Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

LIÊN NGÀNH
BẢO HIỂM XÃ HỘI – SỞ CSPC&CC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1276/LN/BHXH-SCSPC&CC

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH

VỀ VIỆC THU, PHÁT HÀNH VÀ QUẢN LÝ THẺ BHYT ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THÂN NHÂN SỸ QUAN, HẠ SỸ QUAN, CHIẾN SỸ SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư số 09/2009/TTLT-BYT-TC ngày 14/8/2009 của Liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.

Để thống nhất quy trình thu, phát hành và quản lý thẻ BHYT đối với các đối tượng là thân nhân sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (CSPC&CC) Thành phố Hà Nội quản lý. Liên ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Sở CS PC&CC thành phố Hà Nội hướng dẫn một số nội dung sau:

I. Nguyên tắc chung

1. Lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT:

- Đơn vị quản lý sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Sở CS PC&CC TP Hà Nội lập danh sách (kể cả số thân nhân cư trú tại các địa phương khác) chuyển BHXH quận, huyện, thị xã (gọi chung là BHXH huyện) nơi đơn vị đóng quân (kèm file dữ liệu).

- BHXH quận, huyện, thị xã, phòng Thu, phòng Cấp sổ, thẻ có trách nhiệm nhận danh sách, dữ liệu, in và bàn giao thẻ BHYT cho các đơn vị.

- Riêng thân nhân cán bộ, chiến sỹ công tác tại 7 phòng nghiệp vụ thuộc Sở CS PC&CC, thực hiện thu, in thẻ BHYT tại BHXH Thành phố Hà Nội.

Lưu ý: Không lập danh sách đề nghị cấp thẻ đối với thân nhân thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác.

2. Giá trị sử dụng thẻ BHYT:

- Thẻ có giá trị sử dụng 1 năm: đối với thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong Sở CS PC&CC TP Hà Nội. Trường hợp tăng bổ sung trong thời hạn 1 năm, in thẻ có giá trị sử dụng từ tháng phát sinh cho đến thời điểm kết thúc năm tài chính 31/12.

Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A, là cán bộ phòng Chính trị của Sở, tháng 3/2012 có tăng 5 thẻ của thân nhân → cấp thẻ có giá trị sử dụng từ 01/3/2012 đến 31/12/2012.

- Thẻ có giá trị sử dụng tối đa 3 năm (36 tháng): đối với thân nhân chiến sĩ nghĩa vụ tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, chiến sỹ.

Ví dụ 2: Anh Trần Văn B, nhập ngũ từ 01/02/2012, thời hạn phục vụ tại ngũ là 3 năm → cấp thẻ cho thân nhân của anh Trần Văn B có giá trị sử dụng từ 01/02/2012 đến 31/01/2015.

Trường hợp tăng bổ sung thời hạn 3 năm thì thẻ có giá trị sử dụng từ tháng phát sinh cho đến hết 36 tháng theo thời hạn phục vụ tại ngũ của chiến sỹ nghĩa vụ.

3. Thanh quyết toán kinh phí mua thẻ BHYT

3.1 Phương thức thanh toán: Căn cứ mức lương tối thiểu chung Nhà nước quy định từng thời điểm và giá trị sử dụng của thẻ trong năm để thanh, quyết toán kinh phí mua thẻ BHYT theo năm tài chính.

3.2 Thanh, quyết toán kinh phí mua thẻ

Căn cứ Biên bản giao nhận thẻ BHYT giữa đơn vị và cơ quan BHXH, Sở CS PC&CC TP Hà Nội thực hiện thanh, quyết toán kinh phí mua thẻ BHYT với BHXH TP Hà Nội theo 02 đợt :

- Đợt 1: Chậm nhất đến ngày 15/ 01 hàng năm, thực hiện tạm ứng 80% tổng kinh phí mua thẻ BHYT ước tính của cả năm.

- Đợt 2: Chậm nhất đến ngày 15/12 hàng năm, thực hiện thanh, quyết toán phần kinh phí còn lại của năm theo giá trị thẻ BHYT (tính đến 31/12 hàng năm).

II. Quy định cụ thể

1. Lập Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT và thời hạn bàn giao danh sách

- Danh sách thân nhân được lập theo đơn vị quản lý sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Sở CS PC&CC TP Hà Nội.

- Danh sách lập thành 04 bản (01 bản gửi BHXH huyện, 02 bản gửi Sở CS PC&CC TP Hà Nội và 01 bản để lưu tại đơn vị) kèm file dữ liệu, lập theo chương trình Excel, Fon chữ VN time.

- Danh sách lập theo 3 đợt:

+ Đợt 1 đối với thẻ BHYT có giá trị sử dụng 01 năm (từ 01/01 đến 31/12 hàng năm), thực hiện như sau:

Tháng 10 hàng năm, căn cứ file dữ liệu cấp thẻ BHYT của năm trước do cơ quan BHXH chuyển sang, đơn vị quản lý sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ rà soát để điều chỉnh dữ liệu (nếu có thay đổi về nhân thân, nơi đăng ký KCB ban đầu, giảm thẻ…), đồng thời lập bổ sung những trường hợp tăng mới vào Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT năm sau, chuyển đến cơ quan BHXH trước ngày 30/11 hàng năm;

+ Đợt 2 đối với thẻ BHYT có giá trị từ 01/03 (01/02) của năm thứ nhất đến 28/02 (31/01) của năm thứ 3, chuyển đến cơ quan BHXH trước ngày 15/02;

+ Đợt 3 đối với thẻ có giá trị từ 01/9 (01/8) của năm thứ nhất đến 31/8 (31/7) của năm thứ 3, chuyển đến cơ quan BHXH trước ngày 15/8 .

Trường hợp phát sinh có văn bản đề nghị của các đơn vị chuyển sang, cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT theo thỏa thuận giữa 2 bên.

Lưu ý: Riêng dữ liệu và Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đợt 1 năm 2012, đề nghị các đơn vị lập đầy đủ các tiêu thức theo quy định nhằm phục vụ công tác quản lý và làm cơ sở dữ liệu và danh sách gốc. Trên cơ sở đó kịp thời thống kê chính xác số lượng tăng, giảm thẻ BHYT theo quy định để năm 2013 và các năm tiếp theo không lập lại dữ liệu danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đợt 1 hàng năm.

2. Giảm thẻ BHYT

Khi giảm thẻ, đơn vị lập Danh sách báo giảm (biểu 03-TBH), nếu thẻ còn giá trị sử dụng lập danh sách thu hồi thẻ (mẫu C2A-BHHN) và thu hồi thẻ BHYT. Trường hợp không thu hồi được thẻ phải thanh toán kinh phí mua thẻ đến hết giá trị sử dụng còn lại của thẻ.

3. In ấn, bàn giao thẻ BHYT

- Căn cứ danh sách và dữ liệu đơn vị chuyển đến, cơ quan BHXH thực hiện in thẻ và bàn giao thẻ BHYT cho đơn vị chậm nhất sau 20 ngày làm việc (đối với danh sách đợt 1) hoặc sau 10 ngày làm việc (đối với danh sách các đợt tiếp theo), kể từ ngày nhận được danh sách và dữ liệu đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

- Khi bàn giao thẻ, BHXH huyện phải lập Biên bản giao nhận thẻ BHYT (theo mẫu), Biên bản được lập thành 04 bản (đơn vị: 02 bản để chuyển về Sở CS PC&CC 01 bản; BHXH huyện: 02 bản để chuyển về BHXH Thành phố 01 bản) trong đó xác định rõ số lượng, giá trị sử dụng và số tiền mua thẻ BHYT. Đối với thẻ do BHXH Thành phố in, Biên bản giao nhận thẻ BHYT lập 02 bản (BHXH TP: 01 bản, Sở CS PC&CC: 01 bản);

* Lưu ý: Đổi thẻ, cấp lại thẻ BHYT: Cơ quan BHXH in và trả thẻ cho đơn vị chậm nhất sau 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Trường hợp cấp lại do mất, hỏng: đối tượng có thẻ làm đơn và nộp phí theo quy định, gửi đơn vị lập danh sách đề nghị cấp lại để chuyển cơ quan BHXH thực hiện cấp lại.

- Trường hợp thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Được thực hiện vào 10 ngày đầu quý, các đơn vị lập Danh sách kèm thẻ BHYT chuyển đến cơ quan BHXH thực hiện cấp đổi .

- Trường hợp Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT do đơn vị lập sai: đơn vị quản lý lập Danh sách đề nghị cấp lại kèm thẻ BHYT sai chuyển đến cơ quan BHXH để in lại.

- Trường hợp cơ quan BHXH in sai so với Danh sách: Các đơn vị lập danh sách, chuyển thẻ BHYT in sai đến cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH in thẻ và trả cho đơn vị quản lý đối tượng chậm nhất sau 3 ngày làm việc.

- Trường hợp di chuyển

+ Đối với trường hợp cán bộ, chiến sỹ chuyển công tác trong nội bộ các đơn vị thuộc Sở CS PS&CC, đơn vị mới chỉ thu hồi thẻ và đề nghị cấp lại thẻ BHYT khi có thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Trường hợp không có thay đổi, khi lập Danh sách đề nghị cấp thẻ của năm sau, đơn vị mới thực hiện tăng và đưa vào Danh sách đề nghị cấp thẻ, đơn vị cũ báo giảm thẻ trong Danh sách và chuyển đến cơ quan BHXH;

+ Đối với các trường hợp chuyển công tác khác (không còn công tác tại các đơn vị thuộc Sở CS PC&CC TP Hà Nội) các đơn vị kịp thời thu hồi thẻ và lập Danh sách báo giảm chuyển đến cơ quan BHXH (trả thẻ cho cơ quan BHXH trước ngày mùng 06, giảm thẻ ngay trong tháng; trả thẻ từ ngày mùng 06 trở đi, giảm thẻ tháng sau liền kề). Trường hợp không thu hồi được thẻ phải thanh toán kinh phí mua thẻ đến hết giá trị sử dụng còn lại của thẻ BHYT;

+ Đối với các trường hợp thân nhân thay đổi nơi cư trú trong thành phố Hà Nội, đơn vị lập danh sách theo địa chỉ cư trú mới kèm thẻ BHYT chuyển đến cơ quan BHXH để cấp lại thẻ.

4. Nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu

Theo quy định, thân nhân (kể cả trường hợp thân nhân cư trú ở ngoại tỉnh) được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện và tương đương trở xuống (có ký Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH) gần nơi thân nhân cư trú.

III. Trách nhiệm thực hiện

1. Đối với các đơn vị thuộc Sở CS PC&CC TP Hà Nội

- Lập Danh sách thân nhân theo quy định.

- Chuyển Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT kèm dữ liệu đến cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng trụ sở trước ngày 30/11 (đợt 1), trước ngày 15/02 (đợt 2) và trước ngày 15/8 (đợt 3).

- Nhận thẻ BHYT và trao cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ có thân nhân thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT theo quy định..

- Khi nhận thẻ BHYT kiểm tra đối chiếu các thông tin trên thẻ với danh sách, Biên bản giao nhận thẻ BHYT về số lượng, giá trị sử dụng và kinh phí mua thẻ BHYT tại thời điểm giao nhận, đồng thời ký Biên bản giao nhận thẻ BHYT với cơ quan BHXH huyện.

- Lập Danh sách thu hồi thẻ (mẫu C2A-BHHN), báo giảm thẻ sang BHXH huyện nơi đơn vị đóng quân.

2. Đối với Sở CS PC&CC.

- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện BHYT cho thân nhân đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý;

- Phối hợp với cơ quan BHXH giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác Thu, phát hành thẻ BHYT;

- Lập Danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho thân nhân cán bộ, chiến sỹ của 7 phòng nghiệp vụ thuộc Sở theo định kỳ quy định tại điểm 1 mục II hướng dẫn này;

- Nhận thẻ từ BHXH Thành phố và trả cho cán bộ, chiến sỹ để chuyển cho thân nhân kịp thời theo quy định;

- Căn cứ Biên bản giao nhận thẻ trực tiếp với BHXH Thành phố và Biên bản do các đơn vị chuyển đến, thực hiện đối chiếu, thanh quyết toán tiền mua BHYT với BHXH thành phố Hà Nội.

3. Đối với ngành BHXH

3.1 BHXH huyện

- Nhận danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT kèm dữ liệu do các đơn vị chuyển đến để kiểm tra, đối chiếu Danh sách và dữ liệu;

- In thẻ BHYT, lập Biên bản giao nhận thẻ BHYT và trả thẻ BHYT cho đơn vị chậm nhất sau 20 ngày làm việc (đối với Danh sách đợt 1) và sau 10 ngày làm việc (đối với Danh sách các đợt tiếp theo) kể từ ngày nhận Danh sách và dữ liệu đủ cơ sở pháp lý theo quy định;

- Căn cứ danh sách báo giảm do đơn vị chuyển đến để giảm dữ liệu phát hành thẻ BHYT, đồng thời thu hồi thẻ BHYT còn giá trị sử dụng (nếu có) để hủy theo quy định;

- Lập Bảng tổng hợp và chuyển Biên bản giao nhận thẻ BHYT đã có xác nhận của đơn vị về số lượng, giá trị sử dụng và kinh phí mua thẻ tại thời điểm giao nhận thẻ BHYT về BHXH TP Hà Nội trước ngày 10/01 (đối với đợt 1) và trước ngày 10/12 (đối với các đợt tiếp theo) hàng năm.

3.2 BHXH TP Hà Nội.

- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thu, phát hành thẻ BHYT đối với BHXH huyện.

- Trực tiếp thu, in và giao nhận thẻ BHYT của thân nhân cán bộ, chiến sỹ công tác tại Sở CS PS&CC TP Hà Nội;

- Căn cứ mức lương tối thiểu chung Nhà nước quy định từng thời điểm và Biên bản giao nhận thẻ BHYT từng đợt (do BHXH huyện chuyển về và Biên bản giao nhận thẻ với Sở CS PC&CC), thực hiện lập Bảng tổng hợp kinh phí mua thẻ BHYT, đối chiếu và thanh quyết toán kinh phí mua thẻ BHYT với Sở CS PC&CC thành phố Hà Nội theo quy định tại tiết 3.2 điểm 3 mục I hướng dẫn này.

IV. Tổ chức thực hiện

Hướng dẫn này được làm cơ sở thực hiện thay thế cho việc ký kết Hợp đồng mua và cấp thẻ BHYT đối với đối tượng là thân nhân Sở CS PC&CC theo định kỳ hàng năm.

Hướng dẫn này được thực hiện từ ngày 01/10/2011.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở CS PC&CC TP Hà Nội và BHXH thành phố Hà Nội để thống nhất giải quyết./.

 

SỞ CSPC&CC TP HÀ NỘI
KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đại tá: Vương Xuân Đồng

BẢO HIỂM XÃ HỘI TP HÀ NỘI
KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Huỳnh Thị Mai Phương

 

Nơi nhận:
- BHXH VN, BHXH Bộ Công an (để b/c);
- BHXH Q, H, TX (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc Sở CSPC&CC TPHN (để thực hiện);
- Lưu VT- BHXH, Së CSPC&CC (PCT)