Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/KH-UBND | Bắc Kạn, ngày 29 tháng 3 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1675/QĐ-TTG NGÀY 29/8/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; các cấp, các ngành đã chú trọng đến việc quản lý, sử dụng đất, đưa việc quản lý đất đai ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, qua kết quả thanh, kiểm tra và thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như: Sử dụng đất sai mục đích, tự ý cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng trái pháp luật, nhiều tổ chức, đơn vị sử dụng đất được giao, cho thuê không hiệu quả, để bị lấn chiếm gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai...; tại một số địa phương công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất: đai chưa quan tâm đúng mức chưa tuân thủ đúng trình tự quy định của pháp luật.
Thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020; nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020, nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh;
- Tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, về đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai;
- Qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân; rà soát đánh giá hệ thống pháp luật và tình hình chấp hành pháp luật đất đai; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật và các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.
2. Yêu cầu
- Việc thanh tra, kiểm tra bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra, kiểm tra,
- Kết quả thanh tra được tổng hợp, đánh giá đúng thực trạng; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định. Tổng hợp kết quả thanh tra, kết quả xử lý, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai
a) Kiện toàn, tăng cường năng lực cho Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thanh tra trực thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về đất đai cho công chức, viên chức thực hiện thanh tra đất đai.
Thời gian thực hiện trong năm 2017.
b) Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai:
- Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện thiết lập, công bố rộng rãi và thông báo thường xuyên về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
- Yêu cầu tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai:
+ Việc tiếp nhận thông tin phản ánh theo nhiều hình thức: Điện thoại, thư điện tử, qua đường bưu điện;
+ Phải có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh;
+ Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của từng cơ quan quản lý đất đai các cấp;
+ Mọi thông tin phản ánh tiếp nhận phải được ghi vào sổ sách để theo dõi, đôn đốc thực hiện;
+ Các thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ rõ ràng đều phải được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra để giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật đất đai và các quy định khác có liên quan;
+ Kết quả giải quyết các thông tin phản ánh được tổng hợp gửi về cơ quan tiếp nhận thông tin để theo dõi, tổng hợp báo cáo. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30 tháng 11 hàng năm theo yêu cầu.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đất đai cho người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hình thức phù hợp, các ngành, các cấp tăng cường thực hiện tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về đất đai cho người sử dụng đất để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai.
Thời gian thực hiện liên tục từ năm 2017 đến năm 2020.
2. Tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai: Việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai thống nhất theo từng chuyên đề mỗi năm.
2.1. Thời điểm thanh tra.
Từ ngày 01/7/2014 (ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) đến thời điểm thanh tra.
2.2. Phạm vi và đối tượng thanh tra
Bao gồm: Các cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp quản lý nhà nước về đất đai (Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Thuế, Xây dựng); UBND cấp huyện, UBND cấp xã; khu công nghiệp; các đơn vị, tổ chức sử dụng đất vi phạm, có dấu hiệu vi phạm.
2.3. Nội dung thanh tra
- Cấp tỉnh: Thanh tra việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và việc tham mưu giúp UBND các cấp quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, trọng tâm là các thủ tục: Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả thông qua đấu giá); đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Cấp huyện:
Thanh tra việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai của UBND cấp huyện; trọng tâm là: Lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân; việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất tại địa phương.
- Cấp xã:
Thanh tra việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai của UBND cấp xã; trọng tâm là các nội dung: Quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp dành cho công ích của xã; tham gia thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất tại địa phương.
- Đối với khu công nghiệp và các đơn vị, tổ chức sử dụng đất:
Thanh tra việc sử dụng đất và việc chấp hành pháp luật đất đai của các đơn vị, tổ chức vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
2.4. Thời gian thanh tra.
a) Năm 2017:
- Cấp tỉnh thực hiện thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan; Thanh tra chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai và việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại của 05 đơn vị cấp huyện và 02 đơn vị đơn vị cấp xã trực thuộc huyện. Cụ thể:
+ Thành phố Bắc Kạn, phường Sông Cầu, phường Huyền Tụng;
+ Huyện Chợ Mới, xã Nông Hạ, thị trấn Chợ Mới;
+ Huyện Ba Bể, xã Địa Linh, xã Hà Hiệu;
+ Huyện Ngân Sơn, xã Vân Tùng, xã Thuần Mang;
+ Huyện Pác Nặm, xã Bộc Bố, xã Nghiên Loan
- Cấp huyện: UBND cấp huyện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp xã, tối thiểu 05 đơn vị cấp xã thuộc mỗi huyện (trừ các xã cấp tỉnh đã tiến hành thanh tra).
b) Năm 2018:
Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, việc chấp hành pháp luật đất đai tại khu công nghiệp Thanh Bình, những đơn vị, tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai (11 đơn vị).
c) Năm 2019:
Tiếp tục thanh tra đối với những đơn vị, tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai (10 đơn vị).
d) Năm 2020:
Thanh tra chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trọng tâm là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác; việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất có nguồn gốc từ đất trồng lúa tại 05 huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì.
3. Kinh phí thực hiện:
Thực hiện theo phân cấp ngân sách, quy định hiện hành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:
+ Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về đất đai cho công chức, viên chức thực hiện thanh tra đất đai.
+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý đất đai tại 05 huyện, thành phố và 10 đơn vị cấp xã theo kế hoạch của năm 2017.
+ Thanh tra các đơn vị, tổ chức sử dụng đất theo kế hoạch của các năm 2018, 2019 và 2020.
- Hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện; giải quyết theo trách nhiệm, thẩm quyền, quy định, tham mưu đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm pháp luật về đất đai, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Tổng hợp kết quả thanh tra, tham mưu tổ chức tổng kết thực hiện Đề án; tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Thanh tra tỉnh
- Xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra theo kế hoạch của các năm 2017, 2018, 2019 và 2020.
3. Sở Tài chính: Phối hợp thực hiện và thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo chức năng, nhiệm vụ khi có đề nghị, yêu cầu.
4. Các sở, ngành có liên quan
Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tư pháp phối hợp thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
5. UBND cấp huyện
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và nội dung Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp theo quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
- Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. UBND cấp xã
Phối hợp thực hiện các nội dung Kế hoạch có liên quan.
Yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Kết quả thực hiện báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, yêu cầu các đơn vị chủ động và kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2314/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tỉnh Đắk Nông, giai đoạn đến 2020
- 2Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020 do tỉnh An Giang ban hành
- 3Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Kế hoạch 1793/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 1Luật đất đai 2013
- 2Quyết định 1675/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2314/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tỉnh Đắk Nông, giai đoạn đến 2020
- 4Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020 do tỉnh An Giang ban hành
- 5Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Kế hoạch 1793/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020 theo Quyết định 1675/QĐ-TTg do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- Số hiệu: 108/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 29/03/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Nông Văn Chí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/03/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra