Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11350 /KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN VỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” (sau đây viết tắt là Đề án), UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” (sau đây viết tắt là Kế hoạch) trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng, bảo đảm đến năm 2020:

a) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tối thiểu 95% hộ gia đình và cộng đồng được tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình (chú trọng đối tượng trong độ tuổi kết hôn, đặc biệt là nam giới); về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo và kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi.

b) 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại các cơ quan báo chí có kiến thức về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

2. Yêu cầu:

a) Thông tin, tuyên truyền đảm bảo lồng ghép với các chương trình, đề án khác có liên quan trên cơ sở vận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, các hình thức tuyên truyền hiện có; khuyến khích các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương chủ động tham gia vào việc tuyên truyền.

b) Nội dung tuyên truyền bảo đảm chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực, đa dạng; phù hợp với từng đối tượng, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, không ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

2. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; kiến thức, kỹ năng về hôn nhân gia đình.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau thông qua các hình thức:

a) Biên soạn sổ tay, tài liệu và tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

b) Biên tập, sản xuất bài viết, bản tin, phóng sự, tọa đàm, phim ngắn về đường lối, chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi; về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế.

c) Biên tập, sản xuất bài viết, bản tin, phóng sự theo các chuyên đề khác nhau cho đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn có được kiến thức cơ bản về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

a) Mở các chuyên mục, chuyên đề, chương trình tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trên các kênh phát thanh, truyền hình ở địa phương.

b) Mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, quảng cáo về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các báo, tạp chí in, báo điện tử.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Hướng dẫn triển khai thực hiện, đánh giá, tổng hợp báo cáo, tổ chức sơ kết, tổng kết về tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung a thuộc nhiệm vụ 1, Mục III Kế hoạch này.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố thực hiện tuyên truyền theo nhiệm vụ 2, Mục III của Kế hoạch này.

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thông tin tuyên truyền trên báo chí và đề xuất khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về nội dung thông tin, tình hình triển khai xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hoạt động tuyên truyền; trong đó chú trọng việc cung cấp thông tin thông qua Trang Thông tin điện tử nội bộ của Sở.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng Hành động phòng chống bạo lực gia đình (tháng 11) trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các phường, xã tuyên truyền thực hiện Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” trên hệ thống Đài Truyền thanh địa phương.

d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nội dung a thuộc nhiệm vụ 1, Mục III của Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính:

a) Thẩm định kinh phí thực hiện Kế hoạch trình UBND thành phố.

b) Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích và phù hợp với quy định của Nhà nước.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng:

Tham gia thực hiện Kế hoạch thông qua việc lồng ghép nội dung tuyên truyền bằng các kênh thông tin của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận tổ quốc Việt Nam đang triển khai thực hiện liên quan đến việc xây dựng gia đình văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố và các ban, ngành, đoàn thể:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp cho các cơ quan báo chí thành phố các thông tin liên quan đến công tác xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hoạt động tuyên truyền.

b) Phối hợp, hỗ trợ Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nội dung a thuộc nhiệm vụ 1, Mục III của Kế hoạch này.

6. UBND các quận, huyện:

a) Chỉ đạo Đài Truyền thanh của địa phương và hệ thống phát thanh tại các xã, phường thực hiện tuyên truyền công tác xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình gắn với phong trào Xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

b) Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ về công tác xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình ở cấp cơ sở nhằm hỗ trợ tốt nhất hoạt động tuyên truyền của các cơ quan báo chí.

7. Các cơ quan báo chí thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phố:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể triển khai thực hiện tuyên truyền theo các nhiệm vụ 1,2 Mục III của Kế hoạch; trong đó chú trọng lồng ghép tuyên truyền xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với phong trào Xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách thành phố bảo đảm đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của đơn vị, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND thành phố cân đối, bố trí kinh phí thực hiện.

2. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương. Các đơn vị thuộc UBND các quận, huyện lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách hàng năm, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình UBND các quận, huyện cân đối, bố trí kinh phí thực hiện.

3. Huy động từ nguồn xã hội hóa.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch định kỳ hằng năm (trước ngày 05 tháng 12) về UBND thành phố thông qua Sở Thông tin và Truyền thông.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ TT&TT (để b/c);
- Bộ VH,TT&DL (để b/c);
- TTTU, TTHĐND TP (để b/c);
- CT, các PCT UBND TP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- BCĐ về Công tác gia đình TP;
- Các sở: TTTT, VHTTDL, TC, LĐTBXH, YT;
- Hội LHPN TP;
- Đoàn TNCSHCM TP;
- UBND các quận, huyện;
- Các cơ quan báo chí TP;
- Cổng thông tin điện tử TP;
- Đài Truyền thanh các quận, huyện;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ