ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND | Huế, ngày 01 tháng 01 năm 2011 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI NĂM 2011
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 6/12/2010 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 15c/2010/NQ-HĐND ngày 9/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011; triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội năm 2011 tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chủ yếu như sau:
I. NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Những nhiệm vụ cần tập trung triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2011:
a) Hoàn thiện bộ máy tổ chức triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các cấp tỉnh, huyện và xã; thành lập các Tổ công tác giúp Ban chỉ đạo của các cấp; tổ chức tập huấn đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ đạo và vận hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về trình tự các bước tiến hành ở cấp xã; nội dung quy hoạch, phương pháp xây dựng đề án xã nông thôn mới về cơ chế tài chính, cơ chế quản lý xây dựng nông thôn mới; cách thức chỉ đạo - quản lý - bảo vệ môi trường xã hội xanh, sạch, đẹp ở địa bàn xã; các chính sách thúc đẩy và cách thức thu hút doanh nghiệp về nông nghiệp, nông thôn..
b) Vận động, tuyên truyền sâu, rộng trong cư dân nông thôn để họ hiểu và tự giác tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư gắn với Xây dựng nông thôn mới” do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng; có trang tin về xây dựng nông thôn mới để giới thiệu nội dung, phương pháp, cách làm và ý kiến trao đổi các mô hình làm tốt ở các địa phương...Ở cấp xã, chú trọng tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới của xã, đồng thời tạo sự quan tâm của toàn xã hội đến nông thôn và suy nghĩ đóng góp cho xây dựng nông thôn mới; xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới.
c) Tập trung chỉ đạo các xã chủ động triển khai thực hiện quy hoạch xã nông thôn mới với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn huyện và tỉnh đảm bảo cuối năm 2011 cơ bản hoàn thành; chỉ đạo triển khai xây dựng làm điểm hai huyện nông thôn mới là Quảng Điền và Nam Đông. Các huyện chủ động lựa chọn các xã có điều kiện gần đạt các tiêu chí nông thôn mới để tổ chức triển khai thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới trước, làm điểm nhân rộng các địa phương khác.
d) Đồng thời với việc lập quy hoạch xã nông thôn mới, các xã chủ động lập đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, trong đó, lựa chọn các nội dung có thể thực hiện trong giai đoạn tới năm 2015; xác định các giải pháp tổ chức thực hiện, ưu tiên lựa chọn các nội dung yêu cầu bức thiết trên địa bàn, khả thi về vốn:
- Hoàn thiện sớm các công trình trạm y tế, trường học, giao thông, thủy lợi...
- Lựa chọn 2 đến 3 sản phẩm, nghề là thế mạnh của các xã để tập trung chuyển đổi cơ cấu, hình thành sản xuất hàng hóa.
- Tập trung vào chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường nông thôn, mỗi hộ có đủ 03 công trình vệ sinh đạt chuẩn; từng hộ gia đình tự cải tạo, sửa sang nhà ở, công trình vệ sinh, ao, vườn để có thu nhập; chỉnh trang tường rào, cổng ngõ để có cảnh quan đẹp; xây dựng quy ước làng xã về xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh trật tự
đ) Tổ chức đào tạo nghề cho người dân có thể tham gia sản xuất các nghề mới có thu nhập, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xác định đối tượng đào tạo và kinh phí thực hiện cho các nội dung đào tạo, bao gồm: đào tạo nông dân chuyển nghề theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đào tạo nông dân làm nông nghiệp theo Chương trình khuyến nông; đào tạo con em nông dân theo Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục triển khai đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút lao động từ nông nghiệp, nông thôn.
2. Về an sinh xã hội và sản xuất nông lâm ngư
- Tiếp tục thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí năm 2011 cho nông dân.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện giải tỏa, sắp xếp lại nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang, trong đó: huyện Phú Vang (từ 231 trộ xuống còn 122 trộ, Hương Trà từ 44 trộ xuống còn 22 trộ).
- Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011 đạt kế hoạch đã đề ra, chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ Hè - Thu 2011.
- Chỉ đạo chủ động phòng trừ dịch bệnh cây trồng, bệnh thủy sản và các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để bệnh tái phát trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng hoàn thiện quy chế quản lý vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường; xây dựng mô hình tổ chức quản lý, sản xuất nuôi trồng thủy sản thích hợp cho việc quản lý sản xuất hiệu quả.
- Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các loại ngư cụ và thiết bị đánh bắt hủy diệt môi sinh; tiếp tục thực hiện các nội dung ở các khu bảo vệ bãi giống bãi đẻ.
- Tiếp tục bàn giao đất rừng còn lại cho các địa phương theo kế hoạch, đẩy mạnh công tác trồng rừng kinh tế, đưa độ che phủ rừng đạt 56,6%.
- Phối hợp xây dựng quy trình vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện.
3. Xây dựng các công trình trọng điểm
- Hoàn thành công trình Khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải.
- Tiếp tục thi công hệ thống thủy lợi Tây Nam Hương Trà.
- Tiếp tục thi công hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam.
- Khởi công dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Thuận An.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nguồn lực
Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác theo kế hoạch.
2. Phân công thực hiện
a) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các đơn vị, các đoàn thể và các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện kế hoạch này, báo cáo tình hình thực hiện gửi UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối quý.
b) Thành lập các Tổ công tác từ các sở, ban, ngành để phân công trực tiếp về địa bàn các huyện, xã tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng đề án nông thôn mới của các xã, huyện cụ thể.
c) Giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện nội dung Quy hoạch nông thôn mới.
d) UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan ở địa phương.
đ) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu bố trí các nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch này.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình của các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/KH-UBND ngày 01/01/2011 của UBND tỉnh)
STT | Nội dung | Kinh phí năm 2011 | Ghi chú |
I | Chương trình an sinh xã hội | 73.924 |
|
1 | Miễn thủy lợi phí cho nông dân năm 2011 | 62.000 | Vốn NSTW |
2 | Trợ giá giống lúa vụ Đông Xuân 2010-2011 | 3.424 | Vốn NSĐP |
3 | Sắp xếp nò sáo cho các huyện Phú Vang, Hương Trà | 8.500 | Vốn NSĐP |
II | Xây dựng nông thôn mới | 16.950 |
|
1 | Xây dựng quy hoạch nông thôn mới cho các xã | 3.950 | Vốn NSĐP |
2 | Đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất cho các xã điểm | 13.000 |
|
III | Các dự án | 126.940 |
|
1 | Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (Trong đó vốn WB: 6.060 triệu đồng, vốn NSĐP 5.880 triệu đồng) | 11.940 | Vốn WB, vốn NSĐP |
2 | Hệ thống thủy lợi Tây Nam Hương Trà | 50.000 | Vốn ADB |
3 | Dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam | 60.000 | Vốn TPCP |
4 | Dự án mở rộng cảng cá Thuận An | 5.000 | Vốn NSTW |
| Tổng cộng | 217.814 |
|
- 1Quyết định 1551/QĐ-UBND năm 2014 về nội dung thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định 498/QĐ-TTg
- 2Quyết định 29/2014/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La” theo Quyết định 498/QĐ-TTg và Thông tư 03/2013/TT-BKHĐT
- 1Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 15c/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3Quyết định 1551/QĐ-UBND năm 2014 về nội dung thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định 498/QĐ-TTg
- 4Quyết định 29/2014/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La” theo Quyết định 498/QĐ-TTg và Thông tư 03/2013/TT-BKHĐT
Kế hoạch 01/KH-UBND thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội năm 2011 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 01/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 01/01/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Cao
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định