạnh và hạn chế những yếu kém, tránh phát triển chồng chéo, trùng lặp, cạnh tranh không lành mạnh… để ngành dệt may phát triển đạt hiệu quả hơn.

- Hình thành và nâng cao chất lượng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, khép kín quy trình sản xuất từ sợi dệt - nhuộm hoàn tất - may

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên doanh hình thành mạng lưới phân phối kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu của sản phẩm dệt may của tỉnh và trong khu vực

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, mở rộng quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và trong khu vực (từ các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đến các doanh nghiệp may sản phẩm hoàn thiện) trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số đơn vị đủ lớn mạnh để làm đầu mối phát triển chuyên môn hóa cho mỗi công đoạn trong dây chuyền dệt may.

c) Giải pháp về thị trường và phát triển sản phẩm

- Hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tốt giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện website thương mại điện tử, triển khai ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh trực tuyến; Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản trên địa bàn tỉnh xây dựng, đăng ký tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến...

- Đẩy mạnh hợp tác với cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nghiên cứu và thu thập thông tin về thị trường xuất khẩu sản phẩm; Chú trọng vai trò kết nối của các Tập đoàn dệt may lớn hiện nay đang đầu tư phát triển tại Việt Nam và trong tỉnh để mở rộng và phát triển thị trường.

- Tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất, chất lượng

- Đẩy mạnh phát triển khâu hoàn thiện sản phẩm, tạo mẫu thiết kế.

- Xây dựng các chương trình hợp tác dài hạn với các đối tác quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm nghiên cứu chuyên sâu về các sản phẩm và công đoạn hỗ trợ cho ngành dệt may phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh.

d) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm nguồn nhân lực của ngành Dệt May. Chương trình đào tạo - phát triển cần được tính toán từ hai phía: kế hoạch đào tạo - phát triển của doanh nghiệp và một hệ thống cơ sở đào tạo đủ sức đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ để kích thích công nhân tự nâng cao tay nghề như chế độ tiền lương, tiền thưởng vượt định mức, chính sách thưởng, phạt trong doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đối với khâu tuyển dụng đầu vào.

- Đầu tư củng cố và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể gửi cán bộ công nhân viên đến học tập nâng cao trình độ, tay nghề. Các cơ sở đào tạo cần có khả năng cung ứng chất lượng, hiệu quả và linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp dệt may.

- Về lâu dài song song với sự phát triển bền vững của ngành dệt may sẽ hướng đến xây dựng mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp dệt may và các cơ sở đào tạo dệt may. Đó là liên kết phải giải quyết được các vấn đề như: đảm bảo hoạt động đào tạo bền vững của cơ sở đào tạo; đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững của doanh nghiệp thông qua việc có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; các mối liên kết phù hợp với luật pháp và xã hội, góp phần tạo ổn định xã hội; thỏa mãn nhu cầu của người lao động để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp dệt may.

- Các doanh nghiệp coi đầu tư cho đào tạo là một khoản đầu tư dài hạn hoạch toán như tính toán một dự án đầu tư; Hợp tác và phối hợp với nhau trong đào tạo và sử dụng các cơ sở đào tạo làm đầu mối liên kết.

đ) Giải pháp bảo vệ môi trường

Đầu tư, xây dựng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo việc tiếp nhận dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung.

e) Giải pháp về đất đai

- Xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, công khai trên các trang thông tin điện tử; Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp theo đúng tiến độ đã cam kết.

- Chuẩn bị sẵn sàng về khả năng tiếp cận đất đai, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục liên quan đến đất đai, sớm triển khai dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp vi phạm về đất đai trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,... để bố trí cho những doanh nghiệp khác có nhu cầu.

g) Giải pháp về nguồn vốn

- Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp các nguồn tín dụng để cùng với các nguồn vốn khác mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Duy trì chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ theo quy định của Ngân hàng nhà nước, xây dựng các sản phẩm tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng.

- Tạo mối liên kết giữa Ngân hàng- doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với UBND tỉnh

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển cho ngành dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn đến năm 2030; xử lý và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển mạnh ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung và Khu vực miền Trung - Tây nguyên để định hướng và liên kết phát triển chuỗi sản phẩm dệt may trong khu vực. Đồng thời đẩy mạnh sự phân công và hợp tác giữa các địa phương, nhằm phát huy những mặt mạnh và hạn chế những yếu kém, tránh phát triển chồng chéo, trùng lặp, cạnh tranh không lành mạnh… để ngành dệt may phát triển đạt hiệu quả hơn. Tạo động lực cho phát triển ngành dệt may trong khu vực nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng.

2. Đối với các sở, ngành và địa phương

a) Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển mạnh ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ngành ổn định và bền vững cho ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại; kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, về khuyến công tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất ngành Dệt may; Về xúc tiến thương mại: xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với định hướng phát triển của ngành Dệt may tỉnh; chú trọng phát triển thị trường mới, tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng và đa dạng hoá sản phẩm Dệt may.

- Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu ngành Dệt may tỉnh phục vụ công tác quản lý đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách như Chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương cập nhật, điều chỉnh và tham mưu UBND tỉnh Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư ngành Dệt may tỉnh giai đoạn đến năm 2030 để có cơ sở xây dựng Danh mục dự án làm cơ sở để lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hàng năm.

- Đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của ngành dệt may và các dự án hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp.

c) Sở Tài chính

Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định nhà nước hiện hành. 

d) Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hỗ trợ phát triển ngành Dệt may trong các hoạt động về phát triển khoa học công nghệ như các thủ tục về sở hữu công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng,...

- Hỗ trợ, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan triển khai các nội dung hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường

Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật.

e) Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Công Thương, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện việc hỗ trợ đối với các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành.

- Làm đầu mối liên hệ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh.

g) Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh

- Đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của ngành Dệt may tỉnh giai đoạn đến năm 2030 vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên đại bàn tỉnh.

- Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng.

- Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; tập trung nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thãi các khu công nghiệp, khu kinh tế phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và điểm a, điểm c khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022.

i) UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Phối hợp với các sở, ngành trong quá trình triển khai các nội dung kế hoạch; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và tuyển dụng lao động cho nhu cầu sản xuất,…

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; ưu tập trung nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thãi các cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh.

- Quan tâm vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp dệt may thực hiện đầu tư phát triển.

k) Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh

Phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện việc hỗ trợ đối với các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành.

3. Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, mở rộng quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và trong khu vực trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đầu tư phát triển và chuyển đổi các dự án dệt may theo hướng sản xuất xanh, bền vững và tuần hoàn (sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm; tăng sử dụng nguyên liệu tái chế, xử lý nước thải tuần hoàn…) để tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất sản phẩm dệt may của các thị trường xuất khẩu và đối tác lớn trên thế giới.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực triển khai hiệu quả. Trong quá trình triển khai nếu phát sinh các vấn đề mới cần giải quyết kịp thời có ý kiến với Sở Công Thương để báo cáo về UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị thực hiện KH;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Quý Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030

  • Số hiệu: 117/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Quý Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản