Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KẾT NỐI, LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIỮA TỈNH VĨNH PHÚC VÀ TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc thống nhất các nội dung kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ký ngày 08 tháng 01 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng tại Biên bản ghi nhớ đã ký kết hợp tác ngày 08/01/2023 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

2. Yêu cầu

Lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh, xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đảm bảo hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm, cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian thực hiện.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng và quản lý đô thị

Trên cơ sở định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đang được nghiên cứu trong đồ án Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang, nghiên cứu đề xuất triển khai đầu tư một số tuyến đường giao thông kết nối giữa Vĩnh Phúc - Tuyên Quang.

a. Giai đoạn 2023-2025 triển khai đầu tư, quy hoạch phát triển các tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể:

- Tuyến giao thông kết nối từ nút giao IC.5 (cao tốc Nội Bài-Lào Cai) đến Tuyên Quang. Phương án tuyến: Hướng tuyến có điểm đầu từ giao giữa QL.2C (Vĩnh Phúc) với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại nút giao IC.5 đi theo đường Vành đai phía Đông thị trấn Hợp Hòa đến ĐT.310 xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tuyến đi tiếp sang phía bên trái QL.2C hiện trạng để tránh các khu đông dân cư tại các xã Thái Hòa, Bắc Bình, Quang Sơn, Hợp Lý thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và điểm cuối kết thúc tại giáp ranh giữa hai tỉnh, khớp nối với hướng tuyến QL.2C điều chỉnh phía tỉnh Tuyên Quang; chiều dài tuyến khoảng 19Km, đề xuất quy mô đường cấp II đồng Bằng, 06 làn xe.

- Tuyến QL.2D kết nối huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc với huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Phương án tuyến: Điểm đầu tuyến từ giao với QL.2C, tuyến đi trùng ĐT. 302 đến nút giao đường Vành đai 5 (Ngã ba Đạo Trù) tuyến đi theo đường huyện Vĩnh Ninh-Đạo Trù, kết thúc tại điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, khớp nối với đường Thiện Kế-Ninh Lai, chiều dài khoảng 9 Km. - Đầu tư đường kết nối xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - xã Đạo trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - IC4 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chiều dài khoảng 5km.

- Tuyến ĐT. 307 kết nối huyện Sông Lô với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Phương án tuyến: Điểm đầu kết nối ĐT. 307 tại khoảng Km 25 (địa phận xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), tuyến được thiết kế mới sang phía bên trái ĐT. 307, điểm cuối kết nối vào đê tả sông Lô (địa phận xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang); chiều dài tuyến khoảng 6Km.

- Tuyến đường đê tả sông Lô kết nối xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

b. Phối hợp trong công tác vận tải hành khách giữa hai tỉnh

Duy trì, nâng cao chất lượng tuyến vận tải hành khách cố định Sơn Dương (Tuyên Quang) - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của nhân dân hai địa phương.

Trong năm 2023 sẽ mở lại tuyến xe buýt 06 từ thành phố Vĩnh Yên đến giáp ranh giữa hai tỉnh (Dốc Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

c. Khai thác khoáng sản

Tăng cường phối hợp công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là các khu vực khoáng sản giáp ranh giữa hai tỉnh theo quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường giữa cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp của hai tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai tỉnh nghiên cứu các loại khoáng sản có tiềm năng để sớm đưa các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vào hoạt động, linh hoạt trong cung cấp nguyên vật liệu cho nhu cầu của hai tỉnh.

1.2. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

Hợp tác về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch; sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp nhằm phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường, điều kiện tự nhiên, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; khuyến khích phát triển sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống có chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất, thúc đẩy chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hai tỉnh tiến hành trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về: Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; các biện pháp kiểm soát, quản lý về giống và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phối hợp trao đổi thông tin sớm về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chia sẻ kinh nghiệm chuẩn đoán xác minh, điều tra, giám sát dịch bệnh

Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến thương mại về sản xuất, chế biến rau, quả, sản phẩm chăn nuôi, các thực phẩm sạch, an toàn; tổ chức tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình tiên tiến, có hiệu quả kinh tế để nông dân hai tỉnh trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng và ATTP nông, lâm sản, thủy sản; tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; hỗ trợ tạo điều kiện cho hệ thống tiêu thụ và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm sản và thủy sản. Phối hợp xác định nguồn gốc thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động, thực vật hoang dã nguy cấp được nuôi, trồng tại các cơ sở nuôi, trồng trên địa bàn tỉnh.

1.3. Tạo nguồn lao động làm việc tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Xây dựng kế hoạch trao đổi định kỳ hằng năm về chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm. Triển khai hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động tham quan, hướng nghiệp cho học viên, sinh viên theo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia và đăng ký nhu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp liên kết thực hiện chương trình đào tạo, phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng thời đáp ứng nhu cầu của người học, cũng như đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Thực hiện xây dựng, ký kết Biên bản thỏa thuận giữa hai tỉnh về liên kết, cung ứng lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm online.

Phối hợp để nắm bắt, trao đổi tình hình các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ chi phí bố trí, sắp xếp đưa lao động từ Tuyên Quang đến Vĩnh Phúc làm việc tại doanh nghiệp mà người lao động lựa chọn

1.4. Phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ và các sản phẩm văn hóa địa phương

a. Lĩnh vực văn hoá

Hợp tác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Cao Lan. Phối hợp xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang dọc theo các triền núi của dãy Tam Đảo kéo dài từ Yên Bái - Tuyên Quang - Phú Thọ - Vĩnh Phúc.

Bảo tồn và quảng bá các trò chơi, trò diễn của đồng bào dân tộc thiểu số: Trò chơi Tả Cáy của đồng bào dân tộc Sán Dìu; trò chơi tung còn của đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan; trò diễn xuống Đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan,... Xây dựng kế hoạch tham gia Liên hoan tiếng hát chung một dòng sông.

b. Lĩnh vực du lịch

Hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch: Trao đổi, chia sẻ thông tin, báo cáo tình hình phát triển du lịch địa phương; thông tin các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, sản phẩm du lịch của địa phương, thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Hỗ trợ công tác quảng bá xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Hợp tác trong quảng bá xúc tiến du lịch: Đăng tải các thông tin về tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch mới, các tour du lịch của hai tỉnh trên các kênh thông tin của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vĩnh Phúc: Cổng thông tin du lịch, Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình; liên kết website giữa hai tỉnh để hỗ trợ quảng bá. Trao đổi cung cấp thông tin, hình ảnh du lịch, các ấn phẩm du lịch của Tuyên Quang đến tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp quảng bá.

Hợp tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch: Xây dựng kế hoạch tổ chức và tham gia chương xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, mời doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự: Hội nghị, tọa đàm xúc tiến đầu tư du lịch,… tại hai tỉnh.

Phát triển sản phẩm du lịch, liên kết tour du lịch: Nghiên cứu, định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp giữa hai tỉnh trong việc xây dựng tour du lịch liên kết với 2 địa phương như: Tour Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương

- Tân Trào (Tuyên Quang); Tour thăm chiến trường xưa Chiến khu Ngọc Thanh

- Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hoá.

c. Lĩnh vực thể dục thể thao

Ký kết chương trình phối hợp giữa tỉnh Tuyên Quang về tổ chức các hoạt động thể dục thể thao. Hợp tác đào tạo các môn thế mạnh của từng địa phương. Chia sẻ học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

1.5. Thông tin, truyền thông, chuyển đổi số

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh; các khu, điểm du lịch của tỉnh; những nét đặc sắc về văn hóa vùng, miền; các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh bạn.

Hợp tác, hỗ trợ triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, như: đánh giá, lựa chọn triển khai các nền tảng số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp; khảo sát, phân nhóm các doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực và quy mô; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai các chiến dịch truyền thông cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

1.6. Lĩnh vực khoa học và công nghệ

Xây dựng và ký kết Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang. Học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; quản lý các đề tài, dự án khoa học và công nghệ; thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; kinh nghiệm về chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và thương mại hóa kết quả nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện; xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương; Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao trình độ và năng lực trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm.

1.7. Lĩnh vực giáo dục và Đào tạo

Xây dựng nội dung hợp tác học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, công tác chuyên môn giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, các hoạt động giao lưu văn hoá giữa các cơ sở mầm non, phổ thông giữa hai tỉnh; công tác phát triển chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; tổ chức kết nghĩa giữa các đơn vị trường học của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang.

2. Nhiệm vụ cụ thể

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ cụ thể (chi tiết tại biểu phụ lục kèm theo).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách các Sở, ngành, đơn vị và địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch này.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt các nội dung nhiệm vụ trong Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

2.1. Triển khai Kế hoạch cụ thể của Sở, ngành, đơn vị và địa phương xong trong tháng 4 năm 2023; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì và phối hợp với các cấp, ngành, địa phương liên quan đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

2.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp báo cáo 6 tháng và cuối năm kết quả thực hiện của các đơn vị báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở, ngành và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Kế hoạch này đến các ngành, các cấp và nhân dân.

4. Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường giám sát, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UBND tỉnh Tuyên Quang (p/h);
- CPVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện: Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch;
- CV: NCTH;
- Lưu: VT,
(D- b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2023 kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 117/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 11/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Việt Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản