ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11500/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 21 tháng 9 năm 2021 |
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHUẨN BỊ NỘI DUNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHỤC HỒI KINH TẾ TỈNH ĐỒNG NAI
Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong 8 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 3,07%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,41%; tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 963,88 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ, thu hút đầu tư trong nước đạt 13.379,1 tỷ đồng, bằng 53,1% so với cùng kỳ, gần 250 doanh nghiệp giải thể, hơn 630 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nặng nề do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống dịch. Theo Tổng cục Thống kê, GRDP tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,74%, dự ước cả năm 2021 tăng trưởng đạt 4,61%.
Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang tập trung toàn lực để dập dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, tiến tới cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người dân đủ điều kiện tiêm trên địa bàn tỉnh để có thể đạt miễn dịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục hồi và lấy lại đà phát triển kinh tế bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe và ổn định đời sống nhân dân.
- Từng bước phục hồi kinh tế, tạo nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
- Đề xuất các giải pháp, các mô hình kinh tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm an toàn phòng chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng con người, đi đôi với việc khôi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội. Chuyển từ định hướng “không Covid-19” sang từng bước sống chung với dịch bệnh Covid-19 trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các phương án sống chung với Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn dân để sớm đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều, kiểm soát tử vong, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để kinh tế phục hồi theo hướng bền vững, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh Covid-19 còn tiếp diễn.
- Thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới kể cả tỷ lệ bao phủ vaccine hai mũi trên 70%, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh vì biến chủng Delta. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine sẽ giúp hạn chế các ca bệnh nặng và tử vong.
- Nhiều quốc gia đang dần cho phép người dân quay lại nhịp sống hằng ngày, vì họ nhận ra rằng phải học cách sống chung với đại dịch Covid-19. Có 03 đặc điểm chung trong các kế hoạch mở cửa phục hồi kinh tế của các quốc gia, đó là: (1) các quốc gia chia thành các giai đoạn khác nhau để tính toán mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội; (2) bên cạnh chia thành từng giai đoạn thì các nước cũng chia thành các mức độ khác nhau dựa trên tình hình dịch tễ và y tế để quyết định các chính sách về giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế; (3) có 02 cách tiếp cận về mở cửa hoặc là theo các ngành nghề hoặc là theo khu vực dựa trên mức độ an toàn.
- Các quốc gia như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Chile... đang trên đà phục hồi, với hàng loạt chính sách, giải pháp, ưu tiên nguồn lực lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
2. Bối cảnh trong nước và trong tỉnh
Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Điều này cho thấy các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của tỉnh cần phải tính toán rất kỹ lưỡng với chính sách và sự phối hợp của cả vùng, trước hết là các địa phương giáp với tỉnh (Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng). Trong đó, việc tăng cường tiêm vắc-xin cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ là điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với tỉnh Đồng Nai, sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ kể từ ngày 31/5/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 15/9/2021, tỉnh có 37.236 ca bệnh, có hơn 16.000 ca đã điều trị khỏi và 337 ca tử vong. Mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn, song hoạt động phòng, chống dịch ở tỉnh Đồng Nai cũng đạt được một số kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là về tiêm chủng vắc-xin. Đến nay đã bao phủ được khoảng 67,1% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 69.458 người đã tiêm đủ liều.
Các giải pháp sản xuất như “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, về lâu dài doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu và công suất giảm, F0 xuất hiện trong doanh nghiệp. Tình trạng lao động rời nhà máy, trở về quê là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dự báo sẽ khan hiếm nguồn lao động.
3. Điều kiện để sống chung với dịch Covid-19
- Người dân được bảo vệ bằng vắc-xin, phấn đấu đến cuối năm 2021 tỉnh Đồng Nai đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều.
- Kiểm soát được dịch Covid-19, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; đảm bảo cân đối cân đối tỷ lệ nhập viện, ra viện tại các bệnh viện để không xảy ra tình trạng quá tải, cần xây dựng các kịch bản, phân loại cấp độ dịch để có kế hoạch ứng phó, xử lý khác nhau.
- Đảm bảo an toàn khi vận hành lại nền kinh tế, các doanh nghiệp phải xác định điều kiện và môi trường làm việc phải đảm bảo 5K, đeo khẩu trang khi làm việc, phân bố lao động hợp lý để đảm bảo an toàn, cũng như phải có hệ thống theo dõi sức khỏe nhân viên...
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ
Đẻ đảm bảo các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai bám sát diễn biến thực tế của dịch và nguồn lực của tỉnh, UBND tỉnh giao các Sở, ban ngành và địa phương đề xuất các giải pháp để khôi phục lại nền kinh tế, làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành Chương trình khôi phục kinh tế tỉnh Đồng Nai, trong đó tập trung các lĩnh vực sau:
1.1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai.
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoặc kiến nghị các Bộ ngành Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo.
- Tham mưu, đề xuất tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến (hoặc hội nghị trực tiếp phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19) giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
- Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.
- Phối hợp với các địa phương trong vùng và cả nước để liên kết các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất cơ chế, chính sách, hợp tác cùng phát triển.
- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.
- Tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.
- Tham mưu UBND tỉnh triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các vùng xanh trên địa bàn.
- Xây dựng, trình phê duyệt và phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khi được Trung ương giao vốn; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 sát với khả năng giải ngân, rà soát các khoản chi đầu tư chậm triển khai, không có khả năng thực hiện để bổ sung nguồn chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
- Rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đánh giá được thực trạng số lượng doanh nghiệp còn hoạt động (còn nộp thuế), số lượng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản để có thể đưa ra chính sách phát triển doanh nghiệp phù hợp.
- Phối hợp với các doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và các nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước và toàn thể nhân dân đề xuất giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thủ tục lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.
- Rà soát các quy định của pháp luật nhất là những bất cập, chồng chéo giữa Luật Đầu tư với Luật Đất đai, Luật Nhà ở....để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung kịp thời với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất kinh doanh không vi phạm các quy định của pháp luật.
- Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học
- Đề xuất UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất.
- Có giải pháp thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ sở, các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.
- Phối hợp với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đề xuất giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.3. Sở Công Thương
- Hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động kinh doanh chi tiết phù hợp từng giai đoạn trên kết quả kiểm soát dịch bệnh.
- Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.
- Đề xuất giải pháp liên quan đến dịch vụ logistics, cải tiến và nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đây là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục phát huy.
- Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước với các sàn thương mại điện tử nước ngoài lớn, có uy tín.
- Phối hợp với các cơ quan Trung ương đề xuất chính sách giảm giá điện, xăng, dầu,...
- Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng cho các tỉnh thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa.
- Tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.
- Đề xuất giải pháp đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm ra nước ngoài; chú trọng hoạt động kết nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp vào các kênh phân phối trong và ngoài nước.
- Đề xuất giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường. Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành; tổ chức các Diễn đàn lĩnh vực chuyên ngành (xuất khẩu, công nghiệp...).
- Đề xuất giải pháp nhằm điều tiết bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và phòng, chống dịch, đảm bảo cung cầu trên địa bàn tỉnh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.4. Cục Quản lý thị trường
- Theo dõi sát tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày và có nhu cầu tiêu dùng cao.
- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, Đội Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường tránh đầu cơ, thổi giá, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, lưu ý các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn buôn bán vận chuyển động vật hoang dã.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh do ngành trực tiếp quản lý.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.5. Sở Tài chính
- Tổ chức điều hành ngân sách chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo cân đối ngân sách phù hợp, hiệu quả.
- Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên, đặc biệt tiết kiệm chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa chi phí tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước....
- Tham mưu bố trí kinh phí phòng, chống dịch: Sau khi Sở Y tế tổng hợp nhu cầu kinh phí theo các cấp độ dịch, Sở Tài chính tham mưu bổ sung dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.6. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các phương tiện vận tải, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, doanh nghiệp.
- Xây dựng giải pháp điều phối hoạt động vận tải trọng yếu đối với hoạt động lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở việc khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Rà soát các quy định hiện có, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nội bộ tỉnh theo hướng tháo dỡ các chốt kiểm soát không cần thiết, tăng cường kiểm soát công tác phòng chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến.
- Phối hợp với các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các đường vành đai và cao tốc đi qua địa bàn tỉnh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.7. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các quỹ đất phù hợp xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa phương có nhiều khu công nghiệp, công nhân sinh sống để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch xây dựng; tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch xây dựng không còn khả thi.
- Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch xây dựng; phát huy vai trò các đô thị lớn; góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
- Tham mưu ban hành chương trình phát triển Nhà ở trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị để mời gọi đầu tư.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.8. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tập trung rà soát, đề xuất xử lý các trường hợp hết thời hạn sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; rà soát, thu hồi các khu đất hết thời gian được giao đất, cho thuê đất nhưng không đủ điều kiện gia hạn thời gian sử dụng, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, khai thác theo quy định. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá các khu đất trong năm 2021 và 2022 theo kế hoạch đề ra; rà soát xác định các vị trí đất công, trụ sở làm việc do nhà nước quản lý nhưng không còn nhu cầu sử dụng để thực hiện đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đảm bảo “an ninh lương thực” trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nhất là trong các vùng dịch bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
- Đề xuất chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông sản, thủy sản; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh giải pháp đảm bảo lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian có dịch bệnh và sau khi dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan trung ương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.10. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phát huy tối đa hiệu quả đường dây nóng 1022 và các kênh thông tin từ mạng xã hội nhằm nắm bắt các phản ánh khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
- Cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin tiêm chủng của Quốc gia, phục vụ cho việc theo dõi Chứng nhận ngừa Covid-19 của sổ sức khỏe điện tử thống nhất trên cả nước, thuận tiện cho việc kiểm soát lao động trong tỉnh và cả ở các địa phương khác.
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng (hoặc nhận chuyển giao) phần mềm Hệ thống cấp phát; quản lý QR code áp dụng cho công tác quản lý việc di chuyển/đi đường/đi chợ để ban hành “giấy thông hành vắc-xin” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn. Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có Giấy thông hành vắc-xin thay cho các hình thức quản lý khác như Giấy đi đường, Kết quả xét nghiệm âm tính...
- Xây dựng (hoặc nhận chuyển giao) Hệ thống quản lý cách ly tại nhà là giải pháp giúp cơ quan quản lý giám sát các trường hợp F0; F1 cách ly tại nhà thông qua việc thiết lập "hàng rào điện tử"[1].
- Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, trong đó liên thông mã QR trên toàn quốc, tích hợp dữ liệu xét nghiệm của các cơ sở xét nghiệm, dữ liệu tiêm vắc xin của Bộ Y tế; liên thông với ứng dụng “di biến động” của Bộ Công an.
- Đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
- Áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đề xuất các giải pháp họp trực tuyến để cắt giảm chi phí, hạn chế tập trung đông người.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, quyết liệt phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
- Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị liên quan nhằm tuyên truyền đến nhân dân, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Nai
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Nghiên cứu triển khai gói tín dụng với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất dành cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo cuộc sống của người dân và phục vụ nhu cầu dự trữ phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.12. Sở Ngoại vụ
- Tham mưu UBND tỉnh giải pháp mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng mời gọi các nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.13. Sở Tư pháp
- Phối hợp thực hiện góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong và sau dịch Covid-19 đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.14. Cục Thuế tỉnh
- Tham mưu các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
- Theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh đối với các nội dung kiến nghị Chính phủ về chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phù hợp với từng thời điểm, tùy theo tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.15. Thanh tra tỉnh
Tham mưu các giải pháp quản lý doanh nghiệp nhưng hạn chế tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.16. Cục Hải quan tỉnh
- Chuyển tối đa những thủ tục, chứng từ cho công tác xuất nhập khẩu sang hệ thống điện tử...
- Áp dụng Hải quan điện tử đối với các thủ tục về thương mại, xuất nhập khẩu, thuế để doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, xuất khẩu, an tâm sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.17. Cục Thống kê tỉnh
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh Covid-19 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh đảm bảo sát với tình hình thực tế.
- Rà soát, đánh giá những ngành, lĩnh vực bị giảm điểm phần trăm trong GRDP, đồng thời đề xuất những ngành, lĩnh vực có tiềm năng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo điều hành.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
1.18. UBND các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa
- Chủ động xây dựng kế hoạch và kịch bản phòng chống dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn cấp huyện, cấp xã; và xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trên địa bàn huyện.
- Chủ động lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện quản lý (không sử dụng vốn ngân sách) để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh/ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở để mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án, nhất là các dự án Khu đô thị, khu dân cư, các dự án Thương mại dịch vụ, các dự án Xã hội hóa trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục....
- Tổ chức hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động bằng hình thức trực tuyến (hoặc Hội nghị trực tiếp thì phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19) để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động trên địa bàn quản lý.
- Chủ động rà soát, lập danh sách từng hộ gia đình, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn quản lý (kể cả những người dân đang ở tạm trú, ở trọ, sống lang thang....) để nắm tình hình, kiểm soát 100% nhân khẩu trên địa bàn, đề nghị ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; xây dựng phương án giãn cách, giảm mật độ người dân, công nhân, người lao động tại các khu nhà trọ, tập trung đông người ra vào khu vực, địa phương khác để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
- Tập trung thẩm định các hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng theo phân cấp và tập trung rà soát xây dựng các khu tái định cư đảm bảo phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thuộc hệ thống phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các phòng ban liên quan trực thuộc, UBND cấp xã và các đơn vị chủ đầu tư thực hiện hoàn thành tiến độ triển khai đối với các dự án thuộc hệ thống phát triển kết cấu hạ tầng cấp huyện thuộc địa phương quản lý.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu chiến lược và kế hoạch về phòng, chống dịch Covid - 19 và giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo dõi sát tình hình dịch, tiếp tục tham mưu phương án đáp ứng với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh để ứng phó, xử lý kịp thời.
- Tham mưu giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động để đảm bảo an toàn sản xuất và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.
- Tham mưu các giải pháp để triển khai thần tốc việc xét nghiệm để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa các trường hợp F0 vào các cơ sở thu dung, điều trị hoặc hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và điều kiện của địa phương; tổ chức điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất và thực hiện tốt việc cách ly F0 tại nhà và thực hiện tốt việc cách ly F0 tại nhà khi số ca mắc Covid-19 tăng cao vượt quá khả năng thu dung của các cơ sở cách ly theo dõi, điều trị.
- Tham mưu các phương án bảo đảm đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sinh hóa phẩm, thuốc cho điều trị trong suốt quá trình điều trị; tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị F0 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng.
- Tham mưu giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm theo Kế hoạch tiêm chủng của tỉnh khi được Trung ương phân bổ thêm nguồn vắc xin.
- Theo dõi, đánh giá tình hình, chất lượng, hiệu quả việc tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu chiến lược và kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ người lao động, người có điều kiện khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
- Hướng dẫn các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, chuyên gia, lao động kỹ thuật từ các quốc gia khác quay lại tỉnh Đồng Nai để làm việc khi đủ điều kiện.
- Đẩy mạnh hoạt động của các Sàn Giao dịch việc làm (kể cả qua hình thức sàn việc làm online) để người lao động và doanh nghiệp dễ dàng kết nối với nhau.
- Đánh giá, phân tích về trình độ lao động của người lao động trong các Khu công nghiệp; sự dịch chuyển lao động từ các đô thị lớn về khu vực nông thôn và xu hướng quay trở lại nhà máy, xí nghiệp sau đại dịch Covid-19. Đề xuất các giải pháp để ổn định nguồn lao động cho các nhà máy, xí nghiệp hoạt động.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.3. Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Hướng dẫn bố trí việc dạy học trực tuyến theo hướng giảm tải chương trình và cho phép giáo viên chủ động, sáng tạo, bảo đảm khả năng tiếp thu nội dung môn học, tránh việc học sinh phải online liên tục ảnh hưởng sức khỏe và cũng như ảnh hưởng đến việc làm của phụ huynh.[2]
- Phối hợp với Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để học sinh có thể đến trường đảm bảo an toàn phòng dịch vì các học sinh là đối tượng dễ lây nhiễm và chưa có vắc xin ngừa Covid-19.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương đề xuất các hoạt động Văn hóa, Thể thao, du lịch và lộ trình có thể mở cửa hoạt động trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn phòng dịch.
- Đề xuất huy động các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh để bố trí làm nơi cách ly tập trung (khi có yêu cầu) cho các trường hợp phải cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Theo dõi sát tình hình dịch Covid-19, chỉ đạo các Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các địa phương đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn các địa phương, kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội, cưới hỏi, tang lễ... trong phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.5. Sở Nội vụ
- Tiến hành rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, xử lý nghiêm các cá nhân gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là trong khâu miễn giảm thuế, vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tăng cường đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để hạn chế tập trung đông người.
- Đề xuất các hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
2.6. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Nghiên cứu, kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Hoãn nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động, ít nhất đến tháng 6/2022. Giữ nguyên các quyền lợi của người lao động trong thời gian hoãn đóng BHXH
- Bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí hoặc một phần chi phí xét nghiệm covid-19 của người lao động (xem như một loại chi phí ốm đau). Người lao động trong thời gian hoãn nộp BHYT vẫn được hưởng quyền lợi thanh toán BHYT khi khám chữa bệnh.
2.7. Liên đoàn Lao động tỉnh
Nghiên cứu kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp chăm lo người lao động:
- Xem xét việc miễn trích nộp kinh phí Công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương người lao động từ 6-12 tháng (kể từ tháng 7/2021) nhằm giảm áp lực cho người sử dụng lao động đối với chi phí sản xuất và chi phí chăm lo cho người lao động.
- Có hướng dẫn cho phép doanh nghiệp và công đoàn cơ sở (sau khi thỏa thuận thống nhất) được trích 1 phần trong tổng nguồn kinh phí Công đoàn để hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.
2.8. Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai
Phối hợp với các công ty cung cấp nước trên địa bàn tỉnh tham mưu đề xuất thực hiện chính sách giảm đến 50% tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp trong vòng 3 đến 6 tháng, giãn thời hạn thanh toán nợ tiền sử dụng nước đến hết năm 2021.
2.9. Kho bạc Nhà nước tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để giải ngân các gói hỗ trợ khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
3. Đảm bảo quốc phòng - an ninh
Công an tỉnh phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
- Xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình dịch Covid-19 để có kế hoạch ứng phó cụ thể.
- Chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương; tổ Covid-19 cộng đồng; đội đáp ứng nhanh cấp tỉnh, huyện, tổ chức rà soát, truy vết, xác minh các trường hợp liên quan đến trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về các phần mềm kiểm soát lộ trình, lịch trình di chuyển của F0, F1 để truy vết nguồn lây và kiểm soát dịch bệnh.
- Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly tập trung, tại các khách sạn triển khai khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý, giám sát nơi cư trú để sớm phát hiện và truy vết những người đến từ, hoặc đi qua vùng dịch, người nhập cảnh trái phép.
- Có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
- Kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Các giải pháp khác theo đề xuất của đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nghiên cứu, rà soát, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng, ban hành, thực hiện các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung chỉ đạo theo đề cương nêu trên của UBND tỉnh, gửi nội dung đề xuất, báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 24/9/2021 (thứ sáu), đồng thời gửi file mềm qua địa chỉ email: queanhskhdt@gmail.com để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đối với các sở, ban ngành, địa phương đã gửi báo cáo theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 10880/UBND-THNC ngày 09/9/2021 thì không phải gửi nội dung đề xuất theo Kế hoạch này.
Trên cơ sở nội dung báo cáo, đề xuất của các đơn vị, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong tháng 9 năm 2021./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Theo đó, nếu các F0, F1 di chuyển ra khỏi "vùng được cho phép" thì hệ thống sẽ tự động nhắn tin/gọi điện về cơ quan quản lý và cảnh báo cho các F0, F1 này quay trở lại. Cùng với đó sẽ kết hợp trang bị các thiết bị giám sát y tế để cơ quan quản lý dễ dàng nắm bắt tình trạng bệnh của các F0, F1 cách ly tại nhà.
[2] Lưu ý các giải pháp phải tính đến gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh trong việc trang bị thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng yêu cầu học trực tuyến, đặc biệt đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
- 1Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Công văn 3246/UBND-TH về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30/9/2021
- 3Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2021 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Luật đất đai 2013
- 2Luật Nhà ở 2014
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Luật Đầu tư 2020
- 5Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 6Công văn 3246/UBND-TH về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30/9/2021
- 7Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2021 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Kế hoạch 11500/KH-UBND năm 2021 về phân công nhiệm vụ chuẩn bị nội dung xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai
- Số hiệu: 11500/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 21/09/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Cao Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/09/2021
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định