Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 14 tháng 8 năm 2019 |
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kết luận số 03-KL/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 14/8/2017 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 03- KL/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành du lịch Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể như sau:
1. Mục đích
Cụ thể hóa các nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương và tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Yêu cầu
Các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, thiết thực, có hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.
1. Mục tiêu tổng quát
Huy động các nguồn lực cơ cấu lại ngành du lịch, tập trung khai thác lợi thế về tài nguyên, sản phẩm, thị trường; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh của tỉnh Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế. Phấn đấu Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
Phấn đấu tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng. Đón và phục vụ 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 7 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 2 triệu lượt khách lưu trú). Du lịch tạo việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp.
Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An; nâng cao chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch; áp dụng rộng rãi du lịch thông minh, khẳng định Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1.1. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch
- Về thị trường khách du lịch quốc tế:
+ Tiếp tục khai thác có hiệu quả thị trường khách truyền thống: Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…
+ Tăng cường liên kết với thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận để mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Đẩy mạnh thu hút khách du lịch theo một số loại hình Ninh Bình có lợi thế như: Du lịch trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng.
- Về thị trường khách nội địa:
+ Tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, …; mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên.
+ Phát triển thị trường khách du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo…
1.2. Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch
- Tiếp tục phát triển các nhóm sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên độc đáo, đặc sắc, có lợi thế về tự nhiên và văn hóa:
+ Du lịch sinh thái: Tập trung phát triển du lịch tham quan danh lam thắng cảnh; tìm hiểu đa dạng sinh học tại các khu vực: Quần thể danh thắng Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương,…; kết hợp phát triển du lịch nông thôn.
+ Du lịch văn hóa: Hình thành các sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa, tìm hiểu lịch sử, ẩm thực truyền thống, các loại hình nghệ thuật: Chèo, xẩm…
- Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng:
+ Các sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch làng nghề tại các làng nghề truyền thống như: Thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, chạm khắc đá Ninh Vân…; du lịch golf, du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần;
+ Sản phẩm du lịch cộng đồng: Mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, tìm hiểu các giá trị văn hóa Mường, tìm hiểu ẩm thực địa phương, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể;
+ Sản phẩm du lịch mua sắm: Hỗ trợ phát triển hệ thống trung tâm mua sắm, cửa hàng với các mặt hàng quà lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Ninh Bình phục vụ du lịch. Nghiên cứu, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới mẫu mã các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm phục vụ du lịch.
- Đẩy mạnh kết nối, liên kết, hợp tác và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch giữa Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
- Tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện.
1.3. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý
- Tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề qua đào tạo, có tính chuyên nghiệp cao. Đến năm 2025 ngành du lịch Ninh Bình cơ bản đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo về chất lượng. Đào tạo nguồn nhân lực hướng tới tiêu chuẩn trình độ kỹ năng của khu vực và quốc tế.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
+ Đối với cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, nhân sự quản trị của các doanh nghiệp, nhân lực quản lý điểm đến: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch gắn với nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
+ Đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch: Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm, tăng nhanh tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phải am hiểu về văn hóa, lịch sử của địa phương.
+ Đối với cộng đồng dân cư: Từng bước đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của quê hương.
1.4. Cơ cấu lại nguồn lực để phát triển du lịch
- Về nguồn lực đầu tư:
+ Khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư cho phát triển du lịch.
+ Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến quảng bá du lịch…
+ Huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp; cung cấp thông tin và trải nghiệm phục vụ khách du lịch; phát triển du lịch thông minh. Đầu tư phát triển du lịch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; sử dụng công nghệ xanh - sạch - tái tạo.
- Về nguồn lực tổng hợp, liên ngành: Phối hợp sử dụng hiệu quả nguồn lực tổng hợp của Trung ương, nguồn lực của tỉnh và các địa phương; tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch.
1.5. Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch
- Khuyến khích doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, có tiềm lực đầu tư phát triển thành lực lượng nòng cốt, có vai trò đầu tầu dẫn dắt các doanh nghiệp du lịch cùng phát triển.
- Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình; doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng.
- Nâng cao vai trò hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh.
1.6. Sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch
- Rà soát hoạt động quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để thống nhất mô hình quản lý, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có tính bền vững.
- Tăng cường năng lực quản lý du lịch từ tỉnh đến cơ sở, phối hợp tích cực giữa các ngành chức năng với các địa phương để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
2.1.Về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch
- Ưu tiên nguồn lực thích hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (điện, nước, điểm vui chơi giải trí, mua sắm, internet…) hệ thống bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn tạo điều kiện thuận lợi phục vụ khác du lịch.
- Nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long phục vụ phát triển du lịch; đầu tư xây dựng các khu du lịch quốc gia Tràng An; các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (Cúc Phương - hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng - Đồng Thái, Cồn Nổi), khu thương mại, dịch vụ tại thành phố Ninh Bình; các điểm du lịch một cách đồng bộ, có chất lượng cao, với các sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu du lịch có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; khu công viên động vật hoang dã quốc gia tỉnh Ninh Bình; khu dịch vụ khách sạn cao cấp trung tâm thành phố Ninh Bình; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An.
- Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khách sạn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; phát triển nhà hàng ăn uống đạt chuẩn và các khu vui chơi giải trí hiện đại để phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
- Tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác với các địa phương trong cả nước, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.
2.2. Về cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển du lịch
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch bền vững, hài hòa gắn với bảo tồn và phát triển. Xây dựng cơ chế đặc thù về khai thác và bảo tồn tài nguyên du lịch, đặc biệt tài nguyên du lịch là di sản văn hóa.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước… cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động lữ hành, thủ tục công nhận loại, hạng cơ sở lưu trú, cấp thẻ hướng dẫn viên, hỗ trợ hướng dẫn và cung cấp thông tin góp phần tạo môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch.
2.3. Về phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch
- Về phát triển nguồn nhân lực du lịch
+ Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước; bồi dưỡng kiến thức về quản lý hoạt động kinh doanh và kỹ năng nghề du lịch cho các đối tượng làm việc trong các khu, điểm du lịch, các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về khảo cổ học, địa chất địa mạo, quản lý di sản, ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An và các địa phương trong di sản.
+ Huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng thu hút các nghệ nhân, người có tay nghề chuyên môn cao. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác đào tạo nghề du lịch.
+ Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: Bếp, buồng, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch cho các lao động tham gia hoạt động du lịch để nâng cao chất lượng đón tiếp phục vụ khách du lịch.
- Về xúc tiến, quảng bá du lịch
+ Tích cực triển khai thực hiện công tác xúc tiến quảng bá du lịch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đổi mới các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh. Xây dựng và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình, đặc biệt chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An bằng chính chất lượng sản phẩm dịch vụ - du lịch, môi trường du lịch an toàn, văn minh, thái độ ứng xử lịch sự, hiếu khách của cộng đồng địa phương.
+ Xây dựng hệ thống thông tin, thống kê dự báo về thị trường khách du lịch. Khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch Ninh Bình. Phát triển ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
+ Đẩy mạnh liên kết, mở rộng hợp tác phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển gắn kết du lịch Ninh Bình với các địa phương trong cả nước và khu vực; tổ chức đón các đoàn du lịch đến khảo sát nghiên cứu sản phẩm du lịch Ninh Bình (famtrip, presstrip); tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình.
2.4. Về đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch
- Từng bước sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác du lịch
tại các đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý các hoạt động du lịch. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông, môi trường,… Hình thành hệ thống quản lý các khu, điểm du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
- Phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh; tăng cường hiệu quả hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh Ninh Bình đảm bảo cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước.
- Khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và người dân tham gia kinh doanh du lịch; hướng dẫn tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến khách du lịch.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về chất lượng dịch vụ du lịch tại các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị vận chuyển khách du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu, điểm du lịch; xử lý nghiêm vi phạm quy định của nhà nước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
2.5. Về xây dựng môi trường du lịch
- Thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng (các lớp tập huấn, bồi dưỡng; hội nghị, hội thảo; phương tiện thông tin đại chúng,…) nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và du khách trong việc xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch thân thiện, văn minh, an toàn, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Ninh Bình.
- Phát huy tốt vai trò của các Trạm hỗ trợ khách du lịch tại Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, duy trì các đường dây nóng để du khách phản hồi các thông tin.
- Thường xuyên phát động, nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phong trào bảo vệ ANTQ; đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là trong mùa du lịch, lễ hội và thời gian diễn ra các sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực du lịch; quản lý tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh; nhân rộng mô hình các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Tăng cường công tác tuần tra, giám sát bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong khu vực Di sản. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh.
(Có Danh mục các công việc, nhiệm vụ kèm theo)
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố căn cứ vào các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Định kỳ 6 tháng, cuối năm các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Du lịch có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị; phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì để nắm tình hình, tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Du lịch tổng hợp, báo cáo) để xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 2Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3Kế hoạch 2687/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 1Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Kết luận 03-KL/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 3Quyết định 1685/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 5Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 6Kế hoạch 2687/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Ninh Thuận ban hành
Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2019 về cơ cấu lại ngành du lịch Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Ninh Bình ban hành
- Số hiệu: 101/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 14/08/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/08/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra