Hệ thống pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2010/TTLT-TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tòa án nhân dân, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn như sau:

Chương I.

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động (sau đây viết tắt là hợp đồng bảo lãnh) giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 2. Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh

Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11-7-2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một loại tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Nếu hợp đồng bảo lãnh được xác lập trước ngày 01-01-2006 (ngày Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực) mà phát sinh tranh chấp thì áp dụng Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

2. Nếu hợp đồng bảo lãnh được xác lập từ ngày 01-01-2006 đến trước ngày 01-7-2007 (ngày Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực) mà phát sinh tranh chấp thì áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11-11-2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 07-07-2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết.

3. Nếu hợp đồng bảo lãnh được xác lập từ ngày 01-7-2007 trở đi mà phát sinh tranh chấp, thì áp dụng quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11-7-2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết.

Điều 4. Phối hợp trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh

Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh cần có sự phối hợp giữa Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Quản lý lao động ngoài nước, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi thụ lý vụ án, và các cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện các việc sau đây:

1. Khi có vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà Toà án nhân dân đã có văn bản yêu cầu trao đổi ý kiến thì Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề mà Toà án yêu cầu.

2. Khi có yêu cầu bằng văn bản của Tòa án hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết vụ án, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan đến bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang lưu giữ theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án có thể áp dụng quy định tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự về ủy thác thu thập chứng cứ để yêu cầu Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài (đối với địa bàn có Ban Quản lý lao động) hoặc của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài (đối với địa bàn không có Ban Quản lý lao động); các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu không cung cấp được chứng cứ cho Tòa án thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ cho Tòa án đã yêu cầu biết.

4. Khi có yêu cầu, Toà án đã giải quyết vụ án có trách nhiệm gửi bản án, quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Chương II.

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH TẠI TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Điều 5. Quyền khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh tại Toà án nhân dân

Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án dân sự về hợp đồng bảo lãnh tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 6. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện

Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai "Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm" của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ ngay các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Tài liệu, chứng cứ ban đầu người khởi kiện phải nộp cho Tòa án là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hợp đồng bảo lãnh, phụ lục hợp đồng bảo lãnh (nếu có). Trong quá trình giải quyết vụ án người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 7. Thời hiệu khởi kiện

1. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị xâm phạm.

Việc xác định thời hiệu khởi kiện, thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn tại mục 2 Phần IV Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Trường hợp tranh chấp hợp đồng bảo lãnh mà các bên không thoả thuận được với nhau về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nhưng theo quy định tại Điều 56 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quyền ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời hạn hợp lý, khi hết thời hạn đã được thông báo đó mà người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị xâm phạm.

Ví dụ: doanh nghiệp A có ký kết hợp đồng bảo lãnh với người bảo lãnh B về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đã phát sinh việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng hai bên không thỏa thuận được với nhau về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ngày 22-9-2009, người bảo lãnh B nhận được yêu cầu của doanh nghiệp A về việc phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn ba mươi ngày. Hết ngày 22-10-2009, người bảo lãnh B không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thông báo của doanh nghiệp A thì ngày 22-10-2009 là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A bị xâm phạm và thời hiệu khởi kiện là 2 năm được bắt đầu tính từ ngày 23-10-2009 cho đến hết ngày 23-10-2011.

Điều 8. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh của Toà án nhân dân

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thụ lý, giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Trong những trường hợp sau đây, tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33, khoản 2 Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 4 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự:

a) Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh mà người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài theo quy định tại tiêu mục 4.1 mục 4 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự.

b) Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh mà có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài quy định tại tiểu mục 4.2 và 4.3 mục 4 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự.

c) Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện mà Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết quy định tại khoản 2 Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Trường hợp không thay đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh của Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 412 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại tiểu mục 4.4 mục 4 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 9. Thu thập chứng cứ

1. Việc thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2005/HĐTP ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về "Chứng minh và chứng cứ".

2. Tuỳ thuộc vào nội dung vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh mà Tòa án có thể yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Toà án các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Các giấy tờ, tài liệu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp liên quan đến hợp đồng bảo lãnh như:

- Hợp đồng bảo lãnh; phụ lục hợp đồng bảo lãnh (nếu có); văn bản thanh lý hợp đồng bảo lãnh (nếu có); văn bản huỷ bỏ việc bảo lãnh (nếu có); văn bản thỏa thuận chấm dứt bảo lãnh (nếu có);

- Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phụ lục hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có); văn bản thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có).

b) Các giấy tờ, tài liệu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp liên quan đến việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như:

- Hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản hoặc ký quỹ;

- Văn bản chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

c) Các giấy tờ, tài liệu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo lãnh như:

- Văn bản thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của người lao động nếu người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài có yêu cầu;

- Văn bản thông báo về việc người lao động vi phạm hợp đồng hoặc bỏ trốn; văn bản chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động;

- Văn bản xử lý vi phạm đối với người lao động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nếu có);

- Các chứng cứ chứng minh về thiệt hại do người lao động gây ra;

- Văn bản thông báo cho người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho người lao động.

d) Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

Chương III.

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau bốn mươi lăm ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Các vụ án trước đây đã được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật mà bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm trừ trường hợp có những căn cứ khác. Các vụ án đang được giải quyết thì Tòa án áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này để giải quyết.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới, thì Tòa án nhân dân các cấp, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần báo cáo bằng văn bản về Toà án nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH & XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hoà

KT. CHÁNH ÁN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Trần Văn Tú

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Joint circular No. 01/2010/TTLT-TANDTC-BLDTBXH-VKSNDTC of May 18, 2010, guiding the application of legal provisions to settling at people''s courts disputes over guarantee contracts for guest workers

  • Số hiệu: 01/2010/TTLT-TANDTC-BLDTBXH-VKSNDTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 18/05/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Văn Tú, Nguyễn Thanh Hòa , Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản