Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/KH-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHUỒNG TRẠI VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030.

Thực hiện Quyết định số 2486/QĐ-BNN-CN ngày 19/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội với nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 và Quyết định số 2486/QĐ-BNN-Cn ngày 19/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030phù hợp với điều kiện thực tiễn tại thành phố Hà Nội.

- Đến năm 2030, phấn đấu 80% đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa tính theo giá trị hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại, trong đó chăn nuôi trang trại quy mô lớn vừa sử dụng chuồng trại với trang thiết bị hiện đại, các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ áp dụng biện pháp thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất chải chăn nuôi đảm bảo yêu cầu theo quy định.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải mang tính thực chất, hiệu quả, trọng tâm, sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; phát huy nội lực của các cơ sở chăn nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

- Phát triển công nghiệp chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cần hài hòa, bền vững với phát triển công nghiệp các lĩnh vực khác trong ngành chăn nuôi như giống, thức ăn chăn, giết mổ, chế biến, phát triển nguồn lực đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn trên cơ sở huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, theo nguyên tắc hỗ trợ từ nhà nước, từ nguồn tư nhân và các nguồn vốn khác.

- Các cấp, các ngành chủ động, tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị cấp huyện, xã căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, chuyên môn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế địa phương.

II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

- Hiện đại hóa trang thiết bị và công nghiệp chuồng trại đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu 80% đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa tính theo giá trị hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại.

- Phấn đấu 80% chăn nuôi trang trại quy mô lớn vừa sử dụng chuồng trại với trang thiết bị hiện đại. Trong đó, 80% chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô lớn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi chuồng kín, 80% cơ sở chăn nuôi trâu bò quy mô lớn sử dụng đệm lót sinh học.

- Phấn đấu 80% các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ áp dụng biện pháp thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất chải chăn nuôi hoặc áp dụng đệm lót sinh học đảm bảo yêu cầu theo quy định.

- Tổng lượng chất thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý, tận dụng cho các mục đích khác nhau đạt mức cao nhất.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực trong công tác quản lý và thực hành trong chăn nuôi, môi trường chăn nuôi.

- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của Thành phố, của ngành về các quy định trong hoạt động chăn nuôi nói chung, phát triển công nghiệp chuồng trại, xử lý chất thải trong chăn nuôi nói riêng để tác động và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vai trò của công nghiệp hóa chuồng trại và xử lý chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, gia tăng giá trị tái sử dụng các nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Đẩy mạnh chương trình khuyến nông, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi đệm lót sinh học, chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái, kinh tế tuần hoàn,... Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và xử lý chất thải trong chăn nuôi.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực công tác quản lý nhà nước đối với cán bộ chăn nuôi thú y, cán bộ quản lý môi trường. Chuẩn hóa các chương trình đào tạo và tăng cường các nguồn lực có trình độ, năng lực, kỹ thuật cao ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phương thức đào tạo theo hướng xã hội hóa phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

- Quảng bá, nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, các mô hình chuồng trại thông minh, công nghệ chuồng trại đồng bộ với hệ thống xử lý chất thải, chăn nuôi bền vững thân thiện với môi trường.

2. Phát triển công nghiệp phụ trợ trang thiết bị chuồng trại; tiêu chuẩn hóa các mẫu chuồng nuôi hiện đại theo hướng tự động hóa

2.1. Phát triển công nghiệp phụ trợ trang thiết bị chuồng trại

- Thiết kế, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị cho hệ thống chuồng trại tại các cơ sở chăn nuôi phù hợp với đối tượng vật nuôi, tuổi, tập tính, mục đích sử dụng sản phẩm, quy mô chăn nuôi, phương thức chăn nuôi và gắn chăn nuôi hữu cơ với quản lý, xử lý triệt để chất thải, tái tạo nguồn năng lượng thừ chất thải nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật về chăn nuôi, môi trường, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, nâng cao giá trị.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị trong cơ sở chăn nuôi đối với hệ thống chuồng nuôi như vật liệu xây dựng cho cơ sở hạ tầng, vật liệu khung, mái chuồng trại, hệ thống làm mát, hệ thống dẫn thức ăn, nước uống, …. đảm bảo điều kiện thuận lợi cho vật nuôi phát triển, giảm nhân công, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

- Nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, dụng cụ cho hệ thống chuồng trại chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi. Đầu tư một số thiết bị, dụng cụ, dây truyền, máy móc hiện đại, mang tính đồng bộ cao đáp ứng các yếu tố cơ giới hóa, tự động hóa và số hóa được sản xuất tại các nước phát triển nhằm hiện đại hóa công nghiệp chuồng trại, xử lý chất thải là cần thiết. Một số máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản lý chăn nuôi như: robot vắt sữa, các hệ thống cảm biến, máy ép phân, bạt địa tầng kỹ thuật HPPE, máy bơm dạng đứng,….

2.2. Tiêu chuẩn hóa các mẫu chuồng nuôi hiện đại theo hướng tự động hóa

- Khảo sát công nghiệp chăn nuôi chuồng trại và xử lý chất thải tại các trạng trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ trên địa bàn Thành phố. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, hệ thống chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi.

- Đánh giá thực trạng và đề xuất các nội dung công nghệ chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện đối với từng vùng, từng đối tượng vật nuôi.

- Xây dựng quy trình chăn nuôi và tiêu chuẩn hóa các mẫu chuồng nuôi thông minh, xử lý chất thải theo hướng tự động hóa phù hợp với mô hình chăn nuôi phù hợp với đặc điểm, khí hậu, mục đích chăn nuôi của địa phương trên cơ sở các tài liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về chăn nuôi sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi 4F, tài liệu kỹ thuật công nghệ phụ trợ chế tạo, trang thiết bị công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi,….

- Nghiên cứu các mẫu chuồng trại thông minh và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi sinh học, kiểm soát dịch bệnh, giảm nhân công và tiết kiệm đất xây dựng chuồng trại, tăng hiệu quả kinh tế, cụ thể:

+ Chăn nuôi trâu, bò: áp dụng công nghệ chuồng trại công nghiệp, hiện đại, quản lý chăn nuôi bằng công nghệ 4.0, hệ thống tự động hóa quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và vắt sữa,… Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đạt tối thiểu chuồng trại đáp ứng tiêu chuẩn chuồng công nghiệp gắn với hệ thống làm mát bằng tôn lạnh, phun sương, quạt mát,…

+ Chăn nuôi lợn: trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa áp dụng 70% chuồng nuôi khép kín; bố trí, lắp đặt hệ thống, thiết bị chuồng nuôi được tự động hóa ở các khâu: Tự động hóa kiểm soát được tiểu khí hậu chuồng nuôi, hệ thống tự động cung cấp thức ăn, nước uống (dẫn truyền từ xilo tổng đến từng trại, chuồng nuôi, phân phối lượng thức ăn theo khẩu phần…); 100% trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đáp ứng trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với đối tượng vật nuôi, mục đích chăn nuôi.

+ Chăn nuôi gia cầm: Công nghiệp hóa chuồng nuôi khép kín từ cung cấp thức ăn, nước uống, kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, thu gom trứng được áp dụng tại các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp hướng thịt và trứng tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

+ Chăn nuôi các loại động vật khác như dê, đà điều,… hệ thống chuồng nuôi, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chăn nuôi phù hợp với đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng sản phẩm.

3. Ứng dụng công nghệ về quy trình chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa

- Ứng dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn đối với các vật nuôi chủ lực gắn với mô hình VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học để phát triển bền vững, nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi.

- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển và đổi mới hệ thống chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

- Khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng kín, hệ thống chuồng sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi; Sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như: chuồng trại có hệ thống cảnh báo và điều tiết nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với đặc tính của từng đối tượng vật nuôi, dọn phân tự động và xử lý chất thải, quản lý đàn bằng phần mềm công nghệ thông tin trong chăn nuôi.

4. Ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi

- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý chất thải chăn nuôi theo hướng phòng ngừa chủ động như: Giảm thiểu tại nguồn; kiểm toán chất thải; Ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn; Tuần hoàn chất thải; Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong việc xử lý chất thải chăn nuôi.

- Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó có các mô hình: chuyển hóa chất thải chăn nuôi thành sản xuất phân bón hữu cơ; mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống côn trùng có ích trong xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về các giải pháp ứng xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng giảm phát thải…

- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bằng nhiều phương pháp khác nhau phù hợp với từng phương thức chăn nuôi, đối tượng vật nuôi như sử dụng chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, đệm lót sinh học, sử dụng côn trùng,…

- Ứng dụng công nghiệp hỗ trợ trong hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý hệ thống chất thải…. Nhập khẩu máy móc, trang thiết bị dụng cụ cho hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi như máy ép phân, máy khuấy, máy bơm trực đứng,…

5. Cơ chế, chính sách

- Thực thi có hiệu quả các văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành phố ban hành về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi được quy định tại Nghị quyết số 115/2020/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Rà soát, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi

- Nghiên cứu đề xuất và thực thi hệ thống tiêu chuẩn, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật công nghiệp chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn Thành phố phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi thực hiện bảo vệ môi trường chủ động như áp dụng hệ thống quản lý chất thải theo tiêu chuẩn TCVN ISO 14001/ISO 14001; thực hiện kiểm toán chất thải nội bộ,...

IV. NGUỒN KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

1.1 Kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố

+ Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý hệ thống chất thải, thiết bị chuyển đổi số trong chăn nuôi.

+ Xử lý môi trường trong chăn nuôi.

+ Các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

+ Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, đào tạo.

+ Công tác khảo sát, đánh giá, lấy mẫu xử lý chất thải chăn nuôi.

+ Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; Nghị

quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023; Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày

07/7/2020 của HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố.

1.2. Kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án được Thành phố, Trung ương ưu tiên đầu tư và các nguồn vốn huy động khác theo quy định của Pháp luật.

1.3. Kinh phí lồng ghép các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2025-2030 theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

1.4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật.

2. Thời gian thực hiện: Kế hoạch được thực hiện đến năm 2030.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, sơ kết đánh giá hàng năm, giai đoạn 2023-2025, giai đoạn 2026-2030; xây dựng báo cáo hàng năm, báo cáo sơ kết, tổng kết trình Ủy ban nhân dân Thành phố gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, hình thành, phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi gắn liền với xử lý chất thải, tái tạo năng lượng chất thải để tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành có liên quan đề xuất, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Thành phố.

- Theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

- Căn cứ nội dung Kế hoạch cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phát triển phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển đúng theo chủ trương phát triển của Thành phố.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu) theo quy định.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất của đơn vị và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí (Đối với nguồn gốc chi thường xuyên) để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành Nhà nước”

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, tổng hợp trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư/ thông tin dự án trên cơ sở đề xuất của Sở NN và PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan theo quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan tới tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo quản lý, xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đất đai để đầu tư sản xuất, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường bền vững.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn việc thu gom, xử lý, chăn nuôi.

8. Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ chăn nuôi; hỗ trợ, giúp đỡ các kết nối cung cầu, giới thiệu thị trường, thiết lập mạng lưới phân phối các thiết bị, máy móc, dụng cụ, phần mềm quản lý trong hoạt động chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phối hợp để chỉ đạo hệ thống thông tin, cơ sở thông tin, tuyên truyền nội dung, hoạt động triển khai các mô hình, điển hình, cách làm mới hiệu quả trong quá trình triển khai Kế hoạch trên địa bàn Thành phố.

11. Các Sở, ban, ngành liên quan khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện Kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố về những vấn đề liên quan lĩnh vực của ngành mình quản lý, giải quyết các vướng mắc để thực hiện Kế hoạch này có hiệu quả.

12. Tổ chức, cá nhân có liên quan

Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan có liên quan để thực hiện Kế hoạch; huy động nguồn vốn để tham gia các nội dung.

UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo kịp thời về UBND Thành phố qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;(để báo cáo)
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP, KTN, TH;
- Lưu: VT, KTNBáu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2025 phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 06/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 05/01/2025
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản