Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 117/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 20 tháng 5 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2021
Triển khai Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021”. Căn cứ tình hình thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh triển khai Kế hoạch “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021”, nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
2. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; hiệu lực và kỷ cương của lực lượng thực thi công vụ.
3. Tiếp tục phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương.
4. Chống ùn tắc giao thông tại các thành phố thuộc tỉnh và các nút giao có lưu lượng giao thông lớn trên địa bàn tỉnh.
II. YÊU CẦU
1. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên phạm vi toàn tỉnh từ cấp tỉnh đến các huyện, xã, phường, thị trấn, thôn, khu, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học ngay từ đầu năm 2019 và những năm tiếp theo.
2. Các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, trên cơ sở rà soát nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban ATGT về công tác bảo đảm TT ATGT; xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2019-2021 phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
3. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TT ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.
4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm TT ATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải (xe khách, xe tải, tàu thăm vịnh Hạ Long và tàu vận chuyển khách từ bờ ra các xã đảo), điều khiển giao thông, giám sát và xử lý vi phạm về TT ATGT.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Bám sát nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương để triển khai công tác đảm bảo TT ATGT từ năm 2019-2021 của tỉnh; trong công tác quy hoạch phải lồng ghép mục tiêu đảm bảo TT ATGT, tránh ùn tắc giao thông; các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các chung cư cần có hệ thống giao thông tĩnh, đấu nối phù hợp với các tuyến chính.
2. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông; chú trọng tổ chức giao thông và bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy. Tiếp tục rà soát, khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông; kịp thời khắc phục hậu quả TNGT. Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Tăng cường quản lý trật tự quản lý đô thị, tập trung hè phố và đường đô thị nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TT ATGT của các hộ dân sinh sống ven các tuyến đường.
3. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TT ATGT tới mọi đối tượng tham gia giao thông, chú trọng tuyên truyền tới đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; "Trường học điểm về an toàn giao thông"; mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, mô hình “Tham gia quản lý đường ngang dân sinh giao cắt đường sắt”; triển khai mô hình tự nguyện tham gia đảm bảo TT ATGT tại các nút giao thông tiềm ẩn ùn tắc, TNGT.
4. Tăng cường các biện pháp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và quản lý chặt giá cước trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; mở rộng sắp xếp lại các tuyến vận tải hành khách, đề xuất chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về TT ATGT. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm người điều khiển phương tiện có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, vi phạm về quản lý hè phố, lòng đường đô thị, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, an toàn kỹ thuật phương tiện.
6. Triển khai, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông.
7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Tiếp tục đôn đốc các đơn vị triển khai làm điểm về xây dựng “Văn hóa giao thông”, “Kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ” để tìm ra cách làm, phương pháp triển khai tốt, hiệu quả nhân rộng trong những năm tiếp theo.
8. Tổ chức các biện pháp cứu hộ cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có sự cố tai nạn xảy ra trên đường bộ, đường thủy nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản và ùn tắc giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
9. Tăng cường kiểm tra kết quả đảm bảo TT ATGT tại các sở, ngành, các địa phương để chỉ rõ địa bàn, tổ chức, cá nhân làm tốt, chưa tốt; kiên quyết không để TNGT tăng, phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trên địa bàn tỉnh từ 5%-10%.
IV. GIẢI PHÁP CỤ THỂ
Các sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai một số giải pháp sau:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo đảm TT ATGT:
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về an toàn giao thông có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường tuyên truyền trên thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp đối tượng, vùng miền trên cơ sở bám sát chủ đề năm 2019 "An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy"; tuyên truyền tác hại của rượu, bia; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”;
- Xây dựng, triển khai kế hoạch chuyên đề tuyên truyền với các hình thức phong phú thiết thực, tránh hình thức kém hiệu quả; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại tạo chuyển biến trong hành vi và ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông; Triển khai mô hình Tổ chức đoàn thể đảm nhận "Quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt" đoạn Đông Triều - Hạ Long; tuyên truyền, vận động người dân khu vực có đường cao tốc chạy qua không nuôi thả gia súc, gia cầm đi vào khu vực hành lang ATGT; không đốt rơm, rạ tại khu vực lân cận Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đảm bảo an toàn hoạt động tàu bay;
- Tăng cường thời lượng đưa các tin, bài, tiểu phẩm, phóng sự về ATGT đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển lãm ảnh “Văn hóa giao thông dưới góc nhìn báo chí”; thường xuyên thông báo tình hình TT ATGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh để người tham gia giao thông biết, phòng tránh;
- Đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa tại các cấp học; Tổ chức cuộc thi "Giao thông học đường" cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo phát động của Ủy ban ATGT Quốc gia; Tăng cường các biện pháp đảm bảo TT ATGT tại các trường học trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”; thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
- Biểu dương những tấm gương, điển hình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, đồng thời phê phán những hành vi ứng xử thiếu văn hóa và hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.
2. Công tác quản lý hạ tầng giao thông:
2.1. Đường bộ:
- Tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, hành lang đường bộ (đặc biệt đối với đường cao tốc); xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ trong năm 2020; rà soát, bổ sung toàn bộ hệ thống báo hiệu đường bộ theo tiêu chuẩn QCVN41: 2016/BGTVT; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính;
- Triển khai nghiên cứu xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị gắn với cơ sở dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải kết nối toàn bộ hệ thống giám sát hành trình xe ô tô, camera giao thông, đèn tín hiệu giao thông trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý điều hành giao thông, xử lý vi phạm;
- Tăng cường xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; mở các tuyến buýt kế cận từ trung tâm đô thị kết nối với địa phương xung quanh; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại; tổ chức xe buýt kết nối với các hình thức vận tải khác trong địa bàn; sắp xếp hợp lý tuyến liên tỉnh, mở các tuyến chất lượng cao (xây dựng các tuyến vận tải khách theo tuyến cao tốc); khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; Tăng cường quản lý xe taxi, xử lý kiên quyết đối với các loại xe dù, bến cóc.
- Triển khai thí điểm tách làn xe mô tô, xe máy trên đoạn tuyến từ nút giao Minh Khai (phường Đại Yên) đến Ngã 4 Loong Toòng thành phố Hạ Long.
2.2. Đường sắt:
- Xây dựng lộ trình cụ thể để giảm tối thiểu 30% lối đi tự mở qua đường sắt vào năm 2021, xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2025 (ưu tiên triển khai đầu tư các đường gom tại các khu vực đông dân cư trên địa bàn các địa phương có đường sắt chạy qua);
- Tăng cường đảm bảo an toàn chạy tàu tại các đường ngang qua đường sắt chuyên dùng của ngành than;
- Quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi tự mở đường ngang dân sinh qua đường sắt trái phép.
2.3. Đường thủy nội địa:
- Tăng cường quản lý nhà nước tại các cảng, bến theo quy định; kiên quyết giải tỏa các cảng, bến hoạt động trái phép; kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh các bến cảng phục vụ tuyến từ bờ ra các đảo; kiểm soát các hoạt động vận tải khách tham quan du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các địa điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh;
- Triển khai các dự án hạ tầng kết nối, hậu cần khu vực cảng biển, cảng hàng không, các cụm cảng bến thủy nội địa có sản lượng vận tải lớn nhằm thúc đẩy phát triển loại hình vận tải đường thủy và dịch vụ logistic;
- Tăng cường quản lý, kiểm tra cảng, bến, đặc biệt cảng, bến vận chuyển khách; kiên quyết đình chỉ các bến hoạt động trái phép.
3. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm:
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông trên tất cả các tuyến đường thủy, đường bộ; ứng dụng khoa học công nghệ cao, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm. Trong đó ưu tiên xử lý hành vi vi phạm về: nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, điều kiện của phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa; xe quá khổ, quá tải, vi phạm kích thước thành thùng; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giấy phép lái xe, bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển, làm việc trên phương tiện thủy, bộ”; Xử lý nghiêm các lái xe tham gia kinh doanh vận tải không chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chủ xe, chủ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Thông báo danh sách lái xe ô tô bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe để phục vụ công tác cấp lại giấy phép lái xe; lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khoẻ cho người học lái xe;
- Tăng cường năng lực xử lý, bổ sung trong thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong công tác cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, đường thủy nội địa, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc...; thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại các địa bàn, doanh nghiệp, phương tiện (đặc biệt tàu thăm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các tuyến vận chuyển khách từ bờ ra các xã đảo);
- Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông; các vụ tai nạn giao thông có đủ yếu tố cấu thành tội phạm (bao gồm cả việc xem xét trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ đầu tư thi công, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng giao thông); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để kiên quyết xử lý theo pháp luật hình sự đối với các hành vi cố ý gây hư hại hạ tầng, công trình đảm bảo an toàn giao thông, cản trở giao thông và chống người thi hành công vụ khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Các sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; UBND các địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch này hàng năm xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo đảm TT ATGT phù hợp điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị từng khu vực, từng địa bàn.
2. Hàng quý, 6 tháng, năm các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về UBND tỉnh (qua Ban ATGT tỉnh).
3. Giao Ban ATGT tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai của các địa phương, sở, ngành, tổ chức đoàn thể; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Nghị quyết 12/NQ-CP năm 2019 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 do Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 4Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do tỉnh Thái Nguyên ban hành
Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2019 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2019-2021 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 117/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 20/05/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Cao Tường Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/05/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra