Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-CĐN

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG XỬ SƯ PHẠM, ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ Quy chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam ban hành ngày 30/8/2013 theo Quyết định số 3406/QĐ-BGDĐT; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về việc giao cho CĐGD Việt Nam triển khai các giải pháp tăng cường năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam xây dựng Kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

I. Mục tiêu

- Góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức và năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ NGNLĐ hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử và đạo đức nhà giáo và không vi phạm các quy chế, quy định của Ngành, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức trong đội ngũ NGNLĐ hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm đội ngũ NGNLĐ.

II. Nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, NGNLĐ trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật của nhà nước, các quy định của Ngành và các chuẩn mực hành vi ứng xử trong môi trường giáo dục

- Phổ biến kịp thời các văn bản, các quy định về đạo đức nhà giáo, các hành vi ứng xử trong và ngoài lớp học, trường học thông qua các buổi họp công đoàn, các buổi sinh hoạt chuyên đề do công đoàn phối hợp với chuyên môn cùng thực hiện.

- Tuyên truyền, vận động cán bộ NGNLĐ nắm vững và thực hiện nghiêm túc pháp luật của nhà nước, các quy định của ngành, bộ quy tắc ứng xử trong trường học...

Trước mắt, trong tháng 4/2019, toàn bộ các trường học tổ chức quán triệt lại đối với NGNLĐ các quy định của Nhà nước, của Ngành về đạo đức Nhà giáo, về xây dựng trường học thân thiện, an toàn.

- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, về quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản mới quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo trong sinh hoạt chuyên môn của Hội đồng Sư phạm, sinh hoạt công đoàn nhà trường hàng tháng và đầu năm học.

- Xây dựng và phát hành tài liệu điện tử: “Nhà giáo và nhà trường” trên trang thông tin điện tử của CĐGD Việt Nam và các nhà trường. Nội dung tài liệu: Tóm tắt các quy định hiện hành về đạo đức nhà giáo, các thông điệp nhà giáo nên làm và hành vi nhà giáo không được làm... bằng các hình thức thích hợp, sinh động.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả hai cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; trong đó có đổi mới nội hàm và đưa ra các nội dung, tiêu chí cụ thể cho giáo viên và nhà trường thực hiện phù hợp với điều kiện hiện nay.

- Phối hợp với chuyên môn trong việc triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học thực hiện “Đề án Văn hóa ứng xử trong trường học”.

2. Hỗ trợ NGNLĐ có kỹ năng ứng xử sư phạm, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp

- Tổ chức đối thoại, giải đáp, chia sẻ với cán bộ, NGNLĐ trên Website, facebook và fanpage CĐGD Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác.

- Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở mỗi cấp học, bậc học, ở khối các trường sư phạm. Mời chuyên gia tư vấn nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của NGNLĐ trong lao động nghề nghiệp.

- Tổ chức xây dựng cẩm nang “Xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường” trên cơ sở tổng hợp những tình huống thực tiễn và ý kiến tư vấn của chuyên gia làm tài liệu hỗ trợ NGNLĐ trong ứng xử sư phạm.

- Phối hợp với VTV7 tổ chức cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” phát động trong toàn ngành nhằm tạo động lực cho giáo viên tự có ý thức rèn luyện và cơ hội để giáo viên thể hiện bản thân trong công việc, trong ứng xử với tác phong chuẩn mực sư phạm.

- Xây dựng các video clip, phim ngắn về tình huống ứng xử sư phạm, các câu chuyện về đạo đức, về truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, …phát trên VTV.

- Xây dựng mô hình điểm: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”. Trong đó lấy tiêu chí: trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo là tiêu chí chính. Trên cơ sở đó nhân rộng ra các trường khác.

3. Phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để lan tỏa toàn ngành, tác động tích cực tới cộng đồng xã hội

- Phát huy vai trò của đội ngũ “Cộng tác viên tuyên truyền và dư luận xã hội” và cán bộ, đoàn viên công đoàn phát hiện, giới thiệu hoặc viết bài về tấm gương các nhà giáo ở cơ sở có đạo đức tốt, hành vi đẹp, cách ứng xử hay... để đăng tải trên Website CĐGD Việt Nam và chuyên mục trên các phương tiện truyền thông.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, Ngành, Công đoàn và cơ quan truyền thông địa phương đăng tải các gương “Người tốt - Việc tốt"; phấn đấu mỗi tuần có một gương người tốt việc tốt được đăng tải trên Báo Giáo dục & Thời đại, website CĐGD Việt Nam hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác ở Trung ương và địa phương.

- Tổ chức các hoạt động tôn vinh, biểu dương từ đơn vị cơ sở đến cấp Ngành bằng các hình thức thích hợp các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Ngành về thực hiện đạo đức nhà giáo; xây dựng trường học thân thiện, an toàn. Trong dịp 20/11/2019 tổ chức tôn vinh các CBNGNLĐ tiêu biểu về đạo đức nhà giáo.

- Xác định chủ đề từng năm học gắn với việc nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo để động viên, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường, NGNLĐ cùng thực hiện.

- Tổ chức khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích trong việc triển khai chủ đề năm học.

III. Tổ chức thực hiện

1. Công đoàn Giáo dục Việt Nam

- Xây dựng Kế hoạch, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thiện và ban hành.

- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức triển khai Kế hoạch.

- Báo cáo Tổng Liên đoàn thống nhất phối hợp chỉ đạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Lao động các tỉnh/ thành phố để triển khai Kế hoạch này trong toàn ngành.

- Chỉ đạo CĐGD các cấp triển khai thực hiện Kế hoạch này một cách thiết thực, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.

- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch vào cuối tháng 12/2019, làm căn cứ tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo.

2. Công đoàn Giáo dục các tỉnh/ thành phố

- Báo cáo Liên đoàn Lao động tỉnh/ thành phố, chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Lao động cấp huyện để xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đến tất cả các trường học (đặc biệt là khối mầm non và phổ thông) phù hợp với điều kiện của địa phương và đảm bảo tính khả thi; đảm bảo các điều kiện triển khai Kế hoạch này của CĐGD Việt Nam và các chỉ đạo có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Căn cứ Quy chế phối hợp giữa CĐGD Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh/ thành phố giai đoạn 2018 - 2023 để chủ động đề xuất giải pháp phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp huyện trong việc nắm bắt tình hình, diễn biến trong các trường khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tạo điều kiện triển khai Kế hoạch này đến các trường khối Liên đoàn Lao động cấp huyện quản lý trực tiếp; đồng thời khi phát hiện có vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo thì thông báo kịp thời về CĐGD Việt Nam để phối hợp xử lý.

- Tạo dựng facebook của Công đoàn Giáo dục tỉnh/thành phố; kết nối với facebook của CĐGD Việt Nam để thực hiện việc tương tác, chuyển tải các nội dung hướng dẫn, tập huấn kỹ năng ứng xử sư phạm cho đội ngũ NGNLĐ.

- Lựa chọn 01 trường học để xây dựng mô hình điểm: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc” báo về CĐGD Việt Nam để nhận hướng dẫn cụ thể.

- Nắm bắt kịp thời tình hình các trường học, tình hình NGNLĐ, phản ánh một cách đúng đắn, khách quan về CĐGD Việt Nam để có biện pháp giải quyết.

3. Công đoàn các đại học Quốc gia, đại học vùng, công đoàn các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, các đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam

3.1. Công đoàn các đại học Quốc gia, đại học vùng

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến các đơn vị công đoàn cơ sở trực thuộc đảm bảo tính phù hợp, khả thi; giám sát, kiểm tra việc triển khai kế hoạch tại các công đoàn cơ sở; phát hiện và phản ánh kịp thời các hiện tượng phát sinh liên quan đến năng lực ứng xử - đạo đức nhà giáo về CĐGD Việt Nam.

- Tổ chức các Hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm có chủ đề liên quan đến năng lực, phẩm chất và đạo đức nhà giáo các trường đại học trong xu thế hiện nay.

- Xây dựng facebook của Công đoàn đơn vị; kết nối với facebook của CĐGD Việt Nam để thực hiện việc tương tác, chuyển tải các nội dung hướng dẫn, tập huấn kỹ năng ứng xử sư phạm cho đội ngũ NGNLĐ.

- Đối với Công đoàn các trường sư phạm, khoa sư phạm: tích cực phối hợp với chuyên môn trong xây dựng chương trình, nội dung đào tạo sinh viên, chú trọng về năng lực ứng xử, chuẩn mực đạo đức nhà giáo, kỹ năng mềm...

- Lựa chọn đội ngũ chuyên gia có khả năng thực hiện nhiệm vụ “Tư vấn học đường” hỗ trợ các công đoàn cơ sở trực thuộc, đồng thời tham gia các hoạt động của CĐGD Việt Nam khi có yêu cầu.

3.2. Công đoàn các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, các đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của kế hoạch này đảm bảo tính hiệu quả đến các công đoàn bộ phận, các tổ công đoàn.

- Có giải pháp động viên, khuyến khích NGNLĐ trong đơn vị biết rõ và thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo; phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng thiết chế văn hóa giảng đường đại học an toàn, văn minh, tiến bộ; có giải pháp ngăn chặn các biểu hiện và hành vi vi phạm các quy định của ngành, pháp luật của nhà nước ngay từ tổ công đoàn, công đoàn bộ phận.

- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề liên quan đến năng lực ứng xử sư phạm, phẩm chất và đạo đức giảng viên đại học.

- Xây dựng facebook của Công đoàn đơn vị; kết nối với facebook của CĐGD Việt Nam để thực hiện việc tương tác, chuyển tải các nội dung hướng dẫn, tập huấn kỹ năng ứng xử sư phạm cho đội ngũ NGNLĐ.

- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình tại cơ sở với CĐGD Việt Nam kịp thời và khách quan.

Trên đây là Kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức NGNLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đề nghị các đơn vị tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, mọi thông tin cần được phản ánh về Ban Chỉ đạo CĐGD Việt Nam theo số điện thoại Văn phòng: 02438453118./.

 


Nơi nhận:
- Ban Cán sự Đng Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- Tng LĐLĐVN (để báo cáo);
- Bộ GD&ĐT p/h);
- LĐLĐ các tỉnh/ TP p/h);
- Sở GD&ĐT các tnh/ TP p/h);
- CĐGD các tnh/ TP t/h);
- CĐ cấp trên TTCS, CĐCS trực thuộc t/h);
- Các ủy viên BCH CĐGDVN t/h);
- Các ban CĐGDVN t/h);
- Website CĐGDVN;
- Lưu: VP, TGNC.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH




Vũ Minh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 103/KH-CĐN năm 2019 về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới do Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 103/KH-CĐN
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/04/2019
  • Nơi ban hành: Công đoàn Giáo dục Việt Nam
  • Người ký: Vũ Minh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản