Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
BAN CHỈ ĐẠO VỀ

NHÂN QUYỀN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-BCĐNQ

Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC NHÂN QUYỀN NĂM 2017

Thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 18/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác nhân quyền giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo về nhân quyền của tỉnh (Ban chỉ đạo) xây dựng kế hoạch công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền năm 2017 nhu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền.

2. Công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị xã hội đảm bảo tốt các quyền con người và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đảm bảo yêu cầu pháp luật, chính trị và đối ngoại.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới và Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 44 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 58 của UBND tỉnh về công tác nhân quyền trong hình hình mới đến toàn thể cán bộ đảng viên và Nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân.

2. Triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến nhân quyền. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách về tôn giáo, dân tộc, đất đai, lao động, an sinh xã hội, chính sách đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chú trọng hơn đối với các địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn kinh tế còn khó khăn. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát hiện và xử lý kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực thi nhiệm vụ liên quan các quyền cơ bản của công dân.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu nhân quyền của Việt Nam và của tỉnh, làm cơ sở để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, can thiệp của các thế lực thù địch chống phá ta về nhân quyền (gắn với thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh).

4. Chủ động nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá ta của các thế lực thù địch; ngăn ngừa hoạt động kích động biểu tình, gây rối, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động gây rối, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

5. Củng cố tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Văn phòng thường trực, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu trên lĩnh vực bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an tỉnh - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo

- Tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo nhân quyền Trung ương về công tác nhân quyền và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; tham mưu ban hành Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo; quyết định thành lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ nắm, dự báo tình hình, chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch đấu tranh với các loại đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, Chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; ngăn ngừa không để xảy ra biểu tình, bạo loạn; không để phục hồi, hình thành công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập.

- Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề, vụ việc nhạy cảm liên quan đến nhân quyền, như tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân, nhất là các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để phát sinh phức tạp hoặc sơ hở để các thế lực thù địch, đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động chống Đảng, Nhà nước.

- Phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền thành tựu về bảo vệ quyền con người. Cung cấp thông tin cho các ngành chức năng, các cơ quan báo chí về các vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật bị xử lý liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc.

2. Sở Ngoại vụ

- Phối hợp với Công an tỉnh nắm tình hình các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động can thiệp, lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá ta trên cơ sở đó chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý thích hợp các vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân chủ, nhân quyền trong tiếp xúc, đối thoại với các đoàn, đối tượng nước ngoài.

- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với nhân viên ngoại giao, lãnh sự, báo chí nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định pháp luật, phòng ngừa lợi dụng hoạt động ngoại giao, lãnh sự để điều tra, can thiệp, kích động chống phá về nhân quyền.

- Phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quan điểm, thành tựu của ta về nhân quyền.

3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, nhất là về lao động, việc làm, chính sách đối với phụ nữ, trẻ em, người có công, các chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí triển khai các hình thức vận động, tranh thủ kinh phí tài trợ góp phần giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Tích cực kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời những vi phạm pháp luật về lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động, hạn chế xảy ra đình công, lãn công. Thống kê, theo dõi lao động người địa phương làm việc ở nước ngoài để chủ động hỗ trợ, đề xuất thực hiện các biện pháp bảo hộ trong những trường hợp cần thiết.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp các ngành chức năng có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thường xuyên tuyên truyền về thành tựu nhân quyền, kết quả công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho người dân của tỉnh. Chủ động thông tin định hướng dư luận liên quan vấn đề nhân quyền theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Phối hợp với các lực lượng, ngành làm tốt chức năng quản lý, kiểm soát thông tin trên Internet, các trang thông tin điện tử, blog... phát hiện để xử lý đối tượng đưa tin tuyên truyền, xuyên tạc xấu, ngăn chặn các dấu hiệu sử dụng phương tiện truyền thông, các mạng xã hội trên Internet tuyên truyền, xuyên tạc về nhân quyền, kích động gây mất ổn định an ninh, trật tự.

5. Sở Tư pháp: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhát là các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của công dân, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo phát huy quyền làm chủ cửa Nhân dân.

6. Ban Dân tộc tỉnh: Tiếp tục rà soát đánh giá việc thực hiện các chương trình chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu triển khai các chính sách đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các dân tộc thiểu số.

7. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ): Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, triển khai thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Phối hợp giải quyết tốt tình hình khiếu kiện về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật; phối hợp tham mưu, đề xuất thực hiện tốt công tác đối ngoại tôn giáo.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế: Tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về quan điểm, thành tựu về nhân quyền và cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để chống phá Việt Nam.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm cải thiện đời sống Nhân dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong đó chú trọng các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

- Thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, đất đai, lao động, an sinh xã hội, chính sách đối với nhóm người dễ bị tổn thương. Phát hiện, khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quyền con người theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, nhất là ở cơ sở. Đảm bảo tốt các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động giải quyết từ cơ sở và tại chỗ tình hình khiếu kiện trong Nhân dân, nhất là các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà căn cứ chức năng, nhiệm vụ và công tác được giao trong Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Định kỳ 6 tháng và 1 năm gửi báo cáo về Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Công an tỉnh).

2. Giao Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp tình hình báo cáo định kỳ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ về Nhân quyền của Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KNNC.

TM. BAN CHỈ ĐẠO
TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Nguyễn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 09/KH-BCĐNQ công tác nhân quyền năm 2017 do Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 09/KH-BCĐNQ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản