Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ CÔNG AN - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU,KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG MŨ BẢO HIỂM CHO NGƯỜI ĐI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE ĐẠP MÁY

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy sử dụng khi tham gia giao thông và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với:

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quản lý, sử dụng mũ bảo hiểm.

Điều 3. Quy định về mũ bảo hiểm, kinh doanh mũ bảo hiểm

1. Mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đội khi tham gia giao thông (sau đây viết tắt là mũ bảo hiểm) là mũ có đủ các tính năng sau:

a) Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư liên tịch này;

b) Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Kinh doanh mũ bảo hiểm gồm các hoạt động: bán buôn, bán lẻ, đại lý mũ bảo hiểm tại Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

1. Mũ bảo hiểm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR trên vỏ mũ và ghi nhãn mũ theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và quy định tại điểm 2.3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

Dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mủ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy CR.

2. Mũ bảo hiểm chỉ được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN khi kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định sau:

a) Mũ bảo hiểm có kiểu dáng theo hình 1 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN;

b) Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN;

c) Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN;

d) Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất mũ bảo hiểm

1. Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với mũ bảo hiểm do mình sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Chịu trách nhiệm về chất lượng đối với mũ bảo hiểm do mình sản xuất khi lưu thông trên thị trường.

3. Ký hợp đồng khi cung cấp mũ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm.

4. Cung cấp 02 bản sao (sao y bản chính) giấy chứng nhận hợp quy hoặc 02 bản sao (sao y bản chính) thông báo tiếp nhận công bố hợp quy cho mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm đã ký hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Thông báo bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Chi cục Quản lý thị trường và Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất mũ bảo hiểm đăng ký kinh doanh bản sao (sao y bản chính) các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (giấy chứng nhận hợp quy, bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng) sau 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu mũ bảo hiểm

1. Thực hiện việc chứng nhận hợp quy đối với mũ bảo hiểm do mình nhập khẩu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN; chấp hành việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Chịu trách nhiệm về chất lượng mũ bảo hiểm do mình nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường.

3. Ký hợp đồng khi cung cấp mũ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm.

4. Cung cấp 02 bản sao (sao y bản chính) giấy chứng nhận hợp quy hoặc 02 bản sao (sao y bản chính) thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu cho mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm đã ký hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Thông báo bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Chi cục Quản lý thị trường và Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu mũ bảo hiểm đăng ký kinh doanh bản sao (sao y bản chính) các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng) sau 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm

1. Kinh doanh mũ bảo hiểm đã được:

a) Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN;

b) Gắn dấu hợp quy CR của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu;

c) Có nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

2. Xuất trình bản sao (sao y bản chính) chứng chỉ chất lượng (giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận công bố hợp quy đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước; giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu); bản sao (sao y bản chính) hợp đồng mua bán mũ bảo hiểm với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm khi có yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền.

3. Thông báo bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã (tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm) bản sao (sao y bản chính) các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (giấy chứng nhận hợp quy, bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng) của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhập hàng mũ bảo hiểm.

Điều 8. Trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm:

1. Đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cài quai mũ theo quy định sau đây:

a) Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;

b) Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.

Điều 9. Thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm phải thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền và các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Điều 10. Hướng dẫn về xử lý vi phạm

1. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm nếu vi phạm các quy định tại Thông tư liên tịch này và quy định của pháp luật khác có liên quan thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

a) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với việc sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm không thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR.

b) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khác có liên quan đối với việc:

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa như nhãn rách nát, mờ nhạt không đọc được nội dung, nhãn bị che lấp không đọc được, mũ không có nhãn;

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm các quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa như tên mũ; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất xứ hàng hóa (đối với mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất;

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ giả mạo mũ bảo hiểm về giá trị sử dụng, công dụng, chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa gây hiểu lệch về giá trị sử dụng, công dụng, nguồn gốc, nơi sản xuất, nơi đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm có nhãn hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với nhãn hàng hóa của cơ sở khác đã thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN;

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ có hình dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm nhưng không thực hiện biện pháp quản lý chất lượng theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, không có cấu tạo đủ 03 bộ phận quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này;

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 5; các khoản 3, 4, 5 Điều 6; các khoản 2, 3 Điều 7 Thông tư liên tịch này.

c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng.

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với việc kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến mũ bảo hiểm cho người tiêu dùng.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngành khoa học và công nghệ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường thuộc ngành công thương, các cơ quan khác có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm theo quy định tại Thông tư liên tịch này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra ngành khoa học và công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, lực lượng khác thuộc Công an nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm theo quy định tại Thông tư liên tịch này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chỉ đạo Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thanh tra, kiểm tra ngành khoa học và công nghệ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

3. Chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn quản lý.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc đội mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thanh tra, kiểm tra ngành khoa học và công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý theo quy định tại Thông tư liên tịch này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2013.

2. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được viện dẫn trong Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG




Trần Việt Thanh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Phạm Quý Ngọ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Ban Chỉ đạo 127 TW;
- Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN;
- Lưu: VT (BKHCN), TĐC (BKHCN), BCT, BCA, BGTVT.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Joint circular No. 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT of February 28, 2013, on the production, import, sale, and use of helmets for users of motorbikes and electric bicycles

  • Số hiệu: 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/02/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Mạnh Hùng, Lê Dương Quang, Trần Việt Thanh, Phạm Quý Ngọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản