Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10795/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 10 tháng 10 năm 2018 |
- Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tỉnh Đồng Nai, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
- Đảm bảo hàng hóa phục vụ các ngày lễ, tết trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra trường hợp găm hàng, khan hiếm hàng hóa và tăng giá hàng hóa cục bộ.
- Thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.
II. CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN GIÁ MẶT HÀNG THIẾT YẾU NĂM 2018-2019
1. Danh mục mặt hàng và lượng hàng tham gia Chương trình
1.1 Mặt hàng
Triển khai đối với 11 mặt hàng: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm, gia vị (bột ngọt, bột nêm), nước chấm (nước tương, nước mắm), sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược.
1.2 Lượng hàng
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện tại khoảng 3,031 triệu người cùng một số lượng khách vãng lai, nhập cư, kế hoạch này dự kiến phục vụ cho khoảng 3,2 triệu người (khoảng 799.000 hộ). Thời gian dự trữ: 01 tháng.
STT | Mặt hàng | ĐVT | Số lượng |
1 | Gạo | kg | 400.000 |
2 | Đường | kg | 259.200 |
3 | Dầu ăn | lít | 241.920 |
4 | Thịt gà | kg | 158.400 |
5 | Thịt heo | kg | 440.000 |
6 | Trứng gia cầm | quả | 2.400.000 |
7 | Bột ngọt, bột nêm | kg | 69.120 |
8 | Nước chấm: |
|
|
| - Nước mắm | lít | 352.000 |
| - Nước tương | lít | 172.000 |
9 | Sách giáo khoa | bộ | 451.895 |
10 | Vở học sinh | quyển | 200.000 |
Ghi chú:
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng sách giáo khoa - vở học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu, có kinh nghiệm và năng lực tổ chức, thực hiện tốt chính sách pháp luật về thuế và có hệ thống phân phối, đáp ứng đầy đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình. Doanh nghiệp được vay vốn từ ngân sách với lãi suất bằng không để thực hiện chương trình bình ổn giá sách giáo khoa, vở học sinh niên học 2018-2019, sau khi có phê duyệt của UBND tỉnh, văn bản thẩm định của Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ làm thủ tục cho vay.
2. Đối tượng và điều kiện tham gia
Tất cả các thương nhân thuộc thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật được tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh
2.1 Đối tượng
- Đối tượng được vay vốn ngân sách: Là thương nhân thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, gồm: Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); các hộ kinh doanh và các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại.
- Đối tượng được đề nghị cam kết tham gia bình ổn thị trường của tỉnh khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ vào các dịp lễ, tết, thiên tai, dịch bệnh...: Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đang kinh doanh các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn giá (ngoài 03 mặt hàng: Thuốc tân dược, sách giáo khoa và vở học sinh).
2.2 Điều kiện tham gia
- Đối với các đơn vị được vay vốn ngân sách:
+ Được thành lập theo quy định của pháp luật.
+ Có chức năng sản xuất, kinh doanh cung ứng bán buôn và bán lẻ hàng hóa phù hợp với các mặt hàng thuộc Chương trình bình ổn; có uy tín, năng lực; đáp ứng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình;
+ Cam kết tổ chức phân phối hàng hóa phù hợp với chủng loại, số lượng theo kế hoạch đã được thẩm định, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm;
+ Có năng lực tài chính;
+ Có ít nhất 01 điểm bán bình ổn giá;
+ Ưu tiên xét chọn những đơn vị đã tham gia tích cực và chấp hành tốt các quy định của chương trình trong những năm trước;
- Đối với các đơn vị cam kết tham gia bình ổn giá được hỗ trợ kinh phí phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa đến nơi thiếu hàng:
+ Có chức năng sản xuất, kinh doanh cung ứng bán buôn và bán lẻ hàng hóa phù hợp với các mặt hàng thuộc Chương trình bình ổn; có uy tín, năng lực; đáp ứng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình;
+ Cam kết tham gia chương bình ổn và cung ứng kịp thời hàng hóa khi xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá hàng hóa cục bộ vào các dịp lễ, tết, thiên tai, dịch bệnh...
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của thương nhân tham gia Chương trình
3.1 Quyền lợi
- Có văn bản đăng ký tham gia chương trình bình ổn của tỉnh.
- Được vay vốn từ ngân sách để tổ chức dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã được thẩm định (áp dụng với một số đối tượng cụ thể); được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa khi tham gia cùng địa phương thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
- Được ưu tiên hỗ trợ các chính sách đầu tư phát triển hệ thống, được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi tham gia Chương trình.
- Được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của Chương trình và được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu.
- Được sử dụng biểu trưng (logo), băng rôn Chương trình Bình ổn thị trường Đồng Nai theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
3.2 Nghĩa vụ
- Đăng ký chủng loại, số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia chương trình.
- Tổ chức phân phối hàng hóa theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đã được thẩm định; đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.
- Phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; trọng tâm phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể.
- Thông tin công khai địa chỉ các điểm bán; treo băng rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá; trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn, trả phí đúng quy định theo hợp đồng đã ký với Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã hoặc Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai.
- Thực hiện đúng các cam kết của đơn vị, các quy định của chương trình.
4. Cơ chế thực hiện Chương trình
4.1 Thời gian:
- Thời gian thực hiện chương trình bán hàng bình ổn: 12 tháng, bắt đầu từ ngày ký ban hành Kế hoạch này đến hết ngày 30/9/2019.
4.2 Nguồn vốn
a) Nguồn vốn vay:
- Cấp vốn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho các đối tượng tham gia chương trình bình ổn vay với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa (đối với mặt hàng: gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, bột nêm, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm); trong đó dành 6,5 tỷ cho khối hợp tác xã, 02 tỷ cho khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 1,5 tỷ dự phòng để thực hiện chương trình bình ổn giá.
- Cấp vốn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho đơn vị tham gia bình ổn giá sách giáo khoa, vở học sinh vay với lãi suất 0% (đơn vị tham gia do Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu kèm theo kế hoạch thực hiện của đơn vị đăng ký tham gia).
- Sở Tài chính căn cứ nguồn vốn trên, tiến hành ký hợp đồng 01 lần với Quỹ trợ vốn phát triển Hợp tác xã và Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai. Trên cơ sở kết quả thẩm định của các cơ quan có liên quan, Sở Tài chính sẽ giải ngân theo tiến độ.
- Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thuộc đối tượng được vay vốn từ ngân sách với lãi suất bằng không, nhưng trả phí cho Quỹ với mức phí vay 0,2%/tháng, trong đó: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay qua Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai; hợp tác xã vay vốn qua Quỹ trợ vốn phát triển Hợp tác xã.
- Riêng các đơn vị cam kết tham gia bình ổn: được thanh toán các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa đến các vùng, địa phương thiếu hàng, theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh. Nguồn chi từ ngân sách nhà nước sau khi được Sở Công Thương thẩm định chuyển hồ sơ quyết toán qua Sở Tài chính duyệt chi.
- Các đơn vị tham gia chương trình đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc bù đắp được giá mua, chi phí lưu thông, có lãi và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% trở lên. Riêng đối với các mặt hàng thịt heo, gà và trứng gia cầm, giá bán phải phù hợp với giá sản xuất (tức là phải mua với giá có lợi nhuận cho người nông dân và bán với giá hợp lý cho người tiêu dùng), giảm tình trạng chênh lệch giữa giá sản xuất và tiêu dùng.
- Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm giá đối với sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng, đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán sau khi Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản hoặc đơn vị chủ động điều chỉnh giảm giá bán tương ứng đồng thời gửi thông báo về Sở Tài chính.
Khuyến khích đơn vị tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến vùng sâu, vùng xa, các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.
7. Về công khai thông tin tại nơi bán
Tất cả các điểm bán hàng bình ổn giá phải treo băng rôn và dán biểu trưng của chương trình bình ổn giá. Trong các quầy, kệ mà có mặt hàng tương tự, cùng loại nhưng không nằm trong danh sách bình ổn thì những mặt hàng bình ổn phải được ghi rõ là mặt hàng bình ổn giá để người mua và cơ quan quản lý nhà nước biết, kiểm tra. Phải niêm yết giá mặt hàng bình ổn rõ ràng, dễ thấy, dễ đọc. Khi không tham gia nữa phải xóa, bỏ ngay các thông tin này.
- Tất cả các đơn vị tham gia bình ổn phải báo cáo tình hình, kết quả thực hiện mỗi tháng 01 lần, trước 15 giờ ngày 03 hàng tháng (nếu ngày báo cáo rơi vào thứ bảy, chủ nhật, lễ thì báo cáo vào ngày làm việc liền kề) về phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
- Địa phương tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình bình ổn giá trên địa bàn về Sở Công Thương trước 15 giờ ngày 05 hàng tháng về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Khi có biến động về giá, hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình báo cáo nhanh về Sở Công Thương bằng fax hoặc mail, báo cáo bằng giấy gửi sau.
III. PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2019
1. Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết
1.1 Về nhu cầu
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện tại khoảng 3,031 triệu người và khách vãng lai, nhập cư (dự kiến khoảng 3,2 triệu người, tương ứng khoảng 799.000 hộ). Dự báo nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày trước trong và sau Tết:
STT | Mặt hàng | ĐVT | Nhu cầu 01 hộ | Tổng nhu cầu của tỉnh (theo ĐVT) | Tổng vốn (ngàn đồng) |
1 | Gạo | kg | 20 | 15.980.000 | 191.760.000 |
2 | Đường | kg | 5 | 3.995.000 | 79.900.000 |
3 | Dầu ăn | lít | 2 | 1.598.000 | 52.734.000 |
4 | Thịt gà | kg | 3 | 2.397.000 | 143.820.000 |
5 | Thịt heo | kg | 5 | 3.995.000 | 339.575.000 |
6 | Trứng | quả | 20 | 15.980.000 | 47.940.000 |
7 | Bột ngọt, bột nêm | kg | 0.5 | 399.500 | 11.186.000 |
8 | Nước mắm | lít | 2 | 1.598.000 | 55.930.000 |
9 | Nước tương | lít | 1 | 799.000 | 21.573.000 |
11 | Xăng, dầu | lít | 10 | 7.990.000 | 135.830.000 |
12 | Sản phẩm chế biến | kg | 3 | 2.370.000 | 284.400.000 |
| Cộng |
|
|
| 1.364.648.000 |
1.2 Dự báo tình hình và khả năng cung cấp hàng hóa
Mỗi năm lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất trong tỉnh tăng từ 10 - 15%, ngoài ra, mức sống của người dân hiện nay đang dần được nâng, cao, tục lệ dự trữ hàng hóa cho ngày Tết của bà con đã giảm, nên tình trạng đầu cơ, găm hàng để tăng giá sẽ ít xảy ra. Do đó, hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết luôn dồi dào, đa dạng về chủng loại, giá cả ổn định và không biến động nhiều so với ngày thường.
Dự báo sức mua trong dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với Tết năm trước và tăng 15 - 20% so với ngày thường (tăng từ ngày 23/12 đến ngày 30/12 âm lịch) và năm nay Tết Nguyên đán cách Tết Dương lịch chỉ 01 tháng và thời gian nghỉ tết dài, nên các đơn vị sản xuất hàng hóa phục vụ Tết phải chuẩn bị hàng hóa từ sớm nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa tăng từ 15 - 20% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.
2. Phương thức đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và thời gian thực hiện
2.1 Phương thức đảm bảo cung ứng hàng hóa
- Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các siêu thị trung tâm thương mại, đề nghị các đơn vị báo cáo về lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết và cam kết dự trữ để chủ động phương án bổ sung khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá cục bộ. Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, những biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết; phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá; khuyến khích doanh nghiệp chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa góp phần bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chợ trên địa bàn cần chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nguyên liệu hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường chất lượng và giá cả hợp lý.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng vốn tự có của đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác để dự trữ hàng phục vụ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tổ chức cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết thông qua hệ thống đại lý. Trong đó, các đơn vị đã cam kết tham gia bình ổn giá năm 2018 - 2019 và cung ứng, phân phối hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết được ngân sách tỉnh thanh toán các khoản chi phí tăng thêm khi vận chuyển cung ứng hàng hóa đến nơi thiếu hàng theo sự điều động của Sở Công Thương.
- Các đơn vị đã được vay vốn ngân sách tham gia chương trình bình ổn giá, tổ chức dự trữ hàng hóa theo kế hoạch bình ổn giá đã được thẩm định, đồng thời, các hợp tác xã căn cứ khả năng của đơn vị xây dựng kế hoạch bán hàng lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa cũng được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí vận chuyển nhân công và bao bì. Các hợp tác xã không tham gia chương trình bình ổn giá, chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ tết và tổ chức dự trữ hàng hóa theo kế hoạch từ nguồn vốn tự có của đơn vị.
2.2 Điều kiện tham gia chương trình bán hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa và nguồn vốn hỗ trợ
- Về điều kiện: Các hợp tác xã bán hàng lưu động phải kinh doanh các mặt hàng phù hợp với danh mục 08 nhóm/mặt hàng (gạo; đường; dầu ăn; trứng gia cầm; thịt heo; thịt gà; bột ngọt, bột nêm; nước chấm)
- Về thủ tục: Các hợp tác xã có khả năng bán hàng lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa gửi kế hoạch về Sở Công Thương, để phối hợp Sở Tài chính thẩm định số chuyến bán hàng, mức kinh phí hỗ trợ trên cơ sở năng lực, nhu cầu của các đơn vị tham gia.
- Về nguồn vốn:
+ Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng vốn tự có của đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác để dự trữ hàng phục vụ tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
+ Nguồn vốn ngân sách: Cấp 600.000.000 đồng từ nguồn ngân sách tỉnh vào nguồn chi không thường xuyên của Sở Công Thương để chi phí hỗ trợ các chuyến bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của các hợp tác xã như: chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì.
2.3 Các phiên chợ hàng Việt phục vụ nông thôn, công nhân
Sở công Thương thực hiện theo chương trình xúc tiến thương mại năm 2019 gồm 02 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và 10 chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp.
2.4 Thời gian thực hiện
- Đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các trung tâm thương mại, siêu thị căn cứ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết và báo cáo Sở Công Thương trước ngày 01/12/2018 (nhằm ngày 25/10/2018 Âm lịch);
- Thời gian bán hàng lưu động phục vụ tết được hỗ trợ kinh phí là 02 tháng trước Tết Nguyên đán (tháng 11 và tháng 12 âm lịch), các hợp tác xã trình kế hoạch bán hàng lưu động về Sở Công Thương trước ngày 30/11/2018
2.5 Chế độ báo cáo
- Đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao báo cáo công tác phục vụ Tết gửi về Sở Công Thương (theo quy định của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về báo cáo tình hình phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019).
1. Sở Công Thương
Là cơ quan thường trực của Chương trình; chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này, lập báo cáo định kỳ hàng tháng, cuối đợt có báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, cụ thể:
- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị được vay vốn trong quá trình chuẩn bị và thực hiện kế hoạch; kết nối các đơn vị trong việc tổ chức bán buôn, lẻ. Thường trực để tiếp nhận, xử lý các nội dung quy định tại kế hoạch. Kịp thời xử lý tình huống khan hiếm, biến động giá đột xuất tại các địa phương trong tỉnh, yêu cầu các đơn vị đưa hàng đến các điểm có biến động giá tăng đột biến.
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan, các địa phương hướng dẫn thủ tục, vận động tham gia, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia. Phối hợp với Sở Tài chính và Liên minh Hợp tác xã (khi đối tượng tham gia là hợp tác xã) thẩm định kế hoạch của các đơn vị đăng ký tham gia chương trình có vay vốn ngân sách, kể cả kế hoạch bán hàng lưu động phục vụ tết và kiểm tra việc triển khai thực hiện; Quyết định việc thay đổi đơn vị được tham gia, vay vốn, mức vốn vay, số lượng, loại hàng cụ thể cho phù hợp tình hình thực tế trong từng thời điểm (nhưng không được vượt quá số tiền dành cho chương trình).
- Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cam kết tham gia bình ổn và phối hợp Sở Tài chính thanh toán chi phí bán hàng phát sinh khi các đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, cung ứng hàng đến điểm thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Chủ trì thực hiện việc in, cung cấp băng rôn, biểu trưng của chương trình, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện treo băng rôn, dán biểu trưng. Phối hợp Sở Tài chính thanh toán mức hỗ trợ đối với các hợp tác xã thương mại dịch vụ tham gia bán hàng lưu động phục vụ Tết Nguyên đán.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bình ổn giá của các đơn vị tham gia; hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn và các điểm tập trung công nhân.
- Phối hợp Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các địa phương trong công tác phát triển điểm bán hàng bình ổn tại vùng nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực có ít điểm bán.
- Phối hợp Sở Giáo dục và Đạo tạo, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan làm việc với các nhà cung ứng sản phẩm đáp ứng hài hòa nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, thực hiện kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các mặt hàng bình ổn giá.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường và tình hình cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tham gia chương trình, để kịp thời thực hiện biện pháp bình ổn thị trường theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trong trường hợp vượt thẩm quyền. Chủ trì tổ chức các phiên chợ công nhân, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn... theo chương trình xúc tiến thương mại hàng năm đã được phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện cam kết của đơn vị và quy định của chương trình; phối hợp các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp các cơ quan thông tin - truyền thông cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về chương trình và tình hình cung - cầu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng hóa tham gia Chương trình; quảng bá sản phẩm, thương hiệu và hoạt động của đơn vị tham gia chương trình; kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin - truyền thông cho Chương trình.
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá. Kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật đối với các trường hợp lợi dụng thương hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm ảnh hưởng uy tín của Chương trình.
- Tổng hợp các điểm tham gia bán hàng bình ổn thị trường từ các huyện, thị, thành phố, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng bố trí, tiếp nhận hàng hóa để cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp lễ, tết.
- Tổ chức thu thập thông tin giá cả thị trường Tết và báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy, Bộ Công Thương, kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc (nếu có) của các đơn vị tham gia chương trình;
2. Sở Tài chính
- Phối hợp Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thẩm định Kế hoạch tham gia Chương trình của các đơn vị vay vốn ngân sách tham gia chương trình bình ổn giá; ký hợp đồng một lần với Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã và Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai và giải ngân theo tiến độ thẩm định vay vốn cho các đơn vị; chuyển nguồn cho Sở Công Thương thanh toán mức hỗ trợ đối với các đơn vị tham gia bán hàng lưu động phục vụ Tết Nguyên đán, thanh toán chi phí bán hàng phát sinh cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị khi vận chuyển, cung ứng hàng hóa đến vùng khan hiếm theo chỉ đạo UBND tỉnh.
- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của đơn vị tham gia Chương trình; thẩm định giá đăng ký, phê duyệt và công bố giá bán bình ổn thị trường của các đơn vị (trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký giá); chịu trách nhiệm kiểm tra, điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường theo đề nghị của các đơn vị, đảm bảo đúng quy định của chương trình (kể cả đơn vị đăng ký tham gia nhưng không có nhu cầu vay vốn).
- Phối hợp các sở, ngành chức năng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của đơn vị tham gia chương trình; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; chịu trách nhiệm điều chỉnh giá khi thị trường biến động hoặc có văn bản đề nghị tăng, giảm giá của đơn vị, đảm bảo đúng quy định của Chương trình (thời hạn giải quyết trong vòng 07 ngày làm việc từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị chỉnh giá của doanh nghiệp)
- Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá (nếu có); tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa lựa chọn, giới thiệu các trang trại, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm an toàn trên địa bàn tham gia hệ thống bán hàng bình ổn. Quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi, kiểm soát tổng đàn, duy trì lượng heo thịt như hiện nay, khuyến khích tăng lượng heo giống để đảm bảo tái đàn ổn định.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng thực phẩm đưa vào lưu thông.
- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành tập trung chỉ đạo tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, rau xanh để có đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; có biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm một cách hiệu quả, kịp thời, không để bùng phát thành dịch lớn, làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm; đề xuất, thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch, bệnh thâm nhập, lây lan.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, rau, quả.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chương trình bình ổn giá, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh; tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong và ngoài nước để nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, ngăn chặn có hiệu quả hành vi tung tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang và làm rối loạn thị trường.
- Phối hợp với Sở Công Thương cung cấp tài liệu cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và Đài truyền thanh các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức tuyên truyền cho người dân biết thụ hưởng chương trình, đặc biệt là người dân tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc ít người đang sinh sống.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí và Đài truyền thanh các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng các chuyên mục và dành thời lượng phát sóng phù hợp cho chương trình bình ổn giá của tỉnh để tuyên truyền đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp biết, tham gia.
- Phối hợp với cơ quan thường trực chương trình bình ổn giả thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình giải ngân, công tác phát triển điểm bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch tham gia chương trình của các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại; chỉ đạo Quỹ trợ vốn phát triển Hợp tác xã giải ngân vốn vay cho các hợp tác xã nhanh, kịp thời.
- Phối hợp UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa lựa chọn, giới thiệu các hợp tác xã có uy tín, có điều kiện về mặt bằng, nhân lực... tham gia hệ thống bán hàng bình ổn giá.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính kiểm tra, giám sát và giúp đỡ các hợp tác xã tổ chức tốt việc bán hàng bình ổn giá.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu công nghiệp
- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học phát triển mạng lưới bán sách giáo khoa, vở học sinh bình ổn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đề xuất chương trình bình ổn giá mặt hàng sách giáo khoa, vở học sinh cho niên học 2018 - 2019. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình tái sử dụng sách giáo khoa đạt hiệu quả.
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá, mở điểm bán hàng bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu người lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa
- Tất cả các địa phương phải tổ chức, triển khai mạng lưới bán hàng bình ổn trên địa bàn quản lý theo số lượng các điểm đã đăng ký; các huyện vùng sâu, vùng xa phải tổ chức ít nhất 06 chuyến bán hàng lưu động vào dịp trước Tết Nguyên đán. Phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh lựa chọn, giới thiệu các hợp tác xã thương mại dịch vụ uy tín trên địa bàn có đủ điều kiện về mặt bằng, nhân lực... tham gia hệ thống bán hàng bình ổn giá thường xuyên và đột xuất (khi có biến động giá), khuyến khích các đơn vị tham gia không vay vốn ngân sách và tiếp nhận hồ sơ, thẩm định kế hoạch của các đơn vị. Quan tâm đến công tác phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các địa phương còn ít hoặc chưa có điểm bán.
- Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đảm bảo nguồn hàng cung ứng đầy đủ cho thị trường tết tại địa phương với chất lượng ổn định, giá cả phù hợp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong cung cấp thông tin thị trường, bố trí, cung cấp thông tin về điểm bán bình ổn giá và sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa được điều động đến để can thiệp thị trường khi hàng hóa tăng giá đột biến hoặc khan hiếm.
- Các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá trên địa bàn và tổ chức thực hiện, việc xây dựng kế hoạch cần gắn với chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hoặc thông qua việc kết hợp với tiểu thương tại các chợ, các hợp tác xã quản lý chợ, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại,...
- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong công tác phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ các HTX tổ chức bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn (kể cả các trường hợp bán hàng lưu động liên huyện), đồng thời cũng tổ chức kiểm tra việc tổ chức bán hàng lưu động của các đơn vị theo đúng nội dung đã được duyệt.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trên địa bàn tích cực phối hợp với các sở, ngành thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, hàng hóa, bình ổn thị trường; trọng tâm là chỉ đạo việc niêm yết giá tại các chợ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp lệnh về giá; tích cực thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế việc buôn bán phân tán, lấn chiếm lòng lề đường nhất là hàng thực phẩm. Hướng dẫn cho các đơn vị lập kế hoạch bán hàng lưu động thường xuyên trong năm, phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong và ngoài địa bàn tham gia bán hàng bình ổn, bán lưu động vùng sâu vùng xa trên địa bàn.
- Chủ động phối hợp với các đoàn thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách và tình hình thị trường, ngăn ngừa các thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường, nhất là trong thời điểm cận Tết. Khi thị trường có dấu hiệu biến động giá bất thường, báo cáo và phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan để kịp thời xử lý.
- Chỉ đạo rà soát, lựa chọn các cơ sở giết mổ đủ điều kiện sẵn sàng nhận gia súc từ các đơn vị tham gia bình ổn giá để giết mổ, kịp thời cung cấp cho thị trường khi thị trường biến động tăng giá.
- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chương trình bình ổn giá của tỉnh nhằm vận động các hợp tác xã trên địa bàn tham gia; thông tin các điểm bán bình ổn cho người dân biết, mua sắm.
- Chỉ đạo Ban quản lý chợ phải quy hoạch ít nhất mỗi chợ 01 điểm bán hàng bình ổn giá kết hợp với bán các loại hàng hóa khác.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn lọc, giới thiệu các cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tham gia chương trình.
- Rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho đơn vị tham gia Chương trình đầu tư phát triển điểm bán; hỗ trợ phát triển điểm bán bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống.
- Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của chương trình tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Theo dõi sát, chủ động thông tin và phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung - cầu hàng hóa và các trường hợp biến động giá trên địa bàn (nếu có).
- Định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình trên địa bàn, tình hình cung - cầu hàng hóa và giá cả thị trường trên địa bàn gửi về Sở Công Thương, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
8. Các đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá
- Nghiên cứu phát triển thêm điểm bán tại khu vực vùng nông thôn, tổ chức thêm nhiều chuyến bán hàng lưu động vùng sâu vùng xa.
- Có kế hoạch nâng cấp các điểm bán hàng cố định, lưu động, từng bước công nghiệp hóa công tác tổ chức bán hàng; thực hiện nghiêm việc treo băng rôn, dán logo, niêm yết giá rõ ràng dễ thấy; sắp xếp, trưng bày sản phẩm có tính thẩm mỹ; hàng hóa chất lượng, có xuất xứ rõ ràng.
- Thực hiện kế hoạch bình ổn giá theo đúng cam kết, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định; sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định.
Trên đây là Kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu những tháng cuối năm 2018 và năm 2019, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019. Quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 2Chỉ thị 02/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 3Quyết định 146/QĐ-UBND về Phương án bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Quý I năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 4Chỉ thị 01/1999/CT-UB về quản lý giá và bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 5Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2019 về tổ chức có hiệu quả giải pháp, chỉ đạo điều hành giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 6Quyết định 2402/QĐ-UBND về Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 7Quyết định 4529/QĐ-UBND năm 2019 về Phương án bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 do tỉnh Bình Định ban hành
- 8Kế hoạch 11724/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu năm 2020-2021 và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021 do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 9Kế hoạch 545/KH-UBND năm 2011 về tổ chức Hội chợ bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nhâm Thìn năm 2012 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 10Quyết định 4781/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Phương án bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Bình Định ban hành
- 1Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 2Chỉ thị 02/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 3Quyết định 146/QĐ-UBND về Phương án bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Quý I năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 4Chỉ thị 01/1999/CT-UB về quản lý giá và bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 5Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2019 về tổ chức có hiệu quả giải pháp, chỉ đạo điều hành giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 6Quyết định 2402/QĐ-UBND về Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 7Quyết định 4529/QĐ-UBND năm 2019 về Phương án bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 do tỉnh Bình Định ban hành
- 8Kế hoạch 11724/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu năm 2020-2021 và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021 do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 9Kế hoạch 545/KH-UBND năm 2011 về tổ chức Hội chợ bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nhâm Thìn năm 2012 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 10Quyết định 4781/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Phương án bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Bình Định ban hành
Kế hoạch 10795/KH-UBND thực hiện Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm 2018 và năm 2019, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019 do tỉnh Đồng Nai ban hành
- Số hiệu: 10795/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 10/10/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Trần Văn Vĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/10/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra