Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Cà Mau, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” và Công văn số 1919/BKHCN-PTTTDN ngày 13/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025, UBND tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đồ án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh.

- Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng một lực lượng doanh nghiệp mới năng động, có khả năng cạnh tranh và hội nhập.

- Đến 2025, hỗ trợ phát triển ít nhất 100 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

II. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ VÀ LĨNH VỰC ƯU TIÊN HỖ TRỢ

1. Đối tượng hỗ trợ

Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

2. Các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ

Các lĩnh vực khoa học và công nghệ là nền tảng thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên hỗ trợ cho các ý tưởng và các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai như: Công nghệ thông tin và viễn thông; cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ sinh học; vật liệu mới, công nghệ nano; công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; khoa học và công nghệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải; phát triển và ứng dụng năng lượng mới; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác truyền thông và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ĐMST

- Xây dựng Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về khởi nghiệp ĐMST có khả năng liên kết, tích hợp thông tin với Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia và các Cổng Thông tin, Trang thông tin điện tử liên quan với mục đích khởi tạo một điểm kết nối, một diễn đàn chung dành cho cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau với các địa phương khác trong nước và quốc tế; đây sẽ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, dữ liệu, sự kiện... tạo tiền đề thúc đẩy sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ giữa các tổ chức, cá nhân nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

- Chuyển tải thông điệp đến mọi người dân, đặc biệt là trong thanh niên, sinh viên về văn hóa khởi nghiệp, kinh doanh, biết khát khao lập nghiệp, tự làm chủ, khám phá, sáng tạo và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp.

- Tổ chức các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về khởi nghiệp, kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh trong tỉnh.

- Xây dựng các khẩu hiệu, hình ảnh trực quan để tuyên truyền cổ động, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; xây dựng chuyên mục Khởi nghiệp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV), chuyên trang trên Báo Cà Mau, Đáo ảnh Đất Mũi, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau.

- Liên kết với các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp để nhằm giới thiệu về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho sinh viên tỉnh Cà Mau đang học tập trong và ngoài tỉnh.

2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp ĐMST

Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho thanh niên, sinh viên các khóa đào tạo về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và các chủ doanh nghiệp mới thành lập về các kỹ năng, kiến thức kinh doanh như: Hoàn thiện ý tưởng kinh doanh, cách thức lập dự án, trình bày dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng, kiến thức về quản lý, phát triển doanh nghiệp, kỹ năng quản trị tài chính, quản trị nhân lực, quản trị rủi ro doanh nghiệp, các kỹ năng về tiếp cận các nguồn tài chính, sử dụng vốn vay,...

3. Thành lập các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

3.1. Thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó Trưởng ban thường trực và lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan làm thành viên. Tổ Giúp việc cho Ban Chỉ đạo đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ và đại diện Sở Khoa học và Công nghệ làm Tổ trưởng; Tổ Giúp việc là cơ quan đầu mối tiếp nhận các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp Ban Chỉ đạo xem xét, sàng lọc các dự án khởi nghiệp ĐMST trước khi trình Ban Chỉ đạo xem xét.

3.2. Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Cà phê Khởi nghiệp

Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu là diễn đàn tập hợp những doanh nhân thành đạt của tỉnh, các doanh nghiệp do người Cà Mau xây dựng thành đạt ở các địa phương khác và các doanh nghiệp ngoài tỉnh có tâm huyết mong muốn đóng góp cho quê hương Cà Mau cùng tham gia để hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau phát triển.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Cà phê Khởi nghiệp ở các trường, các huyện và thành phố Cà Mau nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kết nối giữa thanh niên, sinh viên với nhau cũng như với nhà bảo trợ, các nhà đầu tư, các doanh nhân và các chuyên gia khởi nghiệp.

4. Tổ chức các sự kiện, cuộc thi khác về khởi nghiệp

Xây dựng Chương trình Mentorship. Đây là một chương trình kết hợp giữa Người cố vấn (Mentor) và Người được cố vấn (Mentee). Mục đích của chương trình này là nhằm kêu gọi và đề nghị lãnh đạo của các công ty thành công trong và ngoài tỉnh làm Người cố vấn cho một hoặc nhiều Người khởi nghiệp (Mentee). Người cố vấn sẽ truyền đạt kinh nghiệm, giúp định hướng sản phẩm, giúp tìm đầu ra, tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học công nghệ,... cho Người khởi nghiệp mà mình chọn thành công trong việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Định kỳ hàng năm tổ chức các sự kiện như tọa đàm, hội thảo, hội thảo khoa học về khởi nghiệp ĐMST; triển lãm, trưng bày các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; các cuộc thi ý tưởng, dự án, thi thuyết trình, gọi vốn đầu tư, thi kỹ năng đặc thù,... của cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối đầu tư - doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp - doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối nhân lực cho khởi nghiệp ĐMST và các hoạt động khác.

5. Hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố công bố và công khai đầy đủ các quy định về điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư trên Trang thông tin điện tử của từng đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị có liên quan phải hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

6. Hỗ trợ về vốn và mặt bằng

6.1. Về tín dụng

- Thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau theo quy định hiện hành. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế các cơ quan, đơn vị khác có thể thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp theo quy định.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khác hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

6.2. Về mặt bằng

- Ưu tiên quỹ đất dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thuê đất với mức giá ưu đãi theo các quy định hiện hành.

- Thực hiện công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh về các quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định, định hướng phát triển, các dự án kêu gọi đầu tư tại địa phương.

- Các Khu, Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau khi có quyết định thành lập) cần ưu tiên quỹ đất và các điều kiện khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có các dự án phù hợp.

7. Hỗ trở về thuế và thủ tục thuế

- Cục Thuế tỉnh Cà Mau thực hiện việc công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế; đồng thời, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trước khi thành lập doanh nghiệp.

- Thực hiện các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh với mức cao nhất theo các quy định hiện hành.

8. Hỗ trợ doanh nghiệp phát huy nội lực

8.1. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận được với chương trình khuyến công của tỉnh; tiếp cận và ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất sản phẩm hàng hóa.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ quản lý, tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến về quản lý, sản xuất hàng hóa.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

- Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các nhãn hiệu nông sản, hàng hóa đặc thù và có thể mạnh của tỉnh.

8.2. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Xây dựng và phát triển thêm các kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phân phối hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sản xuất.

- Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và bán các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh đến trực tiếp người tiêu dùng trong và ngoài nước.

8.3. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực, tổ chức các lớp đào tạo doanh nhân, cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chuẩn quốc tế về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động khi có nhu cầu.

9. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (dưỡng nghiệp)

- Tạo mọi điều điều kiện để liên kết, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, nhóm ngành nghề hoặc với các dự án, doanh nghiệp mới khởi nghiệp; hình thành một chuỗi giá trị sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

- Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, duy trì sự khác biệt trong sản phẩm và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.

- Xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia vào các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, truyền thông về sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để mở rộng thị trường.

10. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định, tăng trưởng nhanh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu ra tầm quốc gia và quốc tế, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

- Tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có chất lượng ra thị trường quốc tế.

- Tiếp tục theo dõi hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tiếp tục phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, trưởng thành, phòng tránh các rủi ro, suy thoái và phục hồi sau suy thoái.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch quy định tại Điểm IV, Điều 1 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”.

- Các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân và các quỹ đầu tư.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh giám sát quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các nội dung Kế hoạch này.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng, hàng năm cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm tổ chức tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau căn cứ Kế hoạch này triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; định kỳ 6 tháng, 01 năm hoặc theo yêu cầu đột xuất báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp.

Bảng phân công nhiệm vụ các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau theo Phụ lục đính kèm.

Các sở, ngành được giao thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch căn cứ nhiệm vụ chuyên môn, cân đối dự toán được giao hàng năm để thực hiện. Đối với các nhiệm vụ phát sinh, cơ quan chủ trì phối hợp các đơn vị được phân công báo cáo về Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ngân hàng NNVN chi nhánh tỉnh;
- Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh;
- Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Cà Mau;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
- Các Trường: ĐHBD, CĐYT, CĐCĐ, CĐ Nghề, Trung cấp KTKT;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh (VIC);
- Lưu: VT, Th12, Tu92.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Thân Đức Hưởng

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH; ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN VÀ THÀNH PHỐ CÀ MAU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 06/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

NỘI DUNG

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

THỜI GIAN

I

Công tác truyền thông và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ĐMST

1

- Xây dựng Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về khởi nghiệp ĐMST với mục đích khởi tạo một điểm kết nối, một diễn đàn chung dành cho cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau và cả nước.

- Xây dựng các khẩu hiệu, hình ảnh trực quan để tuyên truyền cổ động, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; xây dựng chuyên mục Khởi nghiệp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV), chuyên trang trên Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau.

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; các báo, đài, Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Thường xuyên

2

- Tổ chức các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về khởi nghiệp, kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh trong tỉnh.

- Liên kết với các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nhằm giới thiệu về Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho sinh viên tỉnh Cà Mau đang học tập trong và ngoài tỉnh.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Khoa học và Công nghệ; Hội Doanh nhân trẻ; Tỉnh đoàn; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

3

- Chuyển tải thông điệp đến mọi người dân, đặc biệt là trong thanh niên, sinh viên về văn hóa khởi nghiệp, kinh doanh, biết khát khao lập nghiệp, tự làm chủ, khám phá, sáng tạo sẵn sàng tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền

UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

II

Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp ĐMST

 

Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho thanh niên, sinh viên các khóa học về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và các chủ doanh nghiệp mới thành lập về các kỹ năng, kiến thức kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tỉnh đoàn; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Sở Công Thương; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

III

Thành lập các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

1

Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Sở Nội vụ

Sở Khoa học và Công nghệ; Văn phòng UBND tỉnh.

Quý IV năm 2017

2

Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Sở Nội vụ; Sở Công Thương; Tỉnh đoàn.

Năm 2017- 2018

3

Thành lập các Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Cà phê Khởi nghiệp.

Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh đoàn; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Trường Đại học Bình Dương, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên

IV

Tổ chức các sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp

 

Tổ chức các sự kiện, cuộc thi khác về khởi nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Tỉnh đoàn; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên và hàng năm

V

Hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư

 

Công bố và công khai đầy đủ các quy định về điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư. Hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện và thành phố Cà Mau; Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau.

Hoàn thành trong quý I/2018

VI

Hỗ trợ về vốn và mặt bằng

1

Thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau.

2017-2019

2

Tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khác hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng NNVN chi nhánh tỉnh Cà Mau; Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau.

Thường xuyên

3

Thực hiện công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh về các quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định, định hướng phát triển, các dự án kêu gọi đầu tư tại địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; UBND các huyện và thành phố Cà Mau; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau.

Thường xuyên

4

Ưu tiên quỹ đất dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thuê đất với mức giá ưu đãi theo các quy định hiện hành.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

2017-2018

VII

Hỗ trợ về thuế và thủ tục thuế

 

Thực hiện việc công khai, minh bạch các quy định của Luật quản lý thuế; đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trước khi thành lập doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với mức cao nhất theo các quy định hiện hành.

Cục Thuế tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thường xuyên

VIII

Hỗ trợ doanh nghiệp phát huy nội lực

1

Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

2

Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Sở Công Thương

Sở Khoa học và Công nghệ.

Thường xuyên

3

Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Công Thương; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

IX

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (dưỡng nghiệp)

1

Tạo điều kiện để liên kết, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, nhóm ngành nghề hoặc với các dự án, doanh nghiệp mới khởi nghiệp; hình thành một chuỗi giá trị sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

Sở Công Thương

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.

Thường xuyên

2

Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, duy trì sự khác biệt trong sản phẩm và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.

Thường xuyên

3

Xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia vào các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, truyền thông về sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để mở rộng thị trường.

Sở Công Thương

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.

Thường xuyên

X

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định, tăng trưởng nhanh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường

 

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu ra tầm quốc gia và quốc tế, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có chất lượng ra thị trường quốc tế.

Sở Công Thương

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

Thường xuyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025

  • Số hiệu: 106/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 06/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Thân Đức Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản