Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-UBND

Nghệ An, ngày 04 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM LIỀU BỔ SUNG, LIỀU NHẮC LẠI VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022; Kế hoạch số 2720/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành Kế hoạch Chiến dịch tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2022;

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại: Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại; Công văn số 3014/VSDTTƯ-TCQG ngày 19/12/2021 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tiêm bổ sung và tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19;

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID - 19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung:

Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tối thiểu 90% người từ 18 tuổi trở lên (đã tiêm đủ liều cơ bản) đảm bảo bao phủ toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên: Có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: Người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…; Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm được tiêm 01 liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021.

- Trên 95% dân số còn lại được tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I năm 2022.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

II. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI.

1. Nguyên tắc:

- Chiến dịch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) trên phạm vi toàn tỉnh.

- Sử dụng các loại vắc xin đủ điều kiện từ nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia Chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng để hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi thuộc diện tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 95%).

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian: Từ tháng 01 năm 2022 đến hết quý I năm 2022.

3. Đối tượng tiêm: Dự kiến tổng số liều bổ sung là 362.351, số liều nhắc lại là 1.612.081 (Có Phụ lục chi tiết kèm theo);

4. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn tỉnh.

5. Hình thức triển khai:

Tổ chức Chiến dịch tiêm chủng tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

III. NỘI DUNG.

1. Tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19:

a) Tiêm liều bổ sung vắc xin COVID-19:

- Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm:

+ Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...;

+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.

- Loại vắc xin: Cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.

- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

(Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản).

b) Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19:

- Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bảo phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

- Loại vắc xin: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA; Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca).

- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

c) Vắc xin sử dụng đế tiêm bổ sung và nhắc lại: Vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt.

d) Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại: Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

e) Đối với những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.

2. Cung ứng vắc xin: Vắc xin đủ điều kiện được cung ứng từ các nguồn khác nhau theo phân bổ từ Bộ Y tế.

a) Thiết lập hệ thống dây chuyền lạnh:

- Hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh tại các đơn vị trong tỉnh; tăng cường năng lực hệ thống dây chuyền lạnh trong hệ thống tiêm chủng mở rộng.

- Tổ chức tập huấn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin.

- Đảm bảo toàn bộ dây chuyền lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP.

b) Tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng từ các nguồn.

c) Vận chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng:

- Thời gian vận chuyển đến các điểm tiêm chủng không quá 03 ngày sau khi tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế.

- Thực hiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2° đến 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến.

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để vận chuyển, bảo quản vắc xin, vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2° đến 8°C trong quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển ở tất cả các tuyến.

- Các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại đơn vị trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh, Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện, thành phố, thị xã cung cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các đơn vị để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị được trả lại Trung tâm KSBT tỉnh, TTYT cấp huyện.

- Việc vận chuyển từ Trung ương về địa phương do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

3. Tổ chức tiêm chủng:

a) Tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng:

- Rà soát, đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực... Cho các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi và sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.

b) Tổ chức buổi tiêm chủng:

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

- Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng, bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các cơ sở điều trị tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng:

- Tổ chức tập huấn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.

- Tiến hành khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.

- Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng theo chỉ đạo của Ngành Y tế. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, Các Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng khác phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thực hiện 5K, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng:

Sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai Chiến dịch tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn, cụ thể:

5.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng:

- Thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng liên quan được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên cổng thông tin của Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Việc đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua các hình thức: Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, “PC-COVID” trên di động, cổng thông tin.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm.

- Trong trường hợp đảm bảo đủ vắc xin, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.

5.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng:

- Công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn.

- Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày và số liệu này phải được cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).

6. Truyền thông:

6.1. Nội dung truyền thông:

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chú trọng truyền thông các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó chú trọng Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.

- Truyền thông Kế hoạch Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh; hiệu quả của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

6.2. Các hoạt động truyền thông:

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ Chiến dịch và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...

- Thực hiện Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về Chiến dịch.

- Triển khai đường dây nóng của Ngành Y tế và các địa phương cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tập huấn truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia Chiến dịch tiêm chủng.

7. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng:

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo Quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về quản lý chất thải y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

8. Giám sát chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm chủng:

8.1 Giám sát hoạt động tiêm chủng:

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch;

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19;

- Chỉ đạo đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

8.2. Giám sát chất lượng vắc xin:

- Thực hiện giám sát chất lượng trước khi sử dụng;

- Giám sát chất lượng trong quá trình sử dụng, lấy mẫu kiểm định chất lượng định kỳ hoặc đột xuất.

8.3. Báo cáo kết quả tiêm chủng:

- Báo cáo kết quả tiêm chủng báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc Chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với báo cáo kết quả tiêm chủng;

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe để thực hiện báo cáo.

9. Kinh phí thực hiện:

9.1. Kinh phí Trung ương: Cấp vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn, dung môi pha hồi chỉnh tiêm cho đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

9.2. Kinh phí địa phương:

Nguồn kinh phí của tỉnh thực hiện theo Quyết định số 2720/QĐ-UBND ngày 02/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành Kế hoạch về việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 và theo số lượng vắc xin được phân bổ từng đợt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Y tế:

- Chỉ đạo, bố trí các Tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực sẵn sàng tổ chức cấp cứu, vận chuyển cấp cứu; chỉ đạo các Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm.

- Huy động nhân lực trong ngành, nhân lực từ trường Đại học Y khoa Vinh và đơn vị y tế tư nhân tham gia hỗ trợ cho các điểm tiêm và bổ sung nhân lực cho các dây truyền tiêm hỗ trợ theo đề nghị của huyện, thành, thị.

- Chủ động phân bổ ngay vắc xin cho tuyến huyện sau khi tiếp nhận từ Bộ Y tế.

- Hướng dẫn chuyên môn tổ chức điểm tiêm và công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

- Sử dụng các thông điệp truyền thông và hướng dẫn tuyến huyện xây dựng tài.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các huyện/thị xã/thành phố và các Bệnh viện tổ chức triển khai thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động trong quá trình triển khai Chiến dịch các đơn vị trên địa bàn.

- Tông hợp, báo cáo kết quả triển khai về Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và UBND tỉnh theo quy định.

2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

- Vận chuyển vắc xin được phân bổ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố.

- Chỉ đạo các lực lượng Quân V của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia các hoạt động của Chiến dịch tiêm chủng.

3. Sở Tài chính:

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị được giao nhiệm vụ, tham mưu kinh phí trình UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chỉ đạo việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ đến khi tiêm chủng.

- Chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng.

- Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng COVID-19 cho các điểm tiêm chủng và công khai trên bản đồ số hóa Chiến dịch tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trước và trong thời gian tổ chức các đợt của chiến dịch tiêm chủng.

- Tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải và hướng xử lý ban đầu các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, số điện thoại và địa chỉ các đầu mối tiếp nhận thông tin..

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn theo quy định, chủ động tiếp nhận vắc xin và tổ chức thực hiện tiêm hết số vắc xin được phân bổ, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.

- Chỉ đạo lực lượng giáo viên tham gia nhập thông tin đối tượng tiêm chủng vào phần mềm quản lý.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng trên địa bàn.

- Bố trí kinh phí cho việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TTr. Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó VX Chủ tịch UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, TP
- CVP, PCVP VX UBND tỉnh;
- CV: KGVX;
- Lưu VT-UB (Toàn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đình Long

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP DANH SÁCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 LIỀU BỔ SUNG VÀ LIỀU NHẮC LẠI

TT

Đơn vị

Số lượng liều bổ sung

Số lượng liều nhắc lại

Ghi chú

1

Hoàng Mai

16413

51535

 

2

Quỳnh Lưu

32775

99855

 

3

Nam Đàn

23500

68021

 

4

Nghi Lộc

41729

114213

 

5

Yên Thành

41600

132905

 

6

Thanh Chương

18504

118176

 

7

Thái Hòa

11034

30509

 

8

Diễn Châu

45285

148322

 

9

Cửa Lò

7334

31749

 

10

TP Vinh

0

250446

 

11

Con Cuông

7160

38571

 

12

Quỳ Hợp

11400

62609

 

13

Kỳ Sơn

6962

23963

 

14

Hưng Nguyên

15000

50087

 

15

Đô Lương

24292

100794

 

16

Nghĩa Đàn

13380

60380

 

17

Quỳ Châu

5100

24079

 

18

Quế Phong

8926

56041

 

19

Tân Kỳ

11555

68452

 

20

Tương Dương

7306

22437

 

21

Anh Sơn

10991

58937

 

22

Các cơ sở y tế

2105

32887

 

Tổng

362.351

1.612.081

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 05/KH-UBND về triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2022

  • Số hiệu: 05/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Bùi Đình Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản