Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 08 tháng 01 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2018
Thực hiện Công văn số 6251/BYT-DP ngày 01/11/2017 của Bộ Y tế về việc Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 và căn cứ kết quả giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây và diễn biến tình hình dịch bệnh năm 2017;
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2018 như sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG
Tăng cường các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và lan rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm các cấp, đảm bảo 100% các địa phương xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
2. 100% ổ dịch bệnh được phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.
4. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 95%, công tác tiêm chủng bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tai biến do tiêm chủng.
5. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại các cấp.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp.
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đáp ứng theo từng tình huống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các tuyến, nhất là tuyến cơ sở.
- Tăng cường công tác phối kết hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh. Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các đoàn thể và cộng đồng vào công tác phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các loại bệnh dịch mới, nguy hiểm.
- Đảm bảo đầu tư nguồn lực đáp ứng hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương.
2. Công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, báo cáo
- Củng cố, kiện toàn đội cơ động chống dịch, đội điều trị tại các đơn vị. Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới cộng tác viên, truyền thông viên trực tiếp tham gia hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống các dịch bệnh tại địa phương, nhất là những nơi có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao.
- Chủ động giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm bệnh nhân đầu tiên, giám sát huyết thanh và các bệnh phẩm cho từng loại bệnh dịch để chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Phối hợp chặt chẽ giữa Y tế và các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương trong giám sát.
- Tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện, các chiến dịch vệ sinh phòng bệnh tại cộng đồng, phun hóa chất sát khuẩn, hóa chất diệt véc tơ chủ động phòng, chống dịch tại các vùng có nguy cơ cao.
- Thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố khi có nguy cơ dịch xảy ra.
- Thiết lập đường dây điện thoại nóng khi có dịch giữa cơ quan và các thành viên Ban chỉ đạo các cấp, thực hiện nghiêm quy chế thông tin, báo cáo, cập nhật báo cáo trên phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định.
3. Công tác chuyên môn
3.1. Các giải pháp giảm mắc
- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của dịch bệnh, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra.
- Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Viêm não Nhật Bản, Ebola, Zika, Mers-CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) xâm nhập.
- Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca dịch bệnh để xử lý kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch các cấp, sẵn sàng khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, tổ chức bao vây khoanh vùng xử lý kịp thời, đảm bảo không để dịch lan rộng.
- Thường xuyên cập nhật và tổ chức tập huấn về các quy định, quy trình giám sát xử lý ổ dịch, phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm gây dịch cho cán bộ, nhân viên y tế tại tất cả các tuyến. Tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên những kiến thức về giám sát, phát hiện dịch bệnh, công tác khai báo, thông tin, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm, trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng và thực hiện nghiêm túc các quy định chuyên môn về bảo đảm an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hướng dẫn việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng và các hướng dẫn liên quan đến công tác tiêm chủng, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt trong các đợt cao điểm.
- Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
- Tích cực trong công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan nhằm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người.
3.2. Các giải pháp giảm tử vong
- Củng cố và nâng cao năng lực cho bệnh viện các tuyến, thực hiện phân tuyến thu dung điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Bảo đảm đáp ứng các yêu cầu tại khu vực cách ly đối với từng loại dịch bệnh. Thực hiện đúng quy chế cách ly, xử lý chống lây nhiễm chéo.
- Thường xuyên cập nhật và tổ chức tập huấn về quy trình giám sát, xử lý ổ dịch, phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc cho nhân viên làm chuyên môn tại các tuyến, đặc biệt là các chuyên ngành như Truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, nhi, kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Đảm bảo phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, các trang thiết bị cho chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
- Củng cố và kiện toàn các đội cấp cứu cơ động tại các bệnh viện để sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị dự phòng và tuyến dưới khi có yêu cầu.
4. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống các loại bệnh dịch theo mùa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
- Phát động “Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch và cải thiện sức khỏe.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể lồng ghép công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình và hệ thống quản lý theo ngành dọc đến tận cơ sở.
5. Công tác phối hợp liên ngành
- Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ và báo cáo tình hình dịch bệnh.
- Huy động các đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ...
- Hợp tác, huy động các nguồn lực và kỹ thuật cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
6. Chế độ thường trực và thông tin báo cáo
- Thực hiện nghiêm Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
- Duy trì giao ban Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh các cấp, khi có tình huống khẩn cấp sẽ triệu tập họp đột xuất để chỉ đạo kịp thời.
- Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh các cấp tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh của tỉnh căn cứ vào Kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể của ngành mình, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo nhiệm vụ được phân công, tổ chức tốt công tác phối hợp, kết hợp giữa các ngành trong phòng, chống dịch bệnh.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Từ nguồn ngân sách của tỉnh
- Khi chưa có dịch xảy ra: Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình/dự án mục tiêu quốc gia.
- Khi có dịch xảy ra: Sở Y tế căn cứ vào tình hình diễn biến của bệnh dịch phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.
2. Kinh phí từ Trung ương
- Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị và kinh phí mua thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
- Trong những trường hợp khẩn cấp, bệnh dịch xảy ra với mức độ nghiêm trọng, trên diện rộng, tỉnh sẽ đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương liên quan hỗ trợ nguồn lực để phòng chống dịch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chịu trách nhiệm theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá diễn biến, dự báo sự phát triển của dịch bệnh; tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của tỉnh; xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng loại bệnh dịch cụ thể khi có ca bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp để giảm mắc, giảm tử vong do dịch bệnh. Đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc,... cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; chịu trách nhiệm về nội dung truyền thông, chỉ đạo mạng lưới truyền thông của ngành chủ động tuyên truyền các biện pháp về phòng bệnh và đưa tin các hoạt động phòng, chống dịch.
- Tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn và kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các sở, ngành, các huyện, thành phố.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra, tổng hợp tình hình dịch báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Lập dự toán kinh phí chi tiết trình Sở Tài chính thẩm duyệt để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí phòng chống dịch chủ động cho ngành Y tế.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ, báo cáo tình hình dịch bệnh của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chốt kiểm dịch; thực hiện tiêu độc, khử trùng đối với các cơ sở hoạt động liên quan đến thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
- Kịp thời thông báo cho ngành Y tế về các ổ dịch để cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
- Phối hợp với ngành Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh việc thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhằm góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những đơn vị thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.
- Thực hiện tốt công tác y tế trường học, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo các trường tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp dịch bệnh trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.
4. Sở Công thương: Chủ động, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lưu thông động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm kịp thời ngăn ngừa các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh; phản ánh công tác phòng, chống của các địa phương, các ngành chức năng và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan tới việc gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc xử lý ô nhiễm môi trường do lũ lụt gây ra.
7. Sở Giao thông Vận tải
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông vận tải, Trạm Quản lý vận tải đường bộ, các đơn vị trong ngành phối hợp tốt với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm (trên địa bàn tỉnh khi có dịch bệnh xảy ra; chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, các bến xe trên địa bàn phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
- Tham mưu cho UBND tỉnh phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng, phương tiện vận tải hành khách đáp ứng khi có tình huống cần di chuyển người dân đến khu vực cách ly theo đề nghị của Sở Y tế.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong ngành, phối hợp hỗ trợ ngành Y tế khi có tình huống dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Tài chính: Tham mưu cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
10. UBND các huyện, thành phố
- Chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn phụ trách và đảm bảo kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ nguồn kinh phí của địa phương. Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng Kế hoạch cụ thể để từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh tại các khu vực dân cư nông thôn. Phát động các phong trào rộng khắp trong nhân dân nhằm thay đổi tập quán, ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.
- Vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, các chương trình mục tiêu quốc gia Y tế để tăng hiệu quả phòng bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội cấp tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Giao Sở Y tế theo dõi, thường xuyên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về diễn biến tình hình./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 4553/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 của tỉnh Bình Định
- 2Kế hoạch 2254/KH-UBND năm 2017 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 3Kế hoạch 55/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 4Kế hoạch 117/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 1Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 6251/BYT-DP năm 2017 về xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành năm 2018
- 3Quyết định 4553/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 của tỉnh Bình Định
- 4Kế hoạch 2254/KH-UBND năm 2017 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 5Kế hoạch 55/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Kế hoạch 117/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 do tỉnh Tiền Giang ban hành
Kế hoạch 116/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2018 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 116/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 08/01/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lê Văn Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra