Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT

Hà Nội , ngày 17 tháng 12 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 08/2004/TTLT- BTM-BTC-BGTVT NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN CONTAINER TẠI CÁC CẢNG BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997; Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1163/VPCP-CN ngày 15 tháng 3 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ về dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam;

Liên Bộ: Thương mại - Tài chính - Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư liên tịch này chỉ hướng dẫn thực hiện dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam và áp dụng đối với các doanh nghiệp cảng biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a. "Dịch vụ trung chuyển container" (transhipment) là việc xếp dỡ Container theo yêu cầu của người vận chuyển thông qua các hình thức sau:

- Dỡ container được vận chuyển trên phương tiện vận tải từ nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và xếp lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Dỡ container được vận chuyển trên phương tiện vận tải từ nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và đưa vào bảo quản tại khu vực trung chuyển của cảng biển trong một thời gian nhất định rồi xếp các container đó lên phương tiện vận tải để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

b. "Khu vực trung chuyển container" là khu vực thuộc cảng biển được dành riêng cho việc thực hiện dịch vụ trung chuyển container cách biệt với các khu vực khác của cảng biển và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

c "Phương tiện vận tải" bao gồm tàu biển, tàu bay, ô tô vận tải, tàu hỏa, phương tiện thủy nội địa.

d. "Hàng hóa trung chuyển" bao gồm các loại hàng hóa được đóng trong container trung chuyển.

đ. "Người vận chuyển" là người dùng phương tiện vận tải thuộc sở hữu của mình hoặc thuê phương tiện vận tải thuộc sở hữu của người khác để thực hiện dịch vụ vận chuyển container hoặc những người đại diện hợp pháp của những đối tượng nêu trên.

3. Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Mục 1 Phần II của Thông tư này đều được thực hiện dich vụ trung chuyển container.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC CẢNG BIỂN THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN VÀ THÔNG BÁO VỀ VIỆC THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN CONTAINER TẠI CẢNG BIỂN

1. Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam thực hiện dịch vụ trung chuyển container cần có đủ các điều kiện sau:

a. Cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố cho phép tàu trong nước và nước ngoài vào, ra để xếp, dỡ container

b. Có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết lập được khu vực trung chuyển container như đã nêu tại Khoản b Mục 2 Phần I của Thông tư này.

2. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày đầu tiên thực hiện dịch vụ trung chuyển container, doanh nghiệp cảng biển phải gửi đến Bộ Thương mại, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan Hải quan địa phương văn bản thông báo về việc bắt đầu thực hiện dịch vụ trung chuyển container tại cảng biển của mình.

III. HÀNG HOÁ TRUNG CHUYỂN, VIỆC XẾP DỠ, GIAO NHẬN, BẢO QUẢN; TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP CẢNG BIỂN VÀ CỦA NGƯỜI VẬN CHUYỂN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TRUNG CHUYỂN

1. Hàng hoá trung chuyển tại cảng biển Việt Nam là hàng hóa không thuộc diện hàng hóa cấm trung chuyển nêu tại Mục 2 Phần này và được đóng trong container.

2. Hàng hoá cấm trung chuyển tại cảng biển của Việt Nam gồm:

a. Các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự;

b. Các loại ma tuý;

c. Chất thải nguyên tử và các loại hoá chất độc thuộc Danh mục hoá chất độc hại cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Thông báo trung chuyển container

a. Người vận chuyển cần gửi văn bản thông báo (theo mẫu ở Phụ lục 1) đến doanh nghiệp cảng biển để yêu cầu được trung chuyển container tại cảng biển (sau đây gọi tắt là Thông báo trung chuyển).

b. Thông báo trung chuyển nêu tại Khoản a Mục 3 này nếu được doanh nghiệp cảng biển chấp thuận thì được coi như Hợp đồng dịch vụ trung chuyển container đã ký kết.

4. Việc xếp dỡ, giao nhận và bảo quản container trung chuyển tại cảng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

5. Căn cứ thỏa thuận giữa người vận chuyển và doanh nghiệp cảng biển, hàng hóa đóng trong container trung chuyển sau khi đưa vào khu vực trung chuyển container có thể được sắp xếp, đóng gói lại, gia cố, sửa chữa hoặc thay thế container mới.

6. Người vận chuyển chịu trách nhiệm về sự phù hợp và tính chính xác của hàng hoá được đóng trong container trung chuyển tại cảng biển Việt Nam so với Thông báo trung chuyển đã gửi cho doanh nghiệp cảng biển.

7. Doanh nghiệp cảng biển chịu trách nhiệm đối với container trung chuyển kề từ thời điểm container trung chuyển được dỡ khỏi phương tiện vận tải để đưa vào khu vực trung chuyển container của cảng biền cho tới thời điểm container trung chuyển đó được xếp lên phương tiện vận tải để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

8. Vào ngày 15 tháng 01 hàng năm, các doanh nghiệp cảng biển thực hiện dịch vụ trung chuyển container phải có văn bản báo cáo kết quả thực hiện dịch vụ trung chuyển container của năm trước (theo mẫu ở Phụ lục 2) về Bộ Thương mại, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Giao thông Vận tải.

IV. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐÓNG TRONG CONTAINER TRUNG CHUYỂN

1. Hàng hóa trung chuyển ghi trong Thông báo trung chuyển đã được doanh nghiệp cảng biển chấp thuận, khi đưa vào khu vực trung chuyển container của cảng biển hoặc vận chuyển từ khu vực trung chuyển container của cảng biển để xếp lên phương tiện vận tải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam được miễn kiểm tra thực tế, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người vận chuyển có trách nhiệm nộp cho Chi cục hải quan cửa khẩu 01 bản Thông báo trung chuyển đã được doanh nghiệp cảng biển chấp thuận (thay cho tờ khai hải quan). Thông báo trung chuyển này có thể được gửi bằng hệ thống điện tử nối mạng, nếu có.

3. Hàng hóa trung chuyển tại cảng biển Việt Nam không thuộc đối tượng phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Trong trường hợp hàng hóa trung chuyển tại cảng biển Việt Nam muốn được nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Container trung chuyển kể từ khi được dỡ khỏi phương tiện vận tải để đưa vào bảo quản trong khu vực trung chuyển của cảng biển cho đến khi xếp lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

Trường hợp container trung chuyển đi qua lãnh thổ Việt Nam thì thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa quá cảnh.

5. Container trung chuyển có thể được phép di chuyển từ khu vực trung chuyển cơntainer của cảng biển đến khu vực hải quan khác trong phạm vi một cảng biển nhưng phải được phép và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

V. XỬ LÝ HÀNG HOÁ TRUNG CHUYỂN BỊ ĐỔ, VỠ, HƯ HỎNG VÀ VIỆC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI KHÔNG ĐẾN NHẬN HÀNG

1. Trong quá trình xếp dỡ, giao nhận và bảo quản tại cảng biển, nếu container trung chuyển bị đổ, vỡ, hư hỏng hoặc khi container không còn nguyên niêm chì, thì doanh nghiệp cảng biển cùng với người vận chuyển thoả thuận biện pháp giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

2. Nếu container trung chuyển bị đổ, vỡ, hư hỏng và theo yêu cầu của người chủ sở hữu hoặc đại diện hợp pháp của người chủ sở hữu thì số hàng hoá đóng trong container trung chuyển này được bán, tặng hoặc tiêu huỷ tại Việt Nam theo qui định của pháp luật Việt Nam về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Trong trường hợp phương tiện vận tải không đến nhận container trung chuyển theo thời hạn đã thỏa thuận, doanh nghiệp cảng biển có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người vận chuyển biết và sau thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày gửi văn bản thông báo mà vẫn không nhận được văn bản trả lời thì doanh nghiệp cảng biển có quyền được xử lý số hàng hoá trung chuyển đó theo các qui định của pháp luật Việt Nam về hàng hoá vô chủ. Trường hợp hàng hóa thuộc loại mau hỏng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cho phép xử lý trong thời hạn sớm hơn.

VI. THANH TOÁN TIỀN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN VÀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM

1. Nguời vận chuyển có trách nhiệm thanh toán tiền dịch vụ trung chuyển container và các chi phí có liên quan theo thoả thuận giữa người vận chuyển và doanh nghiệp cảng biển.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Thông tư liên tịch này, tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính; cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật

3. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Quyết định số 815/2001/QĐ-BTM ngày 1 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại, số 770/2001/QĐ-TCHQ ngày 21 tháng năm 2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Sâm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Trần Đức Minh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

PHỤ LỤC 1

MẪU THÔNG BÁO TRUNG CHUYỂN CONTAINER (1)
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2004)

THÔNG BÁO TRUNG CHUYỂN CONTAINER
Container Transhipment Declaration

Vận đơn số:
B/L No

Trang số:
Page No

 

(1) Tên người vận chuyển:
Name of Carrier

(2) Địa chỉ người vận chuyển:
Address of Carrier

(3) Tên phương tiện vận chuyển:
Name of Vehicle

(4) Quốc tịch phương tiện vận chuyển:
Nationality of Vehicle

(5) Nơi xếp hàng:
Place of Loading

(6) Nơi dỡ hàng:
Place of Discharge

(7) Thời gian dự kiến đến cảng:
Estimated time of Arrival

(8) Thời gian dự kiến rời cảng:
Estimated time of Departure

(9) Mục đích của chuyến đi:
Purpose of Voyage

□ Đến để gửi hàng
For Discharge

□ Đến để nhận hàng
For Loading

□ Đến để gửi hàng rồi nhận hàng
For Discharge then Loading

(10) Hình thức trung chuyển:
Form of Transhipment

□ Từ phương tiện sang phương tiện:
From Vehicle to Vehicle

□ Lưu tại cảng
Keeping at Port

(11) Thời gian dự kiến lưu hàng hóa tại cảng:
Estimated time for keeping goods at Port

(12) Tên, ký mã hiệu hàng hóa
Names and Mark of goods

(13) Số và loại container
Number and kind of containers

(14) Tổng trọng lượng
Gross weight

Ghi chú
Remarks

 

 

 

…., ngày…. tháng….năm….
Date
Chấp thuận của Cảng
Approval of Port for Transhipment




(Đại diện Cảng biển ký tên, đóng dấu)
(Authorized representative of Port's singature, seal)

…., ngày…. tháng….năm….
Date
Người vận chuyển (đại diện hợp pháp)
Carrier (Authorized representative)

____________

(1) Mẫu Thông báo trung chuyển này được sử dụng đối với container trung chuyển đến hoặc đi

 

PHỤ LỤC 2

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN CONTAINER
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2004)

CẢNG………..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

………………, ngày …. tháng …. năm ….

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN CONTAINER

(Năm……)

Kính gửi:

- Bộ Thương mại
- Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)
- Bộ Giao thông vận tải

 

Thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2004 của Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam, doanh nghiệp cảng …. xin báo cáo kết quả thực hiện dịch vụ trung chuyển container năm …. (từ ngày bắt đầu thực hiện tính đến hết ngày 31/12) như sau:

I. Kết quả thực hiện

II. Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phương hướng giải quyết (nếu có)

1. Khó khăn, vướng mắc

2. Kiến nghị phương hướng giải quyết.

 

 

GIÁM ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Joint circular No. 08/2004/TTLT/BTM-BTC-BGTVT of December 17, 2004, guiding implementation of container transshipment services at seaports of Vietnam

  • Số hiệu: 08/2004/TTLT/BTM-BTC-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/12/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại
  • Người ký: Nguyễn Tiến Sâm, Trương Chí Trung, Trần Đức Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản