Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC-XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ TỪ ĐỦ 5 TUỔI ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2022

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022;

Căn cứ Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/3/2022 của Bộ Y tế về việc sửa đổi điều 1, Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin theo nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 (Bổ sung phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi); Quyết định số 796/QĐ-BYT ngày 31/3/2022 về việc sửa đổi điều 1, Quyết định số 3122/QĐ-BYT ngày 28/6/2022 của Bộ Trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Bổ sung phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 của hãng Spikevax);

Căn cứ Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 08/02/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội; giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 15/03/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 13, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tại Thông báo số 75-TB/BCSĐ ngày 19/02/2022 về thông báo ý kiến kết luận của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 19/02/2022 về nghe báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiệm vụ trong thời gian tới thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Căn cứ Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 1535/BYT-DP ngày 28/3/2022 về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 về hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2106/TTr-SYT ngày 08/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh cho đối tượng trẻ em từ đủ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi (sau đây gọi tắt là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả nhóm đối tượng, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% trẻ từ 05 đến 11 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Trên 95% trẻ từ 05 đến 11 tuổi tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19.

- Sử dụng hiệu quả khi nguồn vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc:

- Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; Ban chỉ đạo công tác tiêm chủng phòng Covid-19 các cấp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, cấp ủy- UBND các địa phương và có sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Tuân thủ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

- Việc triển khai tiêm chủng phải theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo an toàn tiêm chủng đồng thời tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao và tiếp cận công bằng cho người dân.

- Huy động tối đa các đơn vị ngành y tế, ngành giáo dục, các lực lượng hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh để tổ chức bảo đảm an toàn trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Có sự đồng thuận/đồng ý của gia đình, người giám hộ cho trẻ em từ 05 đến 11 tuổi tham gia tiêm chủng.

2. Đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19

Toàn bộ trẻ từ đủ 05 đến dưới 12 tuổi, đủ điều kiện sức khỏe được cơ quan y tế chỉ định tiêm, dự kiến: 181.197 trẻ (số lượng báo cáo từ các địa phương tính đến ngày 02/4/2022, chi tiết theo phụ lục 1 kèm theo);

Mốc tính tuổi: Đủ ngày, đủ tháng, đủ năm tính đến thời điểm tiêm chủng (Biểu mẫu danh sách theo Phụ lục 3 kèm theo).

3. Vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Sử dụng vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt được phép sử dụng cho đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

4. Thời gian, hình thức, địa điểm triển khai tiêm chủng

(1) Thời gian tổ chức tiêm chủng: Dự kiến từ ngày 15/4/2022.

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương để tổ chức triển khai tiêm chủng ngay có khi có vắc xin và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng lên hàng đầu, đúng hướng dẫn chuyên môn và tiến độ tiêm chủng.

Đối với trẻ trì hoãn tiêm chủng mũi 1 sẽ tiếp tục được khám sàng lọc để tổ chức tiêm vét, tiêm vào đợt tiêm chủng mũi 2 nếu đảm bảo các điều kiện tiêm chủng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

(2) Hình thức triển khai:

Phụ huynh hoặc người bảo trợ theo pháp luật trực tiếp đưa trẻ đến điểm tiêm chủng và thực hiện ký cam kết đồng ý tham gia tiêm chủng.

Phụ huynh hoặc người bảo trợ theo pháp luật được nghỉ tối thiểu 01 ngày làm việc để đưa trẻ đi tiêm và theo dõi sau tiêm chủng.

(3) Tổ chức tiêm chủng:

* Tổ chức “Lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi” và tiêm chủng:

- Thời gian tổ chức tiêm chủng: Dự kiến từ 08h00 ngày 15/4/2022.

- Địa điểm: Trường THCS Trần Quốc Toản, Phường Hồng Hà, TP. Hạ Long;

- Đối tượng tiêm chủng: Học sinh lớp 6 đủ điều kiện được cơ sở y tế chỉ định, là học sinh của Trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long.

- Đội tiêm chủng: Do Sở Y tế chỉ đạo bố trí;

- Đội cấp cứu tiêm chủng: Sử dụng đội cấp cứu giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm do Sở Y tế điều động.

* Tổ chức tiêm chủng tại các địa phương:

Căn cứ vào tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế cho tỉnh Quảng Ninh, giao Sở Y tế bố trí tiêm chủng:

- Sau khi triển khai lễ phát động, sẽ tổ chức tiêm theo nguyên tắc: Các địa phương có số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm đông, có nhiều sự kiện lớn của Quốc gia, của tỉnh diễn ra trên địa bàn trong quý II/2022, các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ... diễn ra nhiều, có nguy cơ, tốc độ lây lan dịch bệnh cao sẽ tổ chức tiêm trước theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế (lần lượt từng địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Móng Cái...). Tùy tình hình cụ thể, Sở Y tế kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

- Sở Y tế chủ trì điều phối vắc xin, điều động lực lượng hỗ trợ tiêm chủng (đội tiêm, đội cấp cứu tiêm chủng) cho các địa phương để triển khai tiêm chủng, trong đó điều động các đội cấp cứu, các kíp tiêm có kinh nghiệm, có chuyên môn kỹ thuật tốt cho khu vực các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

- Địa điểm tiêm chủng: Tổ chức điểm tiêm tại các Trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non hoặc địa điểm phù hợp do địa phương bố trí, trong các ngày tiêm chủng địa phương bố trí đồng thời cả điểm tiêm tại tất cả các bệnh viện, Trung tâm Y tế có giường bệnh trên địa bàn để chức tiêm cho các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng theo đúng quy định của ngành Y.

- Hình thức tổ chức: tiêm cuốn chiếu theo từng cấp huyện, từng cấp học, khối lớp, từng lớp (tiêm lần lượt hết nhóm lớp thứ tự từ: lớp 6 - lớp 5 - lớp 4 và lần lượt hết đến học sinh lớp 5 tuổi trường mầm non phù hợp với loại vắc xin được phân bổ).

- Tại điểm tiêm chủng, trẻ em phải được khám sàng lọc đảm bảo theo quy trình, trường hợp cần thận trọng tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng chuyển trẻ đến bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn để thực hiện tiêm chủng tại cơ sở y tế để được sắp xếp tiêm chủng.

(4) Địa điểm tiêm:

- Tại các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng, an toàn phòng, chống dịch; bao gồm: Trung tâm Y tế, bệnh viện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, các trường học...), trong đó: ưu tiên triển khai tổ chức tiêm chủng tại các trường học, các điểm tiêm tại Trạm Y tế, Bệnh viện, Trung tâm Y tế đảm bảo đủ các điều kiện tổ chức tiêm chủng và cấp cứu cho các đối tượng sau tiêm.

- Số lượng bàn tiêm tại các điểm tiêm chủng các địa phương chủ động bố trí phù hợp với số đối tượng từng điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng và tiến độ tiêm chủng để ra (mỗi điểm tiêm chủng chỉ bố trí tối đa 05 bàn tiêm).

- Bố trí đủ các phòng chức năng (phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng cấp cứu...) và phải bố trí đầy đủ mọi trang thiết bị, vật tư, thuốc, nhân lực phục vụ tiêm và sơ cấp cứu tại các điểm tiêm, gồm: Phòng cấp cứu có giường, máy theo dõi bệnh nhân, thuốc, vật tư y tế cấp cứu, ô xy, ô tô cấp cứu, mỗi điểm tiêm bố trí ít nhất 1 kíp cấp cứu có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm xử lý thực tiễn... đảm bảo sẵn sàng cấp cứu được cho mọi tình huống xảy ra.

(5) Nhân lực thực hiện tiêm:

- Nhân lực thực hiện tiêm chủng: Cán bộ nhân viên y tế đã được tập huấn an toàn tiêm chủng, tiêm vắc xin COVID-19 tại tất cả các đơn vị: bệnh viện,Trung tâm y tế, Trạm Y tế xã, phường.

- Nhân lực thực hiện thường trực cấp cứu phản ứng phản vệ sau tiêm chủng: Huy động tối đa các đội, kíp cấp cứu thường trực tại điểm tiêm chủng đảm bảo mỗi điểm tiêm chủng bố trí ít nhất 01 kíp cấp cứu, với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, thuốc chuyên dụng, 01 xe ô tô chuyên dụng cấp cứu và phương tiện ô tô phục vụ mục đích cấp cứu do địa phương bố trí bổ sung. Các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi xa trung tâm y tế, xa bệnh viện phải bố trí tối thiểu 2 xe ô tô chuyên dụng cấp cứu, phương tiện thủy. Ngoài nhân lực cấp cứu tại chỗ, Sở Y tế căn cứ tình hình và năng lực cấp cứu tại các địa phương huy động tối đa lực lượng cấp cứu của các đơn vị y tế tuyến tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức tiêm cho trẻ.

- Tại các địa phương: Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng huy động nguồn nhân lực hỗ trợ công tác phân luồng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, an ninh, trật tự tại điểm tiêm chủng.

5. Điều tra lập danh sách đối tượng

(1) Ban chỉ đạo PCD các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, điều tra lập danh sách toàn bộ trẻ đang cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú) theo từng lớp tại các trường học và tại cộng đồng (đối với những trẻ không đi học) chia làm 2 nhóm để xây dựng kế hoạch triển khai, gồm:

(2) Đối tượng: Toàn bộ học sinh khối trường mầm non công lập, tư thục, trường tiểu học (Cấp 1), Trung học cơ sở (Cấp 2) và trẻ em không đi học có độ tuổi từ đủ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi.

(3) Quản lý danh sách đối tượng theo trường học đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp trẻ không tham gia học tập tại các trường, quản lý theo danh sách của xã, phường;

(4) Lập danh sách riêng đối với tất cả các trường hợp:

- Đối tượng trì hoãn tiêm chủng, gồm: Đang điều trị bệnh cấp tính, đang có bệnh cấp tính, đã từng mắc COVID-19 chưa đủ 3 tháng kể từ ngày khởi phát...

- Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng để chuyển đến cơ sở y tế có giường bệnh thực hiện tiêm chủng;

- Đối tượng chống chỉ định để có biện pháp bảo vệ.

* Lưu ý: UBND/ Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng COVID-19 các địa phương chỉ đạo Phòng giáo dục và đào tạo phối hợp các đơn vị Y tế trên địa bàn để hướng dẫn lập danh sách đối tượng như sau:

Đối tượng tại trường học: Lập danh sách đối tượng học sinh theo từng lớp;

Đối tượng cộng đồng: Lập danh sách theo thôn, khu, phường, xã, thị trấn;

- Danh sách được cập nhật theo đúng biểu trên hệ thống phần mềm tiêm vắc xin COVID-19, quản lý danh sách trên file Excel.

6. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn

- Thời gian: đầu tháng 4/2022 (trước khi triển khai Chiến dịch).

- Thành phần: Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng COVID-19 các địa phương, cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng, cấp cứu trên toàn tỉnh và các đối tượng cần thiết khác theo hướng dẫn của Sở Y tế và yêu cầu của BCĐ PCD- BCD tiêm chủng/ UBND các địa phương,

- Nội dung: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

IV. KINH PHÍ

Sử dụng nguồn kinh phí Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh và bổ sung theo quy định, theo thực tế để đảm bảo yêu cầu của công tác tiêm chủng (do UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định). Nội dung chi bao gồm:

- Chi hỗ trợ cho con người, cho hoạt động truyền thông; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; in biểu mẫu, phiếu khám sàng lọc, phiếu đồng ý tiêm chủng, giấy xác nhận tiêm chủng; vận chuyển và bảo quản vắc xin, thuê Container, tủ lạnh, thiết bị làm lạnh, chi phí tiền điện chạy Container lạnh, thiết bị làm lạnh, xăng xe; thuê xe, giám sát kiểm tra, công tiêm chủng ..., nguồn kinh phí từ nguồn phòng chống dịch của Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí và quyết định các mục chi mua sắm, đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất... phục vụ đầy đủ công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Y tế[1] và các trang thiết bị, vật tư cần thiết khác để phục vụ cho công tác tiêm chủng.

- Bổ sung nội dung chi xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho lực lượng làm công tác tiêm chủng trước mỗi buổi tiêm (test nhanh kháng nguyên hoặc PCR), nguồn kinh phí từ nguồn phòng chống dịch của Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ, Sở Y tế lập dự toán chi tiết kinh phí xét nghiệm cùng với kinh phí tiêm vắc-xin theo từng đợt, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ theo quy định hiện hành.

- Kinh phí trang thiết bị, vật tư đảm bảo tiêm chủng tại các địa phương do Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm đảm bảo. Nếu vượt quá khả năng, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Y tế và Sở Tài chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan Thường trực; chịu trách nhiệm toàn diện, tổng thể việc triển khai Kế hoạch này đảm bảo yêu cầu tiến độ, an toàn, đúng đối tượng, quy trình theo quy định.

- Tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em và các hướng dẫn chuyên môn tiêm chủng, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo an toàn, tiến độ.

- Chủ trì phân bổ vắc xin tiêm cho các địa phương, đơn vị đảm bảo đúng đối tượng, thời gian; bố trí điều động các đội tiêm, đội cấp cứu theo từng đợt tương ứng với thời gian, số lượng vắc xin phân bổ và thực tế của từng địa phương để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo kế hoạch này.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo từng đợt.

- Lập dự toán kinh phí phục vụ công tác tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình duyệt đảm bảo quy định hiện hành.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, chuyên môn, chất lượng, các yêu cầu tiêm chủng hàng ngày tại các địa phương, tổng hợp báo cáo kết quả tiêm chủng theo từng ngày và khi đột xuất, bất thường ngay về BCĐ PCD cấp tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng theo quy định.

- Chủ động xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Y tế, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch và xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh; đồng thời báo cáo, đề xuất BCĐ PCD cấp tỉnh- BCĐ tiêm chủng và Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các nội dung bất thường, phát sinh.

2. Sở Tài chính: Thẩm định kinh phí triển khai đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Sở Y tế xây dựng, đề xuất.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng công an, Công an địa phương phối hợp với Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng địa phương đảm bảo an ninh trật tự trong công tác tổ chức tiêm chủng trên địa bàn.

- Bố trí phương tiện vận chuyển cấp cứu hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm chủng theo đề nghị của Sở Y tế.

- Chỉ đạo công an các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, hoàn thiện danh sách quản lý đối tượng tiêm chủng trên phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo chính xác, không bỏ sót đối tượng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì phối hợp với đơn vị kỹ thuật hoàn thiện phần mềm tiêm chủng; chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương sử dụng các phần mềm tiêm chủng và liên thông với dữ liệu hồ sơ sức khỏe toàn dân.

- Chủ trì triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ tiêm chủng theo định hướng của tỉnh;

- Định hướng Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí có quan hệ hợp tác truyền thông; các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện, các phóng viên thường trú và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và vận động người dân hiểu, tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

5. Trung tâm Truyền thông tỉnh: Thực hiện tuyên truyền trên các hạ tầng truyền thông (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang mạng xã hội, sử dụng đa dạng các hình thức, thể loại báo chí để thông tin tuyên truyền với thời lượng, tần suất và nội dung phù hợp về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin cũng như các tác dụng không mong muốn để người dân biết và tích cực tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo định hướng truyền thông của tỉnh.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích, quy mô của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 05 đến 11 tuổi, thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh trong độ tuổi theo lớp; vận động cha mẹ học sinh, người giám hộ cho con, em tham gia tiêm chủng chiến dịch và ký phiếu đồng thuận đối với trẻ em; kiểm tra, giám sát trước, trong khi triển khai chiến dịch; Bố trí nhân lực hỗ trợ, phòng, trang thiết bị bàn ghế, các trang thiết bị hỗ trợ khác đối với các trường tổ chức điểm tiêm chủng.

- Chỉ đạo hoặc phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo Hiệu trưởng các trường, Trung tâm làm Phó trưởng điểm tiêm chủng, trực tiếp tham gia điều hành trong suốt thời gian diễn ra tiêm chủng tổ chức tại đơn vị.

- Chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học trong những ngày diễn ra tiêm chủng.

- Đảm bảo công tác hậu cần cho học sinh tại các điểm tiêm tại trường học.

- Bố trí cho học sinh nghỉ học để tham gia tiêm chủng, tùy theo số lượng học sinh của trường có thể bố trí nghỉ một số buổi học để đảm bảo an toàn cho buổi tiêm.

7. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Vận động các phụ huynh cho con em tham gia tiêm chủng, đồng thời bố trí để phụ huynh nghỉ tối thiểu 01 ngày làm việc để đưa con tham gia tiêm chủng và chăm sóc, theo dõi sau tiêm chủng.

8. BCĐ PCD/ BCĐ tiêm chủng - Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Công an địa phương rà soát, đối chiếu, hoàn thành danh sách quản lý đối tượng tiêm chủng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và cập nhật đầy đủ trên phần mềm quản lý tiêm chủng/ hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân; chịu trách nhiệm toàn diện về sự chính xác số đối tượng trẻ em thống kê trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thông tin, vận động phụ huynh phối hợp cho con em tham tiêm chủng vắc xin đảm bảo tất cả các đối tượng từ 05 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn đều được tiếp cận và tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót, đúng thời gian.

- Chỉ đạo các điểm tiêm làm tốt công tác tổ chức tiêm chủng, đảm bảo chu đáo, an toàn, nề nếp, trật tự, an toàn phòng chống dịch, an toàn tiêm chủng; Tổ chức tốt các lực lượng hỗ trợ trong việc điều tiết bố trí nhân lực cho các bàn tiêm, điểm tiêm đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tế của địa phương.

* Lưu ý: Tại các điểm tiêm chủng quản lý đối tượng và cập nhật mũi tiêm trên hệ thống file Excel (theo biểu mẫu gửi kèm), thực hiện cập nhật vào phần mềm Tiêm chủng COVID trong ngày tiêm chủng, các điểm tiêm khó khăn về mạng truyền Internet cần cập nhật ngay sau khi kết thúc chiến dịch.

- Bố trí đủ, kịp thời kinh phí hỗ trợ các đơn vị, lực lượng triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn huyện.

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình tổ chức tiêm chủng trên địa bàn, kịp thời báo cáo và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tối đa mọi mặt cho các lực lượng, nhất là y tế để đảm bảo tiêm chủng đạt mục tiêu yêu cầu đề ra.

Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở kế hoạch này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai chiến dịch, gửi kế hoạch về Sở Y tế trước ngày 12/4/2022 để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tiêm chủng tỉnh Quảng Ninh; gửi báo cáo kết quả hoạt động chiến dịch về Sở Y tế sau mỗi ngày tiêm chủng và khi kết thúc chiến dịch./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ QG PCD COVID-19 (báo cáo);
- Bộ Y tế, VP Chính phủ (báo cáo);
- Đ/c BT TU, Trưởng BCĐ PCD tỉnh;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh, các TC CT-XH tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- BCĐ PCD, UBND các huyện, Tx, TP;
- V0, V1-3, DL1, TM1-6;
- Lưu: VT, VX5.
             PND-KH22.03

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hạnh

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP ĐỐI TƯỢNG TIÊM CHỦNG TRẺ 5-DƯỚI 12 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh)

Stt

Xã/phường/thị trấn

Tổng số đối tượng 5 - dưới 12 tuổi

Nhóm trẻ ở độ tuổi đi học mầm non

Nhóm trẻ ở độ tuổi đi học Tiểu học (gồm cả thường trú và tạm trú)

Nhóm trẻ ở độ tuổi đi học THCS <12 tuổi (gồm cả thường trú và tạm trú)

Trẻ học lớp Mầm non

Trẻ trong cộng đồng (không đi học)

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Trẻ trong cộng đồng (không đi học)

Lớp 6

Lớp 7 đang ở tuổi nhỏ hơn 12 tuổi (đi học sớm)

Trẻ trong cộng đồng (không đi học)

1

Đông Triều

21.366

3.025

40

3.148

3.146

3.153

3.607

2.930

53

2.260

1

3

2

Uông Bí

17.002

2.318

12

2.457

2.442

2.483

2.938

2.466

17

1.720

141

8

3

Quảng Yên

17.846

2.605

41

2.679

2.550

2.603

3.103

2.333

21

1.908

0

3

4

Hạ Long

47.400

6.977

235

6.892

6.835

6.888

8.227

6.687

61

4.575

1

22

5

Cẩm Phả

25.447

3.674

62

3.625

3.637

3.721

4.480

3.611

54

2.570

0

13

6

Vân Đồn

6.256

908

10

970

958

962

1.035

816

8

561

1

27

7

Cô Tô

923

156

0

132

138

133

157

98

0

104

3

2

8

Ba Chẽ

3.313

588

2

555

466

454

484

459

15

288

0

2

9

Tiên Yên

7.421

1.297

2

1.110

1.161

1.023

1.172

979

6

670

0

1

10

Bình Liêu

4.636

788

0

680

642

716

712

639

0

459

0

0

11

Đầm Hà

5.518

932

0

790

784

784

882

768

1

573

0

4

12

Hải Hà

8.783

1.486

8

1.358

1.270

1.274

1.263

1.123

14

933

54

0

13

Móng Cái

15.286

2.279

85

2.291

2.251

2.287

2.538

2.125

20

1.402

0

8

Tổng

181.197

27.033

497

26.687

26.280

26.481

30.598

25.034

270

18.023

201

93

 

PHỤ LỤC 2

MẪU PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮCXIN PHÒNG COVID-19
(Kèm theo Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh)

PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19

1. Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc COVID-19. Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.

2. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ... hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và:

Đồng ý cho trẻ tiêm chủng □           Không đồng ý cho trẻ tiêm chủng □

Họ tên cha/mẹ hoặc người giám hộ: …………………………………………………………………

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………

Họ tên trẻ được tiêm chủng: …………………………………………………………………

 

………, ngày ……… tháng ………… năm 2022
Cha/mẹ hoặc người giám hộ
(Ký, ghi rõ họ tên)




 

PHỤ LỤC 3

BIỂU MẪU DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG TRẺ DƯỚI 12 TUỔI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19
(Kèm theo Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh)

TT

HỌ VÀ TÊN (*)

Ngày tháng năm sinh (dd/mm /yyyy) (*)

Giới tính (Nam; Nữ) (*)

Mã nhóm danh mục đối tượng ưu tiên (*), (**)

Đơn vị (Lớp, Trường)

Số điện thoại (Tối thiểu 10 số)

Số CMT/ CCCD/ Hộ chiếu

Số thẻ BHYT (Nếu có)

Họ tên người giám hộ (*)

Quan hệ với đối tượng tiêm (1: Mẹ; 2: bố: 3: người giám hộ) (*)

Số Điện thoại người giám hộ (Tối thiểu 10 số)

ĐỊA CHỈ NƠI Ở HIỆN TẠI

Mũi 1

Mũi 2

Ghi chú

Tên Tỉnh/ TP(*)

Tên Quận/ huyện

Tên Phường/ xã (*)

Địa chỉ chi tiết

Tên vắc xin (*)

Ngày tiêm dạng dd/mm /yyyy (*)

Lô vắc xin (*)

Địa điểm tiêm (*)

Tên vắc xin (*)

Ngày tiêm dạng dd/mm/ yyyy(*)

Lô vắc xin (*)

Địa điểm tiêm (*)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*: Yêu cầu bắt buộc

**: Theo quy định hiện hành

 

Người làm báo cáo

Ngày ……… tháng ……… năm 2022
Lãnh đạo đơn vị

 



[1] Văn bản số 3068/SYT-NVY ngày 20/8/2021

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 112/KH-UBND triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022

  • Số hiệu: 112/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản